Cẩm nang trở thành nhà thiết kế trò chơi
Đâu là những điều cơ bản mà bạn cần nắm trước khi tìm hiểu sâu hơn về công việc của một nhà thiết kế trò chơi? Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn những thông tin tóm tắt về ngành nghề sáng tạo này.
Nếu bạn là người luôn “rạo rực” trước trò chơi và nóng lòng khám phá chúng ở mức độ sâu sắc, bạn đã có được điều kiện cần để trở thành một Game Designer. Vậy, bạn còn ngại ngần gì khi chưa thực hiện hóa đam mê của mình bằng cách trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế game?
Cùng mở ra tủ sách thường thức về lĩnh vực Game Art & Design với bài viết cẩm nang này nhé.
Nguồn ảnh: GameRefinery
Thiết kế trò chơi là gì?
Thiết kế trò chơi (Game Design) là công đoạn chiếm phần lớn thời gian trong quy trình phát triển trò chơi. Người thiết kế trò chơi (Game Designer/Video Game Designer) không nên bị nhầm lẫn với các vị trí phụ trách kỹ thuật như Lập trình viên (Programmer) và Nhà phát triển trò chơi (Developer).
Nếu nhiệm vụ của một Programmer là sử dụng code để giải quyết vấn đề kỹ thuật thì Designer sẽ tập trung vào việc phát triển cốt truyện, nhân vật, quy tắc và môi trường của trò chơi.
Xem thêm: Game Designer, Game Artist và Game Developer khác nhau như thế nào?
3 kiểu thiết kế trò chơi
Tùy thuộc vào nền tảng mà trò chơi tạo ra, quy trình thiết kế của mỗi loại sẽ tương đối khác biệt. Sự khác nhau này liên quan đến cách mà người chơi tương tác hoặc điều khiển trò chơi, cũng như liên quan đến độ phân giải mà bạn chọn để thiết kế. Ba loại thiết kế trò chơi thường bắt gặp, gồm:
- Console game: được tương tác thông qua bộ máy có kết nối với màn hình hoặc TV (chẳng hạn như Xbox hoặc PlayStation).
- Mobile game: được chơi trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
- Computer game: được tải xuống PC hoặc Macbook, đôi khi còn được chơi trên các thiết bị rời như CD.
Nguồn ảnh: CubeX Gaming
Công việc của một Game Designer
Nhà thiết kế trò chơi thường có khả năng hình dung hình ảnh trực quan của toàn bộ dự án đảm nhận, do đó, nhiệm vụ của họ sẽ bao gồm việc định hình concept và lên ý tưởng cho trò chơi. Cụ thể, Game Designer có thể đề xuất cốt truyện cho tựa game và những hoạt ảnh sẽ có trong các đoạn cutscene, thiết kế lộ trình mà người chơi sẽ đi, cũng như chọn concept phù hợp cho nhân vật và bối cảnh để hỗ trợ câu chuyện.
Là một nhà thiết kế trò chơi, bạn có thể chịu trách nhiệm cho những đầu việc như sau:
- Phát triển cốt truyện, quá khứ của nhân vật và các cuộc đối thoại
- Xây dựng lối chơi, luật chơi và hệ thống tính điểm
- Đặt ra độ khó cho game
- Xây dựng giao diện và môi trường
- Thiết kế các mức độ và thế giới trong game
- Lập trình/Scripting
- Chuẩn bị tài liệu đa dạng về quy trình và thủ tục diễn ra trò chơi
Nguồn ảnh: New England Institute of Technology
Những kỹ năng cần có để trở thành một Game Designer
Một nhà thiết kế trò chơi xuất sắc cần sở hữu cả bộ kỹ năng kỹ thuật lẫn sáng tạo để biến tầm nhìn của mình thành hiện thực trên màn ảnh. Ngoài ra, việc biết thêm về nhiều khía cạnh khác của quá trình phát triển trò chơi cũng sẽ là điểm cộng lớn cho sự nghiệp của họ.
Để trở thành một Game Designer thành thạo, bạn cần nắm vững những điều dưới đây:
- Biết được yếu tố nào cần đưa vào trò chơi để khiến nó trở nên hấp dẫn hơn
- Các concept xây dựng trò chơi, bao gồm cấp độ, bố cục cấp độ, bản đồ, kiến trúc và các lĩnh vực thiết kế khác liên quan đến công đoạn thiết kế cấp độ trò chơi
- Cách áp dụng kỹ thuật trong trò chơi, ngôn ngữ kịch bản (scripting), cú pháp và các dạng lập trình cơ bản khác
- Tiếp thị và nghiên cứu thị trường để hiểu nhu cầu của đối tượng mục tiêu và tìm ra phương pháp thuyết phục họ mua trò chơi
- Giao diện người dùng (UI/UX) trong trò chơi
Các Game Designer sẽ có nhiều lợi thế hơn nếu sở hữu những kinh nghiệm như:
- Chia nhỏ các yếu tố phức tạp thành từng hệ thống
- Sử dụng dữ liệu để có được thông tin định tính hữu ích cho các thiết kế
- Sử dụng kỹ năng vẽ để truyền đạt ý tưởng và cốt truyện
- Am hiểu modeling, texturing, rigging, animation và các lĩnh vực sáng tạo có liên quan đến nghệ thuật thiết kế 3D
Nguồn ảnh: Computer Careers
Game Designer sử dụng những công cụ nào?
