Everything Everywhere All at Once và câu chuyện làm VFX chỉ với 5 người
Tất cả VFX cho bộ phim được thực hiện bởi một đội ngũ 9 người, bao gồm cả hai đạo diễn, với phần lớn kỹ xảo được thực hiện bởi một nhóm nòng cốt gồm 5 người. Không ai trong số họ được đào tạo VFX bài bản. Tất cả đều tự học qua các hướng dẫn VFX miễn phí trên mạng.
“Everything Everywhere All at Once”, tác phẩm mới nhất của bộ đôi đạo diễn Daniel Kwan và Daniel Scheinert (đồng nghiệp gọi họ là Daniels) đã chính thức trở thành bộ phim có doanh thu nội địa cao nhất lịch sử của hãng phim độc lập A24. Ngoài cốt truyện đỉnh cao cùng góc nhìn thú vị về “đa vũ trụ”, xuyên suốt bộ phim là hàng trăm cảnh quay hiệu ứng vô cùng ấn tượng.
Thế nhưng, thật đáng kinh ngạc khi tất cả VFX cho bộ phim được thực hiện bởi một đội ngũ chỉ 9 người, bao gồm cả hai đạo diễn. Phần lớn kỹ xảo được thực hiện bởi một nhóm nòng cốt gồm 5 người dẫn đầu bởi Zak Stoltz, một người bạn của Daniels và chưa từng có kinh nghiệm làm giám sát VFX!
Chia sẻ với IndieWire, Stoltz nói rằng bộ đôi đạo diễn đã tìm đến mình vì không thích quy trình làm việc với đội ngũ VFX của bộ phim trước đó “Swiss Army Man”. “Họ cảm thấy xa cách và không kết nối, không giống như cách làm việc đó giờ của chúng tôi khi mà tôi có thể mang máy tính của mình qua nhà họ và nhiều khi ngủ dưới bàn làm việc trong khi chờ render”, Stoltz chia sẻ. Họ muốn có thể trò chuyện thân mật hơn với các nghệ sỹ VFX thay vì chỉ nói “Đây là những gì chúng tôi muốn” để rồi sau đó nhận lại kết quả không giống như họ đã hình dung.
Để giữ cho quá trình này trở nên gần gũi và thủ công nhất có thể, Stoltz đã tập hợp một nhóm nhỏ bao gồm các nghệ sĩ hiệu ứng hình ảnh đồng thời cũng là đạo diễn và nhà làm phim, những người đã từng học cách làm hiệu ứng VFX khi thực hiện các dự án riêng của họ.
“Tất cả chúng tôi đều phải tự học làm VFX vì buộc phải như vậy,” Stoltz nói, “Năm người chúng tôi đã thực hiện hơn 80% cảnh quay hiệu ứng hình ảnh của phim.”
Nhóm cốt lõi bao gồm Stoltz, Ethan Feldbau, Benjamin Brewer, Jeff Desom và Matthew Wauhkonen, làm việc với các chương trình mà họ đã quen thuộc như After Effects. “Tất cả chúng tôi đều không biết Nuke, chúng tôi không biết tất cả các chương trình 3D đâu. Tuy nhiên chúng tôi đều biết After Effects và nó thực sự linh hoạt trong cách thức hoạt động.”, Stoltz nói.
Đội ngũ VFX đồng thời là các đạo diễn này đã mang lại cho Daniels những gì tốt nhất có thể đạt được, vì Stoltz và nhóm của anh ấy hiểu nhu cầu của các nhà làm phim nhưng đồng thời cũng có quyền sáng tạo và tự chủ của riêng mình để thêm tính độc đáo vào hình ảnh.
Feldbau cho biết: “Chúng tôi không làm việc theo cách truyền thống, nơi mà một người nào đó thiết kế rồi chuyển cho người khác xây dựng và sau đó một người khác hoàn thiện nó. Chúng tôi chủ động đưa ra quyết định và làm những gì mà chúng tôi nghĩ là tốt nhất để giúp câu chuyện.” Desom nói rằng hầu hết thời gian, mỗi nghệ sĩ hiệu ứng sẽ làm việc trên các cảnh quay của mình từ đầu đến cuối.
Khối lượng khổng lồ của các cảnh quay hiệu ứng đã khiến Stoltz “thực sự lo lắng về thời gian và tiền bạc, bởi vì đó là công việc của tôi.” Nhóm của anh ấy chấp nhận tâm lý rằng họ cần phải có được phiên bản của mỗi cảnh quay mà họ sẽ hài lòng trong phim, ngay cả khi nó không hoàn hảo.
“Trước tiên, chúng tôi muốn đảm bảo mọi thứ đều ở mức ổn, sau đó nếu có thời gian, chúng tôi có thể quay lại và đưa mọi thứ lên mức tuyệt vời hoặc đỉnh cao tuỳ theo nhu cầu và mong muốn. Với quá nhiều hiệu ứng phải làm trong khi đội ngũ lại quá ít người, ít tiền và cả ít thời gian, bạn phải ưu tiên những thứ nhất định và có chiến lược rõ ràng.”, Stoltz chia sẻ.
Nguồn lực hạn chế đã giúp hình thành phong cách hình ảnh độc đáo của “Everything Everywhere All at Once”, kết hợp khéo léo thẩm mỹ hiệu ứng thập niên 80 với đồ họa chuyển động đương đại. Stoltz cho biết: “Chúng tôi sử dụng CGI rất ít vì một vài lý do. Thứ nhất, chúng tôi không quá giỏi ở mảng này. Thứ hai, nó không cần thiết cho mọi thứ.”
“Phương châm của chúng tôi là ít Marvel hơn, nhiều ‘Ghostbusters’ hơn” – Zak Stoltz
“Chúng tôi không cố gắng làm ra một bộ phim kiểu Marvel bởi vì chúng tôi không có nguồn lực, nhân lực hay cả sức mạnh máy tính để làm vậy,” Feldbau nói thêm. “Tôi có chút kiến thức về những cách khá cổ xưa để tạo hiệu ứng trên phim. Mặc dù chúng tuy cũ và không được “ngầu” như những gì người ta hiện tại đang làm, tuy nhiên rất nhiều thủ thuật thực sự đơn giản đó lại trông rất tuyệt. Vì vậy, chúng tôi đã có được những khung hình thành công mà không cần phải trải qua thế giới xử lý chuyên sâu của 3D và CGI.”
Nguồn: RGB