Hoạt hình cách điệu đã “tấn công” ngành công nghiệp hoạt hình như thế nào?
Cuộc chiến giữa chủ nghĩa hiện thực và nghệ thuật chưa bao giờ đi đến hồi kết. Giờ đây, hoạt hình cách điệu tiếp tục mang đến một làn gió mới, hứa hẹn trở thành “tân binh khủng long” trong ngành công nghiệp hoạt hình.
Lịch sử hoạt hình đã trải qua nhiều biến chuyển đáng chú ý kể từ ngày bắt đầu phương pháp vẽ hoạt hình truyền thống. Với sự ra đời của hàng loạt kỹ thuật và phong cách mới trong nhiều thập kỷ, rào cản của sự sáng tạo đã liên tục bị gỡ bỏ và thậm chí còn được các nhà làm phim hoạt hình tài ba phát triển đến ngỡ ngàng.
Pixar từng gây bão một thời với nỗ lực tạo ra hoạt hình trông giống thật nhất, nhưng các hãng phim như Sony Pictures Animation đã nổi lên và sớm trở thành người tiên phong trong những cuộc phát triển gần đây. Bằng cách thử nghiệm nhiều phương pháp tiếp cận sáng tạo, các “ông lớn” đã liên tục dựng nên vô số những bộ phim gây ấn tượng mạnh về mặt hình ảnh và cảm xúc, đồng thời tái định nghĩa ngành công nghiệp hoạt hình.
Nguồn ảnh: IGN
Với mỗi một tác phẩm sắp ra mắt, các hãng phim đều có cách kích thích những cuộc bàn tán và sự hiếu kỳ của khán giả bằng loạt bước tiến mới trong tác phẩm của mình.
Kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp hoạt hình
Một thay đổi quan trọng trong những năm gần đây là màn xuất hiện của kỷ nguyên hoạt hình mới, đặc trưng bởi sự chuyển hướng từ phong cách siêu thực (hyper-realistic) sang loại hình nghệ thuật thẩm mỹ theo hướng giả tưởng và mang tính cách điệu nhiều hơn.
Kỷ nguyên mới này đã có khởi đầu xán lạn với hàng loạt dự án đột phá như các MV Liên Minh Huyền Thoại, loạt phim Arcane và Spider-Man: Into the Spider-Verse. Những tác phẩm này là một phần của xu hướng nghệ thuật mới, với khuynh hướng đưa hoạt hình thoát khỏi chủ nghĩa siêu thực và đón nhận “màu sắc” khác lạ.
Nguồn ảnh: Character Design References
Ngày trước, khi nhiều người vẫn còn chưa “ngã ngũ” với “combo” hoạt hình 2D và 3D thì hiện tại, nghệ thuật cách điệu đã cho phép nét vẽ 2D truyền thống kết hợp hoàn hảo với các yếu tố 3D để cho ra những thước phim độc đáo, sáng tạo và thừa sức “hớp hồn” người xem.
Theo nhiều chuyên gia và nhà phê bình nhận xét, cách tiếp cận 2D pha trộn 3D này là đặc điểm nổi bật nhất của kỷ nguyên hoạt hình mới. Sự kết hợp giữa hai loại kỹ thuật cho phép nhà làm phim hoạt hình tạo ra một thế giới vừa kỳ diệu vừa phức tạp, thậm chí còn khiến khán giả đi từ hết bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Nghệ thuật của sự không hoàn hảo
Khác với việc xem trọng những chi tiết hoàn hảo và hình ảnh sống động như thật của Pixar, hoạt hình cách điệu tập trung vào khả năng thể hiện thế giới thông qua góc nhìn độc đáo và nghệ thuật.
Nguồn ảnh: Cartoon Brew
Phong cách hoạt hình mới mẻ này còn đặc trưng bởi những khuyết điểm và sự không hoàn hảo của nó, cũng như đặc biệt làm nổi bật công sức mà con người dành ra cho loại hình nghệ thuật này.
Cụ thể, các hãng phim theo đuổi hoạt hình cách điệu tin rằng, những nét vẽ thô ở các shot quay cận cảnh giúp người xem cảm nhận được dấu vết do con người tạo ra và khơi gợi cảm xúc của họ tốt hơn so với sự hoàn mỹ của những thước phim mang đậm chất “máy móc”. Qua đó, loại hoạt hình này phần nào nhắc nhở khán giả rằng, bằng cách chấp nhận sự không hoàn hảo của chính mình, ta có thể mang đến những trải nghiệm chân thành, ý nghĩa và gây được tiếng vang xa với những người xung quanh.
