Suzume và thông điệp đừng từ bỏ cuộc sống của “phù thuỷ nỗi buồn” Shinkai Makoto
Theo chân một cô gái vô tình mở ra cánh cổng thu hút hàng vạn thảm họa đến với Nhật Bản, Suzume – tác phẩm đạt 7 đề cử tại Annie 2024 được tác giả gửi gắm những thông điệp chân thành, với mong muốn các nạn nhân trong bi kịch sẽ không từ bỏ hy vọng sống của mình.
Sau cơn mưa trời lại sáng, cũng giống như sau bất kỳ bi kịch nào cũng có giai đoạn tái tạo và phục hồi trở lại. Trong bối cảnh thiên tai, việc tái tạo được hiểu theo đúng nghĩa đen là làm lại, xây dựng lại hoặc sửa chữa lại các tòa nhà, đường sá, cơ sở kinh doanh và nhà cửa, v.v. Nếu có người thiệt mạng, các đài tưởng niệm sẽ được dựng lên, những lời an ủi, chia buồn cũng sẽ được lan tỏa để khích lệ mọi người cố gắng sống tiếp những phút giây tươi đẹp của cuộc đời. Tuy nhiên, sự tái tạo cũng chỉ khả thi đối với những yếu tố hữu hình xung quanh chúng ta, bởi cảm giác lo lắng hay nỗi sợ, cũng như những ký ức đau khổ ảnh hưởng lên người nạn nhân sẽ không thể bị thay thế dễ dàng bằng bất kỳ giá trị vật chất nào.
Nguồn ảnh: Crunchyroll
Bi kịch khắc sâu trong lòng người trải qua một dấu ấn khó quên và bám theo họ vô cùng dai dẳng. Điều này cũng không ngoại lệ với đạo diễn Shinkai Makoto khi đại thảm họa động đất Đông Nhật Bản năm 2011 khiến gần 20.000 người thiệt mạng đã vĩnh viễn thay đổi tầm nhìn và cách tiếp cận của ông đối với các bộ phim hoạt hình.
“Đó chắc chắn là bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi với tư cách là một con người cũng như là một nhà sáng tạo, dù theo hướng tốt hay xấu,” cha đẻ của Weathering with You cho biết, “Vào thời điểm đó, tôi đã là đạo diễn phim hoạt hình và trận động đất khiến tôi nhận ra những gì tôi đang làm có hơi không cần thiết, kiểu vô thưởng vô phạt, lại còn nằm trong thời điểm khi mọi người đều đang nỗ lực tạo ra những giá trị nhân đạo để giúp đỡ lẫn nhau. Trong một thời gian tôi đã nghĩ, ‘Có lẽ mình nên thay đổi chăng?’ và sớm đi đến kết luận rằng bản thân dường như không còn cách nào khác để có thể đóng góp vào nỗ lực chung của mọi người. Tuy nhiên, thế giới quan của tôi đã thay đổi. Thông qua hành trình nghiên cứu từng chút một, tôi tự quyết với lòng mình, ‘Được rồi, phải có cách nào đó để tôi truyền tải được mối liên hệ giữa nỗi lo sợ và một cuộc sống luôn tiệm cận với những hiểm nguy do thảm họa gây ra.’ Đó cũng là lúc tôi chính thức sáng tạo Your Name, tác phẩm đầu tiên trong loạt phim mang chủ đề thiên tai – thảm họa.”
Từ trái sang phải: Your Name, Weathering With You, Suzume. Nguồn ảnh: Animevania
Tiếp nối câu chuyện về vụ va chạm sao chổi trong Your Name năm 2016 và trận lũ lụt ở trung tâm Tokyo trong Weathering With You năm 2019, Suzume kể về hành trình một cô gái trẻ phải giúp đỡ một người lạ bí ẩn nhằm ngăn chặn các trận động đất diễn ra trên khắp Nhật Bản. Theo đó, họ phải sớm đóng lại những cánh cửa dẫn đến thảm họa ở các địa điểm bỏ hoang và tìm cách phong ấn những con giun đất có khả năng tạo ra hàng loạt trận động đất khốc liệt. Bộ phim được đề cử bảy giải Annie, bao gồm giải Best Feature. Bên cạnh đó, những gương mặt chiến thắng khác cũng đã được công bố tại lễ trao giải diễn ra vào ngày 17/2 vừa qua.
