Hoạt hình Châu Âu và Mỹ – Phần 2: Đi tìm nguyên nhân của sự khác biệt
Là một phần thuộc bộ 3 bài tiểu luận do Nhà Sử học, Tác giả, Nhà Giáo dục nổi tiếng Karl Cohen chấp bút, bài viết giúp công chúng có cái nhìn trực quan hơn về hiện trạng sản xuất phim Hoạt hình ngày nay. Đồng thời, tác giả còn trích dẫn ý kiến chuyên môn để làm rõ cách biệt trong quá trình phát triển Hoạt hình giữa nền điện ảnh Hoa Kỳ và Châu Âu.
Khán giả châu Âu mong đợi điều gì ở tác phẩm Hoạt hình?
Khắp các buổi công chiếu hay cuộc đua tranh tại những liên hoan, lễ trao giải Hoạt hình diễn ra trên lãnh thổ Châu Âu và Hoa Kỳ, chúng ta dễ dàng phát hiện sự khác biệt về thị hiếu và sự kỳ vọng của khán giả đến từ hai thị trường điện ảnh này. Công chúng Châu Âu không chỉ bày tỏ niềm yêu thích dành cho những bộ Animation giàu trí tưởng tượng của trẻ em mà còn mong muốn thưởng thức tác phẩm mang tính “đấu trí”, thử thách tư duy hoặc đa dạng phong cách như phim tài liệu hoạt hình, thể loại hư cấu, kỳ dị với nhiều góc độ tiếp cận.
Ảnh: The Guardian
Điều này ngược lại ở thị trường điện ảnh dẫn đầu thế giới, dường như ngày càng ít nhà làm phim Mỹ sáng tạo những bộ phim Hoạt hình kích thích tư duy gây ấn tượng với hội đồng thẩm định và giám khảo Liên hoan phim Châu Âu. Theo một vài nguồn tin nội bộ, những lễ trao giải này nhận thấy hầu hết bài dự thi xuất phát từ nước Mỹ đều để lại nỗi thất vọng đối với họ. Vậy tại sao lại như thế?
Có lẽ, công chúng châu Âu quá quen thuộc với tác phẩm giàu tính tư duy và tập trung phản ánh tình huống thực tế. Đồng thời, nơi đây cũng sản sinh nhiều bộ phim Hoạt hình đa dạng chủ đề và góc nhìn, thậm chí xuất hiện không ít dự án chứa đựng nội dung cũng như cách khai thác đầy mới mẻ và táo bạo.
Chắc chắn vẫn có các tác phẩm hay đang được sản xuất tại Hoa Kỳ. Nhưng dường như quá nhiều phim ngắn Hoạt hình mà mỗi khi có dịp xem qua tại Liên hoan phim địa phương hay bất cứ đâu trên Internet, nó khiến tôi chợt suy nghĩ hình như bộ phim đó không được thực hiện bởi tâm huyết của chính những Artist tham gia vào quá trình sản xuất, những người đã dành thời gian trau chuốt cho đứa con tinh thần của mình. Có lẽ, họ không tìm thấy chủ đề hay ý tưởng thú vị hoặc đơn giản là chẳng có ai đó để chia sẻ câu chuyện mà họ tạo ra. Và một thực tế hiện hữu là số lượng phim nghệ thuật thể nghiệm cũng ngày càng giảm dần qua các năm.
Ảnh: BackStage
Nhà làm phim Hoa Kỳ Vince Collins, người dành phần lớn cuộc đời cho sản xuất Hoạt hình thể nghiệm rồi đăng tải lên Internet nhớ lại: “Vào những năm 70, gần phân nửa tác phẩm dự thi của Liên hoan Annecy xuất phát từ Mỹ.” Hiện nay, phần lớn sinh viên nơi này theo đuổi các ngành học về kỹ thuật Hoạt hình với hy vọng tìm kiếm việc làm, rất hiếm người đầu tư tâm huyết sáng tạo ra những bộ phim nghệ thuật tham gia tranh tài ở lễ trao giải. Bên cạnh đó, thông tin khác cho biết thêm tại Annecy năm 1975 có 115 bộ phim được mang ra công chiếu trong và ngoài lễ trao giải, 23 trong số đó đến từ Mỹ và 1 tác phẩm là của Vince. Năm 1977, Annecy giới thiệu 120 bộ phim và nền điện ảnh Hoa Kỳ tiếp tục góp mặt 23 cái tên.
