vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức về ngành >10 lý do đưa game thủ trở thành chiến lược Marketing số một của các thương hiệu

10 lý do đưa game thủ trở thành chiến lược Marketing số một của các thương hiệu

Trước bối cảnh tăng trưởng không ngừng của ngành công nghiệp game toàn cầu, cộng đồng game thủ trở thành đối tượng mục tiêu hấp dẫn của các thương hiệu. Hãy cùng điểm qua Top 10 lý do khiến người chơi đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Marketing của các thương hiệu hiện nay. 

Ngày nay, trò chơi điện tử không còn là lãnh địa độc tôn của cộng đồng game thủ. Theo báo cáo từ InMobi, 60% người làm marketing đã bắt đầu sử dụng hình thức quảng cáo trong các trò chơi điện tử trên thiết bị di động từ hai năm trước. Điều này dẫn đến khả năng chi tiêu cho quảng cáo tăng gấp đôi kể từ khi bắt đầu đại dịch. Bên cạnh đó, mức độ tương tác của đối tượng khách hàng cũng cao hơn, khả năng đo lường hiệu suất quảng cáo lớn hơn. Báo cáo cho thấy, 98% nhà quảng cáo chi nhiều hơn cho các ứng dụng trò chơi điện tử trên thiết bị di động, dẫn đến lợi nhuận ròng tăng trưởng gấp đôi so với số tiền đã chi. 

Ảnh: Game Marketing Genie 

Cùng với trò chơi điện tử và các giải đấu eSport, một nền văn hóa giải trí lớn hơn đang dần mở ra, chúng phát triển không ngừng từ khán giả đến thể loại trò chơi. Điều này tạo nên cơ hội cho vô số thương hiệu thuộc đa dạng ngành nghề có thể đạt được thành công ở lĩnh vực này theo nhiều cách thức khác nhau.

Một số thương hiệu như Gillette, H&M hay Ngân hàng ICICI đã hợp tác cùng các nhà phát triển game để tiếp cận đối tượng mục tiêu của họ. Những người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng game thủ như DrDisrespect, Shroud hay NickMercs đang nhận được sự quan tâm lớn từ các nhãn hàng nhờ vào lượng người theo dõi và khả năng tạo ra tác động với người chơi.

Dưới đây là tập hợp 10 lý do hàng đầu đưa game thủ trở thành đối tượng khách hàng tiềm năng của vô số thương hiệu:

  1. Sự phát triển của ngành công nghiệp game

Ngành công nghiệp game thế giới đang đứng trước khả năng thu về những cột mốc tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023. Theo thống kê từ Newzoo, doanh thu thị trường game toàn cầu ước tính đạt mức 196 tỷ USD vào năm nay, tăng hơn 30 tỷ đô USD so với 2020. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự phổ biến ngày càng rộng rãi của trò chơi điện tử trên thiết bị điện tử và các thể loại thể thao điện tử. Đặc biệt, việc mở rộng thị trường sang những quốc gia mới nổi ở châu Á và Mỹ Latinh cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp game toàn cầu.

Dự báo tăng trưởng thị trường game toàn cầu đến năm 2024. Ảnh: Game Marketing Genie

Ngoài ra, các xu hướng công nghệ tiếp theo như 5G, video 360 độ, AR, VR và Web3 cũng không đứng ngoài quy luật tăng trưởng này. Đồng thời, sự xuất hiện của hệ sinh thái nội dung mới do người chính cộng đồng người chơi eSport, các content creator và streamer thực hiện sẽ thúc đẩy thị trường game ngày càng trở nên hấp dẫn và sôi động hơn.

