vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>BadClay >Bad Clay: Từ 100 đến 1000 shot VFX và hành trình miệt mài cống hiến cho điện ảnh Việt Nam

Bad Clay: Từ 100 đến 1000 shot VFX và hành trình miệt mài cống hiến cho điện ảnh Việt Nam

Bad Clay Studio chính thức thành lập tại Việt Nam từ năm 2013, thời điểm mà “kỹ xảo hình ảnh” là một khái niệm còn khá mơ hồ đối với mảng phim ảnh nói riêng và truyền thông, giải trí nội địa nói chung. Sau 10 năm miệt mài cống hiến, đội ngũ Bad Clay đã tạo nên những kỳ tích đáng ngưỡng mộ cho nền điện ảnh Việt Nam, giúp nâng tầm chất lượng kỹ xảo nước nhà lên một tầm cao mới.

Bad Clay Studio và giấc mơ xây dựng ngành công nghiệp hậu kỳ tại Việt Nam từ những ngày đầu

Nguồn ảnh: Bad Clay Studio

Hiện nay, Bad Clay Studio được biết đến là một trong những công ty chuyên thực hiện kỹ xảo hình ảnh  (Visual Effects – VFX) cho phim và làm phim hoạt hình hàng đầu tại Việt Nam, sở hữu hàng loạt dự án VFX bom tấn ở cả thị trường quốc tế lẫn trong nước. Thế nhưng ít ai biết được rằng, để tạo nên được những thành tích đáng nể như hiện tại, đội ngũ Bad Clay Studio đã phải nỗ lực vượt qua các thách thức, trở ngại lớn về hội nhập thị trường, tìm kiếm nguồn khách hàng, đào tạo nhân sự để đáp ứng yêu cầu kỹ năng của các dự án lớn như thế nào. 

10 năm trước, anh Thierry Nguyễn – đồng sáng lập Bad Clay Studio từ Pháp trở về Việt Nam để xây dựng mảng dịch vụ kỹ xảo hình ảnh trong nước: “Bằng kinh nghiệm của bản thân, mình mong muốn có thể đóng góp vào việc tăng chất lượng kỹ xảo cho nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Mỗi năm mình sẽ tiến từng bước cùng ngành. Ví dụ: Phim đầu mình tham gia có rất ít shot VFX sau đó dần dần tăng lên. Đến bây giờ, Trạng Tí Phiêu Lưu Ký đã có gần 1000 shots VFX.” Từ một người trẻ nhiệt huyết với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại châu Âu, tích lũy nhiều góc nhìn về thị trường phim ảnh, hoạt hình, anh Thierry đã bắt đầu hành trình biến thị trường Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho mảng VFX phát triển từ con số 0. Chính vì vậy, Bad Clay Studio đã trở thành hạt giống đầu tiên cho sứ mệnh này.

Muôn vàn thách thức phải đối mặt ngay cả khi chưa bắt đầu

Làm người tiên phong chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vì vậy mà thách thức cùng khó khăn là điều hiển nhiên phải xảy ra. Thế nhưng, thách thức mà Bad Clay phải đối mặt ở thời điểm khởi đầu không chỉ là vấn đề có thể giải quyết ngay trong thời gian ngắn mà đòi hỏi sự kiên nhẫn cùng nỗ lực trong nhiều năm liền.

Năm 2013, số lượng phim điện ảnh Việt Nam còn rất hạn chế, nhu cầu về kỹ xảo hình ảnh trong phim cũng gần như bằng không. Thậm chí, thời điểm đó cũng có rất ít người biết đến mảng VFX hay làm phim hoạt hình. Điều này chính là cản trở lớn cho con đường phát triển dịch vụ của Bad Clay Studio tại nước nhà.

Một số ít tựa phim điện ảnh Việt được chú ý giai đoạn 2012 – 2013 

Tuy nhiên, đây chưa phải là vấn đề lớn nhất mà Bad Clay phải đối mặt. Theo anh Thierry Nguyễn, thách thức lớn nhất đối với công ty là nhân sự. Việc tìm kiếm nhân sự có chuyên môn để đáp ứng yêu cầu đặc thù của mảng hậu kỳ là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là gần như không thể tìm được.