Điều gây sốc với tôi, đó là một số Liên hoan phim nước Mỹ từ chối các tác phẩm Hoạt hình ngắn xuất sắc từ Châu Âu vì họ cho rằng nội dung mang tính “khiêu khích”. Tôi từng làm việc trong một số Hội đồng tuyển chọn của những chương trình này suốt nhiều năm và đề xuất không ít bộ phim để lại ấn tượng sâu sắc nhưng cuối cùng vẫn không được lựa chọn. Nguyên nhân vì họ cho rằng một số ý kiến của tôi có khả năng gây ra nhiều tranh cãi. Những hoạt động thế này tại Mỹ thường dựa vào nguồn tài trợ của các tên tuổi giàu sụ, vì thế họ có xu hướng an toàn trong bình chọn.
Ảnh: Asian Films Festival
Hoạt động tài trợ, gây dựng kinh phí tại Châu Âu và Mỹ
- Châu Âu
Điểm khác biệt lớn giữa dự án của Hoa Kỳ và Châu Âu nằm ở nguồn kinh phí vận hành phim. Tại Châu Âu, hỗ trợ tài chính chủ yếu xuất phát từ những sự kiện “pitching” – nơi mà bạn trình bày đề án (proposal) cho bộ phim của mình và nếu giành chiến thắng thì tất nhiên bạn nhận được nguồn đầu tư để bắt tay vào quá trình thực hiện, đó có thể là tiền hoặc các dịch vụ sản xuất. Phần lớn những “pitching event” này được tổ chức trực tiếp tại lễ trao giải hay Liên hoan phim cũng như một số sự kiện riêng lẻ khác.
Ảnh: The Film Fund
Tôi đoán chắc rằng bạn sẽ phải cân nhắc nhiều hơn đến việc hoàn thiện kịch bản, thiết kế nhân vật, storyboard, v.v… nếu bạn thật sự muốn góp mặt vào các cuộc thi giành lấy tài trợ thế này. Ngày nay, nhiều cá nhân tại Châu Âu đang làm việc với tư cách một Huấn luyện viên pitching, nhiệm vụ chính của họ là đưa ra phương pháp giúp bạn cải thiện khả năng thuyết phục để mang về nguồn kinh phí thực hiện dự án.
- Mỹ
Hiện nay, nguồn tài trợ Liên bang tại Mỹ dành cho Hoạt hình vẫn chưa được khôi phục kể từ đợt cắt giảm vào năm 1980 của cố Tổng thống Ronald Reagan. Tiếp đó, nhiệm kỳ của Tổng thống Trump cũng tiến hành loại bỏ Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia và cho đến khi Biden nhậm chức thì ông mới khôi phục tổ chức này. Song song đó, Quỹ Nghệ thuật Quốc gia (NEA) vẫn dành khoản nhỏ kinh phí hỗ trợ hoạt động sản xuất phim ảnh.
Animation không phải hạng mục chính thống nhưng các bộ phim Hoạt hình hoàn toàn đủ điều kiện để xem như một dự án truyền thông. Nếu cần tìm đến nguồn hỗ trợ tài chính, điều này đồng nghĩa rằng bạn phải làm việc với những tổ chức phi lợi nhuận. Trong trường hợp, dự án của bạn kêu gọi thành công lượng lớn người tham gia thì bạn có thể tìm đến NEA.
Ảnh: FilmProposals
Tại Mỹ, mỗi bang đều có Ủy ban Nghệ thuật nhưng không phải nơi nào cũng sẵn sàng chi tiết cho những tác phẩm giá trị. Tôi được biết Ủy ban Điện ảnh New York dành khoản hỗ trợ lên tới 10.000 USD cho các dự án thế này. Hội đồng Nghệ thuật California (CAC) còn trích riêng nguồn đầu tư cho cả đối tượng tổ chức và cá nhân. Thậm chí, có hạng mục mà khoản chi phí tài trợ lên đến 50.000 USD đối với các nghệ sĩ đã thành danh để hoàn thành bộ phim của họ. May mắn là dưới thời Thống đốc hiện tại, nguồn ngân sách của CAC được gia tăng một cách đáng kể.
