Tạo chân dung siêu thực của H.P. Lovecraft cùng 3D Artist Khôi Nguyễn
Cùng 3D Character Artist Nguyễn Hoàng Khôi khám phá cách sử dụng những công cụ 3D phổ biến để hoàn thành một bức chân dung siêu thực.
Nguyễn Hoàng Khôi (Khôi Nguyễn) là một 3D Character Artist (Họa sĩ nhân vật 3D) chuyên nghiệp với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề. Anh có kinh nghiệm 5 năm ở vị trí 3D Modeller tại SPARX*, sau đó trở thành Senior Modeller tại Glass Egg, Vintata, Vegas Animation Studio trước khi quyết định rẽ hướng làm freelancer từ 2020. Với tinh thần muốn dành thời gian để học hỏi điều mới, anh tham gia lớp LIVE của Kris Costa và bắt đầu đi sâu vào nghệ thuật vẽ chân dung. Sẵn niềm yêu thích với H.P. Lovecraft, anh đã vận dụng ngay kiến thức mới để vẽ nên một bức chân dung siêu thực của nhà văn nổi tiếng này.
P. Lovecraft (1890 – 1937) là một trong những nhà văn Mỹ nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tiểu thuyết siêu nhiên và khoa học viễn tưởng. Phong cách kể chuyện độc đáo và giàu sức tưởng tượng của ông đã để lại dấu ấn sâu sắc trong thế giới văn học. Các tác phẩm của Lovecraft thường khám phá các chủ đề kinh dị vũ trụ, những sinh vật cổ xưa và sự mong manh của sự tồn tại con người trước cái không biết. Với những miêu tả tinh vi và sống động, Lovecraft đã tạo ra một hệ thống thần thoại thu hút hàng nghìn độc giả đến tận ngày nay.
Bản thân Khôi Nguyễn là một người hâm mộ Lovecraft và vũ trụ Cthulhu – một thế giới ám ảnh và kinh dị đầy những sinh vật cổ đại, quyền lực và ác độc do Lovecraft sáng tạo nên. Anh tìm thấy rất nhiều tác phẩm nghệ thuật về Lovecraft nhưng chủ yếu ở dạng 2D. Với niềm yêu thích và muốn thử nghiệm cái mới, Character Artist này đã dành thời gian rảnh trong khoảng 2 tháng để hoàn thành bức chân dung ấn tượng 3D ấn tượng của H. P. Lovecraft. Các phần mềm được anh sử dụng gồm ZBrush, Substance Painter, Maya, Arnold và XGen.
Chân dung H. P. Lovecraft được Artist Khôi Nguyễn tái hiện.
Đối với dự án này, Khôi Nguyễn quyết định làm mọi thứ từ đầu. Anh bắt đầu điêu khắc phần đầu Lovecraft đầu từ một quả cầu. Trước đó, anh đã thu thập rất nhiều tài liệu tham khảo như ảnh của Lovecraft và các tác phẩm điêu khắc của mọi người. Giống như mọi bức chân dung ngoài kia, sự tương đồng luôn là phần khó nhất vì không có nhiều ảnh của Lovecraft trên internet và những bức ảnh đó khắc hoạ nhà văn ở nhiều độ tuổi cũng như khác nhau về ánh sáng. Tư liệu tham khảo khá khối rắm nên Khôi Nguyễn đã phải tìm ra đúng thứ phù hợp với concept của mình.
Khi khối tổng thể đã tương đối tốt, Khôi Nguyễn đã đi lại lưới cho khối cơ bản và project lại phần đầu trong ZBrush. Anh đã tạo một bộ sưu tập cọ vẽ cho các chi tiết như lỗ chân lông, nếp nhăn và mụn theo phương pháp Kris Costa. Các Displacement Map được kết xuất bằng cách sử dụng MultiMap Exporter trong ZBrush. File được xuất ra với SubDivision 2 để phần đầu có nhiều chi tiết hơn. Adaptive nên được tắt bởi vì nó sẽ làm cho quá trình bake map lâu hơn nhưng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
Nhãn cầu và mống mắt cũng được điêu khắc trong ZBrush. Khôi Nguyễn đã sử dụng các cài đặt tương tự như đối với Maps dùng cho phần đầu. UV của nhãn cầu phải ở trung tâm để thiết lập bóng đổ.
Ramp được kết nối với Transmission Weight để kiểm soát mức độ hiển thị và kích thước của mống mắt. Loại Ramp được chọn phải là dạng tròn (Circular Ramp).
Phần Texture của đầu, tay, Necronomicon và các xúc tu được vẽ bằng Substance Painter. Artist cố gắng tập trung vào phần chân dung nên phần đầu có 3 Udim và kích thước map là 8k.
ZBrush cũng được sử dụng để tạo hình quần áo, sau đó dùng Maya để đi lại lưới. Khôi Nguyễn đã tạo một thuật toán về vật liệu cho chúng. Tất cả đều là texture vải tiling và một số node trong Maya được kết nối với aiStandardSurface.
Tóc được tạo bằng XGen. Artist chia thành các phần nhỏ như lông mi, lông mày, tóc, râu, v.v. Các tính chất sẽ khác nhau một chút, nhưng thông thường, chúng sẽ có 2-3 cụm, 1 vết cắt (cut), 1 noise cho tổng thể và 1 noise để kiểm soát phần bị lệch.
Khôi Nguyễn cũng đã sử dụng hệ thống chiếu sáng Ba-điểm có thêm đèn spotlight và đèn skydome với cường độ thấp cho render cuối cùng. Đây là điểm đặc biệt của thiết kế bởi với aiAtmosphereVolume (hệ thống bụi mù) ta sẽ có thể tạo ra hiệu ứng ánh sáng đường phố từ phía trên Lovecraft. Khôi Nguyễn dùng Arnold Renderer để render, ngoài ra, anh đề xuất bật Clamping và điều chỉnh Giá trị AA Clamp nếu bạn thấy hiệu ứng đom đóm khi render.
Sau đó, khâu cuối cùng là sử dụng Photoshop để điều chỉnh hình đã render, chẳng hạn như điều chỉnh các yếu tố Level hoặc Curve để có kết quả thú vị hơn.
Chân dung H. P. Lovecraft sau khi đã hoàn thành.
Thuỷ Lê
Theo 80.lv
Nguồn ảnh: 80.lv