Tại sao Concept Animation lại quan trọng trong sản xuất hoạt hình đến vậy?
Sự có mặt của concept animation trong quy trình sản xuất phim hoạt hình không chỉ giúp bạn có được tầm nhìn tổng thể cho dự án mà còn tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực tham gia.
Trong thế giới hoạt hình năng động và không kém phần cạnh tranh, mọi người đều đang đổ xô tìm kiếm những yếu tố độc đáo giúp tạo nên sự khác biệt cho các tác phẩm của họ. Trong đó, concept animation là một trong những khía cạnh tuy không được chú ý nhiều nhưng vẫn góp phần đáp ứng nhu cầu sáng tạo bứt phá của các nhà làm phim hoạt hình.
Vậy cụ thể concept animation là gì và đóng vai trò quan trọng thế nào trong toàn bộ quá trình làm phim hoạt hình? Cũng như làm thế nào để các Artist thực hiện tốt giai đoạn này và nâng tầm hiệu suất công việc cho họ và các studio hoạt hình nói chung?
Nguồn ảnh: CAPCOM
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi sâu vào thế giới muôn màu muôn vẻ của concept animation. Về cơ bản, yếu tố này không chỉ là bước khởi đầu cho quá trình dựng phim mà còn đóng vai trò như một nền tảng giúp xây dựng các dự án hoạt hình sao cho thật vững chắc.
Concept Animation là gì?
Cho dù bạn đang làm một đoạn phim hoạt hình concept art hay diễn hoạt các bản phác thảo concept thì mỗi yếu tố đều phục vụ cho một mục đích riêng biệt. Nhìn chung, mục tiêu chính của giai đoạn concept animation là dựng khung sườn cho toàn bộ các khía cạnh thẩm mỹ, câu chuyện và kỹ thuật mà bạn dự tính sẽ thực hiện trong phiên bản hoạt hình cuối cùng của mình.
Nếu bạn là một Animator hoạt động tự do hoặc chủ của xưởng phim hoạt hình thì việc hiểu và nắm vững giai đoạn này sẽ giúp bạn có được lợi thế đáng kể trên thị trường hoạt hình đầy cạnh tranh. Có thể nói, concept animation là bản minh họa ý tưởng hoặc kế hoạch chi tiết hướng dẫn cách mọi người cùng tham gia vào một dự án hoạt hình, theo đó nó sẽ bao gồm tất cả tác vụ của Storyboard Artist, Animator và các đạo diễn.
Nguồn ảnh: Pigeon Studio
Concept Animation được thực hiện như thế nào?
Quá trình này thường bắt đầu bằng các buổi brainstorm, nơi ý tưởng được thảo luận để tạo ra các moodboard cho đội ngũ thiết kế. Phương tiện này có thể bao gồm mọi thứ từ bảng màu đến những yếu tố liên quan đến chủ đề của dự án, qua đó giúp các nhà thiết kế kết hợp những hình ảnh có chung chủ đề và concept nhằm truyền đạt đúng ý tưởng của mình, cũng như khiến người xem hình dung ra được mục đích mà họ đang hướng đến là gì.
Bước tiếp theo thường liên quan đến việc phác thảo hoặc kết xuất kỹ thuật số, trong đó, các nhà làm phim hoạt hình sẽ biến những ý tưởng từ buổi brainstorm ra thành hiện thực. Tại thời điểm này, concept animation được trau chuốt nhiều lần, rồi đem qua cho các thành viên chủ chốt trong nhóm xem xét, và cuối cùng được phê duyệt để chuyển tiếp sang các giai đoạn sản xuất tiếp theo.
Nguồn ảnh: Animator Island
Tầm quan trọng của Testing và Prototyping
Trước khi bắt tay vào sản xuất quy mô lớn, concept animation cho phép bạn có cơ hội thử nghiệm và tạo prototype cho ý tưởng của mình. Công đoạn này rất quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro và xác định các vấn đề tiềm ẩn có nguy cơ dẫn đến bài học xương máu sau này.
Với concept animation, bạn có thể tạo các prototype hoặc storyboard nhỏ hơn để thuận tiện chia sẻ và đánh giá nhanh chóng. Quá trình lặp đi lặp lại này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc vì nó cho phép bạn giải quyết những khúc mắc, nhận phản hồi và thực hiện các sửa đổi cần thiết trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Nguồn ảnh: DevianArt
Tại sao Concept Animation lại quan trọng đối với các Freelancer?