Với Ủy ban Nghệ thuật San Francisco, họ cũng dành sự quan tâm đến những nghệ sĩ hoạt động đơn lẻ và tích cực tìm kiếm các dự án Animation ít được truyền thông chú ý tới. Bên cạnh đó, Quỹ Điện ảnh Berkeley còn xem xét đề xuất tài trợ cho hoạt động Animation của cả nghệ sĩ độc lập và học sinh, sinh viên.
Ảnh: Rolling Stone
Hiện nay, một số câu chuyện gọi vốn ấn tượng đang diễn ra tại nước Mỹ xoay quanh các trang gây quỹ trên Internet. Bộ ba Bill Plympton, Don Hertzfeldt và Signe Baumane khá thành công với cách thức kêu gọi hỗ trợ này dành cho những dự án phim ngắn và phim điện ảnh. Từng xuất hiện trường hợp số tiền lên tới hơn 100.000 USD.
Tuy nhiên, sự thật đáng buồn là các Nhà làm phim ngắn hiện nay ở Hoa Kỳ có rất ít cơ hội kiếm tiền từ việc mang tác phẩm của họ ra trưng bày hay công chiếu trên TV hoặc tiến vào các rạp. Những năm 1970, tôi từng tham dự sự kiện “Best of the Ann Arbor Film Festival”, đây là chương trình lưu diễn được công chiếu trong các rạp thương mại và tất cả đều được trả phí cho mỗi buổi như thế. Ngày nay, người điều hành kinh doanh rạp chiếu phim không còn quan tâm đến câu chuyện này nữa. Song song đó, tiêu chuẩn về định dạng hay chất lượng hình ảnh của hầu hết phim ngắn đều không đủ đáp ứng yêu cầu từ hệ thống rạp.
Ảnh: The Tacoma Ledger
Nếu bạn đang sản xuất phim ngắn tại Hoa Kỳ, đây thực sự là điểm đặc biệt và hãy nỗ lực để giành lấy tiền thưởng từ các Liên hoan phim. Đồng thời, bạn nên cân nhắc mang đứa con tinh thần của mình đến những sự kiện Quốc tế như một cách thức quảng bá, vì trong nhiều trường hợp hoạt động truyền thông được thực hiện trực tuyến và không tốn chi phí. Hơn nữa, nhiều Quốc gia vẫn chấp nhận tác phẩm bằng tiếng Anh mặc dù đó không phải ngôn ngữ chính thức của họ.
Bạn cũng có thể xem xét kế hoạch tổ chức sự kiện chiếu phim vào buổi tối. Tôi từng có cơ hội góp mặt trong một vài hoạt động như thế và sau đó nhiều tác phẩm được xuất hiện tại các rạp độc lập. Trước đây, tôi thực hiện bộ phim tài liệu về những người Mỹ di cư đến sinh sống tại Mexico, nhiều tập trong đó được phát hành bởi chi nhánh của NBC. Vì thế, bạn cần sáng tạo hơn nữa để quảng bá cho đứa con tinh thần mà bản thân dành tâm huyết dựng nên.
Đặc biệt trên môi trường Internet, tôi còn biết một Animator thu về thu nhập kha khá nhờ nền tảng này. Mark Fiore cho ra đời loạt phim Hoạt hình kéo dài khoảng 1 phút liên quan đến chủ đề Chính trị vào mỗi tuần. Khách hàng của anh ấy bao gồm các tạp chí, tờ báo điện tử, v.v… Và cộng đồng người hâm mộ sẵn sàng trả tiền để có cơ hội xem các nội dung sống động từ Mark. Anh từng chia sẻ rằng nghệ thuật của anh châm biếm, đùa giỡn bất cứ điều gì khiến anh khó chịu suốt một tuần. Hoạt hình của Mark không đặt nặng yếu tố kỹ thuật nhưng nội dung mà anh xây dựng thực sự mang lại hiệu quả rất cao. Cách đây vài năm, Mark Fiore còn vinh dự được xướng tên tại Pulitzer – một trong những giải thưởng danh giá nhất của lĩnh vực truyền thông, nghệ thuật và xuất bản.
Bạn có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm của Mark tại đây
Theo học Animation tại Mỹ khác biệt gì so với thế giới?
