Industry Insight #3 – Anh Võ Huy Giáp: “Kiên trì là điều quan trọng nhất, không kiên trì thì không thể đi cùng”
Suốt thời niên thiếu, Võ Huy Giáp chưa bao giờ biết cảm giác “học sinh giỏi” là như thế nào. Anh tự nhận mình học không giỏi, nhưng lại có một niềm yêu thích đặc biệt bền bỉ với phim ảnh và kỹ xảo. Niềm yêu thích đó không chỉ dừng lại ở việc xem mà còn là khát khao làm ra được những sản phẩm như thế. Vậy là anh dành cả tuổi trẻ rong ruổi khắp nơi để tìm một ngôi trường giúp bản thân thực hiện hóa giấc mơ đó.
Từ một cậu học trò phải thi lại vào năm lớp 6, cho đến sinh viên dẫn đầu toàn chuyên ngành. Từ người chưa bao giờ biết cảm giác “học sinh giỏi” cho đến cái tên được hiệu trưởng ngỏ lời mời ở lại trường giảng dạy. Đằng sau bảng thành tích của ai đó đếu là những câu chuỵến vế một hành trình dài của sự nỗ lực. Với anh Võ Huy Giáp, đó cũng không phải ngoại lệ.
Buổi trò chuyện dưới đây với anh Võ Huy Giáp – Giám đốc Đào tạo tại Học viện MAAC sx không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về anh, mà còn mang đến một góc nhìn gần gũi hơn về lĩnh vực VFX & Animation từ chính một người đã quyết tâm theo đuổi nó từ những ngày đầu của sự nghiệp.
Trước những khán giả của cộng đồng Vietnam VFX-Animation, anh Giáp hãy giới thiệu đôi nét về bản thân để các bạn được biết đến nhé!
Xin chào các bạn, tôi là Võ Huy Giáp – Giám đốc Đào tạo tại Học viện Kỹ xảo & Điện ảnh Maac với trên dưới 15 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghiệp này.
Hành trình của tôi cũng giống như các bạn. Bắt đầu từ việc đi học ở một ngôi trường giống như MAAC để được dạy những thứ cơ bản về 3D. Sau đó thử sức ở khá nhiều bộ phận (kỹ thuật, mỹ thuật), và khá nhiều vị trí: từ Producer, Art Director cho đến giảng viên, giúp được rất nhiều bạn trẻ từ từ tiến vào ngành công nghiệp này, đó là điều khiến tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi nhắc đến công việc của mình.
Nếu như dành một từ để miêu tả cảm xúc đối với lĩnh vực VFX & Animation mà anh đang theo đuổi thì đó là từ gì? Vì sao?
Nếu chỉ được dùng một từ thì cũng hơi khó vì trong đầu tôi đang có hai từ, thứ nhất là vui, thứ hai là hạnh phúc.
Ở thời điểm 20 năm trước, tôi từng không tìm được trường nào dạy về 3D. Chỉ có hai trường mà lúc đó tôi rất ao ước vào được là Đại học mỹ thuật và Đại học Kiến trúc thì rất tiếc khả năng hội họa của tôi lại có hạn. Tôi còn nhớ khi đi luyện thi ở một cái trung tâm mỹ thuật, các thầy xem qua sản phẩm cũng góp ý tôi nên rèn luyện thêm một năm nữa rồi mới nên thi nhưng rất tiếc sau đó tôi có chút nản lòng nên không đi tiếp được.
