Xu hướng phát triển của ngành công nghiệp trò chơi điện tử 2023
Ngành công nghiệp trò chơi đang thay đổi bộ mặt mới. Thị trường phát triển trò chơi (Game Development) năm 2023 dần tạo ra những bước tiến vượt trội, mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ và đầy kịch tính cho người chơi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn tình trạng hiện tại của ngành công nghiệp trò chơi bằng con mắt mới, khám phá các xu hướng phát triển trò chơi trong năm 2023 và cách những công nghệ mới nổi có thể tạo ra những thay đổi cho thị trường trò chơi trên toàn cầu.
Cứ theo chu kỳ khoảng 15 năm, có vẻ như nền kinh tế Hoa Kỳ lại bước vào giai đoạn sa sút và nhóm ngành công nghệ dường như lại “thu hái” được thứ gì đó đáng chú ý từ các phòng thí nghiệm. Nhìn vào thực tế, chúng ta có thể thấy chỉ trong quý đầu tiên của năm 2023, những ngân hàng được xếp hạng uy tín hàng đầu tại Thung lũng Silicon thi nhau phá sản, hàng loạt công ty “phát lệnh” sa thải nhân viên chỉ trong một đêm (điển hình như Twitter – công ty có lượt sa thải nhân viên lớn nhất toàn cầu trong đầu năm 2023). Tuy vậy, các nhà lãnh đạo trong ngành công nghệ vẫn vô cùng lạc quan trong việc đưa ra các dự đoán sự tăng trưởng mới trong ngành do AI thúc đẩy.
Ngày nay, những người lạc quan về công nghệ đang sử dụng nền tảng ChatGPT và thế hệ AI mới – những công nghệ góp phần biến đổi nền tảng mới nhất trong ngành. Các chuyên gia dự đoán rằng, sự đổi mới sẽ đưa cổ máy kinh tế Hoa Kỳ hoạt động bình thường trở lại giống như các thời kỳ suy thoái kinh doanh và chuyển đổi công nghệ trước đây.
Thị trường toàn cầu theo phân khúc
Chịu sự tác động của thị trường, tổng doanh số bán ra của các trò chơi điện tử trên thực tế đã giảm một ít vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, đây chỉ là một ví dụ điển hình về việc các con số tạm thời chững lại và sẽ tự điều chỉnh sau một bước nhảy vọt đáng kinh ngạc so với hai năm trước đó (thời kỳ đại dịch tăng đột biến từ năm 2020 khiến mọi người hầu hết phải ở nhà, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp trò chơi điện tử tăng mạnh).
Covid không chỉ mang đến cơ hội mà còn tạo ra thách thức cho ngành game, đặc biệt là mảng PC và Console (thiết bị chơi game cầm tay). Những thách thức này vẫn còn kéo dài cho đến tận ngày nay, chẳng hạn như giải quyết về vấn đề chuỗi cung ứng, các nhóm phát triển game ngừng hoạt động gặp mặt trực tiếp và điều chỉnh sang làm việc tại nhà, Artist “từ chức” và chuyển sang làm việc tự do.
Tất cả chúng ta đều biết về sự cố “delay” khi trải nghiệm trò chơi điện tử và các nhà phát hành phải vật lộn để cải tiến chất lượng đồ họa, nâng cấp các bộ phận PC hay nghiên cứu phát triển các thiết bị Console mới. Đó là một phần lý do quan trọng khiến chúng ta hiểu được vì sao Console hay PC ngày nay lại có hình dáng như thế.
Khi xem xét tổng thể xu hướng của thị trường và tình hình thực tế (về mặt tiện ích, chi phí,…), chúng ta phần nào biết được lý do vì sao thị phần bán ra của Console và PC lại được phân bổ chênh lệch như biểu đồ. Tuy nhiên, chúng ta không nên hoàn toàn “bài xích” trò chơi điện tử trên PC. Mô hình “trò chơi dưới dạng dịch vụ” không còn chỉ dành riêng cho các trò chơi miễn phí mà còn đang thổi làn gió mới vào nhiều tựa game cũ hơn. Nó khiến cho những game thủ “trung thành” với các tựa game lâu đời tiếp tục quay lại hàng tháng, sẵn sàng chi tiền để mua thêm các tính năng, vật phẩm mới hay tải xuống các bản DLC (downloadable content – những nội dung nâng cấp hoặc bổ sung của phiên bản trò chơi đã ra mắt) mới nhất.