Ngày nay, lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo Animation tại Hoa Kỳ khá đắt đỏ, vì thế hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp đều phải tìm kiếm việc làm ngay khi có thể nhằm chi trả cho các khoản nợ của thời gian học tập trước đó. Những cơ sở đào tạo công lập thường có mức học phí thấp hơn so với trường tư thục, nhiều nơi còn sở hữu đội ngũ Giảng viên và trang thiết bị chất lượng phục vụ nhu cầu dạy và học. Nhưng mặt khác, vẫn tồn tại nhiều câu chuyện kinh khủng về các ngôi trường hay chương trình đào tạo chi phí cao mà sau đó sinh viên lại không tìm được việc. Nếu quan tâm đến mức học phí cùng nhiều thông tin chi tiết khác, bạn có thể ghé thăm trang web chính thức của College Affordability and Transparency Center trực thuộc Bộ Giáo dục Hoa Kỳ để tham khảo vấn đề liên quan đến chương trình đào tạo chuyên ngành Hoạt hình.
Ảnh: Cartoon Brew
Nỗ lực để trở thành Artist xuất sắc và giành chiến thắng tại các Lễ trao giải thường niên dường như không còn là mục tiêu phổ biến tại Mỹ. Thay vào đó, sinh viên tập trung vào việc trau dồi kỹ năng bằng cách thực hành nhiều bài tập vẽ tay, sử dụng CGI hoặc stop-motion. Với các cơ sở chuyên nghiệp hơn, học viên còn được yêu cầu hoàn thành một hoặc nhiều đồ án ngắn để kết thúc lộ trình đào tạo. Nhưng thực tế không phải trường học nào cũng cung cấp chương trình giảng dạy đủ tốt giúp người học nâng cao kỹ năng kể chuyện khi sản xuất Hoạt hình. Đó là bộ sưu tập kỹ năng cần thiết làm tiền đề hỗ trợ học viên sáng tạo nhiều tác phẩm ấn tượng về sau, cũng như có được sự công nhận từ bạn bè, thầy cô và tìm kiếm cho bản thân cơ hội phát triển xa hơn. Vince Collins đưa ra nhận xét: “Hiện nay người ta học Hoạt hình chủ yếu để tìm việc, nhưng vào những năm 70 không có điều này vì thế hầu hết bộ phim đều là sự biểu hiện của tiếng nói cá nhân.”
Ảnh: Cartoon Brew
Thêm vào đó một vấn đề khác tồn đọng ở nhiều học viên, mặc dù phần lớn các bạn đều sở hữu nền tảng kỹ thuật cơ bản khá đầy đủ nhưng năng lực sáng tạo nội dung/câu chuyện vẫn còn yếu. Nhiều người gặp khó khăn trong việc thoát khỏi ý niệm công việc mà họ đang làm là một trải nghiệm thực tế ngoài đời thực, dường như họ không hiểu hoặc không biết cách sử dụng trí tưởng tượng và chủ nghĩa siêu hiện thực một cách hợp lý. Tôi tin chắc rằng những học viên này cần xem nhiều phim Hoạt hình hơn nữa để học tập vô vàn cách thức tạo ra một câu chuyện tuyệt vời. Đặc biệt, việc tiếp thu kiến thức từ quá khứ hay người đi trước luôn trở thành phần quan trọng trên hành trình học tập của mỗi cá nhân. Đồng thời, họ cũng nên tìm đến các Liên hoan phim, Lễ trao giải hằng năm để thưởng thức tác phẩm vừa được công chiếu gần đây hay gặp gỡ, trò chuyện và học hỏi kinh nghiệm từ những Artist cùng thời.
May mắn cho người học hiện giờ khi có hàng nghìn bộ phim được đăng tải miễn phí trên Internet, nhưng cũng cần ai đó để giới thiệu cho họ biết về một số tác phẩm xuất sắc cần lưu tâm. Và tôi đang thực hiện công việc như thế, còn có các trang web khác như Cartoon Brew, AWN, v.v. với đa dạng bài viết liên quan đến chủ đề này. Tôi tin Hoạt hình là một hình thức nghệ thuật độc đáo và tôi cũng tin vào những gì mà Richard Williams cùng các Đạo diễn khác đã chia sẻ với tôi: “Animation không chỉ là một hình thức nghệ thuật tuyệt vời mà nó còn là trải nghiệm học hỏi suốt đời.”
