VFX Supervisor, Giám đốc điều hành của team Việt Nam thực hiện Squid Game: “Cảnh kéo co là khó làm nhất!”
Đã có cuộc phỏng vấn với anh Alvin Yun, Giám đốc điều hành của Opim Digital đồng thời cũng là VFX Supervisor của Squid Game.
Squid Game – bộ phim mới của Netflix, đồng thời là bộ phim thuộc chủ đề trò chơi sống còn đầu tiên của Hàn Quốc – đã được phát hành vào 17/9 vừa qua. Sau khi ra mắt, bộ phim không chỉ nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các chuyên gia mà còn liên tục giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng trending ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, Squid Game không chỉ thu hút chúng ta bởi nội dung và màu sắc mới mẻ. Trong phần credit “đầy tự hào” của bộ phim nổi tiếng thế giới còn có nhiều gương mặt trẻ Việt Nam đến từ Opim Digital tham gia vào công đoạn hậu kỳ Kỹ xảo Điện Ảnh.
Anh Alvin Yun – VFX Supervisor của Squid Game, đồng thời là Giám đốc điều hành của Opim Digital
Opim Digital là studio chuyên về Kỹ xảo Điện Ảnh hay còn gọi là Visual Effects (VFX). Công ty hiện có cơ sở hoạt động tại cả Việt Nam và Hàn Quốc. Có thể nói, đây là một studio khá “dày dặn kinh nghiệm” khi trước đó từng tham gia quá trình hậu kỳ nhiều bộ phim đình đám, bao gồm Sweet Home, Itaewon Class…
Đã có cuộc phỏng vấn với anh Alvin Yun, Giám đốc điều hành của Opim Digital đồng thời cũng là Giám sát hiệu ứng hình ảnh (VFX Supervisor), về quá trình studio hợp tác sản xuất Squid Game, cũng như suy nghĩ của anh về tiềm năng của ngành VFX và Digital Art tại Việt Nam hiện nay.
Hàng loạt cái tên Việt Nam xuất hiện trong credit của Squid Game gây xôn xao thời gian vừa qua
Theo anh Alvin Yun chia sẻ, Opim Digital đã đảm nhận phân đoạn “prep” và “compositing” trong Squid Game.
Trong các phân đoạn của VFX, “prep” là phân đoạn loại bỏ và xử lý các yếu tố không mong muốn xuất hiện trên phông nền trong các cảnh quay thô (chưa qua chỉnh sửa), nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các Chuyên viên xử lý hậu kỳ (Compositor) thêm hiệu ứng vào nền. Ngoài ra, phân đoạn này cũng thực hiện sắp xếp lại các khung hình không đồng đều và không ổn định.
Trong khi đó, “compositing” được gọi là giai đoạn “tổng hợp” hay “xử lý hậu kỳ”. Cụ thể, phân đoạn này sẽ kết hợp các yếu tố hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau và làm cho chúng trông như thuộc về cùng một không gian tự nhiên, chẳng hạn như có thể thêm mới các vật thể, bối cảnh hoặc đám đông mà không thể biểu hiện trong thực tế vào một cảnh quay có sẵn. Đây là công đoạn không thể thiếu trong quá trình sản xuất nhiều thể loại phim, video, hoạt hình hay trò chơi.
Squid Game hiện đang gây sốt bởi loạt thành tích trên thị trường phim ảnh quốc tế
Trong quá trình thực hiện VFX cho Squid Game, đâu là thử thách lớn nhất cho team Opim Digital?
Chúng tôi đã rất khó khăn mới có thể chuyển được phông nền trong phân cảnh trò chơi kéo co sang màu đen. Vì tông màu gốc là màu sáng nên việc chuyển nền sang màu tối khiến chi tiết phần tóc của các nhân vật bị chìm đi nhiều. Đây là điểm khiến tôi thấy khá tiếc. Ngoài ra, đây cũng là cảnh quay trong Squid Game khiến team Opim tốn nhiều công sức để làm nhất.
Studio đã mất bao lâu để xử lý xong công đoạn VFX cho Squid Game?
Tại Hàn Quốc có Nhà thầu chính riêng và chúng tôi – với tư cách là người nhận việc từ Nhà thầu chính – không tham gia vào quá trình quay phim. Vì vậy mà chúng tôi cũng không mất quá nhiều thời gian mà chỉ mất khoảng 4 tháng để hoàn thiện.
Phân cảnh trò chơi kéo co tốn nhiều thời gian thực hiện của team Opim Digital
Squid Game không chỉ là bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc đạt No.1 bảng xếp hạng “Today’s Top 10” trên Netflix tại Mỹ mà còn nhận được đánh giá cao từ khán giả. Là một team đóng góp vào tác phẩm này, mọi người cảm thấy như thế nào?
Thực sự mà nói thì chúng tôi không thực sự cảm nhận được điều gì đó quá lớn. Cũng bởi vì chúng tôi hiện đang thực hiện rất nhiều các dự án khác nữa. Một năm, chúng tôi làm khoảng hơn 150 dự án. Vì thế, với chúng tôi, Squid Game cũng chỉ là một trong rất nhiều dự án.
Được biết, OPIM DIGITAL đã mở cơ sở tại TP. HCM rồi sau đó mới phát triển chi nhánh tại Hàn Quốc. Khi làm việc cùng một team người Việt, hầu hết đều là các bạn trẻ như vậy, anh cảm thấy như thế nào?
