vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức về ngành >Oscar 96: Neil Corbould nhận tới 3 đề cử cho hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất
thumbnail-oscar-96

Oscar 96: Neil Corbould nhận tới 3 đề cử cho hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất

Cuộc đua đến với tượng vàng Oscar càng trở nên khó đoán hơn bao giờ hết khi danh sách ứng cử viên mùa giải 2024 quy tụ những bom tấn đa dạng về cả thể loại, phong cách và nguồn gốc.

Điều này có phần trái ngược với một số năm trước, khi ưu thế thường nghiêng về những bom tấn hành động với ngân sách khổng lồ và kỹ xảo hoành tráng. Trong khi đó, danh sách đề cử hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc tại giải Oscar năm nay có sự xuất hiện của những thể loại như sử thi, viễn tưởng và siêu anh hùng. Bên cạnh đó, việc một đại diện đến từ Nhật Bản góp mặt trong cuộc đua cũng là một bất ngờ thú vị.

Đến với mùa giải năm nay, chuyên gia Hiệu ứng kỹ xảo kỳ cựu Neil Corbould đang dẫn đầu danh sách đề khi góp mặt trong 3  tác phẩm lần lượt là The Creator, Napoleon và Mission: Impossible – Dead Reckoning phần 1.  Đồng thời, cộng sự của ông – Simone Coco cũng đã có được hai đề cử Oscar đầu tiên.

Trước khi kết quả cuối cùng được công bố, hãy cùng Vietnam VFX-Animation nhìn lại những cái tên sáng giá có mặt trong danh sách đề cử này nhé.

1. The Creator (Kẻ kiến tạo)

  • Ngày công chiếu: 29/09/2023.
  • Đội ngũ VFX được đề cử: Jay Cooper, Ian Comley, Andrew Roberts, Neil Corbould.

1-vfx-oscar-96

Vừa qua, The Creator đã tạo được tiếng vang lớn tại Lễ trao giải Visual Effects Society Awards lần thứ 22  của Hiệp hội Hiệp ứng Hình ảnh khi nhận về 5 giải thưởng.

Để đạt được thành tích ấn tượng này, Gareth Edwards đã cùng một đội ngũ nhỏ quay bộ phim tại 80 địa điểm khắp Đông Nam Á, tự mình đảm nhiệm vai trò quay phim chính và sử dụng ánh sáng tự nhiên. Ở giai đoạn hậu kỳ, Industrial Light & Magic (ILM) đã biến phần hình ảnh của bộ phim độc lập trị giá 80 triệu đô la này thành một bom tấn đáng giá 200 triệu đô la với công nghệ độc quyền và sự sáng tạo của mình. Các nhà sản xuất đã thiết kế và lồng ghép hiệu ứng hình ảnh chân thực lên các diễn viên mô phỏng những người máy, đồng thời cắt ghép và tinh chỉnh bối cảnh chỉ dựa trên các tấm ảnh chụp.

2-vfx-oscar-96

Một bộ phận lớn của đội ngũ VFX đã dành tất cả tâm huyết cho việc tạo hình các nhân vật mô phỏng con người, đặc biệt là nhân vật “kẻ được chọn” do Madeleine Yuna Voyles thủ vai. Thiết kế của nhân vật vô cùng kỳ công với lớp mặt nạ có phần máy hình tròn ở bên cạnh, những khoảng trống ở cổ và hộp sọ.

