vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức về ngành >Phát triển trò chơi đắt nhưng có “xắt ra miếng”?
thumbnail_Game_Development

Phát triển trò chơi đắt nhưng có “xắt ra miếng”?

Bước vào thế giới phát triển trò chơi, bạn sẽ khám phá một cuộc hành trình tuyệt vời và đầy phức tạp. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi tại sao việc này lại đòi hỏi một khoản đầu tư lớn đến vậy? Hãy tưởng tượng, 174 triệu đô la đã được chi chỉ để tạo ra trò chơi Cyberpunk 2077. Điều này chứng tỏ rằng phát triển trò chơi không chỉ là về công sức, mà còn liên quan đến những yếu tố thú vị như tiếp thị và quảng bá. Hãy cùng khám phá sự đắt đỏ và thú vị đằng sau mảng phát triển trò chơi hiện nay.

Bạn có biết rằng để phát triển trò chơi Cyberpunk 2077, hãng CD Projekt Red đã tiêu tốn tới 174 triệu đô la? Thông thường, các ngân sách phát triển một trò chơi sẽ được bảo mật chặt chẽ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng ta biết được con số khủng này là vì CD Projekt Red đã công bố tổng chi phí của dự án trong một bài viết chính thức sau vụ ra mắt “thảm họa” vào năm 2020. 

01_Game_Development

CD Projekt Red đã tiêu tốn khoảng 174 triệu đô la cho việc phát triển tựa game Cyberpunk 2077 (nguồn: Steam)

Việc phát triển Cyberpunk đã gặp rất nhiều vấn đề, từ việc “thổi phồng” quá mức kỳ vọng đến “phốt” làm việc quá độ của nhóm phát triển, nhưng một điều không nhận được nhiều sự chú ý là chi phí khổng lồ của dự án. Ngày nay, ngân sách phát triển cho một dự án game vượt quá 150 triệu đô la không còn là điều đáng ngạc nhiên đối với những trò chơi AAA hiện đại. Và con số này thực ra không đủ để thể hiện tổng chi phí, vì chi phí tiếp thị có thể tăng lên gấp đôi con số đó.

Mười năm trước, chỉ có một vài tựa game đắt đỏ nhưng tối đa chỉ vượt quá 50 triệu đô la cho quá trình phát triển. Tuy nhiên, hai thế hệ console (trò chơi chuyên cho thiết bị cầm tay) gần đây đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của chi phí phát triển. Sự tăng trưởng chi phí quá mức khiến nhiều chuyên gia phải đặt câu hỏi về tính bền vững của việc phát triển trò chơi AAA. 

02_Game_Development

Chi phí tiếp thị và phát triển trò chơi AAA và các trò chơi di động điển hình (nguồn: CDProjekt)

Ngoài ra, mobile game (trò chơi di động) cũng đối mặt với một thách thức tương tự. Mặc dù việc phát triển trò chơi cho các thiết bị di động rẻ hơn nhiều so với các tựa game AAA nhưng chi phí để quảng bá, thu hút người dùng ngày càng tăng và thường có thể lên đến gấp đến mười lần ngân sách phát triển chính.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tăng chi phí là do hiệu suất đồ họa không tăng được như kỳ vọng. Mỗi bước cải thiện chất lượng đồ họa đòi hỏi sức mạnh xử lý đồ họa tăng lên nhiều hơn so với bước trước đó. Trong khi các nhà sản xuất đã rất nỗ lực để duy trì tốc độ cải tiến vượt trội về hiệu năng phần cứng, công sức của con người không tăng theo dễ dàng như vậy. 

Hiện nay, những trò chơi đòi hỏi sức mạnh đồ họa lớn hơn và chi tiết hơn đã trở nên khả thi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sự “khó tính” của người chơi càng cao cũng đồng nghĩa với việc các nhà phát triển sẽ phải tăng thêm khối lượng công việc để xử lý các yêu cầu đó và các chi phí cũng sẽ bắt đầu tăng lên nhanh chóng. 

Về lý thuyết, các nhà phát hành có thể dừng việc theo đuổi sự cạnh tranh về chất lượng đồ họa hay mở rộng thế giới trong game, nhưng hiện thực về sự phát triển của thị trường console làm cho các công ty muốn thoát khỏi cuộc đua về đồ họa trở nên rất khó khăn. 

03_Game_Development

Nguồn: Steam

Thông thường, nhà phát hành phải trả cho chủ sở hữu nền tảng 30% doanh thu, nhưng riêng Sony và Microsoft lại được miễn phần thuế này. Điều này có nghĩa là Sony và Microsoft tiết kiệm được số tiền lớn từ doanh thu của trò chơi, tạo cho họ nhiều độ linh hoạt tài chính hơn. Sony và Microsoft có thể sử dụng số tiền tiết kiệm này để đầu tư vào việc quảng bá, phát triển và tạo ra những trò chơi ấn tượng, từ đó thu hút người chơi và tạo ra doanh thu khác như việc bán ra thiết bị console. Các nhà phát hành bên thứ ba không được hưởng lợi từ chu kỳ này, nhưng vẫn không thể để cho trò chơi của họ trông cũ so với các sản phẩm của bên phát hành đầu tiên và vẫn cần thiết lập tiêu chuẩn riêng trong mắt người tiêu dùng.