Ảnh: ScreenCraft
Nền Giáo dục vững chắc về Hoạt hình không phải là các chương trình đào tạo chuyên sâu một cách cấp tốc, ngắn hạn. Nhiều nơi thiết kế khóa học nhằm mục đích giúp học viên có được công việc ở cấp độ entry-level chỉ sau vài tháng, nhưng một vài Giảng viên ở đấy đã phản ánh có rất nhiều học viên không thể theo kịp kiến thức mà họ cung cấp trong một tuần. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự kiệt sức của người học vì chương trình quá chuyên sâu.
Quan điểm của học viên về một bộ phim Hoạt hình hay dở thế nào thường chịu ảnh hưởng bởi những gì mà họ xem qua trong suốt quá trình trưởng thành. Đây cũng là lý do vì sao tôi tin rằng người xem cần đa dạng góc độ tiếp cận đối với Hoạt hình. Và tôi đã khám phá ra Norman McLaren khi 12 tuổi nhưng liệu rằng người học ngày nay còn thấy bất kỳ tác phẩm nào của ông hay không? Họ liệu có tìm thấy sản phẩm sáng tạo ấn tượng khác được tài trợ bởi Ủy ban Phim ảnh Quốc gia Canada từ năm 1941 hay không?
Ảnh: Micoope
Đối với những sinh viên mà tôi gặp qua tại Châu Âu và Israel, tôi khá ấn tượng khi xuất hiện nhiều cá nhân đã gây dựng tên tuổi và sự chú ý của họ qua các Liên hoan phim, một số còn tìm được công việc trở thành Giáo viên Animation. Ngày nay, một nền Nghệ thuật tự do toàn diện dường như là điều xa xỉ đối với nước Mỹ. Nhưng tại Châu Âu, tôi được biết các tổ chức Giáo dục thường xuyên cung cấp học bổng, nguồn tài trợ và trang thiết bị cho các dự án. Điều này tạo điều kiện cho họ có thêm thời gian để phát triển những sản phẩm cá nhân cũng như bổ sung các kiến thức phổ thông. Ở một số Quốc gia Châu Âu, Giáo dục Đại học không cần phải trả học phí.
Có lẽ, một nền Giáo dục lý tưởng dành cho Hoạt hình nên giúp người học vừa sáng tạo bộ phim độc lập, vừa có năng lực hợp tác xây dựng sản phẩm cùng đội nhóm. Cả hai trải nghiệm đều giữ vai trò cực kỳ quan trọng, bởi lẽ hãy nhìn những giải thưởng phim ngắn mà học sinh và sinh viên Châu Âu chiến thắng, hầu hết đều được sản xuất từ một nhóm bạn trẻ. Nếu quan sát tác phẩm của học sinh tại Stuttgart (Đức), Annecy (Pháp), Zagreb (Croatia) hoặc các bộ phim tại Giải thưởng Học viện Sinh viên (SAA) do đích thân Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ tuyển chọn, bạn sẽ nhìn thấy chất lượng giảng dạy thực tế của các ngôi trường.
Ảnh: NYU Kanbar Institute of Film Television
Nhớ lại khoảng 20 năm về trước, khi có dịp ghé thăm Trung Quốc, tôi còn có cơ hội tiếp xúc nhiều sinh viên hoàn toàn khác biệt so với các bạn trẻ tại Châu Âu, Israel hay Mỹ. Họ đang làm bài tập trong phòng học với những dãy máy tính dài. Một ngày ở Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, tôi đứng lớp 2 giờ đồng hồ về chủ đề Illustration tại giảng đường có ít nhất khoảng 300 người. Tôi cảm thấy sự khổng lồ của không gian và số lượng người đông đảo đã khiến sinh viên trở nên chăm chỉ và nghiêm túc, sự cạnh tranh trong môi trường này quá khốc liệt. Rõ ràng, phần lớn sinh viên đều tìm thấy việc làm trong ngành công nghiệp Hoạt hình ngày càng phát triển, họ có quyền tự hào về số giờ Hoạt hình mà họ đã sản xuất trong suốt 1 năm.