“Bad Clay Studio ban đầu chỉ làm thiết kế, sau đó dần dần phát triển mảng kỹ xảo hình ảnh (Visual Effects – VFX) cho phim. Bởi vì ở thời điểm mới bắt đầu, Việt Nam còn sản xuất khá ít phim điện ảnh và mỗi phim điện ảnh chưa có nhu cầu làm VFX nhiều. Từ lúc về Việt Nam, tôi nhận vấn đề khó nhất là thiếu “talent” vì thời điểm đó, rất ít người biết đến VFX, hoạt hình và thậm chí không có trường nào dạy về mảng này.” Anh Thierry Nguyễn chia sẻ tại buổi phỏng vấn với COMINK. 

Từng bước vượt chướng ngại vật và những dấu ấn nổi bật sau 10 năm

Bằng sự nhiệt huyết, tầm nhìn của người “anh cả” Thierry Nguyễn, Bad Clay đã từng bước chinh phục nhiều dự án phim ảnh trong nước, chinh chiến qua các dự án quốc tế và nâng dần số lượng nhân tài gia nhập hàng ngũ công ty sau 10 năm. 

Loạt bom tấn Netflix Hàn và phim ăn khách trong nước có sự tham gia của Bad Clay 

Bắt đầu từ những dự án điện ảnh với số lượng kỹ xảo khiêm tốn như Siêu Nhân X (2013), Người Bất Tử (2018) với chỉ 100 shots. Để rồi sau đó là loạt thành tích đáng nể trên thị trường phim ảnh quốc tế thông qua sự góp mặt trong quá trình thực hiện các phân cảnh kỹ xảo khó, làm các asset 3D phức tạp. Đáng chú ý là siêu phẩm Netflix Hàn Quốc “triệu đô” Sweet Home (2020) gây bùng nổ truyền thông về chất lượng kỹ xảo cực đỉnh lẫn niềm tự hào khi có sự xuất hiện dày đặc của hàng loạt tên Artist người Việt sánh đôi cùng nhiều tên tuổi nghệ sĩ quốc tế khác. 

Breakdown các dự án VFX Bad Clay đã thực hiện (Từ 2013 đến 2019) 

Chưa dừng lại ở đó, kể từ năm 2021, Bad Clay còn liên tục chung tay góp phần nâng tầm chất lượng hình ảnh các dự án điện ảnh trong nước lên tầm cao mới. Điển hình như tác phẩm Trạng Tí Phiêu Lưu Ký (2021) với hơn 1000 shots kỹ xảo được thực hiện ngay trong thời kỳ Covid đầy khó khăn. 

Breakdown tổng hợp phần thực hiện animal cho các dự án 

Trải qua hành trình nỗ lực, kiên trì chứng minh năng lực và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của mảng hậu kỳ thông qua loạt dự án lớn, nhỏ trong nước lẫn quốc tế, Bad Clay sau 10 năm đã xây dựng được một nền móng cực kỳ vững chắc. Không chỉ là địa chỉ gia công quen thuộc của nhiều bom tấn quốc tế, Bad Clay còn góp phần thay đổi góc nhìn của khán giả về chất lượng phim điện ảnh Việt Nam, tạo động lực cho các Artist và studio trẻ chung tay phát triển ngành công nghiệp hậu kỳ nước nhà ngày càng lớn mạnh hơn. 

Bad Clay – Studio Việt làm rạng danh tên tuổi Artist Việt qua sự góp mặt trong loạt bom tấn điện ảnh quốc tế

2020 là một năm đáng quên của người dân trên toàn thế giới nhưng lại là thời kỳ hoàng kim đáng nhớ của ngành công nghiệp hậu kỳ. Trong đó, Việt Nam trở thành thị trường được hưởng lợi lớn thông qua loạt dự án “outsourcing” (gia công) từ nhiều quốc gia ào ạt đổ về, đặc biệt là các dự án đến từ ông trùm dịch vụ trực tuyến Netflix. Với sự hạn chế về quy mô hoạt động của ngành hậu kỳ Việt Nam ở giai đoạn này, Bad Clay đương nhiên sẽ trở thành đơn vị được các công ty quốc tế lựa chọn hợp tác. 

Thành công của bom tấn “triệu đô” Sweet Home với sự tham gia của đội ngũ Artist tại Bad Clay Studio đã mở màn cho loạt hoạt động hợp tác sản xuất VFX cho các bom tấn điện ảnh quốc tế những năm sau này, mang đến niềm tự hào “bom tấn quốc tế có sự tham gia của người Việt”.

