Mãn nhãn với đồ họa đỉnh cao trong series Love, Death & Robots của Netflix
Bên cạnh những câu chuyện độc đáo và mang nhiều hàm ý triết học, sự đa dạng trong phong cách đồ họa trong từng tập phim cũng là một yếu tố giúp cho Love, Death & Robots để lại dấu ấn khó phai trong lòng người xem.
Love, Death & Robots là tác phẩm phim dài tập thuộc thể loại anthology (một thể loại bao gồm nhiều tập phim riêng lẻ) mang phong cách đồ họa hoạt hình đến từ Netflix. Kể từ khi bắt đầu được công chiếu vào năm 2019, Love, Death & Robots đã sở hữu 2 mùa phim với tổng cộng 26 tập phim, tương ứng cho 26 câu chuyện ngắn khác nhau. Những câu chuyện giả tưởng trong Love, Death & Robots thường đặt ra những câu hỏi mang tính triết học về vận mệnh của loài người khi đứng trước sự phát triển của máy móc và công nghệ.
Yếu tố “high-tech, low-life” được đặt ra xuyên suốt 2 mùa phim đã qua chính là kim chỉ nam giúp cho những khía cạnh như âm nhạc, đồ họa trong Love, Death & Robots trở nên nổi bật và độc đáo. Theo Tim Miller, nhà sản xuất chính cho 2 mùa phim Love, Death & Robots, động lực giúp ông và ekip làm phim tạo ra bộ phim này chính là mong muốn khai thác những câu chuyện khoa học viễn tưởng, huyền bí theo một cách mới mẻ mà chưa có bộ phim hoạt hình nào từng thực hiện. Ông cho rằng để tạo ra một góc nhìn kể chuyện độc đáo, bạn cần phải có một câu chuyện đủ hay cùng một phương pháp kể chuyện đủ ấn tượng với người xem. Đó là lí do mỗi tập phim của Love, Death & Robots đều mang một phong cách đồ họa khác nhau ứng với câu chuyện đi kèm. Điều đó đòi hỏi những Animator lẫn các diễn viên motion-capture phải tương tác lẫn nhau một cách đồng bộ và hiệu quả.
Từ những nét vẽ hoạt hình truyền thống trong những tập phim như ‘Good Hunting’, ‘Sucker of Souls’,… cho đến phong cách đồ họa 3D đầy chân thực trong ‘Lucky 13’, ‘Shape Shifters’,… tất cả đều mang đến mục đích kể chuyện riêng biệt.
Cùng xem qua phong cách đồ họa đỉnh cao nhận được không ngớt lời khen của 10 tập phim trong 2 mùa Love, Death & Robots nhé!
*Lưu ý: Thứ tự được sắp xếp tăng dần theo rating của từng tập phim trên IMDb.
10 – ICE (Mùa 2, Tập 1) – Điểm IMDb: 6.1/10
Ảnh: Fandom
Lấy bối cảnh tại một vùng đất xa xôi lạnh giá ở một khoảng thời gian không xác định, con người lúc này đã sở hữu một cơ thể với sức mạnh vượt trội, có thể đương đầu và sinh sống bình thường ở một điều kiện khắc nghiệt. Bất kỳ ai tỏ ra yếu đuối trong thế giới này cũng đều sẽ bị ghẻ lạnh, đó chính là mệnh đề mà tập phim Ice đặt ra cho người xem.
Ảnh IGN
Thật vậy, phong cách đồ họa mang hơi hướng của trường phái Biểu hiện Đức (Expressionism) với những nét vẽ mang tính phóng đại và trừu tượng, cộng với độ tương phản cao trong việc sử dụng màu sắc đã làm nổi bật tối đa sự lạnh lẽo và kì quái của bối cảnh cũng như câu chuyện trong tập phim này.
9 – FISH NIGHT (Mùa 1, Tập 12) – Điểm IMDb: 6.4/10
Ảnh: Fandom
Với vỏn vẹn 10 phút, Fish Night là một trong những tập phim có thời lượng ngắn nhất trong cả series. Mặc dù vậy, câu chuyện trong Fish Night vẫn gây ấn tượng cho người xem bằng một phong cách đồ họa ấn tượng với việc sử dụng màu sắc và ánh sáng vô cùng rực rỡ và sống động.