Nếu bạn là một nhà làm phim hoạt hình tự do, bạn có thể cho rằng concept animation là một bước thừa thải, đặc biệt là khi phải đối mặt với thời hạn gấp rút hoặc ngân sách hạn chế. Tuy nhiên, quan điểm này có thể ngăn cản sự phát triển của bạn. Trên thực tế, môt khi concept animation càng chắc chắn thì sản phẩm “đấu thầu” của bạn sẽ càng rõ ràng và dễ thuyết phục khách hàng tiềm năng hơn.
Sự minh bạch trong việc minh họa ý tưởng có thể tạo ra điểm khác biệt giữa người thực hiện tác vụ phổ thông với mức lương trung bình và người có khả năng đảm nhận các dự án lớn với mức lương cao hơn. Một concept được xây dựng kỹ lưỡng cũng sẽ khiến giai đoạn tiến hành diễn ra hiệu quả đáng kể, từ đó giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc cho bạn hơn.
Nguồn ảnh: Darvideo Animation Studio
Giá trị của Concept Animation đối với các chủ xưởng phim hoạt hình
Đối với chủ xưởng phim hoạt hình, concept animation thậm chí còn mang ý nghĩa lớn hơn. Nó không chỉ đơn thuần là một bước trong quy trình sản xuất mà còn là thành phần cốt lõi trong mô hình kinh doanh của bạn. Bằng cách đầu tư vào một concept animation chất lượng cao, bạn có thể tạo điều kiện cho quy trình sản xuất diễn ra hợp lý, trơn tru và hạn chế nhiều lỗi hơn.
Giai đoạn lên ý tưởng cho phép team của bạn giải quyết mọi khúc mắc và mâu thuẫn trước khi bước vào các giai đoạn sử dụng nhiều nguồn lực hơn cho dự án.
Tăng cường giao tiếp với khách hàng
Bất kể bạn là người làm việc tự do hay chủ xưởng phim hoạt hình, concept animation đều có thể là đồng minh tốt nhất của bạn trong quá trình trao đổi với khách hàng. Giai đoạn concept cung cấp cho bạn các thông tin minh họa hữu hình giúp rút ngắn thời gian trình bày cho khách hàng, đồng thời đơn giản hóa những ý tưởng trừu tượng để giúp họ hiểu mọi thứ cặn kẽ hơn.
Các bản phác thảo concept animation hay hoạt ảnh có độ trung thực thấp đều có thể trở thành công cụ hữu ích giúp khách hàng đặt ra kỳ vọng phù hợp cho sản phẩm và loại bỏ những hiểu lầm không đáng có ngay từ đầu. Nếu mọi người đã nắm được mọi thứ trước khi thực hiện, bạn có thể sắp xếp một chu trình dự án suôn sẻ hơn, vừa giúp khách hàng hài lòng lại có khả năng xây dựng mối quan hệ và được giới thiệu thêm nhiều dự án khác.
Nguồn ảnh: GameSpot
Ưu điểm trong lối kể chuyện và tường thuật
Trong thế giới hoạt hình, kể chuyện là vua, còn concept animation là nền tảng. Cho dù là nhà làm phim hoạt hình tự do hay chủ xưởng phim hoạt hình thì việc đầu tư thời gian vào giai đoạn này cũng sẽ giúp bạn đào sâu hơn vào cốt truyện, đảm bảo các yếu tố kể chuyện đều hoạt động tốt trong xuyên suốt dự án của mình.
Việc tập trung vào cách kể chuyện không chỉ làm phong phú thêm sản phẩm cuối cùng mà còn khiến nó trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khán giả. Concept animation cho phép bạn khám phá nhiều cách kể chuyện khác nhau trước khi chính thức thực hiện một quy trình bài bản, nhằm giúp câu chuyện của bạn tăng sức thuyết phục và giàu cảm xúc hơn.
Nguồn ảnh: U-tad
Concept Animation trong xây dựng thương hiệu và Marketing
Concept animation có thể là một công cụ hữu dụng giúp các nhà làm phim hoạt hình và chủ xưởng phim xây dựng bộ nhận diện thương hiệu độc đáo cho bản thân và doanh nghiệp của mình. Theo đó, việc phát triển một phong cách hoặc ngôn ngữ hình ảnh dễ nhận biết sẽ cần bắt đầu từ giai đoạn lên ý tưởng trước tiên.