Sweet Home – Đòn bẩy thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa studio Việt Nam và quốc tế

Concept Art mô phỏng baby monster trong Sweet Home (nguồn ảnh: Bad Clay)

Bom tấn kinh dị Sweet Home – series gốc của Netflix dựa trên Webtoon nổi tiếng cùng tên xứ Hàn với lượng shot kỹ xảo thuộc “hạng nặng” được các nhà đầu tư tin tưởng giao trọng trách xử lý hậu kỳ cho nhiều Studio trên khắp châu Á. Đồng hành cùng các studio tên tuổi tại Việt Nam như: CYCLO, OPIM Digital, The May,… đội ngũ Bad Clay Studio đã tham gia thực hiện cho hơn 60 shots kỹ xảo cho phim. 

VFX breakdown Sweet Home | Bad Clay Studio 

Sweet Home không chỉ khiến khán giả quốc tế bất ngờ về mức độ đầu tư và sự đột phá trong khai thác đề tài phim của điện ảnh Hàn Quốc mà còn ngạc nhiên với những dòng “credit” xuất hiện dày đặc tên người Việt. Lần đầu tiên một bom tấn “triệu đô” quốc tế lại có sự tham gia của nhiều Artist đến từ Việt Nam đến vậy. 

Credit tràn ngập tên Artist Việt

Tại Talkshow: Gặp gỡ Bad Clay Studio – Khám phá câu chuyện đưa kỹ xảo Việt vươn tầm quốc tế cùng Sweet Home diễn ra vào tháng 09/2021, anh Thierry Nguyễn chia sẻ: “Đây là dự án đầu tiên Bad Clay tham gia trực tiếp với Netflix. Thách thức lớn nhất nằm ở hình ảnh các shot đòi hỏi chất lượng cao và thời gian kết xuất cực kỳ dài. Bad Clay phải dùng đến “render farm” ở nước ngoài để kết xuất hình ảnh. Tổng thời lượng cho một frame có khi lên đến hơn tám tiếng. Tuy nhiên, dự án này được chuẩn bị kỹ càng và có “Scope of work” (phạm vi công việc được giao từ lên concept art cho đến hoàn thiện) rõ ràng nên trong thời gian được quy định, Bad Clay vẫn hoàn thành đúng tiến độ.” 

Xem thêm: Sweet Home – Khi kỹ xảo Việt vươn tầm quốc tế 

Sự thành công về mặt thương mại lẫn hiệu ứng truyền thông của series Netflix Sweet Home ngay trong thời kỳ đại dịch khó khăn đã mở ra cơ hội tuyệt vời cho đội ngũ Artist Bad Clay nói riêng và các studio Việt Nam hợp tác với các dự án dài hơi, chất lượng hơn trong các năm tiếp theo. 

Loạt dự án điện ảnh Netflix cỡ bự nối đuôi nhau tìm tới Bad Clay Studio

Hữu xạ tự nhiên hương. Nhờ tạo ra được dấu ấn tốt đẹp thông qua dự án Sweet Home (2020), trong hai năm tiếp theo, Bad Clay đã trở thành nguồn thuê ngoài uy tín, thường xuyên tham gia thực hiện hậu kỳ cho loạt bom tấn Netflix xứ Hàn và trở thành cái tên quen thuộc thường xuyên xuất hiện trong các sản phẩm quốc tế tên tuổi.

Năm 2021 và 2022, đội ngũ Bad Clay vinh dự góp mặt vào nhiều dự án, series Netflix ăn khách của Hàn như: The Silent Sea (2021), The Devil Judge (2021), All Of Us Are Dead (2022), Extraordinary Attorney Woo (2022), Glitch (2022),…

Nguồn ảnh: Tổng hợp 

Đối với mỗi dự án, các Artist của Bad Clay tham gia với nhiều vai trò khác nhau như: FX, Animation, 3D Modelling, Rigging, Lighting,… tùy thuộc vào yêu cầu của đơn vị sản xuất. Có nhiều dự án được thực hiện ngay cả trong thời điểm toàn thành phố bị “lock-down” do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid nhưng vẫn phải đảm bảo “deadline” và kiểm soát chất lượng gắt gao từ khách hàng quốc tế. Đội ngũ Bad Clay Studio đã thực hiện rất tốt các “shot” được giao và thành quả nhận về là sự công nhận của đơn vị sản xuất cùng niềm vui khi tên của các nghệ sĩ Việt được giới thiệu vô cùng hoành tráng ở phần “credit”. 

