vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức về ngành >Xu hướng phim chuyển thể từ game: Thế hệ điện ảnh ăn khách tiếp theo?

Xu hướng phim chuyển thể từ game: Thế hệ điện ảnh ăn khách tiếp theo?

Được giới phê bình đánh giá là “tác phẩm truyền hình xuất sắc nhất được chuyển thể từ game”, sự thành công của “The Last of Us” sẽ tác động thế nào đến cục diện chung của ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu thời gian tới?

Sự lên ngôi của loạt dự án chuyển thể từ game

“The Last of Us” ra mắt đầu năm nay được cho là tác phẩm thành công nhất của HBO kể từ sau “Trò chơi vương quyền” (Game of Thrones). Trở về một thập kỷ trước, ý tưởng cho ra đời bộ phim chuyển thể dựa trên trò chơi điện tử, vừa có khả năng vươn tới cột mốc doanh số ấn tượng, vừa nhận về phản hồi tích cực từ giới chuyên môn được xem như điều không tưởng. Tuy nhiên, trước bối cảnh truyền thông ngày càng chuyển động mạnh mẽ thì điều này hoàn toàn có thể thay đổi.

Mặc dù tính đến thời điểm hiện tại, “The Last of Us” thu về nhiều lời ngợi khen và trở thành “tác phẩm truyền hình xuất sắc nhất được chuyển thể từ game”. Nhưng thực tế những năm gần đây, thị trường giải trí không thiếu vắng tác phẩm ăn khách vốn được phát triển dựa trên các tựa game nổi tiếng. Điển hình, phim điện ảnh thể loại hài hước phiêu lưu “Sonic the Hedgehog” (Nhím Sonic) phát hành năm 2020 đã cán mốc 319.7 triệu USD trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng 85-90 triệu USD. Bộ phim thậm chí còn làm được nhiều hơn thế nếu thời gian công chiếu không bị cắt giảm vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, phần 2 của dự án này còn vượt qua con số mà phần 1 đạt được khi thu về 405.4 triệu USD với mức đầu tư khoảng 90 – 110 triệu USD. Tiếp đó, “Detective Pikachu” cũng chứng kiến thành công tương tự bằng con số doanh thu 433.2 triệu USD trong khi hao tốn cho quá trình sản xuất chỉ rơi vào mức 150 triệu USD.

Dòng phim siêu anh hùng dần sụt giảm sức hút

Ở thời điểm mà phim chuyển thể từ trò chơi điện từ ngày càng nở rộ thì những tác phẩm siêu anh hùng dần đánh mất sức hấp dẫn với công chúng. Hồi giữa tháng 3, bộ phim về về nhân vật Shazam của DC Comics – “Shazam: The Fury of the Gods” (Shazam: Cơn thịnh nộ của các vị thần) mở màn phòng vé toàn cầu bằng con số khiêm tốn 65 triệu USD, thấp hơn 20 triệu USD so với dự kiến thấp nhất của nhà sản xuất. Đây là cái tên gần nhất ghi tên mình vào danh sách dự án siêu anh hùng sở hữu thành tích kém cỏi thời gian gần đây.

Mặc dù “Spider-Man: No Way Home” (Người nhện: Không còn nhà) là một trong những cú nổ vang dội của vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU), tuy nhiên thất bại liên tiếp của “Eternals” (Chủng tộc bất tử) và “Ant-Man & the Wasp: Quantumania” (Người kiến và chiến binh Ong) mang đến hồi chuông cảnh báo thật sự dành cho đội ngũ sản xuất. Kể từ “Avengers: Endgame” ra rạp vào năm 2019, “No way home” là tác phẩm duy nhất của MCU phá mốc 1 tỷ USD doanh thu. Trong khi đó, dự án nhận về nhiều kỳ vọng – “Black Adam” lại trở thành sự thất bại của DC và Shazam 2 đang trên đường lặp lại thành tích đáng quên tương tự. 

1-xu-huong-phim-chuyen-the-tu-game-the-he-dien-anh-an-khach-tiep-theo

“Spider-Man: No Way Home” là một trong 10 bom tấn điện ảnh sở hữu doanh thu cao nhất mọi thời đại (Ảnh: The Indian Express)

Triều đại thống trị phòng vé của các “bom tấn” siêu anh hùng chưa thể nhanh chóng kết thúc như thế. Tuy nhiên, công chúng sẽ rất khó chứng kiến hiện tượng tương tự Captain Marvel, một nhân vật ít được chú ý nhưng vẫn nghiễm nhiên thu về hơn 1 tỷ USD. Để một tác phẩm siêu anh hùng trở lại thời kỳ hoàng kim doanh thu, đấy phải là bộ phim thật sự xuất sắc và tập trung vào các nhân vật được đông đảo khán giả yêu mến.

