vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Chưa phân loại >Chơi một tựa game đến 100 giờ không đồng nghĩa là nó hay
thumbnail-choi-game-100-gio

Chơi một tựa game đến 100 giờ không đồng nghĩa là nó hay

Việc dành ra 100 giờ cho một trò chơi có ảnh hưởng đến khả năng đưa ra nhận xét công bằng và trung thực về trò chơi đó không?

Một số người nghĩ rằng nếu một người đã chơi một trò chơi trong khoảng thời gian dài (chẳng hạn như 100 giờ), thì chắc chắn họ đã thích trò chơi đó ở một mức độ nhất định, do vậy, họ sẽ không thể đưa ra những đánh giá tiêu cực về trò chơi đó. 

Mặt khác, có những người cũng lập luận rằng việc chơi một trò chơi trong thời gian dài không nhất thiết đồng nghĩa rằng chúng ta yêu thích trò chơi đó, cũng như sẽ còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến quan điểm của người chơi về trò chơi. Vậy 100 giờ chơi có khiến cho một tựa game trở nên đáng chơi hơn hay không? Cùng Vietnam VFX-Animation theo dõi lập luận của biên tập viên Eric Switzer về câu hỏi thú vị này bạn nhé. 

1-choi-game-100h

Nguồn ảnh: WIRED

Đôi nét về tác giả

Bài viết này được thực hiện bởi Eric Switzer, một biên tập viên chuyên thực hiện các bài đánh giá, phân tích game và công nghệ. Anh cũng là người dẫn chương trình cho THEGAMER Podcast, một trong những hạng mục mang lại giá trị hữu ích về trò chơi và văn hóa chơi game của THEGAMER. 

100 giờ chơi 1 tựa game = Đó là tựa game hay?

Một trong những điều mà tôi khoái nhất khi lướt X (Twitter cũ) là nhìn thấy các nhà phát triển đáp trả những bài đánh giá tiêu cực về trò chơi của họ trên Steam. Dĩ nhiên, điều này có phần phiền toái và có thể khiến người bình luận cảm giác ý kiến của họ không được công nhận, nhưng thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ thôi ngạc nhiên trước những quan điểm kỳ cục mà một số người đã cố “vặn nát óc” để viết ra nhằm “hạ bệ” các trò chơi không hợp gu mình. 

Chẳng hạn những bài viết tỏ ra kỳ thị tựa game Caves of Qud đã thu hút sự chú ý của tôi một cách kỳ lạ, và tất nhiên tôi cũng thích thú trước sự kỳ lạ đó. Đặc biệt là khi các nhà phát triển phải cố gắng chứng minh cho người đánh giá thấy rằng nhận định của họ là sai, giống như cách mà nhà phát triển của War Thunder đã phản hồi một đánh giá cho rằng trò chơi đã “lấy cắp” vợ của mình (theo IGN đưa tin), hoặc như gần hơn là khi Bethesda phải phản hồi các bình luận tiêu cực về trò chơi Starfield.

2-choi-game-100h

Một người dùng đã “tố cáo” trò chơi War Thunder “rù quến” vợ của mình và bên dưới là cách nhà phát triển phản hồi điều này. Nguồn ảnh: THEGAMER

Những cuộc tranh luận xoay quanh tựa game Starfield đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn, mặc dù trò chơi không hề có bất kỳ thay đổi lớn nào xảy ra, nhưng số điểm đánh giá gần đây của nó trên Steam đã giảm xuống mức Mostly Negative (Đa phần Tiêu cực) và điểm đánh giá tổng thể thì giảm xuống mức Mixed (Trái chiều). 

Cả nhà phát triển và người hâm mộ đều đổ xô nghiền ngẫm lại các bài đánh giá để tìm ra dấu hiệu cho thấy tựa game bị “chơi xấu”, và rồi họ nhận thấy mẫu số chung của phần lớn nhận xét tiêu cực đều là về số lượng thời gian chơi game. Giống như mọi người, tôi cũng hào hứng đi đọc những bài đánh giá tiêu cực điên rồ về Starfield trên Steam, nhưng rồi một số quan điểm đã khiến tôi bỗng nhận ra rằng: bạn có thể chơi một trò chơi tệ trong thời gian dài, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng trò chơi sẽ trở nên thú vị hơn.

Cụ thể, tôi đã đọc qua kha khá bình luận cho rằng các đánh giá tiêu cực về Starfield là không hợp lý nếu người chơi chịu dành ra hơn 100 tiếng đồng hồ để “thưởng thức” tựa game. Sau đó, nhận định này đã được biến thành một chiếc meme nổi tiếng và lan truyền khắp nơi trên mạng xã hội, kéo theo ngày càng nhiều lời ra tiếng vào đối với tựa game cũng như về quan điểm nêu trên. 

3-choi-game-100h

Nguồn ảnh: X

Ngồi lại phân tích một chút, bạn sẽ thấy việc dành nhiều thời gian cho một tựa game không nhất định là vì nó hay mà có thể là vì chúng ta hiếu kỳ, vì chúng ta muốn “chơi đến nơi đến chốn”, vì bạn bè xung quanh đều chơi, hoặc thậm chí là vì chúng ta quá rảnh rỗi nên chơi để giết thời gian chẳng hạn,… 

Cũng như hiện tại, có vô số trò chơi đang được định hướng thiết kế để làm sao giữ chân người chơi ở lại với nó lâu hơn, có thể thông qua số điểm, phần thưởng, thành tựu và những nội dung mới được cập nhật liên tục,… miễn là điều đó đủ hấp dẫn và khiến người chơi thỏa mãn được cảm giác chinh phục của mình. Vì vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng: chỉ vì bạn làm một điều gì đó nhiều không có nghĩa là bạn thích làm nó, và việc chơi game cũng không phải ngoại lệ. Vậy, bạn có tự đánh giá được nhận định trên là đúng hay sai không?