  1. Góp phần tạo ra xu hướng và thúc đẩy làn sóng văn hóa giải trí mới mẻ

Cộng đồng game thủ có khả năng tạo ra xu hướng và thúc đẩy văn hóa thông qua tình yêu của họ dành cho trò chơi điện tử. Điều này được biểu hiện ở cách thức chi tiền đối với những sản phẩm liên quan đến trò chơi mà họ quan tâm như áo phông, mũ, cốc, logo hay bộ sưu tập các nhân vật trong game. Hình thức thể hiện bản thân này cho thấy sự ủng hộ của người chơi đối với một tựa game hoặc một thương hiệu trò chơi cụ thể. Đồng thời, với những cộng đồng lớn mạnh, việc tạo và chia sẻ nội dung trực tuyến như meme, fan art hay video có thể góp phần tạo ra sự phổ biến hay các xu hướng trên mạng xã hội.

Hiện nay, ngành công nghiệp game cũng dần hình thành những ảnh hưởng nhất định đối với lĩnh vực thời trang. Chẳng hạn, tựa game Fortnite đã phối hợp cùng các thương hiệu thời trang để mang những nhiều thiết kế vào trò chơi. Game thủ được phép thay đổi trang phục cho ảnh đại diện của bản thân bằng cách sử dụng hệ thống vật phẩm thời trang cao cấp và sắp đặt chúng theo ý muốn, cũng như chi tiền để có thể sở hữu nhiều sản phẩm kỹ thuật số khác. Các tên tuổi hàng đầu trong ngành công nghiệp thời trang như Balenciaga, Gucci, The North Face và Christian Louboutin đang dần bắt tay thực hiện kế hoạch này. 

Sự kết hợp giữa Balenciaga và tựa game Fortnite. Ảnh: Highsnobiety 

Như vậy, những người có ảnh hưởng trong thế giới game đã truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, tạo nên xu hướng và cách thức thể hiện bản thân bằng nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, Jasmine Asia, game thủ và cũng là người mẫu chuyên nghiệp, cô ấy đã tận dụng thế mạnh thời trang của bản thân để xây dựng hình tượng một game thủ sở hữu vẻ ngoài đầy cá tính.

  1. Tệp khách hàng rộng lớn 

Game thủ là tập hợp đa dạng của những cá thể có chung niềm đam mê với trò chơi điện tử. Loại hình giải trí này ngày càng trở nên phổ biến trong vài năm gần đây, bằng chứng là sự gia tăng của số lượng game trên cả nền tảng console và thiết bị di động, cũng như sự phát triển của các thể loại game eSport. Có thể nhận thấy, trò chơi điện tử ngày nay không những toàn diện, đa dạng hơn mà còn phù hợp với nhiều đối tượng người dùng, dành cho mọi lứa tuổi với trình độ và kỹ năng khác biệt. 

Người chơi game đến từ khắp nơi trên thế giới, sở hữu nền tảng văn hóa – xã hội riêng biệt. Do đó, rất khó để xác định yếu tố nhân khẩu học (giới tính, độ tuổi, v.v…) thống nhất của đối tượng này, có người chơi dành tình yêu cho mọi thể loại game nhưng cũng xuất hiện những cá nhân “khó tính”, đòi hỏi cao hơn ở tựa game và sở hữu kỹ năng xuất sắc hơn. Một phân tích cảm xúc của game thủ được đăng tải trên Newzoo cho thấy mức độ đa dạng của cộng đồng người chơi tại Hoa Kỳ, cụ thể:

  • 46% nữ giới
  • 20% người Latin, 15% người da màu và 5% người Mỹ gốc Á
  • 16% thuộc cộng đồng LGBTQIA+
  • 31% gặp các vấn đề về sức khỏe, nhiều nhất là sức khỏe tinh thần

Ảnh: Rebold

Về sức mua, game thủ có khả năng chi tiền nhiều hơn cho các thiết bị công nghệ phần cứng như bảng điều khiển, video games và phụ kiện liên quan. Bên cạnh đó, họ còn có xu hướng mua hàng trong các trò chơi như vật phẩm, tiền ảo, v.v… nhằm nâng cao trải nghiệm bản thân. Nhìn chung, dù tìm đến game nhằm mục đích giải trí hay thi đấu thì người chơi game đều gắn kết mọi người với nhau và tạo ra cộng đồng của riêng mình.