Thách thức của trò chơi di động

04_Game_Development

Nguồn: Game and Tech

Trên thị trường game di động, yếu tố đồ họa không đóng vai trò quan trọng như trong các loại game khác. Điều này có nghĩa là người chơi không chủ yếu quan tâm đến đồ họa khi quyết định mua game. Tuy nhiên, ngành công nghiệp game di động cũng gặp phải những khó khăn riêng. Mặc dù việc phát triển game di động có chi phí cốt lõi thấp hơn và thị trường tiềm năng lớn hơn, nhưng khả năng thành công của từng trò chơi lại thấp hơn rất nhiều.  

Khi xem xét số lượng lớn trò chơi trên Apple App Store (hàng triệu trò chơi) so với Steam (hơn 50,000 trò chơi) và các thư viện console (chỉ vài ngàn trò chơi), quy mô thách thức của game di động trở nên lớn hơn nhiều. Thực tế chỉ có 1/5 doanh thu từ game di động được tạo ra bởi 100 tựa game, chỉ chiếm 0.0001% tổng thị trường. Điều này cho thấy mức độ thành công của trò chơi di động tập trung vào một số rất nhỏ trong hàng triệu trò chơi hiện có. Bên cạnh đó, hầu hết các trò chơi di động khác cũng gặp khó khăn trong việc thu hút người chơi và tạo doanh thu.

05_Game_Development

Thống kê tổng số trò chơi có sẵn theo nền tảng năm 2022 

Trong thị trường không thể dự đoán như thị trường game di động, những nhà phát hành không có nhiều lựa chọn khác ngoài việc đặt cược và liên tục sản xuất ra những trò chơi mới với hy vọng đạt được thành công lớn, đồng thời loại bỏ hoàn toàn những trò chơi không thành công. Vì vậy, mặc dù chi phí để phát triển một trò chơi cá nhân so với một tựa game AAA truyền thống thấp hơn đáng kể, nhưng các nhà phát hành game di động vẫn phải đối mặt với những chi phí phát triển cho danh sách game của họ – cả về mặt tiếp thị. Với sự tham gia hạn chế của game thủ di động, việc tiếp thị trả phí trở thành kênh duy nhất để thu hút người chơi, với mức chi phí thường vượt xa ngân sách phát triển chính. Hơn nữa, một phần lớn chi phí tiếp thị này được tiêu vào quảng cáo trong các trò chơi di động khác, từ đó kích thích ngân sách tiếp thị của các đối thủ và tạo nên một chu kỳ tăng chi phí tiếp thị để thu hút người chơi.

Làm sao để phát triển trò chơi trở nên có lợi nhuận?

Để làm cho việc phát triển trò chơi trở nên lợi nhuận, các nhà phát triển phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều công ty phát triển game, bao gồm cả trong lĩnh vực AAA và di động (thường sẽ được mua lại hoặc sáp nhập bởi các nhà phát hành hàng đầu và những tập đoàn giàu có. Chẳng hạn như các thương vụ thỏa thuận lớn giữa Microsoft và Sony đã diễn ra trong năm 2023 hay việc Netflix mua lại các studio game di động trong thời gian gần đây.

06_Game_Development 07_Game_Development

Nguồn: VentureBeat & TechCrunch

Những công ty, nhà phát hành khác sẽ tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới. Hệ thống phần thưởng ngẫu nhiên, đăng ký thành viên, các cuộc thi đấu và nhiều yếu tố khác sẽ trở nên phổ biến hơn để khuyến khích game thủ tiếp tục chơi và chi tiền. Việc kết hợp với các chiến lược tiếp thị tiên tiến hơn và khả năng thu hút người dùng thông qua mạng xã hội, ngành công nghiệp game có thể tìm ra được con đường lợi nhuận ổn định và bền vững hơn.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta – những người chơi game phải hiểu rằng việc phát triển trò chơi không đơn giản. Đó là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, nguồn lực và tài chính. Các nhà phát triển đang cố gắng mang đến cho chúng ta những trải nghiệm tuyệt vời và tốt nhất. Vì vậy, việc hỗ trợ các nhà phát hành game và đánh giá cao công sức của họ là điều rất quan trọng.

Tạm kết

Cuối cùng, chúng ta cùng nhìn vào tương lai của mảng phát triển trò chơi. Mặc dù việc phát triển trò chơi vẫn là một ngành công nghiệp đắt đỏ, nhưng có nhiều triển vọng rõ ràng. Các công nghệ mới như trực tuyến, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo đang mở ra cánh cửa cho những trải nghiệm chưa từng có trong trò chơi.

Việc sử dụng công nghệ tiên tiến không chỉ tạo ra những trò chơi hấp dẫn hơn mà còn giúp giảm chi phí phát triển. Các công ty phát triển trò chơi ngày nay có thể tận dụng các công cụ và nền tảng phát triển sẵn có để nhanh chóng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Ngoài ra, việc tận dụng mạng xã hội và các kênh tiếp thị trực tuyến cũng giúp tiếp cận đến đông đảo người chơi một cách hiệu quả hơn.

Trong tương lai, chúng ta có thể thấy sự phát triển của các công nghệ mới như trò chơi điện toán đám mây, trò chơi di động và thậm chí trò chơi thực tế ảo trên nền tảng thực tế mở rộng. Các nhà phát triển sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo ra những trò chơi tuyệt vời và độc đáo, đồng thời tìm cách tối ưu hóa quy trình phát triển và giảm thiểu chi phí.

*Nguồn tin: GameDeveloper.com

Phận Phạm