Khi tôi thực hiện bài viết này, tôi cũng nhận được email từ Học viện Hoạt hình Cát Lâm Trung Quốc (JAI). “Tỷ lệ có việc làm của sinh viên chúng tôi sau khi tốt nghiệp luôn giữ trên 90%. Số lượng lớn có cơ hội được làm việc tại những Doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành công nghiệp Hoạt hình, Game, Truyền thông ở trong và ngoài nước, và họ đang ngày càng trở thành những nhân tài nổi trội của ngành.” – Niềm tự hào toát lên qua từng con chữ trong email.
Ảnh: Parade
Kết luận
Tôi hy vọng qua các thông tin mà bản thân phân tích có thể làm sáng tỏ phần nào nguyên nhân của sự khác biệt trong quá trình sản xuất và phát triển Hoạt hình tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Chúng ta nhận thấy sự thành công của loạt chương trình truyền hình và phim ảnh Hollywood đã ảnh hưởng thế nào đối với nhận thức của khán giả Mỹ dành cho các thể loại Hoạt hình từ Quốc tế. Vẫn còn tồn tại đâu đó trong lòng nước Mỹ quan điểm cho rằng Hoạt hình chỉ thích hợp với trẻ em, còn người lớn thì khá hài lòng với các chương trình thanh thiếu niên.
Quay trở lại dòng suy nghĩ đã khơi dậy sự quan tâm của tôi khi viết bài tiểu luận này – “Tại sao ngày nay các Liên hoan phim Châu Âu từ chối khá nhiều tác phẩm do Hoa Kỳ sản xuất?”. Một gương mặt giấu tên đưa ra câu trả lời khiến tôi không khỏi ngạc nhiên: “Ở các Liên hoan phim hiện nay, nước Mỹ đang bị bỏ lại phía sau thực ra bởi vì họ quá bận rộn sống cùng một phức cảm tự tôn, tự cho mình là trung tâm và không có bất cứ điều gì ngoài kia tốt đẹp hơn 50 tiểu bang tại nơi này. Tôi nghĩ đây là một phần lý do khiến những Lễ trao giải Quốc tế không còn hứng thú với chúng tôi nữa. Đơn giản là họ chẳng nhận thấy điều gì thú vị từ các bộ phim ở đây nữa thôi.”
Ảnh: Cartoon Brew
Ban đầu tôi khá ngạc nhiên trước lời phản hồi có chút tiêu cực của anh ấy, tuy nhiên sau đó tôi chợt nhìn thấy trên TV hình ảnh nhóm người giơ tay hướng lên trời và hét lớn: “We’re number one”. Những đám đông gần như cuồng loạn, những con người tin rằng các nhà lãnh đạo có thể làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại (phải không?). Vì thế, tôi cảm nhận thực sự nhiều người khá hài lòng với cuộc sống hiện tại và không có nhu cầu khám phá thêm sở thích của chính mình.”
Liên hoan phim đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các tác phẩm dự thi. Nhưng hiện nay, nhiều cuộc thi tại Hoa Kỳ tính phí quá cao đối với những “Nghệ sĩ đang chết đói” (Starving Artist) trong khi Châu Âu lại thường miễn phí tham gia. Câu hỏi được đặt ra là tại sao ban tổ chức lại thu phí Nghệ sĩ? Sau khi họ đầu tư thời gian hằng tháng thậm chí hằng năm ròng để sáng tạo tác phẩm, tại sao không loại bỏ chi phí tham gia và thêm vào giải thưởng hấp dẫn để khuyến khích mọi người tranh tài?
Ảnh: The Playlist
Nếu Liên hoan phim tính phí vào cửa của công chúng, đây là một động lực khác dành cho các nhà làm phim sở hữu tác phẩm được trình chiếu bởi vì có thể họ sẽ được nhận một khoản tiền nào đấy. Thậm chí, ban tổ chức vẫn còn đó phương án liên hệ những Doanh nghiệp, Tập đoàn hay tổ chức địa phương để gia tăng nguồn tiền thưởng. (Trước đây, nhà làm phim còn phải chi trả nhiều khoản tiền liên quan đến in ấn, vận chuyển nhưng việc phân phối tác phẩm trực tuyến đã xóa bỏ khoản chi này).