  1. Cộng đồng có tính kết nối cao độ

Trái ngược với suy nghĩ về sự hướng nội của game thủ, đa phần họ rất thích giao lưu, tương tác và kết nối cùng người chơi khác thông qua các cuộc thảo luận, thử thách cạnh tranh hoặc những trò chơi đồng đội. Chính vì điều này mà hầu hết game thủ đều tập hợp ở các hội nhóm kín trên mạng xã hội, nơi mà bạn có thể dễ dàng nhận thấy sự tụ tập của họ.

Ảnh: The Game Marketer

Một số không gian chào đón người chơi ở mọi cấp độ, một số khác mang tính cạnh tranh và chú trọng vào kỹ năng nhiều hơn. Twitch là nền tảng nổi tiếng khi cho phép phát trực tiếp trò chơi điện tử. Người dùng có thể livestream quá trình chiến đấu củ họ đến lượng lớn khán giả đang xem. Ngoài ra, nền tảng cũng tích hợp nhiều tính năng khác như phòng chat, tùy chỉnh cảm xúc, v.v…. Nhờ những yếu tố này đã đưa Twitch trở thành nền tảng phát trực tiếp trò chơi hàng đầu thế giới, thu hút lượng lớn sự quan tâm từ cộng đồng game thủ.

Một số gợi ý giúp thương hiệu tiếp cận người chơi:

  • Các nền tảng gaming hoặc trang web trực tuyến như Twitch, Youtube và Facebook Gaming
  • Các giải đấu hoặc hội nghị về game
  • Diễn đàn hoặc cộng đồng game trên Reddit, Discord
  1. Nhiều định dạng quảng cáo được tích hợp 

Hiện nay, nhiều tựa game bắt đầu tích hợp một số quảng cáo vào gameplay nhưng vẫn đảm bảo quá trình trải nghiệm trò chơi của người dùng. Điều này đồng nghĩa rằng các game thủ không cần phải thoát khỏi trò chơi mỗi khi xuất hiện quảng cáo. Thương hiệu cần thấu hiểu đối tượng khách hàng hướng đến để đưa ra các định dạng quảng cáo phù hợp, phục vụ mục tiêu thương hiệu và tăng thêm yếu tố thú vị cho tựa game. 

Dưới đây là một số định dạng quảng cáo phổ biến trong trò chơi điện tử:

  • Quảng cáo tĩnh: Đây là định dạng xuất hiện trực tiếp trong bảng điều khiển, PC và trò chơi trên thiết bị di động, thường được tích hợp ngay từ giai đoạn thiết kế tựa game. Do đó, thương hiệu cần mối quan hệ trực tiếp với nhà sản xuất và phát triển trò chơi.
  • Quảng cáo động (DIGA): Loại quảng cáo phổ biến nhất, cho phép thương hiệu hiện quảng cáo theo địa lý và thời gian thực trong trò chơi điện tử. Một số hình thức phổ biến bao gồm: áp phích, môi trường 3D, biển quảng cáo, trạm dừng xe buýt, v.v… Quảng cáo động cho phép người dùng thay thế một số vật phẩm chung chung như lon nước ngọt không nhãn hiệu bằng các sản phẩm tương tự đời thực.

Thương hiệu Balenciaga ra mắt bộ sưu tập Thu Đông 2021 thông qua trò chơi điện tử “Afterworld: The Age of Tomorrow. Ảnh: Unreal Engine 

  • Quảng cáo hiển thị hình ảnh (Display Ads): thường xuất hiện trong các menu bắt đầu hoặc tạm dừng của trò chơi, cũng như giữa phần nội dung video, làm cho video bị tạm dừng. 
  • Quảng cáo trả thưởng (Rewarded Ads): là loại quảng cáo phổ biến nhất trong các tựa game. Người chơi có thể quyết định xem hết video hay không để đổi lấy một phần thưởng trong kho ứng dụng.
  • Trò chơi quảng cáo (Advergames): đây không đơn thuần là việc tích hợp quảng cáo trong trò chơi. Ở thể loại này, trò chơi điện tử được xây dựng nhằm mục đích quảng bá sản phẩm. Cụ thể, thương hiệu sẽ tạo ra tựa game chứa đựng hình ảnh, vật phẩm liên quan trực tiếp đến yếu tố đang được bán.
  1. Quy mô ngày càng lớn mạnh của ngành công nghiệp game

