10 bộ anime nâng tầm lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật (Phần 2)
Vừa là fan của anime, vừa đam mê các bộ môn thuộc lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, bạn nhất định không thể bỏ lỡ các bộ anime trong bài viết này!
Các bộ anime về nghệ thuật không chỉ là những câu chuyện về sự sáng tạo, mà còn là nguồn cảm hứng về hành trình khó khăn của những con người quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Cho dù họ luôn trong trạng thái xung đột nội tâm hay không được công nhận bởi người khác, những con người này đều đặt tất cả tâm huyết vào những “đứa con tinh thần” của mình.
Từ cách mà hoạ sĩ anime phác thảo mỗi nét đường đến cảm xúc sâu sắc của nhân vật được thể hiện qua từng khung tranh, các bộ anime trong danh sách này không chỉ khiến người đọc hiểu thêm về lĩnh vực nghệ thuật mà còn đem đến nhiều bài học về sự trưởng thành, tình bạn, tình yêu đáng suy ngẫm. Bây giờ, hãy cùng Vietnam VFX-Animation khám phá 10 bộ anime về sáng tạo nghệ thuật hay nhất (theo Screenrant) ngay bên dưới này nhé!
*Lưu ý: Danh sách phim được sắp xếp ngẫu nhiên, không theo bất kỳ thứ tự ưu tiên nào.
Xem thêm: 10 bộ anime nâng tầm lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật (Phần 1)
Tada Never Falls in Love (2018)
Nguồn ảnh: Amazon
Tada Never Falls in Love được sản xuất bởi studio Doga Kobo, một trong những studio nổi tiếng của Nhật Bản với nhiều dự án anime nổi tiếng. Bộ phim này cũng có sự hợp tác với các nhà sản xuất như Shochiku và Pony Canyon. Mặc dù không nhận được sự chú ý rộng rãi như một số anime khác trong cùng thời kỳ, nhưng Tada Never Falls in Love vẫn nhận được sự đánh giá tích cực từ cả fan hâm mộ và giới phê bình và câu chuyện về tình yêu và hành trình trưởng thành của các nhân vật.
Nội dung chính:
Là một nhiếp ảnh gia đầy tham vọng, luôn đặt ước mơ của mình lên trên bất cứ điều gì khác, Mitsuyoshi Tada hiếm khi quan tâm nhiều đến tình yêu và các mối quan hệ. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ tình cờ với Teresa Wagner, một cô gái nước ngoài vui vẻ và sôi nổi mới chuyển vào lớp đã bắt đầu thay đổi những ưu tiên của Tada. Khi Teresa và bạn của cô quyết định trở thành thành viên câu lạc bộ nhiếp ảnh của trường, tham gia cùng Tada và những người bạn lập dị của anh, Tada nhận ra rằng niềm đam mê của mình với nhiếp ảnh cũng mở cửa cho những tình cảm khác phát triển.
Tada Never Falls in Love cho chúng ta thấy rằng nhiếp ảnh không chỉ là cách quan sát và ghi lại những khoảnh khắc đẹp mà còn là cơ hội kết nối với người khác. Mặc dù hành trình trở thành nhiếp ảnh gia của Tada không thể hiện ở tên của bộ phim, nhưng niềm đam mê với nhiếp ảnh cho phép anh nhìn thế giới từ một góc nhìn độc đáo. Bên cạnh đó, sự phát triển trong mối quan hệ của Tada với Teresa cũng là điểm hấp dẫn, giúp bộ anime này trở nên tỏa sáng với các chi tiết lãng mạn của hai nhân vật chính.
Keep Your Hands Off Eizouken! (2020)
Nguồn ảnh: nocookie
Keep Your Hands Off Eizouken được chuyển thể từ manga cùng tên của tác giả Sumito Ōwara. Bộ phim này đã tạo ra làn sóng lớn về sự quan tâm đối với ngành công nghiệp anime và quy trình làm phim hoạt hình. Nó đồng thời trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ muốn tìm hiểu về cách làm phim anime, cũng như đem lại sự khích lệ cho những người đang làm việc trong lĩnh vực này. Với sự sáng tạo của Sumito Ōwara, Keep Your Hands Off Eizouken đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng, bao gồm giải Anime of the Year tại Anime Awards 2021.
