Khám phá bí mật đằng sau thước phim giàu cảm xúc cùng DOP của The Boy and the Heron
Từng lên án gây gắt việc lạm dụng công nghệ trong hoạt hình hiện đại, sự trở lại của cha đẻ Ghibli – Hayao Miyazaki cùng bộ phim The Boy and the Heron kéo theo nhiều trông chờ về những khung cảnh nghệ thuật đậm chất hoạt hình truyền thống, vốn trở thành biểu tượng lâu nay của studio. Cuộc trò chuyện ngắn dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên tắc sáng tạo hình ảnh độc đáo của studio lừng danh này!
Ảnh: WSPA
Mặc dù không phải cái tên quen thuộc với khán giả hoạt hình như Hayao Miyazaki hay cố đạo diễn huyền thoại của Ghibli – Isao Takahata, Atsushi Okui vẫn là một trong những đạo diễn hình ảnh (Director of Photography) kỳ cựu gắn bó với hầu hết tác phẩm của studio kể từ Porco Rosso năm 1992. Trên cương vị người chịu trách nhiệm chính cho quá trình chuyển đổi từ kịch bản phân cảnh (storyboard) thành hình ảnh chuyển động, không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng to lớn của Okui đến vũ trụ Ghibli.
Giữa thời đại mà ngành công nghiệp hoạt hình dần “máy móc hóa”, Okui vẫn ở đó để trở thành người dẫn đầu trong xu hướng kết hợp công nghệ vào quy trình sản xuất vô cùng tỉ mỉ và đậm chất nghệ thuật truyền thống của Ghibli. Xưởng hoạt hình nổi tiếng từ xứ sở hoa anh đào nhất quyết nói không với việc loại bỏ hoàn toàn yếu tố vẽ tay trong các tác phẩm. Thay vào đó, đội ngũ sẽ cẩn thận kết hợp chi tiết kỹ thuật số để tạo ra một tổng thể liền mạch, tăng cường trải nghiệm thị giác và cảm xúc cho người xem.
Atsushi Okui – Vị đạo diễn dành hơn 30 năm cống hiến cho Ghibli. Ảnh: MUBI
Đặc biệt, vẽ trên các chất liệu như giấy – công việc hiếm hoi xuất hiện trong thế giới hoạt hình ngày nay vẫn được Ghibli duy trì là một giai đoạn hiển nhiên thay vì chỉ sử dụng máy tính bảng. Dẫu cho hình ảnh cuối cùng vẫn cần chuyển đổi sang định dạng kỹ thuật số, nhưng quá trình vẽ tay truyền thống giúp cho cấu trúc hình ảnh gốc cũng như vô số sắc thái, biểu cảm mà Artist thể hiện trên nhân vật có thể giữ nguyên tính chân thật cao nhất. Đồng thời, công nghệ máy tính còn được ứng dụng một cách hiệu quả, không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn hỗ trợ sáng tạo các hiệu ứng độc đáo, hoặc thể hiện những chi tiết không cần tốn nhiều công sức để kết xuất bằng phương pháp truyền thống (chẳng hạn như hoa văn trên rèm cửa).
Sự kết hợp giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại ngày càng trở nên phức tạp hơn theo năm tháng với các tác phẩm của Ghibli, điều này đã chạm đến đỉnh cao mới thông qua loạt hình ảnh được thể hiện trong bộ phim gần đây nhất của Miyazaki – The Boy and the Heron (tựa Việt: Thiếu Niên và Chim Diệc). Bất chấp khoảng thời gian dài tạm ngưng cũng như sự giới hạn về tuổi tác bởi đây được xem là tác phẩm cuối cùng của phù thủy anime trước khi chính thức giải nghệ, trí tưởng tượng tuyệt vời của ông chưa bao giờ khiến mọt phim thất vọng.
Lấy bối cảnh đất nước Nhật Bản vào thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, bộ phim xoay quay chàng thiếu niên Mahito mất đi người mẹ trong trận hỏa hoạn. Sau đó, cậu bé cùng cha lên đường trở về vùng ngoại ô sinh sống cùng người em của mẹ có tên Natsuko và những bà lão giúp việc lâu năm tại gia đình. Từ đây, vô số câu chuyện bí ẩn về chú diệc xanh, lâu đài cổ và các nhân vật kỳ lạ dần được khai mở. Hành trình tìm kiếm người dì Natsuko đột nhiên mất tích đã đưa Mahito bước vào thế giới thực thực ảo ảo với khung cảnh thần tiên xinh đẹp cùng nhiều loài vật mà cậu chưa từng bắt gặp trước đó. Tất cả được Okui và đội ngũ sản xuất hiện thực hóa cực kỳ sinh động trên màn ảnh rộng.
Cuộc trò chuyện ngắn với đạo diễn hình ảnh Atsushi Okui dưới đây sẽ giúp chúng ta hình dung thêm về quy trình sản xuất, cũng như kỹ thuật cho ra đời loạt khung cảnh biểu tượng của studio Ghibli. Và liệu Miyazaki có phải người đặc biệt cầu toàn như lời đồn xưa nay hay không?
Ảnh: Entertainment Weekly
Được biết, anh đã làm việc tại Ghibli từ trước khi Digital Animation ra đời và đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng công cụ kỹ thuật số vào các tác phẩm tại đây. Vậy thì việc sử dụng này đã thay đổi như thế nào qua nhiều thập kỷ? Ghibli làm gì để trở nên khác biệt so với phần còn lại của ngành công nghiệp này?