Các sự kiện và hội nghị về game ngày càng trở nên phổ biến, đây là nơi mà người chơi có thể gặp gỡ, chia sẻ và thưởng thức những tựa game hay sản phẩm công nghệ mới nhất. Bên cạnh đó, thể thao điện tử cũng trải qua một khoảng thời gian dài phát triển, thu hút hàng triệu người xem với giá trị giải thưởng vô cùng lớn. 

Dưới đây là một số sự thật về eSport có thể khiến bạn ngạc nhiên:

  • Theo báo cáo từ eSport Insider, giải vô địch Liên Minh Huyền Thoại năm 2022 đã trở thành trò chơi điện tử thu hút lượng người xem lớn nhất thế giới, phá kỷ lục với hơn 5.1 triệu lượt xem đồng thời.
  • Năm 2019, Dota International 2 và Fortnite World Cup có tổng giải thưởng vượt quá 30 triệu USD ngay từ năm đầu tiên tổ chức.

Ngoài ra, các nền tảng phát trực tuyến như Twitch hay Youtube Gaming cũng tác động đáng kể đến ngành công nghiệp game toàn cầu. Twitch và Youtube hiện sở hữu lượng khán giả yêu thích trò chơi điện tử lớn hơn cả HBO, Netflix và ESPN cộng lại.

Bên trong một trận thi đấu Liên Minh Huyền Thoại. Ảnh: Variety 

Những nền tảng này cung cấp không gian giúp người dùng dễ dàng theo dõi các game thủ khác, cũng như mang đến phương thức gia tăng thu nhập cho cộng đồng người chơi chuyên nghiệp thông qua quảng cáo, tài trợ và quyên góp. Điều này dẫn đến sự hình thành của những đội tuyển game, chuyên chinh chiến tại các giải đấu chuyên nghiệp.

Twitch, Facebook Gaming hay Youtube Gaming tạo ra cơ hội giúp nhà phát triển dễ dàng quảng bá trò chơi, kết nối với đối tượng khách hàng mà họ muốn tiếp cận. Trong những năm gần đây, nhiều đơn vị sản xuất game đã kết hợp cùng các streamer nhằm tạo ra nội dung xoay quanh trò chơi của họ, góp phần gia tăng phạm vi tiếp cận và khả năng hiển thị tựa game.

  1. Sức ảnh hưởng to lớn của đội ngũ Gaming Influencer

Sự gia tăng nhanh chóng của số lượng Influencer ở lĩnh vực game là xu hướng đáng chú ý, đang tiếp tục phát triển và gây dựng tiếng vang nhất định cho tương lai của trò chơi điện tử. Tương tự Influencer trong bất kỳ lĩnh vực nào, các Gaming Influencer nắm giữ sức ảnh hưởng với đối tượng người theo dõi họ, cũng như sở hữu cộng đồng cùng chung đam mê đáng ngưỡng mộ.

Ảnh: The Atisfyreach Blog

Gaming Influencer đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quảng bá thương hiệu. Bất kể bạn có thấu hiểu sâu sắc về các định dạng trò chơi trên Youtube, Twitch hay không, Influencer trong lĩnh vực game sẽ giúp thương hiệu quảng bá chúng đến người xem, review lối chơi hay trở thành đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng. Bằng cách hợp tác cùng Gaming Influencer, doanh nghiệp có thể khai thác sức ảnh hưởng của họ nhằm tạo ra sức ảnh hưởng và quảng bá thương hiệu một cách hiệu quả.