Sau khi sang Canada và biết có ngành học này. Tôi cảm thấy mình không còn phải chật vật khó khăn trong việc tìm kiếm sở thích của mình nữa. Cứ thế tôi bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực này. Lâu lâu về thăm nhà, tôi vẫn xem Việt Nam đã có trường nào dạy 3D, VFX & Animation, nhưng những người thực sự biết về ngành nghề này thì cũng không có tại đâu có ai giảng dạy. Chỉ có các anh chị đang làm việc ở một cái công ty là Sparx (giờ họ là một trong những công ty rất lớn ở sài gòn lẫn thế giới). Lúc đó tôi cảm thấy rất lẻ loi tại vì muốn gặp những anh chị đó cũng rất khó. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chỉ cần nhấc điện thoại lên hoặc bước tới MAAC là có rất nhiều các bạn trẻ đang theo đuổi các ngành nghề này. Vòng bạn bè của tôi bây giờ cũng rất đông, những học trò ngày xưa của tôi đồng thời giờ cũng là bạn, là đồng nghiệp, có thể gặp nhau để trao đổi về ngành này bất cứ lúc nào nên tôi thấy vui và hạnh phúc vì bây giờ đã có bạn bè cùng chung niềm đam mê và sở thích để nói chuyện với nhau.
Đối với Anh Giáp, 3D Animation có được coi là một ngành nghề an toàn không? Nếu có thì đâu là an toàn, còn không thì đâu là rủi ro?
Nói chung, so với các ngành nghề khác thì đây là công việc khá thoải mái, rất an toàn về an toàn lao động. Nhưng mà tất nhiên làm gì liên quan tới mỹ thuật thì chúng ta phải suy nghĩ nhiều, đôi khi cũng bị stress và cần được nghỉ ngơi. Khi đối diện với áp lực chúng ta thường có thiên hướng đặt câu hỏi liệu bản thân có năng lực thực sự với ngành nghề này hay không. Đến lúc nào đó, các bạn artist cũng sẽ rơi vào trạng thái “creative block” – bị bóp cứng lại, không suy nghĩ được gì nhưng khi chúng ta vượt qua được thì bạn sẽ nhận ra đó chỉ là một cái chu kỳ thôi, mình chỉ cần thư giãn thì mọi thứ cũng trôi qua bình thường.
Nói rộng hơn về cơ hội nghề nghiệp của các bạn trẻ trong ngành này, có an toàn hay không thì thực ra cũng rất an toàn tại vì số lượng Artist tham gia vào ngành công nghiệp này hiện tại đang rất ít trong khi nhu cầu giải trí của con người thì càng ngày càng gia tăng. Hai ba năm trước, dịch bệnh Covid đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành này.
Lúc đó nhu cầu giải trí của con người tăng lên đột biến tại vì công việc không có, tất cả đều bị lockdown, thì việc duy nhất trong thời gian này là giải trí. Sự giải trí này không chỉ nằm ở phim ảnh mà còn là chơi game, thậm chí những người họ không chơi game cũng thử tìm hiểu để giải trí. Nhu cầu tăng đột biến như vậy tạo thành thói quen mới. Cầu tăng thì cung cũng phải tăng theo. Tuy nhiên, một sản phẩm để hoàn thiện cần thời gian rất dài, đặc biệt là ngành sản xuất này, phải từ sáu tháng trở lên. Hiện tại những công ty nước ngoài cũng đang ồ ạt về Việt Nam tìm kiếm nhân tài, và phải nói một điều là người Việt Nam mình thực sự rất khéo tay, đó là lý do vì sao họ về đây tìm nhân sự. Nên nói về sự an toàn cạnh tranh với nhau thì bây giờ ra bao nhiêu họ cũng đều mong muốn sinh viên đầu quân về công ty họ, và nhiều khi họ chỉ cần mình có sự đam mê thôi, họ sẵn sàng truyền lại kiến thức và công nghệ của họ cho mình, để mình có thể tham gia vào đội ngũ sản xuất ra những sản phẩm chất lượng.
Trong thời đại công nghệ không ngừng biến đổi như hiện nay thì mọi lĩnh vực đù luôn xuất hiện người giỏi, vậy làm thế nào để các newbi thoát khỏi kiếp nạn “peer pressure” trong hiện trạng này?