Bộ phim đầu tiên từ Miyazaki có yếu tố công nghệ máy tính là Princess Mononoke. Với dự án này, tỷ lệ xuất hiện của digital effect chỉ chiếm khoảng 10% tổng thể tác phẩm. Đội ngũ chúng tôi chỉ cần đến kỹ thuật số đối với một vài cảnh quay đặc biệt, chúng tôi thường ứng dụng để làm nổi bật texture bên trong cảnh nền, đây là điều khó thực hiện nếu chỉ có kỹ thuật quay phim.
Với The Boy and the Heron, đương nhiên chúng tôi sẽ thực hiện điều này cùng các Animator và Background Artist – những người vẫn còn sử dụng màu sắc hoặc bút chì trên giấy. Sau đó, đội ngũ sẽ tìm đến công nghệ kỹ thuật số để hỗ trợ quy trình sản xuất. Tuy nhiên, tại Ghibli chúng tôi không sử dụng bất kỳ loại 3D rending nào để sáng tạo nhân vật.
Có thể nhận thấy, một số đặc điểm hình ảnh trên phim của Ghibli đã ít nhiều thay đổi xuyên suốt quá trình phát triển. Ở những bộ phim trước đó, màn đêm và bóng tối nói chung thường có màu xanh lam, nhưng các dự án gần đây, bóng tối được thể hiện bằng màu đen đậm kết hợp cùng sự tương phản với màu đỏ và cam. Màu đen, đỏ và cam cũng đặc biệt sống động ở The Boy and the Heron. Trong số những đổi mới này, chúng chủ yếu đến từ mặt cảm nhận/cảm xúc hay công nghệ?
Mặc dù quy trình sản xuất hiện nay tại studio có liên quan đến việc chuyển đổi những yếu tố thiết kế sang định dạng kỹ thuật số, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thể hiện các chi tiết trên giấy một cách chân thật nhất. Bởi lẽ, đội ngũ vô cùng đề cao giá trị hình ảnh của tác phẩm vẽ tay truyền thống. Đồng thời, chúng tôi còn có một texture khác được sử dụng kết hợp trong quá trình làm phim, mọi người đều muốn giữ các chất liệu này ngay cả khi chuyển đổi sang digital. Còn với “The Boy and the Heron”, làm nổi bật màu đen là sự lựa chọn có chủ đích vì đội ngũ sản xuất mong muốn tạo ra sự hòa quyện giữa bóng tối với những chiếc bóng ảo ảnh trong bộ phim.
Ảnh: vox-cdn
Một số chất liệu vải và thảm trang trí dường như được vẽ bằng tay nhưng vẫn xuất hiện chi tiết sử dụng công nghệ đồ họa hình ảnh. Điều này thật đáng kinh ngạc và không biết các anh đã thực hiện chúng như thế nào?
Tất cả mọi thứ cho đến cả keyframe animation chính cũng được vẽ tay. Chúng tôi bắt đầu với lớp nền này, sau đó sử dụng CGI để sắp xếp các layer, đó là lý do vì sao chúng tôi đã dùng một mô hình 3D để tạo layer và kết hợp chúng với các chi tiết vẽ tay.
Có công cụ hoặc kỹ thuật Digital mới được ứng dụng để tạo ra loạt hình ảnh như thế hay không? Và liệu còn cảnh quay nào trong phim đòi hỏi kỹ năng này?
Trong phân cảnh cuối cùng của phim khi tòa tháp sụp đổ, đây chính là một phần của phông nền vì thế chúng còn bao gồm nhiều texture trên đấy. Do đó, chúng tôi không thể chỉ dựa vào mô hình 3D để diễn hoạt hành động. Chúng tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của các Animator để thiết kế phân cảnh đổ sụp này. Đội ngũ sản xuất đã linh hoạt ứng dụng nhiều phương pháp, Sakuga Artist là đối tượng đảm nhận khâu xây dựng hiệu ứng và sau đó sẽ kế hợp cùng với CGI. (Sakuga là thuật ngữ anime ám chỉ một cảnh quay hoặc khoảnh khắc sở hữu chất lượng hoạt họa vượt xa những phân cảnh khác).
Về công cụ 3D, hầu như không có gì đặc biệt được sử dụng. Với compositing của 2D thì chúng tôi đã thử qua một số phương pháp mới. Nhưng cuối cùng, chúng tôi không làm điều đó và theo cách nào đấy có thể bạn đã biết.
Sự liền mạch là nét đặc trưng trong hầu hết tác phẩm của Ghibli. Quá trình này có làm mất quá nhiều thời gian hay không? Và Miyazaki có phải người cực kỳ cầu toàn như lời đồn xưa nay?
Với cương vị người giám sát hình ảnh cho dự án, hiểu đơn giản thì tôi phải hiện thực hóa bất kỳ ý tưởng nào xuất hiện trong tưởng tượng của Miyazaki. Ông ấy cũng không phải kiểu người quá cầu toàn như những gì mà các bạn thường nghe, điều quan trọng hơn hết nằm ở việc Miyazaki vốn đã hình dung sẵn hình ảnh hoàn chỉnh trong suy nghĩ, còn việc đáp ứng mong đợi của ông ở mức độ nào sẽ tùy thuộc vào chúng tôi – có thể thấp hoặc cao hơn kỳ vọng đôi chút. Chúng tôi đảm nhận trách nhiệm của bản thân, nếu Miyazaki không có ý kiến gì thì mọi thứ sẽ đạt yêu cầu. Vì vậy, yếu tố quan trọng phục thuộc vào những gì đang diễn ra bên trong bộ não của ông ấy.
Bài phỏng vấn thực hiện bởi Daniel Schindel – Nhà văn, Biên tập viên tại Brooklyn.
Nguồn tham khảo: filmcomment.com
Diệu Ngô