Nội dung chính:
Midori Asakusa luôn tìm thấy niềm vui trong sự sáng tạo không giới hạn và luôn tìm những câu chuyện mới để kể cho mọi người. Cô dành phần lớn thời gian để vẽ background và suy nghĩ về những thế giới mới đầy thú vị. Trong khi đó, người bạn thân nhất của Midori – Sayaka Kanamori, là người đem đến cho cô các góc nhìn thực tế hơn về cuộc sống. Sau cuộc gặp gỡ định mệnh với Tsubame Mizusaki, một người mẫu có mơ ước trở thành một nhà làm phim hoạt hình, ba người đã thành lập câu lạc bộ làm phim hoạt hình và bắt đầu biến những câu chuyện của họ trở thành hiện thực.
Keep Your Hands Off Eizouken! đơn giản là một lá thư tình yêu dành của tác giả dành cho hoạt hình. Bộ phim đồng thời giúp bạn khám phá quy trình làm phim hoạt hình từ giai đoạn ý tưởng đầu tiên cho đến cuối cùng. Bộ phim cũng là minh chứng cho những điều kỳ diệu có thể xảy ra khi chúng ta trân trọng trí tưởng tượng của trẻ nhỏ, thay vì xem đó là những điều “con nít”. Vừa mang tính giải trí nhưng cũng đong đầy cảm xúc, đây không chỉ là một trong những anime Science Saru hay nhất mà còn là một trong những anime bạn nhất định không thể bỏ qua.
Barakamon (2014)
Nguồn ảnh: Amazon
Barakamon là anime được chuyển thể từ manga cùng tên của tác giả Satsuki Yoshino. Anime này nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình cho cốt truyện sâu sắc, tuyến nhân vật đa dạng và cách thể hiện nghệ thuật thư pháp một cách độc đáo. Đem lại cảm xúc chân thành, nhân vật đáng yêu và thông điệp tích cực về việc tìm kiếm bản thân đã làm cho anime này trở thành một trong những tác phẩm đáng để xem. Đặc biệt, Barakamon còn góp phần thúc đẩy sự quan tâm đến thư pháp và nghệ thuật truyền thống Nhật Bản trong cộng đồng anime và manga.
Nội dung chính:
Seishuu Handa là một nhà thư pháp tài năng nhưng kiêu ngạo, không chịu chấp nhận lời chỉ trích của bất kỳ ai. Sau khi một trong những tác phẩm bị nhận xét thiếu độc đáo và khiến anh trở nên mất bình tĩnh, cha của Seishuu Handa quyết định đưa anh đi khỏi Tokyo và hy vọng con trai của công có thể suy ngẫm về hành động của mình, cũng như tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn ở cuộc sống nông thôn tại Quần đảo Goto. Tuy nhiên, những gì Seishuu tìm thấy ở đây không phải là một nơi yên tĩnh mà là một nơi đầy những con người ấm áp và sôi nổi, những người sắp sửa thay đổi cả cuộc sống của anh.
Barakamon đưa người xem vào thế giới thư pháp – bộ môn nghệ thuật thường không được đánh giá cao. Thông qua tác phẩm này, tác giả cũng muốn gửi gắm thông điệp về tầm quan trọng của việc thể hiện bản thân trong hành trình làm nghệ thuật của một nghệ sỹ. Mặc dù việc Seishuu thông thạo các nguyên tắc cơ bản của thư pháp giúp anh được người khác thừa nhận, nhưng điều anh thiếu ngay ở thời điểm ban đầu là mong muốn bày tỏ cảm xúc thật sự của bản thân. Tuy nhiên,khi gắn kết với những cư dân lập dị trên đảo và trải qua cuộc sống tại đây, anh đã tìm được chính mình. Bên cạnh việc tôn vinh văn hóa Nhật Bản, Barakamon hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm đáng nhớ qua hành trình khám phá bản thân của Seishuu Handa.
