vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức về ngành >Thần Trùng – Game kinh dị thuần Việt tạo điểm nhấn ngay khi ra mắt
thumbnail-than-trung-game-kinh-di-thuan-viet-tao-diem-nhan-ngay-khi-ra-mat

Thần Trùng – Game kinh dị thuần Việt tạo điểm nhấn ngay khi ra mắt

Thần Trùng đang tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng game thủ. Tuy nhiên, có một điểm trừ nho nhỏ.

Chuyện gì đang xảy ra?

Mới đây, tựa game Thần Trùng chính thức ra mắt trên Steam – nền tảng phát hành game phổ biến nhất hiện nay. Thần Trùng là một trò chơi kinh dị và cũng là sản phẩm đầu tay của DUT Studio. Người chơi có thể trải nghiệm trò chơi với mức giá 75 ngàn đồng.

Lấy bối cảnh Hà Nội năm 2022, Thần Trùng gây ấn tượng với các chi tiết đậm nét Việt Nam: căn nhà ống nhiều phòng, chung cư chuồng cọp, viên gạch hoa vàng trắng quen thuộc, và cả lời thoại bằng tiếng Việt. Xoay quanh quan niệm trùng tang, Thần Trùng biến những không gian quen thuộc hàng ngày thành những nỗi sợ bất ngờ và sắc nét.

1-than-trung-game-kinh-di-thuan-viet-tao-diem-nhan-ngay-khi-ra-mat

Viên gạch quen thuộc trong nhiều căn nhà Việt. | Nguồn: Thần Trùng

Trò chơi không chỉ nhận sự ủng hộ lớn từ cộng đồng game thủ trong nước, mà còn nhanh chóng thu hút sự chú ý của những người chơi nước ngoài, trong đó có cả xQc – một trong những streamer nổi tiếng trên nền tảng Twitch với hàng chục ngàn người theo dõi mỗi ngày.

Có câu chuyện gì thú vị về sự ra đời của Thần Trùng?


Thần Trùng được phát triển bởi một đội ngũ nhỏ và kinh phí thấp. Nhóm sáng lập là DUT Studio chỉ bao gồm ba thành viên, và cả ba đều không có chuyên môn về lập trình game hay thiết kế đồ họa, cũng không có kinh nghiệm trong việc dựng mô hình 3D hay viết kịch bản game.

DUT Studio cho biết, họ làm game Thần Trùng đơn thuần vì thích nên làm cho vui. Do không có nền tảng nên làm tới đâu, họ mày mò tới đó. Điều này khiến cho quá trình làm game mất khá nhiều thời gian.

Ví dụ, để nhân vật có thể cầm, nắm, và tương tác với các vật phẩm, nhóm đã mất 5 tiếng đồng hồ vừa làm vừa mày mò hướng dẫn. Đoạn trailer dài khoảng 5 phút được tung ra trước đây cũng là sản phẩm tâm huyết sau gần một tháng tự học, tự làm.

Các thiết bị mà DUT Studio sử dụng cũng là những “đồ cổ” so với những dàn máy tính thường được sử dụng để lập trình game. Trụ sở của nhóm là một căn phòng nhỏ trên tầng hai của một tiệm cơm bình dân.

2-than-trung-game-kinh-di-thuan-viet-tao-diem-nhan-ngay-khi-ra-mat

Hai thành viên DUT Studio tại “trụ sở” | Nguồn: GenK

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng DUT Studio cho thấy mình rất tâm huyết với dự án Thần Trùng. Để có thể tạo ra không gian chân thật, gần gũi, và đậm nét văn hóa miền Bắc, các thành viên của nhóm đã thăm thú nhiều ngõ ngách tại Hà Nội và chụp nhiều tấm ảnh làm mẫu để dựng mô hình trong game.

Thần Trùng có vi phạm bản quyền?

Một thời gian ngắn sau khi game ra mắt cộng đồng, nghệ sĩ Trần Xuân Lộc lên tiếng trên trang cá nhân về việc đội ngũ Thần Trùng đã sử dụng một bức tranh của anh để minh họa trong game mà không hề hỏi ý kiến. Tác phẩm mà DUT Studio sử dụng trái phép là một bức tranh trong bộ tranh Yêu-Ma-Quỷ-Quái. do Trần Xuân Lộc phối hợp cùng nhiều họa sỹ khác thực hiện.

Sau khi nhận được thông tin, đại diện DUT Studio đã nhanh chóng tiếp cận và gửi lời xin lỗi công khai tới nghệ sĩ. Nhóm lập tức đăng tải một bản cập nhật trò chơi để xóa hình ảnh sử dụng trái phép, cũng như khắc phục một số lỗi game.