Đứng sau sự thành công về mặt kỹ xảo của The Creator là ba chuyên gia lần đầu được ghi danh trong danh sách đề cử Oscar. Dẫn đầu là Jay Cooper cùng hai đồng sự khác từ ILM là Ian Comley và Andrew Roberts. Họ từng tham gia nhiều dự án nổi tiếng được đề cử Oscar trước đó, bao gồm “Gravity”, các phần phim “Star Wars” và “Guardians of the Galaxy” của James Gunn. Bên cạnh những cái tên mới, đội ngũ thiết kế hiệu ứng của The Creator còn ghi nhận sự góp mặt của của nhân vật quen thuộc: Neil Corbould. Vị giám sát viên kỳ cựu lập kỷ lục với ba đề cử cho ba bộ phim khác nhau trong cùng một năm. Trước đó, Corbould đã từng giành hai tượng vàng Oscar cho phần hiệu ứng đặc biệt của “Gladiator” (2000) và “Gravity” (2013).

2. Godzilla Minus One

  • Ngày công chiếu: 03/11/2023.

3-vfx-oscar-96

Godzilla Minus One (Toho), tác phẩm của đạo diễn kiêm giám sát hiệu ứng hình ảnh Takashi Yamazaki đã bất ngờ “gây bão” với câu chuyện đầy lôi cuốn. Bộ phim lấy bối cảnh Nhật Bản sau thế chiến thứ 2, Godzilla đột ngột tấn công như một cơn ác mộng tái xuất. Tác phẩm nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả và trở thành bom tấn tại Nhật Bản, phá vỡ kỷ lục doanh thu của loạt phim. Sau khi được công chiếu ở Mỹ, bộ phim thu về 56,4 triệu đô la, và trở thành phim nước ngoài có doanh thu cao thứ ba trong lịch sử.

4-vfx-oscar-96

Toàn bộ đội ngũ được đề cử cho “Godzilla Minus One” đều là người Nhật Bản và phần lớn sự nghiệp của họ gắn liền với nền điện ảnh trong nước. Việc team có tên trong đề cử Oscar là thành tích vô cùng đáng nể khi họ không có được sự quen thuộc với những tiêu chí của ban giám khảo Viện Hàn Lâm như các đối thủ khác. Dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Yamazaki, 35 nhà sản xuất tài năng đã tạo nên những thành quả thực sự đáng kinh ngạc. Trong vòng 8 tháng, họ thực hiện tới 610 phân cảnh kỹ thuật số (CG) với nguồn kinh phí sản xuất khiêm tốn chưa đầy 15 triệu đô la. Đội ngũ của Yamazaki đã để lại ấn tượng sâu sắc với tạo hình Godzilla chi tiết và sống động nhất từ trước đến nay; cùng hiệu ứng mô phỏng nước ngoạn mục được thể hiện trong trận chiến cuối cùng. Mặc dù được sản xuất với nguồn kinh phí ít ỏi, phần hiệu ứng hình ảnh của Godzilla Minus One được đánh giá không thua kém gì so với những bộ phim Hollywood.

3. Guardians of the Galaxy Vol. 3 (Vệ Binh dải ngân hà phần 3)

  • Ngày công chiếu: 23/06/2023.
  • Stephane Ceretti, Alexis Wajsbrot, Guy Williams, and Theo Bialek.

5-vfx-oscar-96

Loạt phim Vệ Binh dải ngân hà (Guardians) của Marvel đã có một cái kết trọn vẹn với ba phần phim được công chúng đón nhận nhiệt tình. Sau khi ra mắt, Guardians of the Galaxy Vol. 3  đã thu về hơn 840 triệu USD và nhận được những đánh giá tích cực, đặc biệt là với phần kỹ xảo mãn nhãn. 