Nhiều lúc các bạn sẽ cảm thấy mức độ cạnh tranh của ngành này khốc liệt quá hoặc người khác giỏi hơn làm mình cảm thấy tự ti. Đó là điều hết sức tự nhiên.
Bất kỳ ai mới tham gia vào cái ngành này với số năm kinh nghiệm non trẻ cũng hay bị khách hàng nói tới nói lui khá nhiều vì chưa đáp ứng được nhu cầu của họ nhưng mà nói đi cũng phải nói lại. Đó chính là cơ hội để bạn nhìn thấy điểm yếu của mình. Khách hàng chỉ ra cho mình sau đó thì mình có thể khắc phục thôi. Thậm chí khi bạn so sánh mình với những người giỏi, các bạn hay tự hỏi tại sao các anh chị ấy giỏi quá. Đừng quá lo lắng, vì họ cũng đã trải qua khoảng thời gian giống như các bạn. Mình đừng lo lắng mình làm ko giỏi bằng họ mà nghi ngờ năng lực bản thân của mình. Khi các bạn có suy nghĩ đó có nghĩa là đang tự đặt áp lực lên đôi vai các bạn, điều này càng khiến bạn cảm thấy nặng nề trong việc theo đuổi ngành này, thì chắc chắn các bạn sẽ không theo đuổi được đâu, nên lời khuyên của mình là đừng lo lắng.
Các bạn đã từng xem các bộ phim hoạt hình của nhật bản chưa? Maruko chẳng hạn, tranh vẽ rất xấu nhưng cái xấu nhưng tôi lại cực mê cái xấu đó, càng nhìn càng thấy đẹp. Hoặc truyện Ninja loạn thị, đâu có ai nói những cái tranh đó vẽ đẹp như truyện Naruto, One Piece đâu nhưng thực sự đó là tuổi thơ của mình và khi chúng ta vẽ nó như vậy và nó có một tính đồng đều thì qua một thời gian người ta sẽ xem nó như một style. Các bạn cứ đi theo giấc mơ của các bạn tại vì dù cho những sản phẩm có cực kỳ hay đi chăng nữa thì chắc chắn cũng có người phê bình, và cũng sẽ có những người yêu thích và ủng hộ sản phẩm của các bạn.
Có những hạn chế nào đang kìm hãm sự phát triển của ngành hậu kỳ, 3D Animation và VFX không?
Thứ nhất, số lượng nhân sự đang bị thiếu. Các bạn trẻ hiện tại biết tới ngành này khá ít. Các bạn có thể chơi game, coi phim, hoặc có thể tương tác với các sản phẩm giải trí nhưng chung quy lại đó đơn thuần là để giải trí chứ các bạn không tò mò rằng sản phẩm đó được hình thành như thế nào.
Tôi nhớ ngày khi coi bộ phim “Ma trận”. Tôi thắc mắc tại sao nhân vật chính lại có kỹ năng né đạn siêu phàm như thế. Tới lúc xem được phần Behind the Scene thì tôi thực sự mê mẩn luôn. Lúc đó làm cái gì tôi cũng đặt câu hỏi làm như thế nào. Sự tò mò tuổi thơ đã thôi thúc tôi tìm hiểu còn bây giờ các bạn đơn thuần giải trí vì chưa có nhiều nguồn thông tin chất lượng giúp mọi người hình dung kỹ hơn về thị trường, ngành nghề, cuộc sống của các nhân sự nên tôi hy vọng những website như VFX Animation có thể trở thành cầu nói giúp các bạn trẻ biết thêm nhiều điều thú vị về lĩnh vực này.
Ngành nghề này đòi hỏi phải làm việc chung với nhau mà nếu như quá ít nhân sự thì rất khó để phát triển lên nhanh.