  1. Lĩnh vực tiềm năng cho hoạt động Creative Marketing 

Triển khai hoạt động marketing trong ngành công nghiệp game là một thách thức đòi hỏi sự cân bằng giữa yếu tố sáng tạo (creative) và tính chiến lược (strategy). Một mặt, thương hiệu mong muốn tạo ra các chiến dịch quảng bá ấn tượng, dễ dàng thu hút đối tượng khách hàng tiềm năng. Mặt khác, họ cũng cần đảm bảo sự hiệu quả trong việc tương tác và thúc đẩy doanh số. Vì vậy, marketing thông qua trò chơi điện tử cần một cách tiếp cận sáng tạo, đưa ra những ý tưởng thật sự đột phá để trở nên nổi bật trong một thị trường người dùng đông đảo.

Thương hiệu Ballantine’s với hương vị Scotch Whisky đã có màn hợp tác cùng Borderlands The Game triển khai chiến dịch marketing độc đáo nhằm chinh phục đối tượng khách hàng millennials (gen Y). Chiến dịch giới thiệu phiên bản giới hạn loại rượu của thương hiệu đã sử dụng nhãn chai cá nhân hóa theo hình ảnh Moxxi – một nữ anh hùng đến từ tựa game Borderlands. 

Bên cạnh các nhãn chai, chiến dịch còn thực hiện video quảng cáo kéo dài 2 phút hay thay đổi profile mạng xã hội Linkedin và Twitter. Đội ngũ đứng sau chiến dịch đã cho thấy sự thấu hiểu tâm lý của cộng đồng game thủ, khi nhắm vào tệp người chơi millennials (gen Y) – đối tượng khách hàng chính của thị trường đồ uống có cồn cao cấp. 

  1. Xây dựng nhận thức về thương hiệu một cách tự nhiên

Việc tích hợp sản phẩm và thương hiệu vào trải nghiệm trò chơi có thể khiến hoạt động marketing trở nên tinh tế và thú vị hơn so với những phương thức truyền thống. Đồng thời, việc này cũng không cản trở quá trình trải nghiệm tựa game của người dùng như các hình thức thông thường. Tuy nhiên, thương hiệu vẫn cần đảm bảo rằng nỗ lực quảng bá của họ phải minh bạch, không làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn và niềm hứng thú của cộng đồng game thủ. 

  1. Lĩnh vực dành cho người biết nắm bắt cơ hội

Khi hình trò chơi điện tử và eSport trở thành phương thức giải trí ngày càng phổ biến, nhiều thương hiệu thuộc đa dạng ngành nghề bắt đầu lấn sân sâu hơn vào ngành công nghiệp game. Điều này đồng nghĩa rằng không chỉ các doanh nghiệp quen thuộc ở lĩnh vực F&B mà còn bao gồm những nhãn hàng khác, khiến cho bản thân lĩnh vực này cùng sản phẩm quảng cáo của chúng trở nên đa dạng hóa hơn. 

Ảnh: The Game Marketer

Những lĩnh vực không liên quan trực tiếp đến trò chơi điện tử như các nhãn hàng xa xỉ, F&B, thể thao, thực phẩm, tổ chức phi chính phủ, v.v… đang hướng đến đối tượng khách hàng gen Z thông qua các quảng cáo trò chơi. Hơn nữa, sự phát triển của nền văn hóa xoay quanh trò chơi điện tử và eSport tạo ra vô số cơ hội cho các thương hiệu khai thác thị trường tiềm năng này. Có thể khẳng định, ngành công nghiệp game đang mở ra cánh cửa thú vị cho nhiều doanh nghiệp tiến vào, đặc biệt là những thương hiệu tưởng chừng không có mối liên hệ với thể loại giải trí này.

Nhìn chung, để thương hiệu có thể đạt được thành công nhờ vào hoạt động Marketing ở lĩnh vực game, bạn cần quảng bá chính xác những gì mà game thủ thật sự quan tâm và muốn xem. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho doanh nghiệp ở sân chơi tỷ đô này.

Nguồn tham khảo: gamemarketinggenie.com

Diệu Ngô