vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức về ngành >Top 7 nhân vật CGI mang tính biểu tượng trong nền điện ảnh thế giới
thumb-top-7-nhan-vat-cgi-mang-tinh-bieu-tuong-trong-nen-dien-anh-the-gioi

Top 7 nhân vật CGI mang tính biểu tượng trong nền điện ảnh thế giới

Công nghệ CGI có thể hiện thực hóa các nhân vật trong trí tưởng tượng một cách hấp dẫn và chân thật nhất. Hãy cùng điểm qua top 7 nhân vật CGI mang tính biểu tượng đã tạo dấu ấn trong lòng khán giả màn ảnh nhỏ qua bài viết dưới đây.

Chỉ hơn 20 năm trước đây, hầu hết những nhân vật CG trong phim ảnh và chương trình truyền hình đều cực kỳ không đẹp mắt và khác xa với hình ảnh thực tế. Bạn có thể dễ dàng nhận biết rằng những nhân vật này chắc chắn được tạo ra bằng đồ họa máy tính, chẳng hạn cách di chuyển kỳ quặc tạo cảm giác như các nhân vật này được dán vào cảnh quay ngoài đời thật như một tấm nhãn dán.

Vào thời điểm này, dường như các phần mềm và phần cứng để sản xuất CGI đều có những hạn chế nhất định và mức độ chân thật mà các Artist thời điểm đó mang lại không thể so sánh với hiện nay. Hơn thế, 3D Animation và VFX tại thời điểm này cũng khá tốn kém chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, vào những năm 2000, công nghệ kỹ thuật số đã bắt đầu phát triển với tốc độ ngoài sức tưởng tượng, CGI dần trở thành công cụ được ưa chuộng sử dụng và các sinh vật được “đẻ ra” từ kỹ thuật số bắt đầu xuất hiện trong các bộ phim và các chương trình truyền hình giả tưởng. Số ít trong đó đáng nhớ đến mức trở thành “tâm điểm” của ngành công nghiệp giải trí.

Dưới đây là các nhân vật CGI mang tính biểu tượng. Thậm chí nếu bạn chưa từng xem phim trước đó, chắc hẳn bạn cũng đã nghe đến những nhân vật này ít nhất một lần.

1. Xenomorphs

Alien là một trong những tựa phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng đã phát hành cả một vũ trụ giải trí gồm phim ảnh, trò chơi điện tử, tiểu thuyết và truyện tranh. Alien ra mắt phần đầu tiên vào năm 1979 và lần lượt trình làng các phần tiếp theo ở những năm sau đó.

Nhân vật dễ nhận biết nhất trong loạt phim Alien là những người ngoài hành tinh hay còn gọi là Ký sinh thể Xenomorphs. Nhân vật này được mô tả là những con quái vật cao gầy với cái đầu khổng lồ, không có mắt, răng nanh lớn, đuôi dài và làn da đen bóng. Tuy nhiên, Xenomorphs không phải là nhân vật CGI cho đến phần phim thứ tư của series.

1-top-7-nhan-vat-cgi-mang-tinh-bieu-tuong-trong-nen-dien-anh-the-gioi

Nguồn ảnh: Alien

Trong 3 phần phim đầu tiên, Xenomorphs xuất hiện trong phim hoàn toàn là những hiệu ứng hình ảnh thuần túy. Mãi đến Alien Resurrection – Phần phim thứ 4 của series khán giả cuối cùng cũng đã thấy những những con quái vật Xenomorphs được tạo ra bằng máy tính do Blue Sky Studios thiết kế. Kể từ đó, loạt phim Quái vật không gian này đã không bao giờ sử dụng đến những con rối và trang phục Xenomorph mà thay vào đó là sự “nhúng tay” hoàn toàn của CGI .

MPC Alien Covenant VFX breakdown

2. Avatar

Ra mắt vào năm 2009, biên kịch và đạo diễn bởi thiên tài khoa học viễn tưởng James Cameron, Avatar được xem là tác phẩm mang tính cách mạng trong lịch sử CGI. Nhờ vào kỹ thuật ghi hình chuyển động 3D tiên tiến sử dụng trong suốt quá trình quay phim, CGI của Avatar trông vẫn vô cùng ấn tượng mặc dù đồ họa máy tính đã thay đổi đáng kể từ năm 2008. 

2-top-7-nhan-vat-cgi-mang-tinh-bieu-tuong-trong-nen-dien-anh-the-gioi

Nguồn ảnh: Avatar

Chính James Cameron cho biết, phải mất đến tổng cộng 237 triệu USD và đến hơn 1800 Artist để thực hiện bộ phim, trong đó chiếm 60% là CGI. Chịu trách nhiệm chính về kỹ xảo hình ảnh trong Avatar là Weta Digital và họ đã phải mở rộng đội ngũ nhân sự của mình lên khoảng 900 Artist để có thể xử lý khối lượng công việc nặng nề này. Dù vậy, trong thời điểm đó, nhóm sản xuất cũng đã phải liên hệ với nhiều Studio FX khác như ILM, BUF hay Framestore để phụ trách xử lý công việc. 