Vào những ngày cuối cùng của năm 2022, Bad Clay cũng kịp thông báo thêm tin vui cho khán giả Việt Nam về việc đội ngũ của studio này đã góp mặt vào quá trình thực hiện hậu kỳ cho bom tấn Jung E, một bộ phim về đề tài khoa học giả tưởng của đạo diễn Yeon Sang-ho ra mắt chính thức trên nền tảng Netflix vào ngày 20/01/2023. 

Hành trình từ 100 shots đến 1000 shots kỹ xảo cho phim Việt của Bad Clay

Chinh chiến sa trường nhưng không quên hướng về quê nhà. Bad Clay là một trong những đơn vị studio đã có hành trình cống hiến đầy miệt mài và kiên nhẫn cho ngành điện ảnh Việt Nam trong suốt 10 năm kể từ những ngày đầu thành lập.

Đội ngũ Bad Clay Studio đã gắn bó với từ những bộ phim có số lượng kỹ xảo khiêm tốn, đơn giản như Siêu Nhân X (2015), đến những tác phẩm gây tiếng vang, trở thành hiện tượng phòng vé như Mắt Biếc (2019), Hai Phượng (2019) hay Trạng Tí Phiêu Lưu Ký (2021) – bộ phim được đầu tư “khủng” về mặt kỹ xảo lên đến 1000 shots, gây sốc “visual” bởi mức độ chân thực, kỳ ảo và chi tiết đáng kinh ngạc trong từng cảnh phim.

Siêu Nhân X (2015)

Siêu Nhân X được phát sóng vào dịp Tết 2015 là một trong những tác phẩm điện ảnh đáng chú ý có sự tham gia của đội ngũ thực hiện kỹ xảo của Bad Clay Studio. Dự án được thực hiện vào năm 2014 với hơn 100 shots do các Artist Bad Clay đảm nhiệm.

Breakdown kỹ xảo trong phim Siêu Nhân X do Bad Clay Studio thực hiện 

Vai trò chính của Bad Clay trong dự án này là thực hiện các shot CGI, Animation (tạo chuyển động), Simulation (mô phỏng) và FX Simulation, chủ yếu tập trung vào các pha hành động nguy hiểm, tạo khói lửa và mô phỏng chuyển động của nhân vật chính, các loài côn trùng, thẻ bài, đồ vật,… 

Nguồn ảnh: Bad Clay 

Sự đóng góp của yếu tố kỹ xảo trong Siêu Nhân X dù không quá hoành tráng như các bộ phim thuộc mô tuýp siêu anh hùng thường thấy nhưng cũng góp phần nâng tầm chất lượng hình ảnh, mức độ chân thực trong các pha hành động của nhân vật. 

Hồn Papa Da Con Gái (2018)

Poster chính của phim.

Năm 2018, điện ảnh Việt Nam đón chào sự ra mắt của bộ phim điện ảnh Hồn Papa Da Con Gái do Charlie Nguyễn đạo diễn. Bộ phim gây ấn tượng với khán giả nhờ đề tài phim thú vị, hài hước và mang đậm tính nhân văn thông qua câu chuyện hoán đổi thân xác giữa nhân vật cha và con (do diễn viên Thái Hòa và Kaity Nguyễn thủ vai). 

VFX Breakdown Hồn Papa Da Con Gái 

Trong dự án này, Bad Clay thực hiện hơn 100 shots kỹ xảo cho phần 3D Face (làm 3D cho gương mặt), 3D Butterfly (tạo hình 3D nhân vật bươm bướm – hình ảnh đại diện cho người mẹ đã mất), 3D Vape Smoke (mô phỏng màn biểu diễn tạo khói 3D với Vape).

Trong Hồn Papa Da Con Gái có một số phân đoạn người con tập luyện và biểu diễn bộ môn ballet nhưng diễn viên chính không thể đảm nhiệm nhiệm vụ này, cần phải sử dụng diễn viên đóng thế. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là các góc máy quay cần lia cận cảnh và chính diện nhân vật. Vì thế, đội ngũ Bad Clay Studio đã sử dụng CGI tái dựng gương mặt 3D của nhân vật chính (Kaity Nguyễn) và áp lên cơ thể của diễn viên đóng thế. 

Tái dựng gương mặt 3D của Kaity Nguyễn và ghép vào cơ thể của nhân vật đóng thế (nguồn ảnh: Bad Clay)

Đây là một phần việc khá khó bởi các phân cảnh nhảy múa cần chuyển động liên tục, đòi hỏi khâu xử lý VFX phải thực sự tỉ mỉ và chi tiết. Tuy nhiên, Bad Clay đã giúp khán giả cảm nhận bộ phim một cách thực sự trọn vẹn. 