7 đề cử mà Suzume nhận được tại giải Annie Awards lần thứ 51
|
Đọc thêm: 10 bộ anime sở hữu doanh thu cao nhất mọi thời đại
“Những bộ phim do tôi đạo diễn thường sẽ lấy tính giải trí làm nền tảng,” Shinkai Makoto lưu ý, “Tuy nhiên, bất kỳ bộ phim hoạt hình nào cũng là một công cuộc xây dựng lớn và là một dự án lớn, bất luận quy mô của chúng có to nhỏ ra sao. Tất nhiên, nó sẽ không hào nhoáng như những siêu phẩm bạc tỷ Hollywood với hàng trăm, hàng nghìn người tham gia và tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức… Khi nghĩ về các nguồn lực mà tôi đang có cho một tác phẩm điện ảnh, tôi nghĩ mình cần tạo ra được thứ gì đó mang tính đổi mới chứ không chỉ dừng lại ở một tác phẩm giải trí thông thường. Nó phải vượt xa điều đó, cho dù là một thông điệp, ý nghĩa, hay bất kỳ điều gì đi nữa, miễn là nó phải trở nên đột phá hơn. Cứ như vậy, trận động đất năm 2011 đã ảnh hưởng lớn đến góc nhìn của tôi và từ đó được chuyển hóa vào trong các tác phẩm mà tôi xây dựng một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.”
Nguồn ảnh: X
Mặc dù Suzume, do CoMix Wave Films và Story Inc. sản xuất, là bộ phim thứ ba của Shinkai Makoto lấy cảm hứng từ trận động đất năm 2011, nhưng nó khiến ông lo lắng nhiều hơn so với khi sản xuất hai bộ phim bom tấn trước đó. Trên thực tế, trong suốt một tháng sau khi Suzume phát hành tại Nhật Bản vào tháng 11 năm 2022, đạo diễn đã luôn trong tình trạng khó ngủ vì quá căng thẳng khi sử dụng một trận động đất từng làm rung chuyển đất nước trở thành chủ đề chính cho bộ phim mới nhất của mình.
Shinkai Makoto chia sẻ: “Tôi không biết khán giả sẽ phản ứng thế nào khi tôi dám lấy bi kịch của đất nước ra làm ‘thú tiêu khiển’. Tôi đã trải qua một tháng đầy lo lắng sau khi bộ phim ra rạp và tôi luôn tự hỏi về phản ứng của người xem. Vì trận động đất ảnh hưởng đến tất cả mọi người và tôi không phải là nạn nhân trực tiếp bị tác động bởi nó. Do vậy, tôi đã mất ngủ vì liên tục nghĩ xem liệu mình có nên hoàn thiện bộ phim này hay không.”
Công viên Yokoamichō (Yokoamichō kōen) là một công viên công cộng ở quận Yokoami, nằm trong khu vực đặc biệt Sumida thuộc tỉnh Tokyo, Nhật Bản. Trong trận động đất Kantō vào ngày 1/9/1923, một cơn bão lửa đã càn quét và khiến 44.000 người đang sơ tán phải thiệt mạng ngay tại công viên này. Sau thảm họa, công viên đã trở thành nơi đặt đài tưởng niệm chính cho trận động đất. Được biết, bảo tàng tưởng niệm đại địa chấn Kantō và một nhà mồ gần đó đã lưu giữ tro cốt của hơn 58.000 nạn nhân.
Nguồn ảnh: AWN
Nguồn ảnh: Japanistry
Vào tháng 2 năm 2016, cùng thời điểm Your Name ra mắt, hai kiến trúc sư đã khánh thành một đài tưởng niệm dành cho các nạn nhân xấu số từ thảm họa năm 2011, bao gồm công trình rộng 6,5 mét vuông trên sườn đồi giữa một ngôi đền và một cây anh đào ở Ishinomaki. Suzume, theo cách riêng của mình, cũng được xem như một đài tưởng niệm phi vật thể khi không chỉ đề cập đến trận động đất – sóng thần năm 2011 mà còn gợi nhớ về những thảm họa thiên tai khác, cũng như các địa điểm bị bỏ hoang trên khắp đất nước Nhật Bản ngày nay.
Nguồn ảnh: Dezeen
“Những thảm họa này đã thực sự thay đổi cách nhìn nhận của nhiều người về sự sống và cái chết, và điều này cũng được thể hiện đúng với tinh thần của nhân vật Suzume,” đạo diễn giải thích, “Tôi mong muốn tác phẩm của mình có thể khích lệ mọi người tiếp tục cố gắng và đừng từ bỏ cuộc sống ý nghĩa này.”