Là một nhà thiết kế trò chơi, công việc của họ hầu hết được thực hiện trên máy tính, trừ trường hợp họ muốn “brainstorm” và phác thảo trên giấy trước khi bắt đầu. Các công cụ như Unreal Engine hay Unity 3D thường là địa bàn tung hoành cho các thiết kế của họ. Bên cạnh đó, Game Designer cũng có thể sử dụng những phần mềm khác như:
- Phần mềm xử lý văn bản và bảng tính: Microsoft Office và Google Documents là những lựa chọn phổ biến cho quá trình xử lý tài liệu, bảng tính và bản trình bày.
- Phần mềm mỹ thuật: Game Designer cũng cần đến các chương trình như Adobe Photoshop và Illustrator để thực hiện nhiều loại thiết kế trực quan, lưu đồ/sơ đồ quy trình và sơ đồ tư duy nhằm phục vụ tốt cho công việc của mình.
- Phần mềm theo dõi lỗi (bug tracking): Công việc của họ ít nhiều vẫn sẽ liên quan một chút đến bug. Do đó, các Designer cần thu thập phản hồi từ nhóm hoặc người đánh giá để theo dõi lỗi một cách thuận lợi hơn. Họ có thể sử dụng các trình theo dõi lỗi hiệu quả như Jira để dễ xem phản hồi, thực hiện các thay đổi và báo cáo tình hình với bộ phận khác.
Mặc dù những phần mềm trên không nhất thiết là công cụ hành nghề của một Game Designer, nhưng việc biết thêm về chúng cũng như các loại ngôn ngữ kịch bản sẽ cho phép họ hiểu được bản thiết kế của mình được triển khai dưới dạng code thế nào, từ đó giúp họ trở thành một Designer giỏi và tinh tế hơn.
Do đó, trau dồi thêm kiến thức về các ngôn ngữ lập trình như Python, LUA, C#, Unreal Script, Blueprints và C++ chưa bao giờ là thừa trong công việc của một nhà thiết kế trò chơi.
Nguồn ảnh: Staffordshire University
3 bước để trở thành một Game Designer
Nếu bạn đã sẵn sàng biến đam mê thành sự thật với tư cách là một nhà thiết kế trò chơi thì dưới đây là ba bước đơn giản để bạn khởi tạo sự nghiệp của mình:
1. Học thiết kế game
Bạn có thể học thiết kế game thông qua trường lớp, cơ sở đào tạo, hoặc tự học nhờ kho tàng tài liệu vô tận trên Internet.
Vì tính chất công việc của một Game Designer đòi hỏi óc sáng tạo, thẩm mỹ, logic và sự am hiểu công cụ, do đó, bạn có thể chọn học chuyên ngành mỹ thuật chính quy ở các trường đại học – cao đẳng, hoặc lấy chứng chỉ và rèn luyện chuyên sâu tại các trung tâm – học viện. Tất nhiên, dù lựa chọn của bạn là gì thì tự học vẫn luôn là một khả năng bắt buộc phải có nếu bạn muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực Game Art & Design.
Tuy nhiên, việc học thiết kế game không chỉ dừng lại ở quá trình trau dồi kiến thức hay thực hành mà còn giúp bạn hiểu được quy trình công việc của một nhà thiết kế trò chơi.
Xem thêm: Học Game Art & Design cần điều kiện gì? Bắt đầu từ đâu?
Nguồn ảnh: Absolus
Có thể nói, việc hiểu rõ quy trình thiết kế trò chơi và các bước tiến hành là điều tối quan trọng khi bạn đã xác định theo đuổi ngành. Dưới đây là tóm tắt ngắn gọn về quy trình thiết kế trò chơi:
- Pre-production (Tiền sản xuất) (20%): bao gồm công đoạn lên ý tưởng, xây dựng cốt truyện, nghiên cứu, tạo tài liệu phát triển trò chơi, lập bản đồ và tạo mẫu (prototyping).
- Production (Sản xuất) (60%): bao gồm tạo tạo mô hình 3d (3D modeling), chỉnh mức độ (level action), tạo hoạt ảnh (animation), chỉnh kết cấu (texturing), chỉnh sáng (lighting), thiết kế tương tác (interactivity), sử dụng A.I, quay dựng (cinematics), thiết kế giao diện và menu điều hướng (HUDs và Menus).
- Post-production (Hậu kỳ) (20%): bao gồm thiết kế âm thanh và hiệu ứng hình ảnh, kiểm tra chất lượng, tinh chỉnh, đóng gói và tiếp thị.
