10 lời khuyên bảo vệ bản thân giữa làn sóng sa thải
Aleksey Savchenko, Chief Innovation Officer tại Xsolla, gần đây đã chia sẻ một danh sách lời khuyên hữu ích dành cho những ai không may rơi vào tình trạng sa thải hoặc thất nghiệp.
Hiện nay, trước áp lực suy thoái kinh tế toàn cầu, hàng loạt công ty đều đang áp dụng những chính sách giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và ưu tiên giữ lại nhân lực cốt cán để duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Điều này vô hình chung đã dẫn đến không ít thiệt thòi cho người lao động khi họ phải đối mặt với tình trạng sa thải hàng loạt, chấp nhận sự đối đãi bất công, tăng ca liên tục đến vô lý hoặc bị cắt giảm lương một cách đột ngột, v.v.
Tình trạng này cũng diễn ra đối với ngành công nghiệp VFX, hoạt hình và trò chơi. Trong chưa đầy một năm, nhiều studio hàng đầu thế giới đã liên tục sa thải nhân viên của mình nhằm hạn chế chi phí phát sinh hết mức có thể, tiêu biểu như là Disney, DreamWorks Animation, Telltale Games, DNEG, Epic Games, v.v.
Nguồn ảnh: Mondo
Theo đó, trong danh sách dưới đây, Aleksey sẽ chia sẻ cách đối diện và kiểm soát việc sa thải, cũng như đưa ra một số phương pháp thực tế giúp những người vừa mất việc có thêm động lực tiến về phía trước và định hướng bản thân theo chiều hướng tích cực hơn.
Giới thiệu
Xin chào, tôi tên là Aleksey Savchenko, tôi đã làm việc trong ngành công nghệ – trò chơi được 26 năm và hiện tại là tôi 42 tuổi. Chứng kiến nhiều người đang phải trải qua thời kỳ khó khăn sau khi rời bỏ hoặc bị sa thải khỏi công ty mà họ gắn bó trong thời gian dài, tôi quyết định chia sẻ một số kinh nghiệm mà bản thân tin rằng có thể hữu ích cho chuyện này, với mong muốn giúp đỡ những người cùng làm việc trong ngành công nghiệp trò chơi, cũng như vì tôi đã dành không ít thời gian nghiên cứu và hợp lý hóa một số vấn đề liên quan đến thực trạng trong các doanh nghiệp hiện nay.
Aleksey Savchenko – Chief Innovation Officer của Xsolla. Nguồn ảnh: TechBullion
1. Trị liệu tâm lý khi cần thiết
Bạn nên sẵn sàng tinh thần cho một chu kỳ bị phủ nhận, tức giận, bị từ chối, được chấp nhận, và có thể sẽ cùng lúc đối diện với tất cả những cảm giác này.
Hoạt động kinh doanh giải trí và công nghệ hiện đại đưa bạn vào một môi trường có tính gây nghiện cao, quan tâm và hỗ trợ cho từ những ngày vừa bước chân vào thị trường lao động, sau đó từng bước kiểm soát hoạt động giao tiếp của bạn, hạn chế quyền tự chủ, sáng tạo và sự đa dạng của bạn, mang lại cho bạn cảm giác bản thân đang cố gắng làm việc vì một mục đích cao cả nào đó hoặc cho những nhân vật có thẩm quyền,… Song, bạn lại đột nhiên bị tước bỏ những thứ đó trong giây lát và điều này ngay lập tức trở thành một trải nghiệm cực kỳ đáng sợ. Nếu có thể, đừng ngần ngại việc trị liệu tâm lý nếu bạn thật sự cảm thấy bị đả kích tinh thần. Tôi đã thực hiện điều này được nửa năm, việc tư vấn tâm lý là một liều thuốc giúp ta nhanh chóng lấy lại động lực, và ai trong chúng ta cũng có lúc đều cần đến điều này trong cuộc sống. Nếu bạn cảm thấy vô cùng chán nản, hãy thử cân nhắc nhóm thuốc chống trầm cảm SSRI dưới sự hướng dẫn của bác sĩ tâm lý. Tôi đã sử dụng chúng một năm và cảm thấy ổn định hơn rất nhiều.
Nguồn ảnh: Brightside Health
2. Làm mới bản thân và thay đổi thói quen sống của bạn
Hãy trang bị cho mình một chiếc điện thoại và máy tính xách tay “sạch sẽ” để sẵn sàng chào đón công việc mới bất kỳ lúc nào. Bạn cũng nên tập thể dục nhiều hơn; khám phá những con đường mới, quán xá mới; hoặc lên lịch cho một chuyến đi đến vùng ngoại ô; loại bỏ một số thói quen tiêu cực; phát triển thêm thói quen lành mạnh; nói chuyện với mọi người nhiều hơn; dành nhiều thời gian cho gia đình,… Nói chung, hãy bắt đầu một cuộc sống mới cùng sở thích tích cực để bản thân luôn trong trạng thái tràn đầy năng lượng.
