vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức về ngành >The Boy and the Heron được truyền cảm hứng từ văn hóa dân gian Nhật Bản như thế nào?
thumbnail-cam-hung-the-boy-and-the-heron

The Boy and the Heron được truyền cảm hứng từ văn hóa dân gian Nhật Bản như thế nào?

Như tên gọi của tác phẩm, bên cạnh Mahito, con diệc cũng được xem là nhân vật chính trong thế giới của The Boy and the Heron. Vậy vì sao Miyazaki Hayao lại chọn diệc giữa hàng triệu loài chim tuyệt vời trên thế giới? Bài viết này sẽ phân tích ý nghĩa đằng sau biểu tượng con diệc và mối liên hệ của chúng đối với thế giới linh hồn ở xứ sở Phù Tang. 

1-cam-hung-the-boy-and-the-heron

Một chiếc đĩa sứ được sản xuất tại Nhật Bản vào những năm 1730 có hình các con diệc được làm từ men xanh, vàng và bạc. Diệc tượng trưng cho sự thuần khiết, chuyển tiếp và kết nối với thế giới tâm linh trong văn hóa dân gian Nhật Bản hàng thế kỷ qua. Nguồn ảnh: Ashmolean Museum, Bridgeman Images

Trong bộ phim mới nhất của Studio Ghibli, một con diệc biết nói bí ẩn đã dẫn dắt nhân vật chính Mahito đi sâu vào cuộc hành trình kỳ thú để giải cứu mẹ của mình. Được biết, bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết How Do You Live? của tác giả Genzaburo Yoshino và những điển tích, thần thoại về loài chim diệc thiêng liêng trong văn hóa Nhật Bản. 

Trên thực tế, khi nói về loài chim tâm linh, chúng ta thường dễ liên tưởng đến các sinh vật huyền bí như Phượng Hoàng và Chu Tước, tuy nhiên, diệc lại là một loài chim có thật và nó đã đi vào văn học, nghệ thuật và thần thoại dân gian Nhật Bản trong hơn một thiên niên kỷ qua.

Diệc, hay “sagi” (鷺) trong tiếng Nhật, thường được tìm thấy khi chúng đứng yên giữa bờ sông, đầm lầy và đồng lúa trên đôi chân thon dài cùng cái cổ cong cong và chiếc mỏ nhọn. Nếu bạn đủ may mắn để được chứng kiến khoảnh khắc nó cất cánh, đó sẽ là một cảm giác choáng ngợp và uy nghiêm đến vô cùng. Không giống như người anh em họ của nó là con hạc, một sinh vật tượng trưng cho hòa bình, may mắn và trường thọ, ý nghĩa trong hình dáng của diệc có phần bí ẩn và phức tạp hơn. Nó gắn liền với linh hồn, thần thánh, cái chết và mối liên hệ giữa thế giới thực với các chiều không gian khác nhau trong truyền thuyết. 

2-cam-hung-the-boy-and-the-heron

Nguồn ảnh: Google Arts & Culture

Mariko Nagai, giáo sư văn học Nhật Bản tại Đại học Temple Nhật Bản, cho biết tài liệu tham khảo đầu tiên về diệc trong văn học xứ sở Hoa Anh Đào có thể đến từ Kojiki. Đây là tác phẩm văn học lâu đời nhất của Nhật Bản, được biên soạn vào năm 712, chứa đựng một số huyền thoại sáng tạo giúp hình thành trụ cột tôn giáo Thần đạo (Shinto) bản địa và văn hóa dân gian của đất nước này.

Có một câu chuyện được truyền lại từ xưa rằng, khi một hoàng tử mất ở nơi đất khách quê người, linh hồn của anh sẽ hóa thành một con chim trắng. Nagai nói, mặc dù nó không được đặt tên rõ ràng là chim diệc, nhưng các nhà phân tích đều cho rằng điều đó có khả năng xảy ra. “Con diệc trắng truyền tải hình ảnh của thế giới tâm linh trong thần thoại và văn hóa dân gian Nhật Bản,” Nagai cho biết diệc thường xuất hiện ở những nơi có sự hiện diện của cái chết, cũng như loài chim này đặc biệt gắn liền với sự ra đi và các buổi đám tang. Thậm chí chúng còn tham gia cùng những đoàn diễu hành, đưa rước và một số nghi thức tang lễ khác.

Những con diệc trắng, được chú ý bởi vẻ ngoài nổi bật, thường được miêu tả trong các câu chuyện và tranh ukiyo-e (tranh phù thế), với vai trò là sứ giả của các vị thần hoặc tượng trưng cho sự thuần khiết và thời khắc chuyển giao. Trong khi đó, sự hiện diện của những con diệc khác như “aosagi” (diệc xanh) hay “goisagi” (diệc đêm) lại mang ý nghĩa điềm báo nhiều hơn. Trên thực tế, một nhà điểu học đã viết cả một cuốn sách để khám phá lý do tại sao người Nhật lại thấy những con diệc xám (có nơi gọi là diệc xanh, như con trong The Boy and the Heron) đáng sợ hoặc u sầu hơn so với hình ảnh tích cực mà chúng được nhận xét ở nước ngoài.