3-than-trung-game-kinh-di-thuan-viet-tao-diem-nhan-ngay-khi-ra-mat

DUT Studio đã nhanh chóng khắc phục sự việc. | Nguồn: Thần Trùng

Đây không phải lần đầu tiên chúng ta thấy một đơn vị phát hành game hay sản xuất chương trình nghệ thuật tại Việt Nam sử dụng trái phép hình ảnh, tác phẩm của người khác. Thông thường, những trường hợp như vậy sẽ dẫn tới những vụ kiện tụng kéo dài (với trường hợp của Trạng Tí) hoặc dần rơi vào quên lãng (như cách Rap Việt im ắng đợi khán giả… quên đi).

Vì thế, hành động nhận lỗi và nhanh chóng khắc phục hậu quả của DUT Studio là một hành động đẹp. Sau khi giải quyết sự việc, Trần Xuân Lộc cũng đã có lời tuyên bố trên trang cá nhân, qua đó thể hiện thiện chí của anh với cách giải quyết của DUT Studio và với Thần Trùng.

Nghệ sĩ Việt có thể làm gì để bảo vệ tác phẩm và quyền tác giả?

Một số người cho rằng Trần Xuân Lộc đã có chủ ý “tát nước theo mưa” để lấy danh tiếng khi anh “la làng” trên trang cá nhân chứ không giải quyết riêng với đội ngũ DUT Studio. Nhưng trong một môi trường mà việc ăn cắp tác quyền diễn ra thường xuyên ở nhiều cấp độ, có lẽ cách làm của nghệ sĩ là cách duy nhất để bảo vệ bản thân và tác phẩm của mình.

Đó cũng là nhận định của họa sĩ minh họa Nguyễn Vũ Xuân Lan. Chị cho rằng nếu chỉ nhắn tin riêng, bên vi phạm hoàn toàn có thể “lẳng lặng thay hình xóa dấu vết” sau đó chặn liên lạc mà không bồi thường hay chí ít là xin lỗi.

Bên cạnh đó, có nhiều cách để bên vi phạm không giải quyết, hoặc kéo dài vụ việc tới vô thời hạn. Việc này không chỉ gây mệt mỏi và ức chế cho nghệ sĩ, mà còn khiến việc “la làng” tố cáo không còn nhiều ý nghĩa.

Chị Xuân Lan cũng cho rằng cách giải quyết của nghệ sĩ Lộc là cách tự bảo vệ bản thân hiệu quả nhất, bởi luật bản quyền tại Việt Nam không đủ chặt chẽ để bảo vệ người nghệ sĩ. Bên cạnh đó, hành động “bóc phốt” có thể có tính răn đe cao bởi cộng đồng sẽ để mắt tới bên vi phạm và có ý thức rõ ràng hơn về bản quyền.

Ngành công nghiệp game tại Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?

Trong lĩnh vực thiết kế, phát triển, và sản xuất game, Việt Nam là người đến sau. Nước ta mới chỉ hòa vào mạng lưới internet quốc tế từ năm 1997 và phải mất vài năm để internet cũng như máy tính cá nhân len lỏi vào cuộc sống của người Việt.

Trong thời điểm ấy, làng game thế giới đã có nhiều trò chơi nổi tiếng như The Sims hay Grand Theft Auto. Do sinh sau đẻ muộn nên trong một thời gian dài, các tựa game nổi tiếng tại Việt Nam đều là các tựa game nước ngoài.

Nhưng tới nay, sau nhiều năm học hỏi và sáng tạo, trình độ làm game của người Việt đã tăng lên đáng kể với nhiều sản phẩm đặc sắc. Trước Thần Trùng, những tựa game như Hoa, Axie Infinity, hay Flappy Bird đã thiết lập chỗ đứng dù khiêm tốn nhưng đầy tiềm năng của cộng đồng thiết kế game Việt trên thị trường quốc tế.

4-than-trung-game-kinh-di-thuan-viet-tao-diem-nhan-ngay-khi-ra-mat

Flappy Bird – chim vàng trong làng game. | Nguồn: .GEARS Studio

Nhìn vào phần credit của nhiều game trên Steam, người chơi có thể bắt gặp những cái tên Việt trong đội ngũ sáng tạo. Việt Nam hiện là một thị trường gia công game lớn của thế giới. Đây là một bệ phóng phù hợp cho những nhà làm game Việt tích lũy kinh nghiệm để làm ra nhiều tựa game mang bản sắc Việt trong tương lai.

Nguồn: Vietcetera