Thách thức cho tác phẩm chuyển thể từ trò chơi điện tử 

Hiện tại, chưa một dự án truyền hình chuyển thể từ trò chơi điện tử nào có thể trở thành “bom tấn” tầm cỡ, đủ khả năng sánh ngang loạt di sản của vũ trụ Marvel. Tuy nhiên, cần nhớ rằng MCU mất khoảng 15 năm để thu về loạt thành tích ấn tượng như thế. Và nhìn nhận một cách khách quan thì “Sonic the Hedgehog” (Nhím Sonic) cùng “Detective Pikachu” đã phần nào chạm tới những gì mà các bộ phim Marvel từng làm được ở giai đoạn đầu. Chẳng hạn, Iron Man sở hữu kinh phí đầu tư 140 triệu USD nhưng thu về 585.5 triệu USD toàn cầu. Loạt số liệu cho thấy, thành quả từ “Nhím Sonic” và “Detective Pikachu” vốn đã vượt qua The Incredible Hulk và chỉ xếp sau Thor với khoảng cách tối thiểu. 

Về mặt lợi nhuận, dự án chuyển thể từ các tựa game đình đám đang thu hút khán giả không thua kém những tác phẩm nổi tiếng của vũ trụ điện ảnh MCU. Ngoài ra, bộ phim đang ăn khách phòng vé toàn cầu – “The Super Mario Bros. Movie” (Anh em Super Mario) cũng ghi nhận doanh thu ước tính 368 triệu USD sau tuần đầu công chiếu. Tác phẩm này được dự đoán nhiều khả năng sẽ vượt xa loạt phim chuyển thể từ game trước đó, trở thành minh chứng kế tiếp cho sự thành công của dòng phim “ăn theo” trò chơi điện tử.

2-xu-huong-phim-chuyen-the-tu-game-the-he-dien-anh-an-khach-tiep-theo

“Sonic the Hedgehog” và  “Detective Pikachu” là hai tác phẩm chuyển thể từ game nhận về sự chú ý lớn trong thời gian gần đây (Ảnh: Nintendo Life)

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất cần chú rằng trò chơi điện tử hàm chứa nhiều thách thức đặc thù, cũng như khác xa so với truyện tranh. Mặc dù các tựa game vẫn sở hữu cách kể chuyện của riêng mình, nhưng về mặt lịch sử thì đây vốn là thể loại ít tập trung vào câu chuyện nếu đặt lên bàn cân so sánh cùng truyện tranh. Trò chơi điện tử thường gặp vấn đề ở tính chặt chẽ và logic trong kịch bản, làm sao cho mọi thử trở nên chính xác và hợp lý nhất khi chuyển thể thành tác phẩm trên màn ảnh rộng.

Ban đầu, “The Super Mario Bros. Movie” cố gắng đưa các trò chơi vào thực tế và cuối cùng tạo ra kết quả vô cùng kỳ lạ. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua hai phiên bản live-action của Doom cũng trở nên nhàm chán, quá nghiêm túc khi không thể nắm bắt trọn vẹn tinh thần vui đùa hay nỗi sợ ngớ ngẩn trong các tựa game thập niên 90. Với truyện tranh, chúng ta luôn dễ dàng bắt gặp sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố nghệ thuật đồ họa và tình tiết câu chuyện. Tuy nhiên, trong những tựa game thì hoàn toàn trái ngược, câu chuyện dường như là yếu tố sau cùng, một kết nối được thêm vào chỉ để giúp cho sự chuyển đổi giữa các cấp độ diễn ra phù hợp hơn.

Làm sao để sáng tạo câu chuyện với tình tiết chặt chẽ, hợp lý hóa sự hiện diện của hệ thống nhân vật đến từ các tựa game khác nhau là thách thức lớn dành cho phát triển. Mỗi ông lớn công nghệ như Microsoft hay Nintendo đều chiếm lĩnh một series độc quyền. Tuy nhiên, không giống thế giới siêu anh hùng DC hay Marvel, mặc dù Microsoft sở hữu cả Master Chief và Marcus Fenix nhưng không đồng nghĩa rằng bộ đôi nhân vật này có thể xuất hiện trong cùng một vũ trụ. Nếu ý tưởng trở thành hiện thực, có một trở ngại là khán giả phải cần rất nhiều thời gian để xem một loạt bộ phim chỉ để hiểu điều gì đang xảy ra giữa các nhân vật.

Vì vậy, bất chấp sự thành công của loạt tác phẩm chuyển thể từ trò chơi điện tử trong vài năm gần đây, việc thực hiện các dự án này vẫn đối diện nhiều thách thức nhất định. Hiện tại, “The Last of Us” của HBO được xem là một trong số ít dự án truyền hình phát triển từ game nhận được phản hồi tích cực từ cả công chúng lẫn giới phê bình chuyên môn. Và chúng ta cần tiếp tục chờ đợi khoảng thời gian dài để chứng kiến các bước đột phá thật sự từ đội ngũ làm phim Hollywood.

Nguồn tham khảo: thegamer.com

Diệu Ngô