Industry Insight #4 – Nguyễn Trương Kiên (Phần 2): VFX không phải sân chơi mà là chiến trường
Xây dựng Zodiac II Media chỉ sau 2 ngày kể từ khi công ty cũ thất bại, sự can đảm và chiến hết mình cho từng giây phút làm nghề đã đưa cái tên Nguyễn Trương Kiên ngày càng tỏa sáng trên bản đồ VFX-Animation nước nhà.
Nối tiếp phần 1 với hành trình 14 năm làm nghề đầy thăng trầm của anh Trương Kiên. Ở phần 2 này, chúng ta sẽ được lắng nghe sâu hơn những lời khuyên thiết thực mà anh gửi gắm đến các bạn trẻ đang chinh phục VFX. Từ tư duy làm nghề cho đến những ưu điểm và bất lợi của thế hệ trẻ ngày nay, tất cả mang đến góc nhìn thẳng thắn giúp bạn rút ngắn con đường thành công với nghề.
Xem thêm: Industry Insight #4 – Nguyễn Trương Kiên (Phần 1): Hành trình 14 năm liên tục lùi lại để tiến xa hơn
Với góc nhìn tổng quan cá nhân, anh nhận thấy ngành VFX tại Việt Nam đã đi qua những cột mốc quan trọng nào?
Nhắc đến các cột mốc thì anh không dám tự nhận định, bởi vì nếu thực sự dấn thân vào ngành thì anh chỉ mở công ty từ giai đoạn 2020-2021. Anh chưa có nhiều thời gian để nhìn thấy toàn cảnh những gì đã xảy ra mà hầu như trước đó chỉ tập trung vào việc học và hoạt động chủ yếu ở ngành game.
Nhưng nhìn chung, anh nhận thấy VFX ngày càng phát triển tại nước ta và quy mô cũng không ngừng được mở rộng. Như anh đã đề cập, nếu trước kia các công ty game đa phần chỉ sử dụng diễn viên cùng các background đơn giản thì hiện tại sử dụng cinematics, CGI rất nhiều. Ngoài ra, các quảng cáo trên TV, Social Media dần ưu tiên ứng dụng VFX ở mức độ rộng rãi hơn. Do đó, cơ hội nghề nghiệp vì thế mà lớn dần theo. Song song với những điều anh vừa liệt kê, các công ty lớn với nguồn vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu chọn Việt Nam trở thành một điểm dừng chân trên hành trình của họ như Synapse, Virtuos, v.v.
Theo anh, ngoài TVC quảng cáo, MV hay những thước phim điện ảnh thì VFX còn có thể ứng dụng trong lĩnh vực nào khác?
Với sự hiểu biết của anh, anh từng chứng kiến CGI được sử dụng trong ngành Y học để tạo nên những bản scan, visualize của các bộ phận bị tổn thương. Từ đó, đội ngũ y bác sĩ có thể thông qua kính VR mà quan sát, thao tác dễ dàng hơn. VFX thực ra chỉ là một công cụ, bất cứ nơi đâu hướng người xem đến nội dung cụ thể nào đó thì VFX đều có thể ứng dụng được. Điển hình như những biển quảng cáo 3D billboard ngoài trời, buổi biểu diễn nhạc nước, công nghệ drone light vẽ ánh sáng trên bầu trời, v.v. Tất cả những điều này đều có sự tồn tại của VFX trong đấy.
Trong quá trình vận hành Zodiac II Media, khi sản xuất TVC và MV thì đội ngũ của anh xử lý các yếu tố VFX như thế nào, có khác gì so với VFX xuất hiện trong các bộ phim điện ảnh hay những dự án có mức kinh phí đầu tư khổng lồ?
Đối với TVC và MV tại thị trường Việt Nam thì chi phí dành cho nó không quá lớn dẫn đến đội nhóm phải có một tầm nhìn rõ ràng về những gì đang thực hiện. Hầu hết các dự án này chỉ gói gọi trong khoảng thời gian 4 tuần, nhiều nhất là 5 tuần. Do đó để đáp ứng yêu cầu của khách hàng với nguồn lực hạn chế thì cần tối ưu hóa nhiều kỹ thuật, thậm chí nhiều phân đoạn đã được các Artist tự sáng tạo nhằm phục vụ cho đặc thù riêng của việc sản xuất MV, TVC.