Chi tiêu cho mục trò chơi di động 2019 – 2022
Chi tiêu toàn cầu cho các trò chơi trên thiết bị di động (mobile game) đã tăng đáng kể từ khi bắt đầu phong tỏa do Covid và vẫn giữ nguyên kể từ đó. Trong đó, Google và Apple là hai nhà thống lĩnh trên mặt trận phân phối trò chơi di động trong một thời gian dài. Và trong môi trường độc quyền đó, các nhà phát triển vẫn đang tìm kiếm những con đường mới để giành quyền chủ động trong việc kiếm tiền từ trò chơi di động của mình.
Bật mí xu hướng vĩ mô trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử (Video Game)
Là những nhà phát triển (Developer), bạn phải liên tục lập kế hoạch trước cho tương lai. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho điều chưa biết là đánh giá những gì đang xảy ra ngay bây giờ và chọn con đường của bạn từ các tùy chọn có sẵn. Để quyết định điểm đến tiếp theo trong thời kỳ “không chắc chắn” này, chúng ta sẽ xem xét 5 xu hướng phát triển chính của thị trường trò chơi, gồm:
- Lãnh địa mới, người dùng mới.
- Sự sáp nhập của các công ty game.
- Tối ưu hóa chi phí sản xuất và hiệu quả kinh tế vĩ mô.
- Tận dụng sức mạnh của AI như một công cụ cho cả “ông lớn” và “ông nhỏ”.
- Các công cụ phân phối trò chơi mới (Chẳng hạn như Cloud Gaming).
Lãnh địa mới, người dùng mới
Xu hướng quan trọng đầu tiên trong trò chơi điện tử là thị trường mới nổi ở các khu vực mới. Và Châu Phi được nhận định là mục tiêu lớn tiếp theo. Lý do là vì Châu Phi có đến 54 quốc gia và bản thân mỗi quốc gia này đều đang mang đến rất nhiều cơ hội. Đặc biệt, ở một số quốc gia, khả năng tiếp cận với internet, công nghệ mới ngày càng tăng và ngày càng có nhiều người tham gia vào hình thức giải trí bằng trò chơi điện tử.
Trên thực tế, Châu Phi là khu vực duy nhất trên hành tinh mà dân số nói chung đang ngày càng trẻ hóa. Và không có gì bí mật khi những người trẻ tuổi là những người chơi lớn nhất. Hơn nữa, thị trường trò chơi di động phát triển nhanh nhất thế giới cũng nằm ở lục địa Châu Phi. Hiện tại đã có khoảng 186 triệu game thủ ở châu Phi (khu vực cận Sahara), phần lớn trong số họ ( khoảng 95%) là game thủ của mảng trò chơi di động.
Bạn có thể tưởng tượng con số này sẽ tăng lên bao nhiêu trong tương lai gần không?
“Với mức độ mở rộng hợp tác đang ngày gia tăng, Châu Phi được xem là thị trường mới nổi cực kỳ tiềm năng và cần được đầu tư phát triển. Nơi đây hứa hẹn cũng sẽ là thị trường màu mỡ cho các nền tảng, thiết bị trò chơi phát triển (Microsoft, Xbox, Nintendo).” Nicholas Hall – Giám đốc Điều hành, Đồng Sáng lập kiêm Chủ tịch @ Interactive Entertainment South Africa (IESA).
Thị trường Châu Phi: Dân số trẻ – Di động phát triển – Yêu thích trò chơi điện tử
Thị trường Châu Phi đang chi trả nhiều tiền hơn cho các trải nghiệm trò chơi điện tử của mình. Đặc biệt, tại khu vực Nam Phi, doanh thu năm 2023 dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi so với năm trước. Và từ năm 2020 đến 2022, các công ty game của lục địa Châu Phi đã tăng 35% doanh thu và tăng 43% số lượng giao dịch trên khắp lục địa.