Thứ hai, kinh tế cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn, tại vì kinh tế cũng có chu kỳ, lúc lên lúc xuống, hiện tại chúng ta đang đi xuống. Tôi đọc báo chí nước ngoài thì có thể thấy bây giờ ở nước ngoài cũng đang gặp khó khăn, các diễn viên Hollywood đang có cuộc đình công để đấu tranh lợi ích cho những người làm việc trong ngành này. Có rất nhiều sản phẩm bị đình trệ làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp này, nhưng một khi kinh tế đi lên thì mọi người sẽ lại muốn chi tiêu, giải trí nhiều hơn.
Thứ ba, kỹ thuật công nghệ. Việt Nam chỉ đang ở bước tiếp thu và đón nhận công nghệ của nước ngoài chứ chưa thực sự làm ra một công nghệ nào, nhưng điều đó cũng không sao cả vì riêng việc thừa hưởng cũng giúp chúng ra sáng tạo ra rất nhiều thứ hay ho. Các bộ phim chiếu rạp có sử dụng kỹ xảo trước kia thay vì gia công ở nước ngoài thì giờ đây các nhà làm phim có thể tự tin đặt hàng trong nước. Tôi có thể liệt kê ra một số những tên tuổi Studio nổi bật trong thành phố HCM như AI OI Studio, One Step Studio. Nhưng tóm lại thì kỹ thuật công nghệ cũng là một trong những thứ kìm hãm sự phát triển của mình tại vì mình cũng chỉ đang thừa hưởng thôi.
Thứ tư, nhân sự chất lượng cao. Ngành nghề này đòi hỏi khá khắt khe khi phải sở hữu từ ba đến bốn năm tay nghề trở lên thì lúc đó mình có thể đáp ứng nhu cầu của các công ty nước ngoài, nhưng điều đó ko có nghĩa là họ không sẵn sàng làm việc với người Việt Nam. Điểm mạnh của chúng ta là thích nghi nhanh, rất nhiều dự án nước ngoài, ví dụ như ở Sparx* họ đã làm rất nhiều Game Triple A, phim Hollywood. Câu chuyện là có nhân sự nhưng nhân sự có tay nghe cao thì cũng đang bị thiếu.
Vậy còn yếu tố xã hội thì sao, anh nghĩ xã hội việt nam đang kìm hãm hay thúc đẩy sự phát triển của ngành?
Nếu nói là kìm hãm thì đã bớt, thúc đẩy thì có một chút. Hiện tại bây giờ 3D Animation Effect được thúc đẩy khá nhiều tại vì dường như tất cả các nền tảng giải trí hiện nay thì phần lớn xoay quanh phim ảnh và game.
Lợi nhuận mà ngành game mang lại rất lớn. Một trong những công ty ở Việt Nam nổi bật ở mảng này là VNG, họ đã thành công khi tạo ra nhiều hiện tượng trong cộng đồng người chơi game và mang đến nguồn lợi ích kinh tế khổng lồ.
Người Việt Nam có thể làm như vậy thì chính phủ đâu đó cũng nhận ra rằng chúng ta cần phải có chút thay đổi. Tôi không nhớ chính xác là từ khi nào nhưng đã có một vài trường đại học chính quy trong nước đưa ngành game vào thử nghiệm giảng dạy để hy vọng thay đổi tư duy. Sau đó là giúp các bạn trẻ đến gần hơn với ngành công nghiệp này. Không đơn giản là chúng ta chỉ chơi nữa mà chúng ta thực sự suy nghĩ để làm, để có thể đưa ra những sản phẩm game sánh ngang nước ngoài.
Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay các bạn trẻ nghĩ thoáng hơn và các bậc cha mẹ khi xem báo chí cũng không còn tiếp nhận những tin độc hại về game nữa mà bắt đầu đọc những tin tức tốt về sự phát triển của ngành công nghiệp này.
Trước khi anh trở thành giám đốc đào tạo của học viện MAAC, vậy anh có thể chia sẻ lại hành trình của mình không?