Hầu hết các bạn trẻ Việt ở công ty chúng tôi đều rất nhiệt huyết. Họ thực sự có ý chí học hỏi và thái độ rất tốt. Thực tế, dù công ty Opim chúng tôi là một công ty liên kết Hàn – Việt, nhưng sau quá trình làm việc và sinh hoạt cùng nhau, dường như chúng tôi không cảm nhận được sự xung đột hay khó khăn nào khi khác quốc tịch. Tôi luôn muốn cảm ơn các bạn họa sĩ Việt vì đã làm việc rất chăm chỉ.
Nhiều người trẻ Việt Nam khiến khán giả “phổng mũi” tự hào khi tham gia thực hiện Squid Game
Nhiều người Việt đã tham gia vào công đoạn VFX cho nhiều dự án phim ảnh. Anh nghĩ như thế nào về tiềm năng của ngành VFX và Digital Art tại Việt Nam?
Theo tôi, ngành VFX và Digital Art của Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Hiện nay, tại Việt Nam, giới trẻ đang chiếm một số lượng khá đông đảo nên có tiềm năng về nguồn nhân lực. Ngoài ra, về mặt kinh nghiệm, những đối tượng này cũng tiếp thu rất nhanh. Vì vậy, tôi nghĩ, 5 năm sau, lĩnh vực này của Việt Nam sẽ có thể trở thành lĩnh vực có năng lực cạnh tranh khá mạnh trên trường quốc tế.
Vậy anh nghĩ đâu là lý do khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc lựa chọn hợp tác với các studio Việt Nam để làm VFX?
Thực ra, cung cầu về nhân lực và chi phí nhân công có thể gọi là hai lý do lớn.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét đến khía cạnh chi phí nhân công thì chúng tôi có thể lựa chọn nhân lực của các nước khác trong khu vực Đông Nam Á hoặc lựa chọn các quốc gia có chi phí nhân công thấp hơn nữa. Theo kinh nghiệm của tôi, Việt Nam và Hàn Quốc có độ tương đồng về văn hóa lớn đến mức không thể làm ngơ, mà mang lại cảm giác quen thuộc đến lạ.
Từ văn hóa sử dụng đũa giống nhau đến văn hóa ẩm thực không hề khó tiếp nhận và điều quan trọng nhất chính là sự cần mẫn của người Việt. Có thể, chi phí nhân công đang là một yếu tố lớn mà nhiều nhà sản xuất cân nhắc đến nhưng tôi nghĩ, sau này, dù chi phí nhân công có tăng lên do kinh tế Việt Nam phát triển đi chăng nữa thì các mối quan hệ hợp tác cũng sẽ tiếp tục được tăng cường để có được năng lực và kỹ thuật đã phát triển ấy của Việt Nam mà thôi.
Bên cạnh Squid Game, Opim Digital từng thực hiện VFX cho loạt phim Hàn đình đám khác
Ngoài Squid Game, Opim Digital còn từng thực hiện VFX cho nhiều bộ phim như Sweet Home, Itaewon Class, Hi!Bye Mama… Vậy quá trình để team nhận một tác phẩm và bắt đầu làm nó đến khi hoàn thành, thường diễn ra như thế nào?
Quá trình này thường diễn ra theo hai phương thức là thông qua Nhà thầu chính và thông qua Nhà thầu phụ.
Với những bộ phim chúng tôi nhận từ Nhà thầu chính, các công đoạn như tiền sản xuất (Pre-Production) và sản xuất (Production) đều phải được tiến hành thông qua bàn bạc với đạo diễn. Sau khi các cảnh quay đã được quay xong, thì quá trình hậu kỳ sẽ được tiến hành như sau:
- Tiến hành on set (ứng biến hiện trường quay phim)
- Nhận dữ liệu tại Hàn Quốc (Phòng DI hay phòng biên tập)
- Chọn đội làm việc
- Tiến hành công việc
- Trưởng nhóm phê duyệt
- Người giám sát phê duyệt
- Gửi dữ liệu đã được phê duyệt đó sang Hàn Quốc
- Đạo diễn xác nhận, phê duyệt
- Gửi dữ liệu kết quả cuối cùng sang Hàn Quốc
Còn với những bộ phim chúng tôi nhận từ Nhà thầu phụ thì hầu hết các công đoạn cũng giống như vậy, tuy nhiên, chúng tôi không phải on set và gửi, nhận dữ liệu tới Nhà thầu chính.
Quá trình Opim Digital tạo nên một số cảnh phim Hàn Quốc nổi tiếng với khán giả Việt
Về yếu tố địa lý giữa Việt Nam và Hàn Quốc, việc hầu hết nhân sự vẫn làm việc tại Việt Nam có là một khó khăn đối với OPIM DIGITAL?
Trước tiên, vì dữ liệu công việc nguyên bản của Netflix khá là nặng nên chúng tôi cũng có gặp chút khó khăn trong quá trình nhận và truyền dữ liệu. Ngoài ra thì hiện nay, vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên chúng tôi phải tổ chức họp qua video online. Mong rằng tôi có thể quay lại Việt Nam để gặp các nhân viên của mình càng sớm càng tốt.
Nguồn bài viết: Viez.vn