Việc xây dựng thương hiệu thường là yếu tố khiến bạn tăng phần chuyên nghiệp, khác biệt hơn so với các đối thủ và giúp bạn thu hút thêm khán giả hoặc khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, các bản phác thảo ý tưởng và prototype có thể được sử dụng để làm tài liệu Marketing, giúp bạn thu hút sự chú ý của khách hàng đối với các dự án hoặc dịch vụ của mình.
Nguồn ảnh: World Brand Design Society
Hợp lý hóa quy trình làm việc và cộng tác nhóm
Ưu điểm của concept animation không chỉ giới hạn ở khía cạnh sáng tạo mà nó còn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp của bạn. Giai đoạn tiền sản xuất trong concept animation cung cấp những hướng đi cụ thể cho các thành viên trong nhóm, từ đó giúp bạn đảm bảo tính hợp lý trong quy trình làm việc hơn.
Cho dù là Storyboard Artist, Character Designer hay Animator thì cũng đều cần đến một bản tham khảo chung để đảm bảo sự nhất quán trong tầm nhìn và khả năng thực thi của mọi người. Đối với chủ sở hữu của một studio hoạt hình thì điều này sẽ càng cần thiết hơn, đặc biệt là khi trong nhóm có thêm thành viên mới hoặc Freelancer và bạn không muốn phải giải thích cặn kẽ cho họ mọi thứ từ đầu.
Một Concept Artist có thể trở thành Animator không?
Một quan niệm sai lầm khá phổ biến trong thế giới hoạt hình là cho rằng Concept Artist không hề liên quan gì đến các Animator. Thực tế là hoàn toàn ngược lại.
Cả hai lĩnh vực này đều liên tục giao nhau ở nhiều khía cạnh, chẳng hạn như việc sử dụng lý thuyết màu sắc, hiểu biết về hình dạng và cơ chế chuyển động, v.v. Các kỹ năng được phát triển trong quá trình lên concept animation đều có thể mang lại lợi ích đáng kể khi bạn chuyển sang giai đoạn diễn hoạt.
Nguồn ảnh: Kdan Mobile
Đối với các nhà làm phim hoạt hình tự do, cách tiếp cận đa ngành này có thể mang lại cho bạn nhiều cơ hội việc làm và tăng tương tác với khách hàng hơn. Còn nếu bạn là chủ của một studio thì việc sở hữu đội ngũ nhân viên có thể đảm nhận cả hai việc này sẽ giúp giảm đi đáng kể nhu cầu tuyển dụng các Specialist, từ đó tối ưu hóa chi phí hoạt động cho doanh nghiệp của mình.
Đa dạng hóa kỹ năng để có thêm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn
Nếu bạn là một nhà làm phim hoạt hình đang tìm cách đa dạng hóa kỹ năng của mình thì đừng ngần ngại tìm hiểu chi tiết về concept animation để giúp bạn dễ PR cho bản thân và các sản phẩm của mình hơn. Các hãng phim hoạt hình và khách hàng đều đánh giá cao những cá nhân đa tài, những người có thể mang lại nhiều lợi ích cho họ hơn chỉ là một mảng hoặc chuyên môn nào đó.
Hiểu và nắm được sự phức tạp của concept animation có thể giúp bạn mở ra cánh cửa cho những vai trò như giám đốc sáng tạo, giám đốc nghệ thuật hay quản lý dự án. Đối với những người làm việc tự do, điều này có thể mở rộng thêm phạm vi dịch vụ của bạn, giúp bạn trở thành “điểm đến” lý tưởng cho các dự án hoạt hình có tính cạnh tranh cao và từ đó tăng khả năng thu nhập cho bạn hơn.
Nguồn ảnh: WIRED
Tạm kết
Về bản chất, concept animation chính là hạt nhân của toàn bộ dự án hoạt hình của bạn, nó giúp gắn kết tất cả yếu tố với nhau và đảm bảo tính nhất quán cho mọi thứ kể từ khi bắt đầu.
Cho dù bạn là nhà làm phim hoạt hình tự do hay chủ xưởng phim hoạt hình thì concept animation vẫn là một bước nên nằm trong checklist của bạn chứ không đơn thuần chỉ là một đề xuất. Việc có thêm giai đoạn lên concept sẽ giúp bạn và đồng đội xác định rõ được điểm tham khảo chung cho tất cả những người tham gia dự án của mình.
Nguồn: Business of Animation
Tâm Cửu