Có thể thấy, anh vừa phải đảm bảo chất lượng, mức độ chỉn chu của sản phẩm nhưng khoảng thời gian sản xuất lại ngắn hơn so với các dự án điện ảnh. Vậy phương pháp nào đã giúp anh cân bằng hai yếu tố này?
Trên thực tế, anh không có bất kỳ quy chuẩn nào cả, mỗi dự án sẽ có những đặc điểm riêng biệt, điều quan trọng là nằm ở sự kỳ vọng của khách hàng dành cho sản phẩm. Với vai trò của người sản xuất VFX, Supervisor thì anh cần xác định rõ ràng lòng tin của khách hàng dành cho mình. Đây là cách tốt nhất để dự án có thể vận hành một cách suôn sẻ và hiệu quả nhất. Bởi lẽ, chỉ có Supervisor là người hiểu rõ đội ngũ của họ có thể làm được những gì để mang đến chất lượng cao nhất dành cho khách hàng. Còn quy trình về sau, mình cứ thế mà làm và dựa vào kinh nghiệm 14 năm trong ngành để giải quyết các vấn đề phát sinh.
Với những gì anh chia sẻ, có thể hiểu anh sẽ ưu tiên làm tốt công tác quản trị khách hàng, sau đó các yếu tố liên quan đến vận hành sẽ diễn ra mượt mà hơn. Nhưng đối với khán giả – người thụ hưởng sản phẩm Mỹ thuật mình làm ra thì họ sẽ có yêu cầu ngày càng cao hơn với các tác phẩm giải trí đó. Vậy trước khi tiến hành sản xuất, anh có đặt ra tiêu chuẩn nào hay không?
Nói vui thì sẽ phụ thuộc vào độ chịu chơi của cả nhóm. Thực ra, tại Zodiac luôn tồn tại một tiêu chí, đó là không cần quan tâm khách hàng có bao nhiêu tiền, bên anh vẫn chắc chắn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm làm ra. Anh không bao giờ chấp nhận giảm chất lượng chỉ vì thời gian ngắn hay dài hoặc đầu tư nhiều hay ít. Anh và đội ngũ Artist sẽ cố gắng thực hiện với chất lượng cao nhất có thể trong khả năng cho phép, bởi vì đó là đứa con tinh thần của mình mà, đâu ai muốn con của mình xấu đúng không nào.
Tiếp theo là câu chuyện về tiềm năng phát triển của ngành, anh nghĩ với sự phổ biến của VFX hiện nay, đây có phải sân chơi phù hợp để các bạn trẻ sẵn sàng đầu tư công sức, thời gian và tài chính hay chưa?
Nếu cho rằng đây chỉ là một “sân chơi” thì anh nghĩ các bạn không nên tham gia vào. Bởi lẽ, VFX thực tế là “chiến trường” khốc liệt mà bất kỳ ai làm qua rồi đều sẽ nghĩ thầm “chắc sau này không cho con mình làm nữa đâu”. Ngành này đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nếu bạn cảm thấy bản thân thuộc tuýp người dám chấp nhận thử thách, dám đương đầu với những điều mới mẻ và mong muốn được ghi nhận thông qua các credit cũng như có sự sáng tạo, chăm chỉ thì bạn nên thử sức.
Chẳng hạn, các bạn trainee tại Zodiac có nhiều người xuất phát từ những lĩnh vực khác chuyển qua, thậm chí cả bạn chưa biết gì. Bên anh có bạn làm Dancer chuyên nghiệp nhưng rất muốn trở thành Animator và sẵn sàng thử sức để biết bản thân có khả năng làm được hay không. Điều anh truyền tải ở đây chính là các bạn có thực sự muốn để tâm vào ngành, sẵn sàng hy sinh vì nó thì hãy tham gia vào. Ngược lại, nếu chỉ xem đây như cuộc vui thì chắc chắn khi khó khăn xuất hiện bạn sẽ dễ nản lòng.