Sau khi đã nắm được tính chất công việc ở mỗi giai đoạn, các Game Designer sẽ thực hiện công việc mà Art Director hoặc Art Lead phân giao. Một số đầu việc có thể kể đến như:
- Đề xuất ý tưởng trò chơi
- Thiết kế hệ thống trò chơi, bản đồ và các asset cần có
- Sử dụng Unreal Engine để xây dựng trò chơi
- Thiết kế các hoạt ảnh chiến đấu hoặc bắn súng cho game AAA
- Triển khai AI phức tạp trong Unreal Engine
Nguồn ảnh: The Art Institutes
2. Nâng cao bộ kỹ năng
Sau khi tiếp nhận kiến thức chuyên môn, bạn có thể cân nhắc mở rộng phạm vi hiểu biết về các lĩnh vực liên quan khác như virtual production hoặc lập trình game. Những điều này sẽ giúp bạn trở thành một nhà thiết kế trò chơi đa năng và nổi bật, từ đó làm phong phú con đường sự nghiệp của bạn hơn.
Là một Game Designer kiêm Producer từng tham gia nhiều tựa game nổi tiếng như Ratchet & Clank Next, Command and Conquer 3: Tiberium Wars hay Star Wars: Empires at War, Troy Dunniway từng chia sẻ: “Với vai trò là Game Designer, ý tưởng của chúng tôi thường được triển khai bởi các lập trình viên. Một khi việc lập trình khả thi, chúng tôi mới có thể tiếp tục thực hiện công đoạn thiết kế. Theo đó, kết quả trò chơi sẽ vừa hoạt động mượt mà và đồ họa cũng đáp ứng đúng định hướng nghệ thuật của chúng tôi.”
Có thể thấy, việc trau dồi kiến thức ở các mảng ngoài chuyên môn thiết kế sẽ giúp bạn hiểu hơn về tựa game của mình, đồng thời tránh được việc sáng tạo quá đà khiến trò chơi không được lập trình suôn sẻ, từ đó ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình sản xuất trò chơi.
Nguồn ảnh: New England Institute of Technology
Ngoài ra, bạn có thể cải thiện kỹ năng mỹ thuật bằng cách tham gia các khóa học về game art để giúp bản thân truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng hơn về mặt trực quan. Bên cạnh việc nghiên cứu chuyên sâu, bạn cũng có thể phát triển một số bộ kỹ năng khác của mình như:
- Trải nghiệm và “giải mã” các trò chơi: Bạn có thể xem thử điều gì tạo nên một trò chơi hấp dẫn bằng cách phân tích một số trò chơi yêu thích của mình. Điều gì khiến chúng trở nên thú vị? Nếu có thể, bạn muốn thay đổi điều gì? v.v. Việc giải mã được sức hút của các trò chơi nổi tiếng sẽ là chìa khóa giúp bạn nổi bật hơn so với các nhà thiết kế trò chơi thông thường.
- Hợp tác với người khác để tạo trò chơi: Bằng cách cùng tạo một trò chơi với các đồng nghiệp hoặc bạn học của mình, bạn sẽ tích lũy được vô số kinh nghiệm thực tế về cho bản thân. Hơn nữa, bạn cũng có thể đem trò chơi đã tạo vào portfolio của mình để “ghi điểm” với các nhà tuyển dụng.
- Xây dựng kỹ năng mềm: Giao tiếp và làm việc nhóm là những kỹ năng mà bất kỳ ai cũng cần sở hữu, không riêng gì các Game Designer. Bạn có thể rèn luyện kỹ năng mềm ở hầu hết mọi nơi, dù là trường học hoặc trong môi trường làm việc,… Một khi đã thực hiện tốt các kỹ năng mềm, công việc của bạn sẽ trở nên trơn tru hơn.
Nguồn ảnh: Culture of Gaming
3. Nhận lời khuyên từ chuyên gia
Bằng cách tiếp cận các chuyên gia và đồng nghiệp ưu tú, bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu cho công việc và chuyên môn của mình. Đồng thời, bạn có thể xây dựng mối quan hệ với họ để hợp tác và học hỏi nhiều hơn trong tương lai.
Ngoài ra, hãy dành thời gian tham dự các buổi talkshow và workshop về Game Art & Design, hoặc nằm vùng ở những diễn đàn trên mạng xã hội để giúp bạn nâng cao hiểu biết của mình về ngành nghề và cộng đồng làm việc ở các lĩnh vực liên quan.
Lời kết
“Cẩm nang trở thành nhà thiết kế trò chơi” đóng vai trò là cuốn sổ nhỏ giúp bạn tóm tắt lại những điều cơ bản cần biết về Game Design và cách để trở thành một Game Designer. Nếu bạn yêu thích và mong muốn tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này, đừng bỏ lỡ các bài viết khác của Vietnam VFX-Animation nhé!
Xem thêm: Quy trình sản xuất Game và những vị trí quan trọng trong mảng Game Art
Nguồn: cgspectrum
Tâm Cửu