Ông tiếp tục, “Không có gì lạ khi mọi người dần trở nên thờ ơ đối với cuộc sống của mình. Khi nhìn xung quanh, bạn nhận thấy đâu đâu cũng có chiến tranh, bệnh tật và thiên tai, những người thân yêu và bên cạnh bạn đột nhiên biến mất trước sự ngỡ ngàng, hoặc toàn bộ thành phố bỗng nhiên phải trải qua các hiện tượng thiên nhiên khó đỡ, và rồi, khi bạn trải nghiệm điều đó mỗi ngày, nhìn thấy nó liên tục trên các trang báo đài và phương tiện truyền thông, bạn làm sao tránh khỏi suy nghĩ cho rằng, ‘Vậy việc tôi tiếp tục bước đi mỗi ngày có còn ích lợi gì đây?’”
Đây cũng là câu thoại mà Shinkai Makoto đưa vào trong thước phim của mình.
Nguồn ảnh: Gameranx
“Bản thân Suzume từng có một đoạn hội thoại đại loại thế này, ‘Tôi không sợ chết. Việc bạn sống hay chết cũng đều là do may mắn mà thôi’,” tác giả chia sẻ, “Nhưng tôi nghĩ cần phải có một điều gì đó, chẳng hạn như một thông điệp mang tính khích lệ hơn, tồn tại lâu dài hơn và đồng thời thay thế cho sự thờ ơ, lãnh đạm đó. Tôi nghĩ điều này là đúng đắn và cần thiết đối với nhiều thế hệ trẻ về sau.”
Rất nhiều nhà làm phim đã và đang dựa vào các sự kiện xảy ra trong tác phẩm chính của họ để đẩy câu chuyện tiếp tục tiến về phía trước. Tương tự thế, phim của Shinkai Makoto cũng có những tình tiết và yếu tố hấp dẫn, vượt xa một cuộc hành trình thực hiện nhiệm vụ thông thường. Tuy nhiên, dù thảm họa có nghiêm trọng đến thế nào đi nữa thì mục đích mà chúng có mặt trong phim cũng chủ yếu là để khơi dậy phản ứng của khán giả chứ không phải là nhân tố làm nên vẻ đẹp trong các câu chuyện của Shinkai Makoto.
Nguồn ảnh: Sportskeeda
Những cung bậc cảm xúc mà nhân vật thể hiện và cách họ hoàn thành vai trò của mình mới là điều khiến cho các tác phẩm của đạo diễn trở nên đậm tính thi vị và mang màu sắc khác biệt hơn. Đây cũng là lý do vì sao “phù thủy nỗi buồn” thường ưu tiên nghiên cứu lời thoại nhân vật trước khi bắt đầu sáng tác câu chuyện của mình.
“Ngôn từ luôn phải đi trước,” ông cho biết, “Tôi có rất nhiều ý tưởng về những gì tôi muốn nhân vật của mình thể hiện, những khoảnh khắc đối thoại quan trọng nhất định phải là cốt lõi của chủ đề tôi muốn kể. Vì vậy, khi đã có những từ khóa nhất định, tôi sẽ viết một bản tóm tắt hoặc một cốt truyện cực kỳ ngắn cho bộ phim, và rồi đi kèm với nó là một vài phác thảo về cách mà tôi tưởng tượng thứ này thứ kia sẽ được truyền tải vào trong câu chuyện như thế nào. Khi bước sang giai đoạn tiếp theo, tôi lần nữa nhìn lại những gì mình đã dựng, từ đó phát triển một cốt truyện cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn để làm nền móng cho bộ phim của mình.”
Đọc thêm: “Suzume”: Bộ Anime khắc họa văn hóa xứ Phù Tang theo một cách rất đặc biệt
Đạo diễn Shinkai Makoto. Nguồn ảnh: The Verge
Những góc nhìn của Suzume về vấn đề sinh tử có thể được xem là cách Shinkai Makoto tiếp cận khán giả thông qua tác phẩm của mình: “Tôi hiểu bạn đang cảm thấy thế nào. Những cảm xúc ấy đều hoàn toàn có cơ sở, nhưng xin đừng để nó kiểm soát cuộc sống của mình nhé.” Trên thực tế, chính bản thân ông cũng là người được hưởng lợi từ các bộ phim của mình, khi quá trình sản xuất phim đã phần nào giúp ông cảm thấy được chữa lành và sẵn sàng đối diện với thử thách một cách điềm tĩnh hơn.
“Cho dù đó là vì khán giả hay người hâm mộ, vì động lực hay chính bản thân tôi, thì để không phải rơi vào đại dịch của sự vô tâm, tôi đã có cho mình những nhân vật được thúc đẩy bởi nghị lực sống kiên cường, với mong muốn được tự mình thay đổi điều gì đó,” đạo diễn nói, “Tôi đã phát triển những nhân vật này với suy nghĩ, ‘Họ có thể làm gì để vượt qua sự thờ ơ mà tất cả chúng ta đều đang cảm nhận về sự sống và cái chết đây?’”
Nguồn: Animation World Network
Tâm Cửu