4-choi-game-100h

Nguồn ảnh: Game Quitters

Chúng ta sẽ hiểu được sự phiến diện của quan điểm trên một cách rõ ràng hơn khi lấy ví dụ về các chương trình truyền hình. Mọi người không thích theo dõi show thực tế rẻ tiền nhưng vẫn dành hàng trăm giờ đồng hồ để xem những thứ mà họ thậm chí cũng không có hứng thú. Vì sao vậy? Tương tự, chỉ vì tôi xem tất cả các tập của Game of Thrones không có nghĩa là tôi thích nó. Có lẽ tôi đã cảm thấy nó thú vị ở một thời điểm nào đó, nhưng nếu phải viết đánh giá cho nó sau khi xem xong, đó chắc chắn sẽ là một đánh giá tiêu cực. Trong suốt những năm qua, tôi cũng từng xem không ít chương trình dở tệ vì nhiều lý do khác nhau, và thời gian tôi dành để xem chúng không thật sự liên quan đến việc tôi thích chúng nhiều như thế nào.

Quay trở lại câu chuyện chơi game, các trò chơi sẽ không ngừng tiến hóa và thay đổi theo thời gian, cũng như sự yêu – ghét của người chơi đối với chúng vẫn có khả năng thay đổi. Tôi đã từng rất yêu thích tựa game Destiny 2 trong nhiều năm liền, nhưng phần Lightfall mở rộng năm ngoái là một cú thất vọng lớn và đã khiến tôi thay lòng 180 độ. Hoặc như khi tôi bắt đầu chơi Ark, các lỗi kỹ thuật chính của nó chỉ làm tôi hơi khó chịu một chút, nhưng qua nhiều năm, việc nhà phát triển không thể giải quyết triệt để các vấn đề này đã ảnh hưởng ngày càng lớn đến sự thích thú của tôi dành cho trò chơi đó. Và bạn không cần phải thuyết phục tôi bằng cái cớ “100 giờ chơi”, bởi trên thực tế, tôi đã đầu tư hơn 600 tiếng đồng hồ cho Ark: Survival Evolved và cảm thấy hoàn toàn bị phản bội bởi nó.

5-choi-game-100h

Nguồn ảnh: Finley

Vậy thì tại sao chúng ta lại nghĩ thời gian chơi có mối liên hệ chặt chẽ với sự thích thú của người chơi trong khi các tựa game đều được thiết kế dựa trên những chiến lược “đen tối” mà một số nhà phát triển đã áp dụng để tác động lên hành vi, cảm xúc và quyết định của người chơi, nhằm thu về lợi nhuận hoặc tăng mức độ tương tác của người chơi với tựa game của mình?

Là một người từng phải vật lộn với cơn nghiện game, tôi biết chính xác cảm giác đăng nhập vào một trò chơi ngày này qua tháng nọ là gì, và thậm chí không bao giờ dừng lại để cân nhắc xem liệu mình có thích trò chơi đó hay không. Khi các trò chơi được thiết kế có chủ đích tiêu tốn thời gian của bạn thì sẽ không có gì ngạc nhiên khi bạn có thể bị kéo vào những thứ mình thậm chí không thích lên đến hàng trăm giờ đồng hồ.

Chưa kể, ai có đủ khả năng để đánh giá một trò chơi hơn người đã chơi trò chơi đó trong thời gian dài như vậy? Chúng ta phải xem xét bối cảnh trong chính lập luận của mỗi đánh giá. Nếu đánh giá không tốt của ai đó nói rằng “Trò này cũng không có gì để chơi” nhưng họ lại dành ra đến 800 giờ chơi trò chơi đó thì trường hợp này có thể không phải là một bài đánh giá đáng để chúng ta xem xét một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, nếu họ nêu ra được chi tiết tất cả những vấn đề mà trò chơi đang gặp phải và họ đã chơi được hơn 800 giờ đồng hồ thì rất có thể họ hiểu lập trường của mình là gì, cũng như biết bản thân đang phát ngôn và lập luận như thế nào. 

6-choi-game-100h

Nguồn ảnh: nerdbot

Ngoài ra, tôi cũng gặp nhiều vấn đề khi đọc một bài đánh giá tích cực của ai đó sau khi họ chơi được một giờ, hơn là một đánh giá tiêu cực nhưng được đúc kết lại từ hàng trăm giờ chơi. Có thể nói, đánh giá tích cực từ một người chơi trong thời gian ngắn sẽ không thật sự đáng tin cậy vì họ có thể chưa khai thác trò chơi đủ sâu để đưa ra được quan điểm công bằng. Điều này ngụ ý rằng chất lượng và chiều sâu của bài đánh giá quan trọng hơn tần suất và số lượng thời gian chơi, nhưng thời gian chơi vẫn có thể là một nhân tố giúp ta cân nhắc được chất lượng của bài đánh giá.

Dù thế nào đi nữa, điều đáng rút ra ở đây là dù bạn chơi Starfield nhiều hay ít thì nó cũng không phải là một trò chơi hay cho lắm đâu.

Nguồn: THEGAMER

Tâm Cửu