Avatar VFX | Breakdown – Neytiri | Weta Digital

Và không có gì đáng ngạc nhiên, Avatar đã dành được 73 giải thưởng với hơn 20 giải vinh danh đồ họa máy tính xuất sắc trong phim.

3. Thanos

Một trong những nhân vật CG nổi tiếng nhất được Vũ trụ điện ảnh Marvel sản xuất chính là Thanos. Mặc dù “anh chàng màu tím cứng rắn thích sưu tầm đá quý” này không có nhiều thời lượng xuất hiện trên màn ảnh như Thor hay Người khổng lồ xanh Hulk, nhưng đây là nhân vật đáng nhớ và là một ví dụ hoàn hảo về CGI hạng A.

3-top-7-nhan-vat-cgi-mang-tinh-bieu-tuong-trong-nen-dien-anh-the-gioi

Nguồn ảnh: Marvel

Thanos xuất hiện chính trong 3 bộ phim của Vũ trụ điện ảnh Marvel là Guardians of the Galaxy, Avengers: Infinity War, and Avengers: Endgame. Josh Brolin (diễn viên thủ vai Thanos) đã miêu tả đây là vị lãnh chúa đầy tham vọng đang cố gắng để cứu lấy vũ trụ. 

 AVENGERS: INFINITY WAR (2018) Behind the Scenes – Thanos Snap HD

Thanos được thiết kế nhân vật và hoạt ảnh bởi Luma Pictures (trong phần Guardians of the Galaxy) và Digital Domain (trong phần Infinity War and Endgame). Việc ghi hình chuyển động tiên tiến và phát triển ngoại hình hoàn hảo đã khiến nhân vật Thanos trở nên chân thật đến kỳ lạ và được cho là “đáng tin” hơn cả Hulk – nhân vật cũng được tạo ra bằng Motion Capture.

4. Dragons – Game of Thrones

Game of Thrones là loạt phim truyền hình giả tưởng dài 8 phần. Loạt phim lấy bối cảnh thời Trung Cổ chứa đựng nhiều hình ảnh tuyệt đẹp bao gồm khung cảnh môi trường, sinh vật chân thật đến bất ngờ và tất cả các hiệu ứng mô phỏng như chất lỏng, lửa và khói.

CG nổi tiếng nhất trong vũ trụ Game of Thrones được biết đến là những chú rồng hùng dũng. Trong series, chúng ta sẽ được chứng kiến quá trình những con rồng của Khaleesi (nhân vật trong phim) lớn lên, từ những chú rồng dễ thương trở thành những sinh vật mạnh mẽ có thể thiêu rụi toàn bộ thành phố.

4-top-7-nhan-vat-cgi-mang-tinh-bieu-tuong-trong-nen-dien-anh-the-gioi

Nguồn ảnh: Game of Thrones

Hầu hết những hiệu ứng hình ảnh trong Game of Thrones được thực hiện bởi một số Studio như Rodeo FX, Scanline VFX, thế nhưng riêng những chú rồng trong phim được tạo ra bởi hãng Pixomondo. Đây là Studio VFX có trụ sở tại Đức, đã tạo ra các sinh vật phun lửa mang tính biểu tượng này ngay cả khi chúng còn bé cho đến lúc trưởng thành. Sau khi ra mắt, loạt phim đã giành được hàng chục giải thưởng về VFX, Animation cũng như Compositing trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2019.

GAME OF THRONES – Season 8 – VFX Breakdown Reel | PIXOMONDO

5. King Kong

Bộ phim King Kong 2005 của đạo diễn Peter Jackson là phiên bản remake lần thứ 2 của câu chuyện về loài vượn khổng lồ đến từ Skull Island. Phiên bản đầu tiên của King Kong được ra mắt vào năm 1933 bởi Merian C. Cooper, remake lần đầu vào năm 1976 và mãi đến phiên bản vào năm 2005, King Kong mới được ứng dụng CGI vào phim.

5-top-7-nhan-vat-cgi-mang-tinh-bieu-tuong-trong-nen-dien-anh-the-gioi

Nguồn ảnh: King Kong

Cả 2 phiên bản King Kong năm 1933 và 1976, nhân vật chính đều được tạo ra bằng các hiệu ứng thực tế. Theo đó, phần phim năm 1933 sử dụng một con rối khỉ đột khổng lồ với đòn bẩy kim loại và máy nén khí cho phép nó điều khiển chuyển động của Kong. Phần thứ hai vào năm 1976, Kong được miêu tả bởi Rick Baker trong bộ đồ khỉ đột. Cuối cùng, trong bản làm lại năm 2005, sinh vật này mới được thiết kế bằng Mocap.