3-cam-hung-the-boy-and-the-heron

Nguồn ảnh: Birdfact

4-cam-hung-the-boy-and-the-heron

Nguồn ảnh: Empire

Một “yokai” (quái vật) có tên là Aosagibi xuất hiện (ít nhất) từ những năm 1700 được mô tả giống hình dáng của một con diệc xanh hoặc diệc đêm đậu trên cây, với cơ thể được bao bọc và phát sáng nhờ ngọn lửa xanh kỳ lạ. Ngày ấy, khi người ta nhìn thấy một con chim phát sáng thì liền suy đoán rằng nó có thể là một oan hồn hoặc một sinh vật biết biến đổi hình dạng. “Diệc xanh là loài thích ẩn mình và mang nhiều ý nghĩa liên quan đến bóng tối. Khi bay, chúng hòa vào màn đêm và biến mất, sau đó xuất hiện trở lại khi trời vừa ửng sáng,” Nagai giải thích, “Chúng còn có thể là biểu tượng của vòng luân hồi, về việc khi con người chết đi, họ sẽ quay trở lại thế giới bên kia, chuẩn bị một linh hồn và tâm thế mới để khởi hành một cuộc phiêu lưu tiếp theo.”

Chủ đề về thế giới khác tiếp tục xuất hiện trong vở kịch Noh với tựa đề “Sagi”, dựa trên một câu chuyện trong The Tale of Heike được viết vào những năm 1300. Trong vở kịch, Hoàng đế Daigo đã phát hiện một con diệc và ra lệnh bắt nó, sau đó ông vô cùng thích thú trước hình ảnh nó nhảy múa quanh triều và rồi thả nó bay đi. Đặc biệt, Diego Pellecchia, một học giả nghiên cứu kịch Noh kiêm phó giáo sư Khoa Nghiên cứu Văn hóa tại Đại học Kyoto Sangyo, còn cho biết rằng các diễn viên trong vở kịch đều đồng loạt mặc trang phục màu trắng để thể hiện sự thuần khiết, tinh khôi của loài chim thiêng liêng này.

5-cam-hung-the-boy-and-the-heron

Bức bình phong sơn mài từ cuối những năm 1700 khắc họa hình ảnh diệc trắng nhẹ nhàng đậu trên cành liễu. Nguồn ảnh: Bridgeman Images

Mặc dù khi biểu diễn các nhân vật siêu nhiên trong kịch Noh, diễn viên thường phải đeo mặt nạ để tránh tiết lộ độ tuổi và diện mạo của họ, nhưng ở một vở kịch hiếm khi được trình diễn như Sagi, Pellecchia chia sẻ, “Vai diệc sẽ được thực hiện bởi những người đang ở độ tuổi thanh xuân hoặc các diễn viên ‘đại thụ’ trong ngành”. Ông giải thích rằng thanh (thiếu) niên và người già là hai kiểu người có mối liên hệ gần gũi với “dị giới” nhất, đồng thời họ cũng sở hữu nhiều khả năng tiếp cận và ảnh hưởng năng lượng bởi thế giới tâm linh, vì “chỉ có những người đang ở giai đoạn ‘ngưỡng’ của cuộc đời, tức là khi trở thành thanh (thiếu) niên – giai đoạn giữa thời thơ ấu và trưởng thành – hoặc khi đã già – giai đoạn giữa tuổi trưởng thành và cái chết – mới có đủ điều kiện để kết nối với cõi vĩnh hằng.”

Nagai suy đoán việc chim diệc xuất hiện rất nhiều trong văn hóa dân gian Nhật Bản là vì chúng đã trở thành gương mặt quen thuộc đối với nhiều thế hệ nông dân và thường được phát hiện trên các cánh đồng hoặc thửa ruộng. Một điệu múa thể hiện sự tôn kính đối với loài chim này có tên “Shirasagi no Mai” (Vũ điệu diệc trắng) đã được biểu diễn thường xuyên tại chùa Sensoji ở Tokyo từ năm 1652. Một số nơi thậm chí còn ghi nhận phong tục này đã có từ khoảng thế kỷ thứ 11 và được bảo tồn cẩn trọng cho đến tận ngày nay. 

6-cam-hung-the-boy-and-the-heron

Các vũ công biểu diễn Shirasagi-no Mai (Điệu múa diệc trắng) tại chùa Sensoji ở Tokyo. Cuộc diễu hành có nguồn gốc từ Kyoto, hiện được tổ chức hai lần một năm tại Sensoji, vào tháng 4 và tháng 11. Nguồn ảnh: Tomohiro Ohsumi, Getty Images

Trong suốt màn trình diễn, vũ công sẽ hóa trang thành những con diệc chậm rãi xoay tròn, cúi mình và bước cao, kèm theo tiếng sáo và tiếng trống để thể hiện sự uy nghi, long trọng của buổi lễ. Shirasagi no Mai bắt nguồn từ lễ hội Gion tại Đền Yasaka ở Kyoto hơn 1000 năm trước, với mục đích ban đầu là xua đuổi dịch bệnh, tai ương cho vùng đất và mọi người. 

7-cam-hung-the-boy-and-the-heron

Nguồn ảnh: Tomohiro Ohsumi, Getty Images

Nguồn: National Geographic

Tâm Cửu