vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >Trở thành VFX Artist chuyên nghiệp: Học ở trường hay tự học là đủ?

Trở thành VFX Artist chuyên nghiệp: Học ở trường hay tự học là đủ?

Hiện nay, không phải VFX Artist nào đạt được các thành tựu nổi bật đều được đào tạo bài bản qua trường lớp, cũng có những người đi lên nhờ vào quá trình tự học tập và rèn luyện tại nhà. Vậy, trở thành một VFX Artist chuyên nghiệp có phải chăng chỉ cần tự học là đủ? Hãy cùng tìm hiểu qua Cẩm nang VFX dành cho người mới Kỳ 3 dưới đây!

Đi cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, Kỹ xảo điện ảnh – Visual Effects (VFX) nhanh chóng trở thành lĩnh vực “hot hit” trong ngành công nghiệp Truyền thông – Giải trí hiện đại. Vì nổi bật, nên thông tin về tiềm năng thị trường, kiến thức chuyên ngành cũng như các kỹ năng quan trọng của VFX xuất hiện rộng rãi trên các phương tiện Internet. Điều này giúp cho các bạn trẻ yêu thích kỹ xảo có thể tự học và lĩnh hội được một số kiến thức nhất định cần thiết.

Trên thực tế, dù có những Artist dấn thân vào con đường VFX chuyên nghiệp thông qua quá trình tự học tập tại nhà, tuy nhiên số lượng đó chiếm không nhiều và hành trình chinh phục nghề của họ lại không hề dễ dàng. 

1-tro-thanh-vfx-artist-chuyen-nghiep-hoc-o-truong-hay-tu-hoc-la-du

VFX là ngành nghệ thuật và tư duy, hầu hết các Artist đình đám đều được đào tạo bài bản qua trường lớp (Nguồn ảnh: Creativebloq)

Để các bạn trẻ có được cái nhìn tổng quan nhất về việc có nên tự học VFX hay không, các ưu điểm và nhược điểm dưới đây sẽ là cán cân minh chứng trọng lượng của cả hai.

Ưu điểm của việc tự học Kỹ xảo điện ảnh (VFX)

>> Chủ động về mặt thời gian và chi phí

Đầu tiên, không phải ai cũng có khả năng tài chính để đăng ký vào các trường đào tạo lĩnh vực VFX. Vì đây là ngành học hiện đại, đòi hỏi phải được rèn luyện với môi trường có cơ sở vật chất tiên tiến, máy móc hiện đại.

Đặc biệt, khi ở Việt Nam chưa có nhiều môi trường đào tạo lý tưởng cho lĩnh vực này thì việc phải dành một số tiền lớn để theo học tại nước ngoài là điều mà không nhiều người dám và đủ điều kiện để đầu tư.

Lúc này, việc tự học được xem như giải pháp phù hợp nhất. Ngoài ra, tự học cũng sẽ giúp bạn chủ động và linh hoạt với thời gian biểu của bản thân.

2-tro-thanh-vfx-artist-chuyen-nghiep-hoc-o-truong-hay-tu-hoc-la-du

Tự học giúp bạn có thể chủ động sắp xếp thời gian biểu phù hợp, không bị gò bó (Nguồn ảnh: Fxhome)

>> Chủ động tìm hiểu và đầu tư thời gian rèn luyện kỹ năng chuyên môn

Thế giới VFX vô cùng rộng lớn. Các công ty, studio danh tiếng trong ngành luôn luôn tìm kiếm những tài năng vừa có sự hiểu biết về tổng thể quy trình làm phim (generalist), vừa có kỹ năng, kiến thức chuyên môn hóa (specialist) để đảm nhiệm, xử lý các vấn đề, nhiệm vụ ở từng phân đoạn cụ thể. 

Đặc biệt, ở các dự án có quy mô lớn hoặc những studio và công ty có quy trình làm việc tiêu chuẩn quốc tế đều ưu tiên, thậm chí chấp nhận tuyển dụng với mức thù lao cực kỳ tốt để chiêu mộ những tài năng đầu ngành, các chuyên gia (specialist) về làm việc. Mục đích của việc này là nhằm đảm bảo các kỹ năng, kiến thức trong từng giai đoạn của việc sản xuất Kỹ xảo điện ảnh (VFX) diễn ra một cách trơn tru và hoàn hảo nhất.