Andy Serkis – diễn viên đóng vai Kong trong phiên bản 2005 đã đến Rwanda để nghiên cứu về loài khỉ đột trong tự nhiên và bắt chước hành vi của chúng một cách chính xác nhất có thể, cùng với đó là sự kết hợp của công nghệ kỹ thuật số đã khiến cho nhân vật trở nên sống động hơn bao giờ hết. Phiên bản CG của Kong được thực hiện bởi Weta Digital, mặc dù đã thực hiện hơn 17 năm, nhưng đến nay Kong vẫn vô cùng ấn tượng đối với khán giả màn ảnh nhỏ.

King Kong VFX | Breakdown – Kong | Weta Digital

6. Demogorgon

Stranger Things là một trong những series phim thành công nhất trên Netflix kể từ khi phát hành phần đầu tiên vào năm 2016. Kể từ khi ra mắt phần 4 vào năm 2022, Stranger Things đã trở nên phổ biến và được chào đón trên toàn cầu. 

Chỉ trong 5 năm ngắn ngủi, Stranger Things đã trở thành một “vũ trụ” rộng lớn bởi hàng loạt sản phẩm từ sách, truyện tranh, trò chơi di động, bộ sưu tập thời trang và đồ chơi Lego được phát hành song song với loạt phim gốc. Dù cho thế giới của Stranger Things hấp dẫn với đầy đủ các loại quái vật, nhưng thứ đã trở thành biểu tượng của Upside Down (một chiều không gian trong phim) và được hiện diện trên khắp các sản phẩm hàng hóa chính thức là Demogorgon.

6-top-7-nhan-vat-cgi-mang-tinh-bieu-tuong-trong-nen-dien-anh-the-gioi

Nguồn ảnh: Stranger Things

Demogorgon là một con quái vật được mô tả với làn da nhợt nhạt nhầy nhụa và cái đầu hình bông hoa Rafflesia với hàng chục chiếc răng sắc nhọn. Đây là nhân vật phản diện đầu tiên được giới thiệu trong phần 1 của loạt phim. Mặc dù ban đầu, anh em nhà Duffer (biên kịch kiêm đạo diễn phim) muốn tránh CGI và sử dụng các hiệu ứng thực tế nhiều nhất có thể, nhưng thời hạn chặt chẽ của phim đòi hỏi phải được thực hiện thông qua đồ họa máy tính.

Chính vì vậy, trong phần đầu tiên của câu chuyện, hầu hết các cảnh phim có sự xuất hiện của “những con quái vật đầu hoa” đều do Mark Steger (diễn viên thủ vai) mặc trang phục Demogorgon để diễn hoạt nhân vật. Trong khi ở phần 4, các Artist đã sử dụng kỹ thuật Mocap để ghi lại chuyển động của nhân vật này.

The Duffer Brothers Break Down the Demogorgon Fight | Stranger Things | Behind the FX | Netflix

7. Gollum

Gollum là một quái vật nhỏ độc ác nổi tiếng trong tiểu thuyết của J. R. R. Tolkien có tên The Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) và đây cũng là một trong những sinh vật CGI đáng chú ý nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh thế giới. Theo nguyên tác, Gollum được miêu tả là “một sinh vật nhỏ nhầy nhụa” với “đôi mắt to tròn nhợt nhạt” và “đôi chân chèo trông như một con ếch bị bỏ đói”.

Weta Digital – Studio đã thực hiện nhân vật Gollum trên phim đã “đóng đinh” từng chi tiết mô tả như trong nguyên tác và đã khiến cho nhân vật “gớm ghiếc” một cách đáng kinh ngạc. Nhân vật này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2002 ở tập phim ‘The Lord of the Rings: The Two Towers’ và trở thành một trong những nhân vật trung tâm ở tập phim ‘The Lord of the Rings: The Return of the King’ năm 2003 và ‘The Hobbit: An Unexpected Journey’ năm 2012. Weta Digital đã cho nhân vật này sử dụng kỹ thuật Motion Caption trong cả 3 phần phim kể trên.

7-top-7-nhan-vat-cgi-mang-tinh-bieu-tuong-trong-nen-dien-anh-the-gioi

Nguồn ảnh: The Hobbit: An Unexpected Journey

Bậc thầy không thể thay thế về trình diễn Motion Capture – Andy Serkis là diễn viên đứng sau các chuyển động, nét mặt cũng như giọng nói của Gollum. Cả Andy Serkis và đội ngũ FX Artist đã tạo ra một Gollum vô cùng “phi thường” và đã giành được nhiều giải thưởng về kỹ xảo hình ảnh cho phim.

The Hobbit: An Unexpected Journey VFX | Breakdown – Gollum | Weta Digital

Tạm kết

Có thể nói, danh sách trên chỉ là phần nhỏ các nhân vật CGI khiến người xem “há hốc mồm”. Hiện nay, công nghệ CG dần trở nên phổ biến hơn, công nghệ tiên tiến cũng dẫn đến các thể loại phim mang chủ đề giả tưởng, hành động, siêu anh hùng,… cũng dần gia tăng. Vì vậy, các nhân vật CGI nổi bật hứa hẹn vẫn sẽ được “hiện diện” trong nhiều tựa phim đình đám trong tương lai.

Lược dịch từ: Actionvfx