Thực ra nó là một cái duyên. Tôi học thì không được giỏi cho lắm, năm lớp sáu còn phải thi lại, cũng chưa biết đến cảm giác học sinh khá giỏi là gì. Khi sang Canada tôi học một ngành dạng điều dưỡng với hy vọng có thể thay đổi cuộc đời của mình. Nhưng khi ở bên đó thì tôi lại vô tình tìm ra học viện Pixel Blue, thời điểm đó tên nó là Dev Studio trực thuộc tập đoàn Microsoft, nên tôi đã không ngần ngại mà đăng ký học ngay lập tức.
Có vẻ như tìm thấy đúng sở thích nên tôi học rất tốt. Tôi giỏi nhất khoá đó, tổng số điểm nếu tôi nhớ không nhầm là chín mươi mấy phần trăm trong cả năm học. Vì niềm đam mê quá lớn với ngành nên lúc thầy hiệu trưởng hỏi tôi có muốn ở lại giảng dạy những khóa nhỏ hay không, tôi đã đồng ý ngay. Dạy cho người nước ngoài giúp tôi đúc kết kinh nghiệm sư phạm dần dần.
Tôi thích về Animation nên sau này đã đăng ký học tiếp một trường ở bên Mỹ tên là Animation Mentor trong vòng 2 năm.
Vào một lần trở về Việt Nam thăm mẹ, tôi vẫn nghĩ sẽ trở lại Canada để làm việc thì có một cái trường cũng gần giống MAAC bây giờ mời tôi ở lại để giảng dạy. Xa gia đình cũng đã ngót nghét mười năm, tôi quyết định ở lại xem sao. Làm ở đó được hai năm rưỡi, tôi quyết định ra Đà Nẵng, tiếp tục làm cho một trường đại học có tên là Đại học Duy Tân, trong quá trình làm việc cho Studio riêng của trường, mặc dù không trực tiếp giảng dạy nhưng tôi cũng được tiếp xúc với môi trường giáo dục ở đó.
Sau đó, Sparx* có mời tôi về làm ở vị trí Producer cho một dự án của Microsoft, và rồi tôi lại tiếp tục có cơ duyên giảng dạy cho các bạn trẻ tay ngang làm trainee.
Thời gian sau, tôi lại được Yeah1 mời về làm vị trí Art Director cho studio nội bộ của họ. Nhận thấy tiêu chí tuyển dụng hiện tại rất khó tìm được người, tôi quyết định làm liều, ra thông báo chỉ cần ai có niềm đam mê yêu thích thì vào sẽ được training tiếp. Và thế là tôi lại tiếp tục sự nghiệp giảng dạy.
Và rồi tôi bắt bắt tay với Học viện MAAC trong vị trí Giám đốc Đào tạo. Nguyên hành trình của mình dù có làm cho các công ty sản xuất thì tôi cũng không thoát được nghiệp dạy dỗ nên giáo dục giống như một cái duyên trong suốt hành trình sự nghiệp của tôi.
Ngành công nghiệp VFX, 3D Animation và Game thường thay đổi liên tục từng ngày. Làm thế nào để có thể giúp sinh viên cập nhật kiến thức và kỹ năng theo thời gian?
Chỉ học ngành này ở trường lớp thôi thì không đủ, phải tự học. Dĩ nhiên nếu muốn tự học ngành này thì cần phải biết tiếng anh vì tất cả kiến thức đều đến từ phương Tây. Tất cả các phần mềm của nước ngoài họ đều có một cái mục ghi chú cho chúng ta biết phiên bản mới này có cái gì. Tren Youtube cũng có rất nhiều Artist nói về những cách ứng dụng kỹ thuật mới kèm tutorial. Vậy thì mình có thể đọc, có thể xem, có thể tự mày mò các kỹ thuật đó.
Nhiều khi kỹ thuật công nghệ đó đòi hỏi các cái phần cứng cũng phải đảm bảo, vì mình cũng đâu có biết máy của mình có đáp ứng được hay không. Cứ mày mò thì sau này mình sẽ vỡ ra nhiều thứ và đó chính là cái bài học đúc rút cho chính bản thân mình.