Theo anh, so với anh chị Artist thế hệ trước, các bạn trẻ ngày nay có những thuận lợi và khó khăn gì khi bắt đầu gia nhập ngành Kỹ xảo hình ảnh?
Bạn trẻ ngày nay được tiếp cận VFX một cách tự nhiên thông qua phim ảnh, TVC quảng cáo, dễ dàng học trên Youtube, các trang cộng đồng về VFX. Tuy nhiên, bao nhiêu thuận lợi thì tồn tại bấy nhiêu khó khăn tương ứng. Bởi vì các bạn nhìn thấy chúng quá dễ dàng, dẫn đến dễ bị tác động bởi những yếu tố hào nhoáng, đẹp đẽ mà quên đi đó chỉ là phần nổi của tảng băng.
Khi làm việc tại Zodiac II Media, tất cả đều bị bắt học lại lịch sử VFX để biết được thời điểm chưa có sự xuất hiện của VFX, chưa có phông xanh thì người ta đã làm thế nào. Nếu nắm bắt được lịch sử, đôi khi khách hàng gặp sự cố trên trường quay, các bạn có thể dựa vào kiến thức này để biết cách xử lý mà không cần đến công nghệ. Đấy là khó khăn của hầu hết người trẻ hiện nay, nhiều lúc tự học thông qua Youtube 1-2 năm nhưng đến khi làm thực tế vẫn mất nền tảng về VFX. Mặc dù những kiến thức này rất cơ bản nhưng nếu không cố gắng học mà chỉ theo đuổi sự hào nhoáng thì sẽ vô cùng khó khăn để nâng cấp lên các kỹ năng cao cấp.
Kiến thức chia sẻ về VFX hiện rất rộng rãi, song song đó VFX cũng được giảng dạy tại các trung tâm. Theo anh, đâu là điểm ưu thế và bất lợi của hai hình thức học tập này?
Là người từng đi học rất nhiều nơi, từ online đến offline thì anh luôn đánh giá cao những bạn trẻ dành thời gian đến các trường học, không phải chỉ trường chuyên về VFX mà ở bất kỳ ngành nghề nào cũng thế. Đây còn là một trong các tiêu chí tuyển chọn của Zodiac II Media, thậm chí bạn chưa từng biết gì VFX nhưng đã trải qua quá trình đào tạo ở trường Cao Đẳng/Đại học thì sẽ luôn được điểm cộng. Bởi lẽ, như anh đã đề cập VFX là lĩnh vực khó khăn và đòi hỏi sự bền chí, môi trường học tập chuyên nghiệp mà bạn từng trải qua chẳng khác gì một “chiến trường” thực sự. Tại đó, các bạn vẫn phải dậy sớm đi học, làm tập cuối khóa, luôn có khát khao để vượt qua môn học, v.v. Chỉ dựa vào việc này thôi thì bạn đã là một chiến binh, vì chỉ những ai từng kinh qua deadline mới hiểu nó như thế nào. Ngoài ra, còn cả vấn đề về tư duy và nhận thức nữa.
Các bạn tự học thông qua Youtube sẽ có ưu điểm về mặt thời gian nhưng đây cũng chính là bất lợi của đối tượng này. Bởi vì, nhiều bạn không có sự kiểm soát thời gian hiệu quả, thậm chí có những bạn dành 1 năm chỉ để thực hiện 1 shot VFX, sau đó đăng tải lên mạng xã hội rồi nhận về nhiều lời khen. Nhưng thực tế, mỗi shot VFX trong dự án tính bằng ngày chứ không tính bằng năm hay tháng. Do đó, anh luôn khuyến khích, ủng hộ các bạn trẻ đi học ở môi trường thực. Thậm chí, bên công ty có một số học viên của MAAC hay Arena Multimedia đến thời điểm làm đồ án cuối khóa, anh vẫn tạo điều kiện hỗ trợ các bạn hoàn thành bài tập. Một phần vì anh nhìn thấy chính bản thân trong đấy, một phần vì mong muốn giúp đỡ các bạn bằng nhiều cách khác nhau.