Ảnh: IMDb
Câu chuyện về hai người đàn ông lạc giữa sa mạc để rồi vô tình rơi vào giấc mơ, đưa cả hai vào chuyến hành trình huyền diệu nửa thật nửa ảo của Fish Night chắc chắn sẽ mang đến cho khán giả những giây phút mãn nhãn.
8 – LIFE HUTCH (Mùa 2, Tập 7) – Điểm IMDb: 6.6/10
Ảnh: IMDb
Sự góp mặt của nam diễn viên tài năng Michael B. Jordan cùng việc áp dụng kĩ thuật ghi hình chuyển động (motion capture) là lý do khiến cho Life Hutch là một trong những tập phim tốn kém nhất trong cả loạt phim. Mặc dù vậy, chất lượng mà tập phim này thu về được là một sự đánh đổi vô cùng khôn ngoan của Netflix.
Ảnh: Screen Rant
Bên cạnh tạo hình Michael B. Jordan mang phong cách 3D đầy chân thực, Life Hutch còn gây ấn tượng với một bối cảnh vũ trụ và tương lai được mô tả hết sức chi tiết cùng với đó là cuộc chiến sinh tồn giữa con người và rô-bốt vô cùng quyết liệt và hồi hộp.
7 – THE WITNESS (Mùa 1, Tập 3) – Điểm IMDb: 7.8/10
Ảnh: Fandom
The Witness mở đầu với một khung cách chết chóc, một cô gái chứng kiến một gã đàn ông ra tay giết người để rồi đặt mình vào thế nguy hiểm khi bị tên sát nhân truy sát nhằm bịt miệng. Đỉnh điểm của tập phim xảy ra khi người xem phát hiện và nhận ra toàn bộ tập phim là một vòng lặp rượt đuổi kéo dài vô tận.
Ảnh: IMDb
Mặc dù sở hữu một cốt truyện ưu tối và máu me, thế nhưng phong cách hoạt hình stop-motion với bối cảnh được thiết kế theo hướng Cyberpunk cùng việc sử dụng màu sắc sặc sỡ và những bong bóng hiệu ứng mang đậm phong cách của những cuốn comic đã giúp những cảnh bạo lực trong The Witness trở nên có “hồn” hơn.
6 – SNOW IN THE DESERT (Mùa 2, Tập 4) – Điểm IMDb: 7.9/10
Ảnh: Fandom
Tiếp tục là một tập phim mang đậm hơi hướng tương lai, Snow In The Desert là câu chuyện về một thợ săn tiền thưởng tên Snow. Mặc dù sở hữu cơ thể bất tử, thế nhưng đó lại là lí do khiến anh trở nên cô độc và chọn cách sống trôi dạt trên những hành tinh khô cằn và khắc nghiệt để tìm kiếm bản ngã của mình.
Ảnh: 3DArt
Tuy sở hữu phong cách đồ họa 3D rất giống với tập phim Life Hutch ở trên, nhưng với một bối cảnh rõ ràng cùng tuyến nhân vật đa dạng, phong cách đồ họa trong tập phim này có phần đẹp mắt hơn với những cảnh quay rộng, thể hiện sự hùng vĩ và bao la nơi rìa vũ trụ.
5 – THREE ROBOTS (Mùa 1, Tập 2) – Điểm IMDb: 8.0/10
Ảnh: IMDb
Three Robots là một câu chuyện hài hước, dễ tiếp cận nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Lấy bối cảnh hậu tận thế, khi con người không còn xuất hiện trên Trái Đất, tập phim đơn giản chỉ là một cuộc dạo chơi của 3 tên người máy trên đống dấu tích còn sót lại của nền văn minh nhân loại.
Ảnh: Screen Rant
Không chỉ gật gù vì sự sâu cay của những lời thoại châm biếm, người xem còn phải há hốc mồm vì độ chân thực của phong cách đồ họa 3D trong Three Robots. Từ một thế giới đổ nát sau khi loài người tuyệt chủng cho đến tạo hình của 3 tên người máy và 1 chú mèo,… tất cả đều toát lên chất bụi bặm và vô cùng rõ nét.