3-tro-thanh-vfx-artist-chuyen-nghiep-hoc-o-truong-hay-tu-hoc-la-du

(Nguồn ảnh: realwire)

Do đó, nếu tự học, nỗ lực tìm tòi và sáng tạo, bạn hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn cho bản thân công việc yêu thích nhất và phát triển theo hướng đi chuyên sâu như làm về hiệu ứng (FX artist/Tech artist), chất lỏng (Fluid artist/Styler), dựng hình (Modeller), hậu kỳ (Compositor), diễn xuất hoạt hình (Animator),… mà không cần tốn quá nhiều thời gian vào những nhóm công việc khác.

Tuy nhiên, việc tự học đòi hỏi niềm đam mê và sự kiên trì vô cùng lớn của người học. Bởi lẽ, trên thực tế không ít người đã từ bỏ giữa chừng vì phải đối diện với vô vàn khó khăn trong quá trình tự học.

Nhược điểm của việc tự học Kỹ xảo điện ảnh (VFX) 

>> Không tìm được hướng đi phù hợp, thiếu định hướng cụ thể cho bản thân

Như đã phân tích trên, khi lựa chọn theo đuổi lĩnh vực Kỹ xảo điện ảnh thường sẽ có hai hướng là Generalist và Specialist. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn tìm được chuyên ngành yêu thích ngay từ khi mới bước chân vào nghề. Chính vì điều đó, trong quá trình tự học bạn sẽ có xu hướng nhìn cái gì cũng thích, cũng muốn làm, muốn học tất cả mọi thứ về VFX mà không có một phương pháp, mục tiêu cụ thể. Theo thời gian dài với sự phức tạp, rộng lớn về khối lượng kiến thức sẽ khiến bạn rất dễ buông bỏ, không đủ kiên trì và sức lực để tiếp tục theo đuổi ngành nghề.

Nếu được đào tạo trong một môi trường bài bản, có định hướng cụ thể của các học viện, trường học về VFX, bạn sẽ có cơ hội tiếp cận các quy trình sản xuất từ những giai đoạn cơ bản, có được cái nhìn tổng quan nhất về ngành nghề. Từ đó giúp bản thân đưa ra những quyết định, sự lựa chọn chính xác nhất.

4-tro-thanh-vfx-artist-chuyen-nghiep-hoc-o-truong-hay-tu-hoc-la-du

Được đào tạo bài bản bạn sẽ được hướng dẫn các định hướng, phương pháp cụ thể từ chuyên gia, điều mà tự học rất ít cơ hội có được

>> Thiếu hụt nguồn tư liệu học tập về chuyên ngành

Một thách thức rất lớn khi lựa chọn tự học VFX đó là việc thiếu hụt các phần mềm chuyên ngành để bạn có thể liên tục thực hành, trau dồi các kỹ năng. Bởi lẽ, các phần mềm này đều yêu cầu máy tính phải có cấu hình mạnh và chấp nhận bỏ ra một chí khá lớn dành cho việc đầu tư máy móc.

Tại các trường đào tạo về VFX, bạn sẽ được cung cấp và có cơ hội tiếp cận với hầu hết các phần mềm chuyên dụng trong ngành. Hơn nữa, các nguồn tài liệu học tập luôn được cập nhật để bắt kịp xu hướng thế giới, tạo cho bạn một nền tảng kiến thức vững chắc trước khi bước chân vào ngành.

>> Không có người dẫn dắt

“Người cố vấn là tất cả”, đây là lời 1 trong 15 lời khuyên về sự nghiệp mà Allan McKay đưa ra dành cho những ai có mong muốn theo đuổi lĩnh vực VFX. Anh là Visual Effects Supervisor và Technical Director với gần 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các studio lớn như Blur Studio, Pixomondo, Atomic Fiction,.. và từng tham gia thực hiện các bộ phim bom tấn như Superman, Transformers 3, Flight,…

5-tro-thanh-vfx-artist-chuyen-nghiep-hoc-o-truong-hay-tu-hoc-la-du

Allan MCKay cho rằng những ai theo đuổi ngành VFX nên tìm cho mình những người cố vấn chuyên môn.