Châu Phi là một ví dụ điển hình về tiềm năng của thị trường mới nổi nhưng chúng ta cũng có thể thấy các mô hình tương tự ở khu vực MENA (Trung Đông/Tây Nam Á với khu vực Bắc Phi) và Châu Á.
Chúng ta đang trên đường đến với một thế giới game thủ hoàn toàn mới!
Các “ông lớn” đang ngày càng lớn hơn
Hoạt động mua lại công ty game vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Vào năm 2022, có khoảng 636 giao dịch được công bố trong ngành công nghiệp game. Tổng trị giá được thống kê cho các thương vụ mua lại rơi vào khoảng 124,5 tỷ USD. Khoảng một nửa trong số đó là từ Microsoft đã bỏ ra một số tiền lớn cho Activision Blizzard. Với đà tăng trưởng khổng lồ này, bạn có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra nếu như Microsoft mua lại Take Two, Sony, Ubisoft hay Electronic Arts không?
Lý do đằng sau tất cả các vụ mua lại này là gì? Các “ông lớn” có lẽ đang tranh giành sự chú ý và tiền bạc, họ đều muốn trở thành số 1 trong ngành. Các công ty này đã nghĩ đến các kế hoạch đầu tư dài hạn và tạo ra một hệ sinh thái thương hiệu khổng lồ giúp họ duy trì mức độ thành công cao.
Tối ưu chi phí sản xuất
Làm một trò chơi AAA (game chất lượng cao, được đầu tư chi phí lớn) ngày nay đắt hơn đáng kể so với 5 năm trước. Cách đây 5 năm, chi phí trung bình để phát triển và cho ra mắt một trò chơi AAA là từ 50 đến 60 triệu USD. Bây giờ, chi phí đã “đội” lên thêm 10 đến 20 triệu USD nữa. Mọi công ty đều muốn tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận bất kể quy mô lớn hay nhỏ. Vậy câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để tối ưu hóa chi phí sản xuất?
Khi một Studio mua lại một Studio khác, họ có thể ngay lập tức tiếp cận các công nghệ và thị trường mới. Với sự gia tăng về đội ngũ phát triển và tài nguyên, các Studio có thể tạo ra những trò chơi phức tạp hơn, chất lượng cao hơn và cuối cùng là tính phí nhiều hơn cho chúng.
Khi có các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh doanh của các công ty game, họ sẽ bắt đầu đánh giá lại các ưu tiên. Lời giải cuối cùng của hầu hết doanh nghiệp đều tập trung vào tỷ suất lợi nhuận, cắt giảm chi phí nhiều nhất có thể.
“iPhone Moment” của AI
*iPhone Moment là một ứng dụng quản lý thời gian dành cho người dùng thiết bị di động thuộc hệ điều hành iOS, được phát triển với mục đích “cai nghiện” thời gian sử dụng ứng dụng mạng xã hội nói riêng và thiết bị di động nói chung. Ở đây, iPhone Moment được hiểu là phương pháp tinh giản thời gian cho các cá nhân, công ty ứng dụng công cụ trí thông minh nhân tạo.
Các công cụ AI trong ngành trò chơi điện tử đã bắt đầu khả thi trong vài năm nay. Rất nhiều Studio lớn đã khám phá cách AI có thể hỗ trợ quá trình phát triển của họ. Ubisoft đang phát triển hoạt hình do AI hỗ trợ và một công cụ AI để sửa lỗi. Nvidia đang “mày mò” trên Omniverse (nền tảng cộng tác 3D end-to-end, mô phỏng đồ họa tiệm cận với thực tế) của họ, theo dõi quy trình làm việc 3D do AI hỗ trợ có thể hoạt động như thế nào. Activision Blizzard đang khám phá thế hệ âm nhạc mới do AI cung cấp. Bạn cảm thấy thế nào về các trò chơi do AI tạo ra? Bạn nghĩ chúng sẽ có tác động gì đối với ngành công nghiệp giải trí này?
Các nhà phát triển trò chơi đặc biệt “nhạy bén” trong việc tiếp cận và triển khai các công nghệ mới. Bởi vì ngành công nghiệp trò chơi luôn biến động không ngừng. Sự cạnh tranh và gián đoạn được xem là điều tất yếu.
