Loạt phim ‘The Spider-Verse’ đã cách mạng phim hoạt hình như thế nào?
Giành giải Oscar cho phim hoạt hình xuất sắc nhất, Into The Spider-Verse đã mãi mãi thay đổi những kì vọng mà khán giả đã có dành cho những bộ phim hoạt hình.
Nguồn: Sony Pictures
Vào năm 1995, Pixar ra mắt Toy Story, bộ phim điện ảnh hoạt hình đầu tiên được thực hiện hoàn toàn bởi máy tính. Thành công vượt bậc của tựa phim này đã chính thức đặt nền móng cho phong cách hoạt hình tả thực. Các hãng phim đua nhau phát triển công nghệ cho phép những bộ phim của họ có vẻ ngoài sát với thực tế nhất có thể.
Hơn 2 thập kỉ sau, Into The Spider-Verse ra mắt và đập tan tất cả những kì vọng mà khán giả có dành cho vẻ ngoài của một bộ phim hoạt hình. Những khung hình như bước ra từ trang truyện tranh của Into The Spider-Verse đã giành về giải Oscar cho bộ phim hoạt hình xuất sắc nhất và chính thức mở đường cho những phong cách hoạt hình hoàn toàn mới.
Câu chuyện của cuộc “cách mạng” ngành công nghiệp hoạt hình này là gì? Đội ngũ thực hiện Into The Spider-Verse và Across The Spider-Verse đã làm những gì để tạo ra một phong cách hoạt hình hoàn toàn mới?
Một cơ hội để chống lại khuôn mẫu
Thành công của Toy Story vô tình đặt ra một “tiêu chuẩn” cho những bộ phim hoạt hình điện ảnh. Dù vẫn giữ vẻ ngoài “hoạt hình,” những hình ảnh vẫn được thể hiện dựa trên hiện thực. Những sợi tóc di chuyển trong gió, cách ánh sáng phản chiếu lên ống kính camera, tất cả đều được cấu tạo dựa trên những qui tắc vật lí tại đời thật.
Những bộ phim hoạt hình đem về nhiều doanh thu bậc nhất như Frozen, The Incredibles, Despicable Me, một lần nữa khẳng định độ hiệu quả của phong cách hoạt hình dựa trên hiện thực, tạm gọi là phong cách Pixar này. Khi những bộ phim thắng lớn tại rạp đều thuộc phong cách Pixar, những hãng phim sẽ chỉ muốn tạo ra những bộ phim thuộc phong cách này.
Một chương trình mô phỏng tóc của Disney | Nguồn: Insider
Điều này tạo ra một môi trường chẳng mấy thuận lợi cho sự phát triển của những phong cách phim hoạt hình mới. Tuy vẫn tồn tại, những phong cách mới thường chỉ được thấy dưới dạng phim ngắn hoặc TV Series, một loại hình ít tốn kém hơn phim điện ảnh khá nhiều.
Khi Sony lên kế hoạch cho một bộ phim hoạt hình điện ảnh dành cho Spider-Man, họ đã mời Phil Lord và Christopher Miller trở thành hai nhà sản xuất chính của bộ phim. Với sự đảm bảo thành công phòng vé của nhân vật Spider-Man, họ đã quyết định thử nghiệm với một phong cách làm phim hoạt hình mới mà theo họ là “cho khán giả bước vào bên trong truyện tranh.”
Hành trình đưa những trang truyện lên màn ảnh
Khó khăn đầu tiên mà đội ngũ thực hiện Into The Spider-Verse gặp phải là công nghệ. Với tham vọng đem phong cách truyện tranh lên màn ảnh, họ phải tìm cách làm việc với phần mềm hoạt hình 3D vốn được phát triển dành cho phong cách Pixar, nếu không muốn vẽ từng khung hình bằng tay.
Để làm được điều này, những dữ liệu như ánh sáng, chuyển động nhân vật,… đều phải đi qua một bộ xử lí để biến cách thể hiện những dữ liệu này thành những yếu tố thường thấy trong truyện tranh. Sau khi những khung hình 3D được sản xuất bởi máy tính, chúng phải tiếp tục được tinh chỉnh ở dạng 2D bởi họa sĩ.
Sử dụng AI để tạo nét vẽ 2D cho mô hình 3D
Trong giai đoạn tiền kì, đạo diễn Persichetti đã làm việc với một họa sĩ liên tục trong một năm để có thể sản xuất ra 10 giây hoạt hình theo đúng ý tưởng của nhà sản xuất. Khi bước vào giai đoạn nước rút, đoàn làm phim của Into The Spider-Verse đã chạm ngưỡng 177 họa sĩ, đội ngũ họa sĩ lớn nhất mà Sony từng có cho một bộ phim.