Thực tế, lời khuyên trên hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ, với thách thức đến từ sự phức tạp của ngành nghề, bạn sẽ rất dễ mắc sai lầm về lỗi kỹ thuật trong các thao tác thực hành. Trong quá trình tự học, nếu các lỗi sai này không được nhận ra, theo thời gian những kiến thức, kỹ năng được luyện tập với một phương hướng sai lệch sẽ hình thành thói quen không tốt, ảnh hưởng đến tư duy và cách làm việc sau này của bạn. Khi có một người hướng dẫn, bạn không những được tiếp nhận kiến thức chuyên ngành một cách có hệ thống, chính xác, đồng thời những lời khuyên hữu ích từ người hướng dẫn sẽ giúp bạn có thể tránh phải những lỗi sai mà họ mất nhiều năm để sửa đổi.

Về vấn đề này, anh Giáp Võ (Giám đốc Đào tạo Học viện MAAC) đã chia sẻ tại buổi Talkshow Kỹ xảo điện ảnh (VFX) – Học gì & Làm gì? do Học viện MAAC tổ chức vào tháng 3/2021 rằng: “Bạn hoàn toàn có thể tự học. Tuy nhiên, bạn sẽ phải mất khá nhiều thời gian để tìm tòi và nghiên cứu. Thay vào đó, bạn cần có một người đồng hành và dẫn dắt để chia sẻ kinh nghiệm, giúp bạn định hướng con đường sự nghiệp thật rõ ràng, tránh lặp lại những sai lầm tương tự mà những người đi trước phải mất rất nhiều thời gian để tìm ra. Sau đó, dựa trên những nền tảng tư duy sẵn có, bạn có thể tự học để phát triển xa hơn nữa với ngành nghề này”.

6-tro-thanh-vfx-artist-chuyen-nghiep-hoc-o-truong-hay-tu-hoc-la-du

>> Không có môi trường học tập và thực hành thực tế

Việc luyện tập và thực hành thường xuyên trong thời gian dài là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn trở nên thật giỏi ở một lĩnh vực bất kỳ, VFX cũng nằm trong số đó. Trong quá trình tự học, bạn sẽ không có nhiều cơ hội được thực hành các đồ án chuyên nghiệp và thực chiến ngay tại lớp học như học viên của các trường đào tạo về VFX. Hơn nữa, việc không được tham gia vào các chuyến trải nghiệm thực tế tại phim trường hay các cuộc thi lớn trong nước cũng như trên thế giới là một hạn chế trong hồ sơ năng lực của bạn.

Chính vì vậy, có được một môi trường thực hành, giao lưu và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm cùng những người bạn chung chí hướng sẽ giúp bạn có thêm động lực và quyết tâm hơn trên con đường chinh phục thế giới điện ảnh.

7-tro-thanh-vfx-artist-chuyen-nghiep-hoc-o-truong-hay-tu-hoc-la-du

Học đi đôi với hành sẽ giúp các bạn trẻ theo đuổi ngành VFX vững kỹ năng và kiến thức

>> Dễ mất tập trung và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xung quanh

Khi lựa chọn con đường tự học, bạn phải thật sự quyết tâm và nghiêm khắc với bản thân. Có vô vàn yếu tố ngoài kia đang tác động đến bạn như mạng xã hội, các video giải trí hấp dẫn hay đơn giản là bạn không thể chối từ sự rủ rê đi chơi từ những mối quan hệ trong cuộc sống.

Hãy suy nghĩ về ước mơ và lý do bạn bắt đầu. Bởi vì để trở thành một nhà làm phim hoạt hình hay nhà làm phim kỹ xảo, bạn phải dành rất nhiều thời gian nghiên cứu cách làm cho các nhân vật hư cấu di chuyển trên màn ảnh một cách uyển chuyển, chân thực và tự nhiên nhất. Bạn cũng cần phải hiểu rất rõ về cơ chế chuyển động của cơ thể ngoài đời thật để biết cách làm cho các nhân vật nên di chuyển thế nào trong các tình huống khác nhau. Ví dụ, khi chạy nhảy, khi đạp xe hay khi vẫy tay sẽ khác nhau ra sao?