Để luôn đứng đầu cuộc chơi, các công ty game bắt buộc phải áp dụng những công nghệ đột phá và không ngừng thích nghi. Đó cũng là những gì ngành công nghiệp trò chơi đã làm ngay từ đầu. AI có thể giúp tạo sân chơi bình đẳng giữa những Studio lớn sở hữu vốn hóa hàng triệu USD và Studio độc lập trong việc sử dụng các công cụ tiên tiến để phát triển trò chơi.
Công cụ sáng tạo của AI có thể hỗ trợ tạo nội dung trò chơi ở quy mô lớn với chất lượng cao. Các nhóm nghệ sĩ và kỹ sư ngành game có thể sử dụng AI để tự động hóa tác vụ gây tiêu tốn nhiều thời gian, chẳng hạn như thử nghiệm trò chơi và khắc phục sự cố.
Các công cụ AI sáng tạo có thể được triển khai trong quá trình phát triển trò chơi:
- GPT-3/ChatGPT: Công cụ tạo ngôn ngữ.
- Neural Style Transfer: Một kỹ thuật có thể chuyển đổi từ kiểu ảnh này sang kiểu ảnh khác.
- Deep Learning Super Sampling (DLSS): Một công nghệ nâng cấp, cho phép trò chơi chạy với hiệu suất cao hơn trong khi vẫn giữ nguyên chất lượng đồ họa.
- Procedural Generation: Được sử dụng để tạo ngẫu nhiên các nội dung trò chơi (bao gồm cấp độ (level), môi trường, v.v.).
- Anti-fraud: Công cụ chống gian lận, giúp xác định và ngăn chặn người dùng giả mạo cũng như ngăn chặn các gian lận.
- Reinforcement Learning: Cho phép các nhà phát triển trò chơi tạo ra các tác nhân AI có thể tự học bằng cách chơi và thực hiện các hành động trong trò chơi.
- TVoice synthesis: Công cụ tổng hợp giọng nói, hỗ trợ tạo giọng nói sống động như thật.
- Chatbot trong game: Trò chuyện, tương tác và hỗ trợ người chơi tự động.
- Dynamic Adjustments: Cho phép trò chơi tự động điều chỉnh theo hành vi của người chơi.
- Gaming Analytics: Theo dõi hành vi của người chơi, kiểu chơi và cung cấp thông tin chi tiết dựa trên dữ liệu thu thập.
“Có hai loại công việc khác nhau: Thực hiện nhiệm vụ và điều phối. Ở hiện tại, AI đang làm tốt các nhiệm vụ (nó có thể thắng một ván cờ hoặc có thể nhận lời nhắc và thực hiện một điều gì đó). Trong khi đó, điều mà con người vẫn giỏi hơn là điều phối, cụ thể là con người biết phải làm gì tiếp theo, biết cách tiếp cận phù hợp với không gian hoặc nhu cầu. Vì vậy, công cụ hiện tại không thể phân tích thị trường hoặc vấn đề và tìm ra những việc cần làm tiếp theo một cách hoàn hảo. Con người vẫn có khả năng điều phối tốt hơn và theo một cách khác biệt nhưng trong vòng khoảng từ 10 đến 50 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều AI hơn xuất hiện khi máy móc thực sự có thể điều phối các nhiệm vụ.” Henry LeGard – Giám đốc Điều hành, Sáng lập @ Verisoul.
Henry LeGard – Giám đốc Điều hành, Sáng lập @ Verisoul
Ngoài ra, công nghệ AI tổng hợp đang phát triển từng ngày, nơi các công cụ trong các lĩnh vực khác nhau ra đời hàng ngày, từ trợ lý học tập, quản lý cho đến cố vấn thời trang AI, podcast,… đều được tạo ra một cách chuyên nghiệp bởi sự hỗ trợ của AI.
Bạn có thể truy cập danh sách công cụ AI tổng quát tại đây.
Công cụ phân phối mới đã sẵn sàng
Và cũng giống như việc “săn lùng” công nghệ tiếp theo để thúc đẩy quá trình phát triển, ngành công nghiệp trò chơi điện tử cũng đang tìm kiếm các công cụ phân phối mới.