Hoạt hình cách điệu được biết đến rộng rãi hơn nhờ sự ra đời của các MV Liên Minh Huyền Thoại vào năm 2018. Nhằm mục đích quảng bá tựa game cùng tên, các MV này nổi tiếng với những pha hành động đỉnh cao, đồ họa đẹp mắt và phong cách được lấy cảm hứng từ anime.
Nguồn ảnh: Café com Geeks
Chẳng hạn, MV “HERO” của Liên Minh Huyền Thoại đã thể hiện tính thẩm mỹ đậm chất hội họa, với bảng màu phong phú cùng hoạt ảnh uyển chuyển giúp thu hút người xem. Đồng thời, MV cũng bộc lộ khả năng sáng tạo của hoạt hình cách điệu; từ đó, vừa làm tăng tính nghệ thuật vừa đưa khán giả vào thế giới kỳ ảo trong Liên Minh Huyền Thoại một cách vô cùng tự nhiên.
Kết tinh từ cái cũ và cái mới
Thành công của các video Liên Minh Huyền Thoại đã mở đường cho loạt dự án đầy tham vọng sau này, tiêu biểu như loạt phim Arcane (2021) của Netflix. Series này đã được thông báo ra mắt tại lễ kỷ niệm 10 năm Liên Minh Huyền Thoại vào năm 2019 dựa trên câu chuyện trò chơi cùng tên.
Phong cách hoạt hình của Arcane thực sự ngoạn mục. Maunoury – trưởng bộ phận hoạt hình studio Fortiche đã khám phá ra quy trình phức tạp đằng sau phong cách hoạt hình độc đáo này. Theo đó, vẻ ngoài ấn tượng của phim có được nhờ việc sử dụng các mô hình và rigging (khung xương) 3D, trong khi phông nền được dựng một cách tỉ mỉ bằng kỹ thuật vẽ tay kỹ thuật số (digital hand-painting techniques).
Nguồn ảnh: ONE Esports Vietnam
Để đảm bảo cân bằng hài hòa về mặt trực quan, kết cấu nhân vật đã được tinh chỉnh sao cho kết hợp mượt mà với môi trường. Hơn nữa, hoạt hình 2D cũng được sử dụng để làm hình ảnh thêm đặc sắc, bằng cách kết hợp các hiệu ứng và kết cấu, chẳng hạn như khói, nước, lửa và bụi.
Sự tổng hợp giữa các kỹ thuật này đã đưa Arcane chạm đến đỉnh cao của cái đẹp và được ca ngợi bởi việc ứng dụng công nghệ sáng tạo cùng phong cách hình ảnh đột phá. Tất cả những điều này đã giúp bộ phim trở thành bước ngoặt nổi bật trong ngành công nghiệp hoạt hình .
Thổi hồn vào câu chuyện
Một dự án khác đã giúp định hình kỷ nguyên hoạt hình mới là Spider-Man: Into the Spider-Verse. Siêu phẩm năm 2018 này đã gặt hái thành công đáng kể về mặt thương mại và phê bình, đồng thời được ghi nhận là “cuộc cách mạng” ấn tượng của thể loại phim siêu anh hùng. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của bộ phim này là phong cách hoạt hình kết hợp giữa yếu tố 2D và 3D để tạo ra một thế giới năng động và mang lại hình ảnh trực quan lộng lẫy.
Nguồn ảnh: Eurogamer.pt
Theo các đạo diễn, gồm Bob Persichetti, Peter Ramsey và Rodney Rothman, Spider-Man: Into the Spider-Verse được truyền cảm hứng từ nghệ thuật truyện tranh và xây dựng dựa trên mong muốn tạo ra bộ phim hệt như một cuốn truyện.
Into the Spider-Verse đã chọn sử dụng kỹ thuật kết xuất phi ảnh thực (non-photorealistic rendering). Về cơ bản, nhà sản xuất phải phá vỡ các quy tắc kết xuất dựa trên vật lý (PBR). Điều đó nghĩa là thay vì nhập những dữ liệu từ máy quay, ánh sáng và các tư liệu để kết xuất trông giống thật thì họ kết hợp tất cả những dữ liệu đó với các dữ liệu tùy chỉnh để điều chỉnh một số thứ như mặt phẳng tiêu diện hoặc cách thức hoạt động của ánh sáng trong hình ảnh.