4 – GOOD HUNTING (Mùa 1, Tập 8) – Điểm IMDb: 8.1/10
Ảnh: Fandom
Là tập phim duy nhất lấy bối cảnh Nhật Bản, phong cách đồ họa trong Good Hunting gợi ta nhớ đến trường phái Steampunk, vừa cổ điển, vừa hiện đại. Tập phim kể về cuộc gặp gỡ giữa một chàng trai thư sinh và cô gái hồ ly tinh trong thời điểm nước Nhật đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp hơi nước.
Ảnh: Esquire
Thay vì cố gắng khai thác câu chuyện ở một tương lai xa xôi, Good Hunting lại gây ấn tượng bởi một câu chuyện hết sức gần gũi và sâu sắc về bản chất con người trong thời đại hơi nước, thời kỳ bình minh cho cuộc cách mạng công nghiệp của nhân loại.
3 – POP SQUAD (Mùa 2, Tập 3) – Điểm IMDb: 8.1/10
Ảnh: IMDb
Tập phim lấy bối cảnh ở một tương lai xa, khi mà loài người đã dần tiến đến sự bất tử và chính phủ thì kiểm soát hầu hết nguồn tài nguyên, việc sinh sản là điều cấm kỵ. Khi đó, Briggs, một sĩ quan cấp cao được giao nhiệm vụ hết sức khó khăn, truy bắt và trừ khử hết tất cả những đứa trẻ được sinh ra nhằm kiểm soát dân số.
Ảnh: Fandom
Không chỉ xuất sắc trong việc khai thác diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật, Pop Squad còn nổi bật với một thế giới 3D mang đậm phong cách Cyberpunk với vô vàn những ánh đèn neon, xe cộ bay cùng những tòa nhà chọc trời dày đặt. Yếu tố hình ảnh mang đậm tính kể chuyện trong Pop Squad như thể tô điểm thêm cho cuộc đấu tranh tư tưởng đầy phức tạp của nhân vật chính.
2 – ZIMA BLUE (Mùa 1, Tập 14) – Điểm IMDb: 8.4/10
Ảnh: IMDb
Zima Blue là câu chuyện của một gã họa sĩ vĩ đại mang tên Zima. Không chỉ sở hữu một cơ thể bất tử, ông còn được mô tả là một người phát cuồng sự hoàn hảo, đến mức những bức tranh của ông ngày càng trở nên khó hiểu và có kích thước lớn đến mức khó tin.
Ảnh: Screen Rant
Câu chuyện trong Zima Blue đơn giản chỉ được kể thông qua lời kể của một nhân vật trung gian, thế nhưng, qua đó, người xem sẽ nhận ra sự thật sâu thẳm đến mức khó tin về người đàn ông mang tên Zima, về sắc xanh mang tên của chính ông. Không những vậy, phong cách đồ họa vừa mang hướng tả thực với khung cảnh vũ trụ bao la, vừa mang tính phóng đại với tạo hình của Zima, từng khung hình trong Zima Blue đều xứng đáng là một bức họa thực thụ.
1 – BEYOND THE AQUILA RIFT (Mùa 1, Tập 7) – Điểm: IMDb: 8.6/10
Ảnh: IMDb
Beyond The Aquila Rift là tập phim dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả Alastair Reynolds. Tập phim lấy mốc thời điểm tại một tương lai rất xa, khi con người giờ đây có thể du hành đến khắp nơi trong vũ trụ. Phim kể về một phi hành đoàn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ và bắt đầu trở về Trái Đất thì bị lạc vào một cách cổng không gian, dẫn đến một nơi chứa đầy những điều kì lạ và có thể thách thức vận mệnh của nhân loại.
Ảnh: ArtStation
Bên cạnh một câu chuyện đầy ý nghĩa cảm xúc cùng những cú plot twist sởn da gà, Beyond The Aquila Rift còn gây ấn tượng với một chất lượng đồ họa 3D cực đỉnh. Những khung cảnh du hành vũ trụ trong tập phim này chân thực đến mức như thể chúng được trích ra từ những “bom tấn” khoa học viễn tưởng.