Sẽ cần làm gì để giới thiệu đến công chúng những tác phẩm Hoạt hình độc lập, làm phong phú thêm đời sống của họ? Tôi thấy bộ phim “Guillermo del Toro’s Pinocchio” (2022) là câu chuyện với ý tưởng thông minh khiến người xem không cảm thấy bản thân đang nghe bài thuyết giảng một cách sáo rỗng.
Loạt phim “Brief But Spectacular” phát sóng trên đài PBS News Hour mang đến cho công chúng góc nhìn về phim tài liệu Hoạt hình. Ngoài ra, còn có các phân đoạn ấn tượng, sinh động trong chương trình Khoa học được chiếu trên đài PBS và nhiều mạng lưới khác. Càng nhiều khán giả tiếp cận với những nội dung thế này, số người quan tâm đến các thể loại vượt ngoài khuôn khổ Hollywood sẽ càng gia tăng. Nhưng thật đáng tiếc, PBS không có tỷ lệ người xem đông đảo như các đài lớn hay kênh Fox.
Có lẽ trong tương lai, đài truyền hình cáp hay kênh trực tuyến sẽ sắp lịch phát sóng những chương trình Hoạt hình dành cho người trưởng thành với tư tưởng cởi mở hơn, tương tự đài FM radio thường xuất hiện chuyên mục đặc biệt như nhạc Jazz, nhạc cổ điển, v.v… dành cho người lớn. Tôi hy vọng các trường Đại học, Cao đẳng đào tạo Nghệ thuật tự do có thể cung cấp lớp học về lịch sử/đánh giá Hoạt hình. Thậm chí, một ngày không xa sẽ xuất hiện những chuyên ngành nghiêm túc chuyên sâu về Hoạt hình và Mỹ thuật.
Ảnh: List Challenges
Đồng thời, Chính phủ cũng cần quay trở lại hỗ trợ Nghệ thuật thông qua khoản tài trợ và học bổng dành cho cộng đồng Nghệ sĩ cùng các dự án của họ. Canada có Ủy ban phim ảnh Quốc gia, nơi sản xuất những tác phẩm độc đáo để thế giới biết rằng đất nước họ rất coi trọng nghệ thuật thông qua nhiều phương án hỗ trợ sự phát triển của chúng. Tôi từng hoạt động năng nổ ở Quỹ Nghệ thuật Quốc gia để tích cực hỗ trợ cho vô số dự án. Các chi nhánh khác của Chính phủ cũng có sẵn nhiều quỹ hỗ trợ. Một lần, tôi giúp đỡ người bạn sáng tạo nên mẩu thông tin quảng bá hài hước về dịch vụ công bảo tồn nước của Chính phủ trong suốt mùa hạn hán những năm 1970 (Bộ Nội Vụ đã tài trợ cho anh ấy 30 giây phát sóng trên đài truyền hình PSA).
Do đó, nếu các Đảng phái thực sự mong muốn đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại, tại sao không khôi phục nguồn ngân sách dành cho hoạt động Nghệ thuật? Điều này có ý nghĩa hơn rất nhiều so với cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn. Người Mỹ được dạy rằng phải bảo vệ đất nước bằng quân đội hùng mạnh, nhưng điều đó chỉ khiến ta trở nên kiêu ngạo chứ không phải vĩ đại. Cần tăng cường ủng hộ cho nghệ thuật và hoạt động nhân đạo nếu mong muốn Hoa Kỳ được coi là một Quốc gia “vĩ đại”!
Ảnh: The Film Stage
*Bài viết được thực hiện bởi Karl Cohen, một Nhà Sử học, Tác giả, Nhà Giáo dục nổi tiếng và là Chủ tịch của ASIFA-San Francisco. Ông đóng góp nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu cho AWN.com suốt các thập kỷ qua, một số được tờ The Guardian (Anh) và các ấn phẩm cũng như trang web khác tái bản. Bài viết thu hút nhiều lượt đọc nhất của ông liên quan đến chủ đề CIA sử dụng Hoạt hình để tuyên truyền trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, xuất bản lần đầu tiên trên AWN. Ông còn tham gia vào quá trình giảng dạy Lịch sử tại SF State trong 29 năm, đứng lớp tại nhiều Học viện, trường học khác khắp Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Trung Quốc.
Nguồn: AWN
Diệu Ngô