3. Đừng trông chờ vào những cuộc trò chuyện với đồng nghiệp cũ như trước đây
Về giao tiếp, bản năng đầu tiên của bạn sẽ là nói chuyện với những người còn làm tại công ty như thường lệ, nhưng phần lớn trong số họ sẽ không nói chuyện hoặc dần trở nên ít tiếp xúc với bạn hơn.
Điều này không có nghĩa họ là người xấu, mà là vì có những điều họ cảm thấy không thể thảo luận với bạn, hoặc vì họ bị ảnh hưởng bởi một hội chứng tâm lý có tên là “Survivor Syndrome” hoặc “Survivor’s guilt”. Hội chứng này khiến họ mang cảm giác tội lỗi và khó xử khi thấy bản thân là những người ở lại công ty (người sống sót = survivor), trong khi bạn thì không được như vậy. Có thể bạn sẽ không tin lời tôi nói và tiếp tục liên lạc, chè chén say sưa hoặc viết thư cho các đồng nghiệp của mình liên tục, tựa như cách mà tôi từng làm. Theo thời gian điều này sẽ qua đi và để lại cho bạn sự đau lòng khó tả, đặc biệt là sau khi bạn gặp lại đồng nghiệp cũ của mình và thấy mọi thứ vẫn như trước, chỉ có bạn là khác đi. Tuy nhiên, những người bạn thực sự chắc chắn sẽ luôn bên cạnh bạn, và tôi đã vô cùng may mắn khi có những người luôn hỗ trợ mình trong những tháng ngày chênh vênh ấy. Điều này thực sự đã giúp tôi vực dậy rất nhiều.
Nguồn ảnh: ThoughtCo
4. Có thể giữ liên lạc với đồng nghiệp cũ nhưng đừng theo chiều hướng tiêu cực
Việc hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau và chia sẻ thông tin hữu ích với đồng nghiệp cũ có thể giúp ích cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của bạn.
Tuy nhiên, đừng dành quá nhiều thời gian để buôn chuyện, phàn nàn và có thái độ tiêu cực về nơi làm việc cũ hay sếp cũ của bạn. Những hành động này chỉ càng thêm chứng minh rằng bạn vẫn còn đắm chìm trong sự mệt mỏi của quá khứ. Việc liên tục trút bỏ nỗi thất vọng hoặc sự bực bội của bản thân có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn.
Bạn vẫn có thể cập nhật một số tin tức hoặc tin đồn về những gì đang diễn ra ở nơi làm việc cũ trong khoảng 1-2 tháng đầu, nhưng sau đó, bạn phải hiểu rằng điều quan trọng nhất vẫn là tiếp tục tập trung vào tương lai của chính bạn. Mọi thứ không đáng để bạn biến mình thành một cá thể độc hại và làm mọi thứ vì mục đích thù địch hay không có lý do chính đáng. Những hành vi này có thể gây tổn hại đến danh tiếng, các mối quan hệ và hạnh phúc của người khác, và thậm chí là làm hại chính bạn.
Nguồn ảnh: United Tech
5. Tận dụng những tài nguyên cũ và tìm một công việc ngắn hạn
Hiện tại, nếu bạn chưa sẵn sàng để nghỉ hưu và vẫn muốn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình thì bạn nên tìm một công việc ngắn hạn hoặc tự do đúng theo chuyên môn của mình càng sớm càng tốt.
Bạn cần tận dụng những kỹ năng, kinh nghiệm và các mối quan hệ từ công việc trước đó của mình để tìm kiếm cơ hội mới và tăng thêm thu nhập cho bản thân. Hơn nữa, bạn cần thay thế định hướng và mục tiêu nghề nghiệp của mình nếu cần thiết, cũng như cố gắng lấy lại sự tự tin và không ngừng mài giũa bản thân để tránh bị “lục nghề”.
6. Nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người
Trong thời đại công nghệ 4.0, nơi cho phép bạn truy cập hàng trăm kênh tuyển dụng ở khắp mọi nền tảng trên toàn cầu, bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ sớm tìm được việc và tự giải quyết vấn đề của mình nhanh chóng thôi. Thế nhưng, đừng luôn miệng nói với những người xung quanh rằng: Việc của tôi để tôi tự làm, tôi sẽ cho bạn thấy thế này thế kia, rồi thì… giờ xem tôi thể hiện đây…
Bạn cần hiểu rằng bản thân không phải thánh thần. Hãy nhận mọi sự giúp đỡ mà bạn có được ngay lúc này. Tôi đã từng ước bản thân có thể giỏi hơn khi phải rời xa nơi làm việc của mình những hai lần. Hãy liên hệ cho bất cứ ai mà bạn cảm thấy có thể giúp đỡ được cho mình, họ có thể là bạn bè, đồng nghiệp làm ở bộ phận nhân sự, những người mà bạn từng gặp 1-2 lần và cảm thấy có thể kết nối được, hoặc gia đình bạn, v.v. Nếu bạn cứ cố chấp từ chối sự giúp đỡ của mọi người, bạn sẽ chỉ kéo dài thêm thời gian giải quyết vấn đề của mình và không làm được bất kỳ điều gì khác, vì thế, hãy lên tiếng khi cần đến sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Nguồn ảnh: Medical Xpress
7. Nếu khởi nghiệp, hãy tìm thêm người đồng hành
Nếu bạn đang có ý định kinh doanh riêng hoặc tiến hành một dự án lớn của riêng mình thì hãy tìm thêm một hoặc nhiều người cùng làm việc với bạn với tư cách là đối tác hoặc cộng tác viên. Vì nếu làm mọi thứ một mình sau khi mất việc, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và khó khăn.