Tôi có một chia sẻ với các bạn trẻ, khi bạn tốt nghiệp với số kinh nghiệm bằng 0 cũng chẳng sao cả. Vì kỹ thuật mới luôn xuất hiện, người nhiều năm kinh nghiệm hay ít năm kinh nghiệm đều có thời điểm tiếp cận như nhau. Người nào biết tự học, tự tìm tòi thì sẽ trở thành người dẫn đầu.
Tích hợp công nghệ mới và phần mềm tiên tiến là quan trọng trong lĩnh vực mà hầu hết làm việc trên máy tính như VFX – 3D – GAMES. Việc đào tạo cũng cần phải có sự tương tác với công nghệ để đảm bảo sinh viên được học những công cụ và kỹ thuật thực tế nhất. Anh Giáp nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Làm giáo dục trong mảng này, mình phải kết nối được với những người làm trong ngành sản xuất vì chỉ có họ mới là người dùng các kỹ thuật mới nhất để tiết kiệm thời gian mà vẫn mang lại sản phẩm đáp ứng nhu cầu bên ngoài.
Tôi nói chuyện với họ rất thường xuyên để tiếp cận kỹ thuật và ngỏ ý xem họ có thời gian giảng dạy cho các bạn trẻ hay không. Nhiều người rất mong muốn đưa kiến thức của mình đến nhiều hơn mọi người. Bởi vậy, trong mạng lưới giáo dục của mình, tôi không bao giờ rời xa các đơn vị sản xuất đó.
Ví dụ mối quan hệ với Sparx từ thời tôi còn làm Producer. Hiện tại, studio này cũng có mở các khóa training không chỉ dành cho các bạn trẻ mà còn dành cho giảng viên. Những buổi VFX Unreal Engine chẳng hạn, họ mời các giảng viên của Học viện Maac tới để xem kỹ thuật, xem họ đang làm gì, họ ứng dụng như thế nào để hy vọng những kỹ thuật đó có thể được trang bị cho học viên ngay từ khi các bạn vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi các bạn ra khỏi MAAC thì đã vững vàng hành trang gia nhập vào các studio.
Thông qua đây tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các công ty đã có những hoạt động cộng đồng thú vị như vậy.
Hiện nay, có nhiều đơn vị đào tạo bài bản dành cho cả những bạn mới bắt đầu tìm hiểu ngành. Vậy làm sao các đơn vị đảm bảo được sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm tốt trong ngành VFX, 3D Animation, và Game?
Với vai trò là một Giám đốc Đào tạo, tôi luôn tập trung tạo ra các chương trình để kết nối học viên với những studio chất lượng. Chương trình học ở trường được cân chỉnh để phù hợp với năng lực các bạn nhưng họ cũng phải sớm nhận thức được yêu cầu thực tế, trình độ cá nhân, để không ngừng nỗ lực.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kết hợp với các studio để mở các chương trình độc quyền. Ví dụ như ProClass – chương trình của Sparx chỉ dành riêng cho học viên MAAC và Arena Multimedia. Lớp học này mang đến cơ hội để các bạn cọ xát với những sản phẩm thực tế, biết chính xác yêu cầu từ khách hàng là như thế nào. Tất nhiên chúng ta chỉ mô phỏng chứ không thể nào công khai hết toàn bộ một dự án được. Vì trong ngành này sự bảo mật thông tin là quy tắc đầu tin các bạn cần nắm. Hy vọng các bạn nhìn nhận được và tự rèn dũa, bởi nhiều khi các bạn trẻ rất muốn làm gì đó hoành tráng trong thời gian ngắn mà quên mất ngành công nghiệp này là ngành công nghiệp cộng đồng, phải kết hợp thì mới ra được một cái sản phẩm tốt nhất.