Chúng ta đã có PC, console, điện thoại thông minh, máy tính bảng,… Nhưng liệu người chơi có thể truy cập trò chơi bằng cách nào khác và ở đâu?
Có một thiết bị đã tồn tại hàng thập kỷ – TV thông minh. TV có thể trở thành thiết bị chơi game số một. Những gã khổng lồ như Apple, Google và Amazon đã và đang khám phá các phương thức để hỗ trợ việc phát trực tuyến trò chơi trên TV, biến việc tiếp cận với game cho người dùng ngày càng trở nên dễ dàng với giao diện thân thiện hơn. Bởi vì trò chơi phát trực tuyến cũng mang đến cơ hội tuyệt vời để Cloud Gaming trở thành nền tảng dẫn đầu trong ngành.
Cloud Gaming sẽ trở thành nhà tiên phong trong tương lai
Đến năm 2024, các chuyên gia ước tính rằng thị trường Cloud Gaming toàn cầu sẽ đạt khoảng 6,3 nghìn tỷ USD. Ngay cả trong tương lai, nếu chúng ta không có bộ nhớ vật lý cho các trò chơi của mình, điều đó cũng không thành vấn đề. Mọi thứ sẽ ở trong đám mây (Cloud)!
3 điều quan trọng về Cloud Gaming:
Đầu tiên, mạng 5G. Đến năm 2025, các nhà phân tích ước tính rằng trên toàn thế giới sẽ có khoảng 1,2 tỷ người có quyền truy cập 5G. Truy cập 5G có nghĩa là trải nghiệm chơi trò chơi trên Cloud sẽ nhanh hơn và đáng tin cậy hơn bao giờ hết. “Độ trễ” ở mức thấp của 5G sẽ giúp việc chơi game trong thời gian thực trở nên mượt mà hơn, giảm thiểu các vấn đề về độ trễ và bộ đệm.
Thứ hai, khả năng tùy biến. Với các tùy chọn như tích hợp AI, cài đặt đồ họa khác nhau và thiết bị đầu vào, game thủ sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với trải nghiệm chơi trò chơi của họ.
Thứ ba, truy cập đa nền tảng. Mọi người có thể truy cập và chơi game trên mọi thiết bị đáp ứng yêu cầu của hệ thống và có kết nối internet ổn định. Một số nền tảng trò chơi trên Cloud cũng đã tích hợp AR và VR vào các dịch vụ phát trực tuyến, giúp tăng thêm tính linh hoạt và trải nghiệm chưa từng có cho người chơi.
Đầu tư vào Cloud Gaming ngay hôm nay có thể giúp các công ty phát triển trò chơi đạt được thành công lâu dài. Đó là sự thay đổi trong cách mọi người mua và chơi trò chơi trong tương lai. Ngành công nghiệp đã chuyển từ băng cát-sét, đĩa mềm sang dạng CD, rồi đến các nền tảng như Steam và bây giờ là các kênh phân phối kỹ thuật số. Còn trong tương lai, Cloud Gaming được dự đoán sẽ trở thành nhà tiên phong mới.
Tóm lại: Làm thế nào để luôn “fit” với ngành?
Làm thế nào để những nhà phát triển game luôn phù hợp và thành công trong ngành công nghiệp giải trí đầy triển vọng này?
- Có những thị trường mới mà nhà phát triển game có thể khám phá, khai thác cho trò chơi và thương hiệu của mình.
- Những công nghệ mới có thể tạo sân chơi bình đẳng cho mọi người, như AI và chơi game trên Cloud.
- Mở rộng phạm vi tiếp cận sang các khu vực mới, chấp nhận nhiều nội tệ hơn nếu nhà phát triển game đã bán trò chơi của mình trên toàn cầu hoặc mở rộng phạm vi tiếp cận đối tượng bằng cách đa dạng hóa các nền tảng phân phối kỹ thuật số của bạn.
Toàn cảnh về thị trường Game và xu hướng phát triển trong năm 2023 dưới góc nhìn của chuyên gia
*Nguồn tin & hình ảnh: 80.lv
Phận Phạm