Ban đầu, hành động của bạn có thể bị thúc đẩy bởi sự tức giận hoặc thù địch đối với công ty trước đó, nhưng bạn sẽ sớm cần đến những phản hồi và sự tương tác tích cực từ đối tác của mình để có thêm những quan điểm, góc nhìn đa dạng, từ đó giúp bạn phát triển công việc một cách tốt hơn. Sự tức giận không phải là một cảm xúc lành mạnh hoặc đủ bền vững để làm nền tảng cho sự nghiệp của bạn, do đó, hãy nhờ đến sự hỗ trợ của những người đồng hành và lấy cảm hứng từ họ nhiều hơn.
8. Rút kinh nghiệm từ bài học trước đó của bản thân
Khi tìm được một công việc hoặc dự án mới, bạn nên duy trì quyền kiểm soát và tự chủ nhiều hơn đối với công việc và cuộc sống của mình. Bạn nên rèn luyện kỹ năng phán đoán, đặt ra thời gian làm việc và giới hạn của riêng mình, có thái độ tích cực và quyết đoán, tránh bị “thu hút” hoặc xao nhãng quá mức bởi công nghệ và mạng xã hội. Đồng thời, bạn cũng cần chống lại sự cám dỗ hoặc áp lực của việc chạy theo xu hướng hoặc sự hào nhoáng do người khác tạo ra, cũng như ý thức hơn về những gì thực sự có giá trị và ý nghĩa đối với bạn. Đây là một số cách giúp cải thiện sức khỏe, năng suất, sự hài lòng trong công việc và cuộc sống của bạn.
Nguồn ảnh: North Star Group
9. Chấp nhận mọi cảm xúc và tìm cách vực dậy bản thân
Việc phải từ bỏ một thứ mà mình đã gắn bó trong thời gian dài thường mang lại cho chúng ta cảm giác bất bình, hụt hẫng và thất vọng. Khi đối mặt với việc đột ngột thất nghiệp, bạn sẽ phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, chẳng hạn như buồn bã, tức giận, hoài niệm, lo lắng, tâm trạng thất thường, v.v. Tuy nhiên, điều đó là hoàn toàn bình thường, vì đơn giản bạn cũng chỉ là con người thôi.
Hãy nhớ rằng bạn không còn phải tuân theo những kỳ vọng hoặc giới hạn do nơi làm việc hoặc người sếp cũ áp đặt, điều đã khiến bạn vô thức tự thuyết phục bản thân là không có gì trước đây. Bạn cần học cách chấp nhận bản thân và cảm xúc của mình, đồng thời thể hiện chúng theo những cách lành mạnh hoặc mang tính xây dựng. Hãy tiếp tục đứng dậy sau thất bại, đề ra những mục tiêu mới và phát triển bản thân theo chiều hướng tích cực hơn.
Nguồn ảnh: FacileThings
10. Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi
Sau khi giải tỏa cảm xúc bằng nhiều cách khác nhau, bạn cần ngồi lại và một lần nữa nhớ về chuyện cũ dưới góc nhìn của người quan sát. Hãy nhìn ngắm và học hỏi từ nó như một trải nghiệm đáng nhớ của bản thân. Lúc này, đừng quên chăm sóc chính mình về cả thể chất lẫn tinh thần, để rồi bạn có thể bắt đầu công việc mới một cách nhẹ nhàng và phát huy năng lực bản thân tốt hơn so với công việc ngày trước. Điều quan trọng nhất ở đây là hãy luôn lạc quan và tin rằng mọi chuyện sẽ tốt tiến triển ngày một tốt hơn.
Lời kết
Nhìn chung, Aleksey Savchenko đã dành một sự quan tâm rất lớn đối với sức khỏe tinh thần của những nhân viên không may bị sa thải hoặc thất nghiệp trong khoảng thời gian qua. Chính vì bản thân từng phải đối mặt với điều này, Savchenko rất hy vọng những người người đồng nghiệp trong lĩnh vực VFX, Hoạt hình và Games nói riêng, và tất cả những ai đang phải chịu ảnh hưởng bởi thực trạng này nói chung đều sẽ giữ cho mình một tâm thế tích cực, lạc quan, cùng tinh thần và cơ thể khỏe mạnh, để có thể bước tiếp trên con đường sự nghiệp của mình.
Nguồn: 80 Level
Tâm Cửu