Trước kia anh Giáp cũng đã từng tham gia đào tạo bài bản để trở thành một Artist giỏi như hiện nay, anh Giáp hãy chia sẻ sự khác biệt trong việc tiếp cận và theo đuổi ngành học giữa thế hệ này sao với thế hệ trước nhé. Liệu có sự lợi thế hay bất lợi nào không?
Nếu xét về tuổi tác thì thời điểm của mình bị hạn chế một cái là Youtube chưa phát triển như bây giờ. Các nền tảng online thì cũng ít ỏi, các bản tin hay những người chia sẻ về tài liệu, ngành học hay kỹ thuật công nghệ không có nhiều như hiện tại.
Bây giờ các bạn chỉ cần lên mạng research là nó sẽ cho ra hàng loạt thông tin, và các bạn tiếp cận được nó rất dễ dàng. Các bạn có thể đọc tài liệu, xem youtube, nghe podcast để mình biết người ta nói về ngành này như thế nào. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sự tiện nghi đó dễ làm các bạn bị xao nhãng trên hành trình tìm kiếm và chắt lọc thông tin, các bạn không dành thời gian để mày mò thử nghiệm xem mình có làm được hay không, vì các bạn cứ nghĩ làm lúc nào mà chẳng được, mọi thứ đều có sẵn mà.
Thời của tôi thông tin hiếm hoi quá, nên lúc mà tôi không tìm được cái gì mới thì đó chính là thời gian tôi nghiên cứu và tự học. Còn giờ các bạn trẻ dễ bị lạc lối trong cái ma trận thông tin. Đó là cái lợi nhưng cũng vừa là cái hại của các bạn.
Vậy về phía các đơn vị đào tạo, việc dạy học trước kia khác gì so với thời nay?
Nếu nói về việc giảng dạy thì cũng không thay đổi gì nhiều, chỉ là kỹ thuật công nghệ hiện nay thì luôn luôn thay đổi.
Thời điểm của tôi là các anh chị từ những studio ra đi giảng dạy. Thậm chí sau này khi tôi ra nước ngoài học, giảng viên của tôi cũng là Artist từ các studio chứ thực sự không phải những người được đào tạo sư phạm ngay từ đầu.
Các giảng viên mà tôi tìm tới hợp tác đôi khi là đồng nghiệp, là học trò, bây giờ họ còn giỏi hơn tôi, tôi nhất định phải mời được họ về giảng dạy. Chính họ là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, tiếp xúc với nhiều loại kỹ thuật công nghệ khác nhau, nhiều loại khách hàng khác nhau. Họ biết được và họ đưa được những kinh nghiệm đó về cho các bạn trẻ.
Em muốn nối tiếp câu chuyện về các bạn sinh viên, liệu dễ học thì các bạn có dễ bỏ không ạ?
Có chứ. Khi các bạn cố gắng tự tìm tòi thì cũng khá dễ nản đấy vì có cả một đại dương bao la kiến thức. Ví dụ như, chúng ta tìm về kỹ thuật A thì trong quá trình tìm lại phát hiện ra kỹ thuật B, và vì thông tin nó quá nhiều, chúng ta chưa có thời gian học theo để kiểm chứng xem liệu kỹ thuật đó có mang lại hiệu quả hay không.
Đôi khi cũng cùng một sản phẩm nhưng Artist này làm một kiểu, Artist kia làm một kiểu còn các bạn lại không biết cái nào mới gọi là đúng. Thật ra trong ngành này đúng sai nó không quan trọng lắm, quan trọng là chúng ta có làm ra được sản phẩm hay không?
Khi khán giả thưởng thức các sản phẩm thì họ chỉ biết đến sản phẩm cuối cùng thôi, đó chính là sản phẩm đúng nhất. Cho nên, quan trọng là các bạn phải làm, làm được mới là đúng, phải đi tới cùng, còn không thì các bạn sẽ rất dễ nản.