Thậm chí, những bạn được đào tạo bài bản ở trường lớp còn vượt trội hơn hẳn về mặt tư duy Mỹ thuật. Các bạn tự học trên mạng thông qua Youtube trừ những cá nhân sở hữu năng khiếu bẩm sinh thì hầu hết 2-3 năm sau khi vào công ty, các bạn ấy vẫn cảm thấy bản thân còn thiếu sót quá nhiều. Khi đi học thực tế, bạn phải làm đồ án, nghĩa là đang tham gia vào một chiến trường về mặt Mỹ thuật, có sự cạnh tranh giữa từng nhóm và chắc chắn không ai mong muốn sản phẩm của mình kém cả. Chưa kể, bạn còn phải học hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng khác về bố cục, Lighting, LookDev hoặc tìm kiếm sự tư vấn từ thầy/cô, anh/chị, người đi trước. Nếu tự học online, bạn chỉ làm theo những chỉ dẫn có sẵn, thậm chí đôi lúc hoàn thành sản phẩm cuối cùng nhưng cũng chẳng hiểu vì sao nó lại như thế.
Vậy thì ngoài sự bền chí, đam mê, tự tìm tòi học hỏi mà anh đã chia sẻ, anh nghĩ đâu là những kỹ năng quan trọng giúp Artist phát triển xa trong ngành Kỹ xảo?
Anh nghĩ kỹ năng quan trọng nhất là năng lực làm việc nhóm, vì gần như các bạn không thể làm việc một mình trong tổng thể quy trình sản xuất. Bạn có thể nhìn thấy một số người tự làm hết mọi thứ rồi đăng tải lên mạng nhưng thực tế dự án lại khác, khách hàng sẽ giao cho bạn deadline. Do đó, chẳng thể nào một người “cân” hết tất cả mọi khâu. Theo sau đó là kỹ năng giao tiếp, đôi khi giao tiếp kém chính là nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng cho dự án hoặc các mối quan hệ trong công ty. Đây là 2 yếu tố mà anh thấy quan trọng nhất bên cạnh năng lực chuyên môn.
Để khép lại buổi trò chuyện ngày hôm nay, anh Kiên hãy dành lời khuyên đến các bạn trẻ đã, đang và sắp có ý định gia nhập ngành Kỹ xảo hình ảnh nhé!
Anh chỉ có lời duy nhất gửi đến các bạn, đó là nếu có nhiệt huyết và đam mê thực sự với VFX thì chắc chắn bạn sẽ thành công. Vì thế, bạn cần xác định đam mê không chỉ là từ cửa miệng mà nó phải xuất phát từ chính con tim bạn, chỉ như thế bạn mới gặt hái được những thành tựu trong ngành này.
Cảm ơn anh Trương Kiên vì đã dành thời gian tham gia buổi trò chuyện cùng chúng tôi. Chúc cho chặng đường sự nghiệp sắp tới của anh sẽ có thêm nhiều hoa thơm quả ngọt, cũng như hy vọng anh vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Vietnam VFX-Animation trong công tác đào tạo & phát triển nguồn nhân lực kế cận cho thị trường VFX nước ta.
Industry Insight là chuỗi Talkshow chuyên môn đặc biệt do VFX Animation Việt Nam xây dựng. Trong mỗi tập, chúng ta sẽ được gặp gỡ, trò chuyện với một khách mời đang làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo và rất thành công trong lĩnh vực của mình. Thông qua những góc nhìn mới mẻ, bạn sẽ tìm thấy nhiều hơn một câu trả lời cho cùng một chủ đề, đó có thể là hành trình trở thành một đạo diễn, con đường chinh phục vị trí VFX Artist, hoặc cũng có thể là quá trình khám phá bản thân trong thế giới 3D Animation. |
Phỏng vấn: Hà Uông
Bài viết: Diệu Ngô
Thiết kế: Olianji