6-vfx-oscar-96

Phần cuối trong loạt phim của James Gunn đã khắc họa câu chuyện đầy xúc động về Rocket. Để tạo nên một nhân vật giả tưởng có thể truyền tải trọn vẹn cảm xúc lên màn ảnh lớn, nhà Framestore đã góp công lớn trong việc tạo nên các hoạt cảnh sống động với biểu cảm khuôn mặt tinh tế và một bộ lông chi tiết đáng kinh ngạc. Framestore cũng sử dụng thiết kế mới cho Groot để diện mạo nhân vật này mạnh mẽ và to lớn hơn. Bên cạnh đó, Sony Pictures Imageworks đã thực hiện trận chiến gây ảo giác trong trạm vũ trụ Orgoscope, còn Wētā FX đảm nhiệm phân cảnh ngoạn mục khép lại bộ phim: cuộc tấn công kéo dài hai phút vào tàu vũ trụ Arête được quay liền mạch trong một cảnh quay duy nhất (oneshot). Dù rằng số lượng cảnh kỹ xảo không phải là yếu tố tiên quyết để hội đồng Oscar đánh giá hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng trong số 5 ứng cử viên tranh giải, Guardians of the Galaxy Vol. 3 đòi hỏi phần kỹ xảo liên tục và phức tạp nhất.

7-vfx-oscar-96

Góp mặt trong đội ngũ VFX của tựa phim siêu anh hùng duy nhất lọt vào đề cử có hai gương mặt quen thuộc: Giám sát hiệu ứng hình ảnh Stephane Ceretti, người từng từng nhận đề cử Oscar cho phần đầu của “Guardians” và “Doctor Strange”; cùng Guy Williams với lần thứ tư được đề cử. Trước đó, Williams đã có ba lần liên tiếp được vinh danh cho các phim Marvel, gần đây nhất là “Guardians of the Galaxy Vol. 2”. Ngoài ra, Alexis Wajsbrot của Framestore và Theo Bialek của Sony Pictures Imageworks là hai “lính mới” trong danh sách đề cử năm nay.

4. Napoleon

  • Ngày công chiếu: 22/11/2023.
  • Đội ngũ VFX được đề cử: Charley Henley, Luc-Ewen Martin-Fenouillet, Simone Coco, Neil Corbould.

8-vfx-oscar-96

Napoleon là bộ phim lịch sử sống động về cuộc đời vị hoàng đế Pháp lừng danh Napoleon Bonaparte, từ thuở ông còn hàn vi cho đến khi chạm tới đỉnh cao quyền lực. Song song đó, tác phẩm còn khắc họa mối tình lãng mạn nhưng cũng không kém phần sóng gió giữa Napoleon và người vợ Josephine. Dù không đạt được thành công vang dội về mặt phê bình và doanh thu phòng vé, Napoleon vẫn nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn và khán giả khi thành công tái hiện một thời kỳ hào hùng và đầy biến động của Pháp. Tác phẩm được đánh giá cao với bối cảnh lịch sử được dựng chân thực: thiết kế trang phục chỉn chu, hình ảnh và kỹ xảo mãn nhãn.

9-vfx-oscar-96

Napoleon là sự kết hợp hoàn hảo giữa đồ họa máy tính (CG) với hiệu ứng thực tế (chia giữa MPC và ILM) trong các trận chiến đa dạng, thậm chí mỗi trận chiến còn sử dụng đến những chiến thuật hình học khác nhau. Mặc dù nguyên tắc của Scott là tối đã các cảnh quay thực tế thay vì dựa dẫm quá nhiều vào kỹ xảo, thế nhưng những thước phim sử thi tráng lệ của Napoleon vẫn có sự hỗ trợ mạnh mẽ của VFX. 

Đối với điểm nhấn chính của bộ phim là Trận Waterloo, đoàn phim đã sử dụng những khẩu pháo và súng thật, phần còn lại được đội ngũ của MPC thực hiện bằng VFX. Tương tự, đoàn phim đã thuê vài trăm diễn viên phụ, sau đó nhân rộng và tạo ra 50.000 binh lính kỹ thuật số. Vì quân đội Anh thời đó sử dụng đội hình vuông phòng thủ gồm khoảng 500 lính, một đội hình hoàn chỉnh đã được quay trên phim trường, sau đó các họa sĩ VFX ở hậu kỳ đã tham chiếu đội hình mẫu này để tạo ra hàng chục đội hình khác. Hơn thế, để tạo sự đồng nhất giữa ngựa CG và ngựa thật (với chuyển động vẫy đuôi giữa mỗi con ngựa trong đàn là khác nhau), đội ngũ làm kỹ xảo đã liên tục cải thiện, chăm chút tới từng chi tiết nhỏ nhất trong suốt quá trình sản xuất.