Với những bạn không theo học bài bản tại trường lớp mà chỉ tự tìm hiểu tại nhà thông qua Internet, anh Giáp cho rằng hành trình chinh phục những đỉnh cao trong ngành của họ khác gì so với những bạn trẻ trải qua trường lớp?
Thực ra các bạn có thể tự tìm hiểu trên Youtube được nhưng sẽ gặp trường hợp như tôi nói đó là các bạn không biết như vậy nó có đúng hay không?
Còn khi mà các bạn học ở trường thì chúng ta đã được chuẩn bị cho một lộ trình cụ thể. Cái lộ trình này được xây dựng dựa trên sự tham vấn từ rất nhiều chuyên gia, đánh giá thị trường, xem xét kỹ thuật công nghệ để đưa ra hướng đi rõ ràng, xây dựng nền tảng, khi các bạn đã có nền tảng rồi thì khi các bạn xem video trên youtube các bạn sẽ chắt lọc được. Còn những bạn chưa biết gì hết thì các bạn cũng có thể tìm những nền tảng khác nhau để học. Bản thân chúng ta có thể tự học, tự dạy bản thân.
Vậy thì anh có thể tóm tắt một số keyword chính dành cho các bạn muốn tự học được không ạ?
Thứ nhất là nền tảng. Đừng ham hố những thứ khổng lồ. Tất nhiên phải giữ lấy tham vọng để đạt được thành tựu nhưng hãy luôn nhớ phải xây dựng một cái nền tảng thật chắc chắn trước đã.
Thứ hai là thực hành. Hãy thực hành nền tảng cho đến khi các bạn làm tốt mà không cần xem lại lý thuyết
Thứ ba là kiên trì. Đôi khi các bạn sẽ bị “block” sự sáng tạo. Không sao cả, hãy thư giãn và sau đó quay trở lại và tiếp tục kiên trì.
Là một người thầy cũng như là một đàn anh trong lĩnh vực VFX & Animation Việt Nam, ngay tại cuộc trò chuyện này, anh Giáp hãy dành một số lời khuyên dành cho các bạn trẻ đã và đang bắt đầu hành trình chinh phục đam mê của mình nhé!
Thực ra lúc nãy tôi có nói đến những từ khoá là kiên trì, chăm chỉ thì đó cũng chính là lời khuyên mà mình muốn dành đến cho các bạn luôn. Kiên trì là quan trọng nhất, không kiên trì thì không thể đi đến cùng.
Thêm nữa, chúng ta dễ bị lạc lối nên hãy đi đến các buổi talkshow để lắng nghe các anh chị trong ngành chia sẻ về cuộc sống, con đường, sự nghiệp. Tôi nhận ra các bạn làm ngành này sống khá nội tâm, nhưng ngành công nghiệp này chúng ta phải làm việc chung với nhau thì mối quan hệ của chúng ta mới càng mở rộng ra, đó là điều bắt buộc để chúng ta hợp tác và làm ra sản phẩm tốt, nâng cao công nghệ, làm cho nền công nghiệp nước nhà phát triển.
Cảm ơn anh Giáp vì một buổi trò chuyện đầy thú vị. Chúc anh thật nhiều sức khỏe và giúp thêm nhiều bạn trẻ bước vào ngành công nghiệp sáng tạo thành công.
Phỏng vấn: Hà Uông
Bài viết: Giang Hoàng
Thiết kế: Olinaji
Industry Insight là chuỗi Talkshow chuyên môn đặc biệt do VFX Animation Việt Nam xây dựng. Trong mỗi tập, chúng ta sẽ được gặp gỡ, trò chuyện với một khách mời đang làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo và rất thành công trong lĩnh vực của mình. Thông qua những góc nhìn mới mẻ, bạn sẽ tìm thấy nhiều hơn một câu trả lời cho cùng một chủ đề, đó có thể là hành trình trở thành một đạo diễn, con đường chinh phục vị trí VFX Artist, hoặc cũng có thể là quá trình khám phá bản thân trong thế giới 3D Animation. |