Những lúc thế này, không tập trung và dễ bị xao nhãng thì tự hỏi đến bao giờ bạn có thể thực hiện được ước mơ? Nếu theo học tại các trường đào tạo về VFX, bạn sẽ có các khung giờ cố định và được hướng dẫn về những kiến thức liên quan, do đó rút ngắn được thời gian học tập mà vẫn đảm bảo chất lượng học tập một cách hiệu quả.

>> Hạn chế tiếp cận với cơ hội việc làm

Yếu tố cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đó là cơ hội việc làm. Giai đoạn đầu khi lĩnh vực này mới phát triển, có rất nhiều chuyên gia thành công nhờ việc tự học. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi ngành công nghiệp dần rơi vào trạng thái bão hòa và càng có nhiều cải tiến mời thì câu trả lời là nhưng rất ÍT.

Bạn có thể làm công việc tự do (freelancer) và thực hiện các dự án cá nhân. Tuy nhiên, đa phần các công việc theo hình thức này chỉ là các dự án với quy mô nhỏ, thu nhập không quá nhiều, cơ hội để bạn va chạm và chứng minh năng lực bản thân trong ngành công nghiệp hậu kỳ không thật sự rộng mở.

Ngược lại, khi theo học tại các trường đào tạo, bạn sẽ có cơ hội tham gia học hỏi và xây dựng các mối quan hệ trong ngành thông qua các buổi Talkshow, Workshop, Case Study về ngành. Ngoài ra, hầu hết các trường đều có các đối tác chiến lược là những công ty, studio lớn trong ngành, hứa hẹn mang đến cơ hội việc làm đa dạng sau khi ra trường.

8-tro-thanh-vfx-artist-chuyen-nghiep-hoc-o-truong-hay-tu-hoc-la-du

Các buổi hội thảo, chia sẻ kiến thức từ những chuyên gia góp phần giúp các bạn trẻ có thêm nhiều kỹ năng và cơ hội nghề nghiệp

Vậy đâu là lựa chọn tốt nhất cho người muốn tham gia vào ngành Kỹ xảo chuyên nghiệp?

Thông qua phân tích về ưu điểm và nhược điểm của quá trình tự học, chúng ta nhận thấy rằng không có lựa chọn nào thật sự hoàn hảo. Không có sự tốt hơn, chỉ có sự phù hợp. Mỗi người sẽ tự nhìn nhận và đánh giá bản thân thích hợp với phương thức, phong cách học tập nào nhất. Bởi vì chỉ chính bạn là người thật sự hiểu rõ bản thân cần gì.

Tuy nhiên, nhìn chung các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên rằng chỉ khi bạn có được một nền tảng vững chắc, kiến thức cơ bản về tổng thể quy trình sản xuất VFX cùng với sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ thì mới nên tự học. Nếu không, bạn sẽ nhanh chóng từ bỏ do không tìm thấy được hướng đi phù hợp cho bản thân.

Việc kết hợp giữa kiến thức được đào tạo bài bản, chuyên sâu với khả năng tự học và đam mê sáng tạo sẽ giúp bạn nhanh chóng định hình được phong cách riêng, tạo được dấu ấn cá nhân mạnh mẽ và đi xa với con đường hậu kỳ.

Tạm kết

Qua phân tích, ta dễ dàng nhận thấy việc theo đuổi ngành VFX chuyên nghiệp thông qua việc tự học cũng đều có những ưu điểm và nhược điểm cụ thể. Điều quan trọng rằng mỗi người phải lựa chọn phương án phù hợp nhất với chính bản thân mình. Hy vọng rằng bạn sẽ là một trong số đó, nhanh chóng tìm ra định hướng đúng đắn với VFX và ghi tên mình vào danh sách của những nhà Artist tài ba. 

Như vậy, cẩm nang VFX kỳ 3 đến đây là kết thúc. Hẹn gặp lại các bạn vào những kỳ tiếp theo được upload hàng tuần trên website, hứa hẹn sẽ đem lại cho các tín đồ đam mê VFX những thông tin ngành bổ ích!

Tổng hợp cẩm nang VFX dành cho người mới các kỳ (cập nhật liên tục):

>> Kỳ 1: Định nghĩa VFX và vai trò của VFX trong ngành công nghiệp hậu kỳ

>> Kỳ 2: Việt Nam – “Xưởng gia công” tương lai của châu Á và thế giới

>> Kỳ 4: Quy trình sản xuất VFX và những vị trí quan trọng trong team VFX