So với 4 bộ phim còn lại, Napoleon có một lợi thế lớn khi đây là phim duy nhất đồng thời nhận đề cử cho hạng mục Thiết kế mỹ thuật xuất sắc. Trong vòng 8 năm trở lại đây, ngoại trừ Dune (2021), phần lớn các bộ phim đoạt giải ở hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc đều cùng được đề cử cho Thiết kế mỹ thuật xuất sắc. Tuy nhiên, trước những đối thủ nặng ký của mùa Oscar 2024, thật khó để đoán định rằng tượng vàng  sau cùng liệu có khả năng thuộc về Napoleon hay không.

5. Mission: Impossible – Dead Reckoning Part One (Nhiệm Vụ Bất Khả Thi: Nghiệp Báo – Phần Một) 

  • Ngày công chiếu: 12/07/2023.
  • Đội ngũ VFX được đề cử: Alex Wuttke, Simone Coco, Jeff Sutherland, and Neil Corbould.

10-vfx-oscar-96

Phần thứ bảy trong loạt phim Mission: Impossible – Dead Reckoning Part One xoay quanh cuộc đối đầu giữa nhóm IMF của Ethan Hunt (Tom Cruise) và một thực thể trí tuệ nhân tạo (AI) nổi loạn. Với phần hình ảnh lôi cuốn cộng hưởng cùng âm thanh sống động, tác phẩm nhận nhiều lời khen có cánh từ giới phê bình và có được hai đề cử Oscar lần lượt là Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc và Âm thanh xuất sắc.

11-vfx-oscar-96

Đây cũng là lần đầu tiên loạt phim nhận được đề cử Oscar cho hai hạng mục kể trên. Dù bộ phim cần sử dụng đến rất nhiều kỹ xảo để hoàn thiện, tuy nhiên VFX cũng chỉ giữ vai trò hỗ trợ để những thước phim được trọn vẹn hơn; không phải là điểm nhấn chính của tác phẩm. Nhân vật phản diện “The Entity” là một AI xuất hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau, tất cả đều được tạo ra bằng VFX. Bên cạnh đó, phân cảnh tàu hỏa Orient Express rơi xuống cũng được đánh giá là điểm nhấn ấn tượng nhất trong tác phẩm. Đoàn phim đã sử dụng đến mô hình một đầu máy xe lửa với kích thước thực và thả mô hình từ rìa một mỏ đá ở Anh. Sau đó, đội ngũ VFX đã thiết kế cây cầu với từng viên đá cuội, từng miếng gạch được làm tỉ mỉ cho đến khi một cây cầu thực sự xuất hiện trên màn ảnh lớn. Ngoài ra, những chi tiết như khói, bụi bay lên hay nước bắn cũng được quay thực và kết hợp với kỹ xảo để tạo ra được những hiệu ứng chân thực nhất.

Giống như nhiều phim được đề cử khác, phần lớn công đoạn VFX do ILM thực hiện, với sự tham gia của ba giám sát hiệu ứng hình ảnh lần đầu được đề cử là Jeff Sutherland, Alex Wuttke và Simone Coco. Điểm đặc biệt là đề cử cho Neil Corbould trong phim này cũng như hai phim khác đều thuộc hạng mục “hiệu ứng đặc biệt” (special effects). Hạng mục này thường dành cho các hiệu ứng được thực hiện trực tiếp trên phim trường, sử dụng kỹ thuật vật lý thay vì kỹ xảo điện ảnh.

Nguồn tham khảo: The Hollywood Reporter, GoldDerby, Digital Studio India, IndieWire
Phương Cá