Sự kết hợp này cho phép trình kết xuất tạo ra những thước phim cách điệu. Ví dụ, trong Into the Spider-verse, các yếu tố nằm ngoài vùng lấy nét không bị làm mờ mà thay vào đó, màu sắc được tách ra như thể quá trình in lụa trên một cuốn truyện tranh bị “cố ý” thực hiện kém.
Nguồn ảnh: Dream Farm Studios
Thiết lập xu hướng
Theo xu hướng, The Mitchells vs. the Machines (2021) và Puss in Boots (2022) cũng đều áp dụng cách tiếp cận độc đáo này để cho ra những kết xuất phi hình ảnh và mang âm hưởng hội họa hơn. Điều này thể hiện rõ ràng khi các đối tượng nằm ngoài tiêu cự được mô tả bằng những hình dạng đơn giản hóa.
Nguồn ảnh: Dream Farm Studios
Đưa trò chơi vào đời thực
Có thể thấy, việc cố thể hiện càng nhiều chi tiết càng tốt không phải là đặc điểm của phong cách hoạt hình này. Thay vì vậy, hoạt hình cách điệu xem trọng vào việc tạo ra cảm giác hoàn toàn mới dựa theo hơi hướng giả tưởng nhiều hơn. Chính vì các nhà làm phim hoạt hình có thể sử dụng kỹ thuật vẽ tay truyền thống cùng với hiệu ứng kỹ thuật số tiên tiến, do đó, sự phối hợp giữa 2D và 3D sẽ tạo điều kiện cho họ mở rộng phạm vi sáng tạo và khai phóng tầm nhìn một cách sâu sắc hơn.
Theo Guss – Art Director của Dream Farm Studios cho biết, asset 2D có khả năng truyền tải cảm giác giả tưởng và phiêu lưu trong khi phong cách và nhân vật vẫn thể hiện những chi tiết 3D như thường. Điều này có thể giúp thu hút người xem vào thế giới trò chơi và từ đó, trở thành sự lựa chọn lý tưởng cho các trailer game. Bằng cách sử dụng kiểu hoạt hình này, nhà phát triển trò chơi có thể tạo đoạn trailer không chỉ ấn tượng về mặt hình ảnh mà còn thu hút người chơi tiềm năng và tạo tiếng vang xa gần cho trò chơi của mình.
The Appologium là một ví dụ điển hình cho dự án trailer giới thiệu trò chơi đã sử dụng thành công hình thức hoạt hình độc đáo này. Đoạn trailer giới thiệu Cross The Ages – một trò chơi bài lấy bối cảnh trong một vũ trụ năng động, nơi thể hiện đồng thời màn hợp nhất và xung đột giữa thể loại thần tiên và khoa học viễn tưởng.
Dự án trailer game CTA là một đoạn giới thiệu trực quan mãn nhãn và thú vị, đồng thời nắm bắt bản chất câu chuyện của trò chơi bài một cách hiệu quả. Với sự kết hợp giữa yếu tố 2D và 3D, đoạn trailer sẽ mang lại cho bạn cảm giác như đang xem một bức tranh ba chiều có giới thiệu đầy đủ từ nhân vật, môi trường, tài sản đến phép thuật có trong toàn bộ trò chơi.
Trận chiến giữa chủ nghĩa hiện thực và trường phái nghệ thuật
Kỷ nguyên hoạt hình mới này đã làm dấy lên cuộc tranh luận giữa việc trở nên “thực tế hơn” hay “nghệ thuật hơn”. Dễ thấy, tính thẩm mỹ cách điệu đã chọn “hy sinh” phong cách siêu thực và các chi tiết để mang đến một cái nhìn trừu tượng và kỳ ảo hơn.
Nguồn ảnh: 300Mind
Tuy nhiên, việc rời xa chủ nghĩa hiện thực cũng không hẳn là xấu. Mặt khác, nó cho phép các nhà làm phim hoạt hình khám phá nhiều con đường sáng tạo đột phá và gầy dựng nên những thế giới không bị giới hạn bởi sự ràng buộc của thế giới thực. Dù nghiêng về bên nào của cuộc tranh luận thì ta cũng không thể phủ nhận rằng, kỷ nguyên hoạt hình cách điệu đã tiếp tục gỡ bỏ ranh giới nghệ thuật và mở ra khoảng không gian mới cho sự sáng tạo và thể hiện nhiều hơn.
Chỉ thời gian mới trả lời được xu hướng hoạt hình nào sẽ trở thành “thống soái” của ngành công nghiệp trong tương lai.
Nguồn: Dream Farm Studios
Tâm Cửu