Lấy cảm hứng từ những trang truyện tranh cổ điển của họa sĩ Jack Kirby, Into The Spider-Verse sở hữu một bộ ngôn ngữ điện ảnh cực kì riêng biệt. Những mảng sáng, mảng tối của khung hình được lắp đầy bởi những họa tiết đặc trưng như Ben-Day dots, hay đường kẻ hashing được lấy trực tiếp từ cách vẽ của vị họa sĩ này.
Ánh sáng được thể hiện bằng kĩ thuật in truyện như half-tone, chroma offset | Nguồn: Class Creatives
Ngoài ra, để biến những khung hình truyện tranh 2D trở thành một bộ phim hoạt hình 3D, những nhà làm phim phải sử dụng những kĩ thuật sẵn có trong truyện tranh để thể hiện độ sâu, cách lấy nét của camera. Một trong những kĩ thuật thông minh mà họ nghĩ ra là sử dụng hình ảnh bị in sai màu ở những trang truyện tranh để thể hiện những vật thể nằm ở phông nền, nhằm hướng khán giả tập trung vào chủ thể chính.
Tàu điện ngậm và phông nền được thể hiện “lỗi màu” để hướng sự tập trung về Miles | Nguồn: Class Creatives
Tất cả là để phục vụ cho câu chuyện
Không dừng lại ở việc tái tạo những khung hình truyện tranh trên màn ảnh, đội ngũ của Into The Spider-Verse đã tìm cách sử dụng những kĩ thuật sẵn có trong truyện tranh để tạo ra bộ ngôn ngữ điện ảnh riêng cho vũ trụ Người Nhện. Những qui tắc hoạt hình thường thấy tại các bộ phim thuộc phong cách Pixar bị phá vỡ, để lại khoảng trống sáng tạo cho Into The Spider-Verse truyền tải chính xác những gì mà câu chuyện yêu cầu.
Trong một thế giới hoạt hình nơi gần như tất cả bối cảnh đều có một vẻ ngoài hoàn hảo và sạch bóng, thành phố New York của Spider-Verse lại được lắp đầy bởi hình vẽ graffiti, áp phích và những công trường đầy bụi bặm. Một New York phản ánh yếu tố đa văn hóa của chính nhân vật Miles Morales.
Một New York bụi bặm và đầy cá tính | Nguồn: Sony Pictures
New York còn đóng vai trò phông nền cực kì quan trọng để thể hiện cảm xúc của cảnh phim. Cách toàn bộ thành phố được uốn cong để đảm bảo một phông nền hoành tráng cho phân cảnh “Leap Of Faith,” hay cách những ánh đèn neon tại đây được thắp lên những màu sắc khác nhau để phản ánh yếu tố đa vũ trụ trong Across The Spider-Verse, thật sự là những điều hiếm thấy trong những bộ phim hoạt hình truyền thống.
Cấu trúc của thành phố bị uốn cong để đảm bảo độ hoành tráng cho phân cảnh “Leap Of Faith” | Nguồn: Class Creatives
Đội ngũ của Into The Spider-Verse còn khéo léo sử dụng cách chuyển động khung hình đặc trưng của thể loại hoạt hình để kể câu chuyện của họ. Giữa một phông nền luôn luôn chuyển động ở 24 khung/giây, Miles Morales lại chuyển động ở 12 khung/giây nhằm thể hiện sự vụng về của cậu khi mới làm quen với siêu năng lực của người Nhện.
Nhìn vào từng khung hình của cả 2 phần Spider-Verse, ta nhận thấy những chi tiết, kỹ thuật hoạt hình cực kì nhỏ mà đội ngũ họa sĩ đã khéo léo lồng ghép để phản ánh thế giới của những nhân vật xuất hiện trong bộ phim.
Spider-Punk chuyển động với tốc độ 3 khung/giây thể hiện sự biệt lập của nhân vật này so với thế giới xung quanh. Các thiết bị của Spider-Man 2099 đều còn sót lại những đường vẽ nháp nhằm minh họa cho nét tính cách liên tục phát triển, liên tục cải tiến của người Nhện này.
Nhân vật Spider-Punk thể hiện qua loại hình Zine | Nguồn: Sony Pictures
Sự tỉ mỉ, chăm chút cho từng khung hình của đội ngũ họa sĩ Spider-Verse thể hiện một tình yêu to lớn mà họ có dành cho bộ phim nói riêng và loại hình nghệ thuật này nói chung. Họ đã cho khán giả thấy được tiềm năng vô hạn mà hoạt hình có để kể một câu chuyện.
Trước khi ra mắt Into The Spider-Verse, hai nhà sản xuất Lord và Miller đã có những nghi ngờ về cách khán giả sẽ đón nhận phong cách mới này. Có lẽ chính họ cũng không ngờ rằng chính sự mạo hiểm và niềm đam mê mãnh liệt mà họ có dành cho hoạt hình đã mở đường cho những phong cách mới mẻ hơn được phát triển.
Nguồn bài viết: Vietcetera