Bakuman (2010)
Nguồn ảnh: Amazon
Bakuman là anime được chuyển thể từ manga cùng tên của tác giả Tsugumi Ohba và họa sĩ Takeshi Obata. Đây cũng là cặp đôi tác giả nổi tiếng đã làm nên thành công của series Death Note. Bakuman không chỉ tập trung vào quá trình tạo ra manga mà còn khám phá các khía cạnh khác của ngành công nghiệp manga, bao gồm quan hệ giữa tác giả và biên tập viên, cách thức tạo ra nhân vật ấn tượng và cốt truyện hấp dẫn, cũng như những thách thức trong việc đạt được thành công trong ngành này. Các nhân vật trong “Bakuman” thường tham gia vào các cuộc thi manga thực tế, như Jump Festa, phải đối mặt với các vấn đề thực tế như cạnh tranh khốc liệt, áp lực thời gian và đánh giá từ độc giả. Điều này đem đến góc nhìn thực tế, cũng như cảnh báo về một hiện thực khốc liệt dành cho những người trẻ đang muốn theo đuổi sự nghiệp làm manga.
Nội dung chính:
Moritaka Mashiro từng mơ ước trở thành một họa sĩ manga vĩ đại như người chú của anh, nhưng nhưng hy vọng về một sự nghiệp lẫy lừng từ thời thơ ấu đã tan biến khi người truyền cảm hứng cho Moritaka Mashiro từ giã cuộc đời. Tuy nhiên, khi Akito Takagi, một trong những bạn cùng lớp của anh nhận ra tiềm năng của các bức vẽ trong sổ tay của Moritaka. Akito Takagi mới thú nhận với người bạn về mong muốn của riêng mình, đó là trở thành một nhà văn nổi tiếng. Sau đó, cả hai quyết định hợp tác để sáng tác manga và mong chờ một ngày sẽ trở nên thành công với con đường mà mình đã chọn.
Bakuman đi sâu vào con đường đầy khó khăn nhưng cũng đầy thú vị trong công việc sáng tác truyện tranh nhiều kỳ. Câu chuyện có thể không hoàn toàn thực tế nhưng người xem vẫn cảm nhận được sự sâu sắc và ý nghĩa trong hành trình theo đuổi giấc mơ của các nhân vật. Nếu chăm chỉ được xem là điều hiển nhiên để có thể chạm tay đến thành công, bộ phim còn nhắc nhớ người xem về một thực tế khắc nghiệt vẫn đang diễn ra hàng ngày khi làm việc tại các đơn vị xuất bản, mối quan hệ với biên tập viên và những khó khăn để đáp ứng deadline nhưng vẫn phải giữ được chất lượng trong sản phẩm.
Blue Period (2021)
Nguồn ảnh: Netflix
Blue Period là manga được sáng tác bởi tác giả Tsubasa Yamaguchi. Trước khi được chuyển thể thành anime, Blue Period đã thu hút sự chú ý từ độc giả với cốt truyện sâu sắc và nét vẽ tuyệt vời. Về nội dung, Blue Period giúp người xem khám phá những khó khăn và áp lực mà những người trẻ phải đối mặt khi chọn con đường nghệ thuật, cũng như ý nghĩa của việc tìm kiếm đam mê và tự thân phát triển trong quá trình sáng tạo.
Nội dung chính:
Yatora Yaguchi là một học sinh cấp ba xuất sắc, luôn cố gắng học giỏi để đạt điểm cao và đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ. Thế nhưng anh thiếu những đam mê cá nhân, gặp khó khăn trong việc tìm ra con đường riêng của mình trong khi lãng phí thời gian với những người bạn cùng trường học. Trong một lần bị ấn tượng bởi cảnh đẹp sôi động của Shibuya, Yatora quyết định vẽ lại hình ảnh mà anh nhìn thấy một cách bất chợt. Chính từ lần đó, anh phát hiện tài năng và niềm ưa thích của mình với hội họa. Sau đó, Yatora bắt đầu hành trình khó khăn nhưng cũng đầy thú vị hướng tới trường Đại học Nghệ thuật Tokyo danh giá.
Dùng nghệ thuật để khám phá bản thân, Tsubasa Yamaguchi đã khắc họa nội dung và thông điệp này vô cùng tinh tế trong Blue Period. Từ nhân vật chính đến các nhân vật phụ, bộ anime còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ khác nhau, mỗi người đều có mối quan hệ riêng với nghệ thuật và lý do cống hiến hết mình cho lĩnh vực này. Blue Period không chỉ khiến người xem cảm nhận được những khó khăn mà nhân vật chính đang gặp phải mà còn đưa họ đến những cảm giác tuyệt vời khi được đồng hành trong quá trình phát triển thành một nghệ sỹ tuyệt vời của Yatora Yaguchi.
Nguồn tham khảo: Screen Rant
Win Win