Cô Gái Đến Từ Hôm Qua (2017)

Bộ phim điện ảnh dựa trên tác phẩm nổi tiếng của “cây đại thụ” Nguyễn Nhật Ánh do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đảm nhiệm – Cô Gái Đến Từ Hôm Qua ra rạp năm 2017 từng gây ấn tượng với khán giả qua nhiều khung cảnh thiên nhiên Việt Nam vừa mang nét hùng vĩ vừa yên bình, đằm thắm. Đội ngũ Bad Clay cũng đã tham gia hoàn thiện kỹ xảo cho bộ phim này. 

Phân tách kỹ xảo phim Cô Gái Đến Từ Hôm Qua | Bad Clay Studio

Trích lược một số shot VFX do Bad Clay thực hiện (nguồn ảnh: Bad Clay)

Trong dự án này, Bad Clay chủ yếu đảm nhiệm các phân cảnh tạo môi trường giả lập 3D như thác nước, rừng cây, mô phỏng đoàn tàu xe lửa chạy qua bằng CGI, làm ánh sáng (lighting & coloring) và xử lý một số hiệu ứng VFX khác. 

Người Bất Tử (2018)

Trong bộ phim Người Bất Tử của đạo diễn Victor Vũ năm 2018, Bad Clay đã tham gia thực hiện hơn 100 phân cảnh có VFX và khoảng 10 assets. 

VFX Breakdown phim Người Bất Tử | Bad Clay Studio 

Các đề tài phim điện ảnh về tâm linh và hành động thường có rất nhiều “đất diễn” cho các nghệ sĩ làm VFX. Chính vì thế, một dự án được đầu tư chỉn chu như Người Bất Tử cũng đã giúp đội ngũ Bad Clay phát huy “công lực” tối đa. 

Các phân cảnh kỹ xảo quan trọng trong phim Người Bất Tử (nguồn ảnh: Bad Clay)

Trong hơn 100 shots VFX do Bad Clay thực hiện, có hai nhiệm vụ rất đáng chú ý. Đầu tiên là phần tái dựng mẫu cánh tay 3D, mô tả phần thối rữa của vết thương và “hóa phép” để cánh tay tự liền lại như chưa có gì xảy ra. Thứ hai là phân cảnh “cây lạ” tấn công nhân vật bằng các sợi rễ, mô phỏng và tạo chuyển động cho các rễ cây quấn lấy thân người nhân vật giống như một sinh vật sống thực thụ. 

Mắt Biếc (2019)

Mắt Biếc cũng là một tác phẩm điện ảnh ăn khách do đạo diễn Victor Vũ đảm nhiệm và đội ngũ Bad Clay vinh dự được tiếp tục hợp tác với vai trò thực hiện kỹ xảo, tái hiện lại khung cảnh rừng sim – bối cảnh chính trong phim. 

VFX Breakdown Mắt Biếc | Bad Clay Studio 

Nguồn ảnh: Bad Clay

Phần lớn các cảnh phim được quay tại thành phố Huế, cần tái hiện lại bầu không khí cổ kính, cũ xưa của làng Đo Đo, rừng sim chín rộ – nơi gắn với những kỷ niệm của nhân vật Ngạn và Hà Lan. Bad Clay Studio đã tham gia thực hiện các cảnh quay VFX liền mạch, tạo nên sự hài hòa với các cảnh quay thực thông qua phần xử lý ánh sáng, thêm các chi tiết môi trường và đặc biệt là tạo ra khung cảnh rừng sim bằng CGI. 

Asset hoa sim dùng trong một số phân cảnh của Mắt Biếc (nguồn ảnh: Bad Clay) 

Hai Phượng (2019)

Góp phần tạo nên những thước phim hành động gay cấn, thót tim trong siêu phẩm hành động Hai Phượng từng khuynh đảo phòng vé năm 2019 chính là các Artist tài năng của đội ngũ Bad Clay. 

VFX Breakdown Hai Phượng | Bad Clay Studio 

Cảnh đu bám trên nóc boong tàu xe lửa của nhân vật Hai Phượng trước và sau khi xử lý VFX (nguồn ảnh: Bad Clay)

Các phân cảnh rượt đuổi hồi hộp, dồn dập liên tục của nhân vật Hai Phượng trong hành trình tìm lại con từ tay bọn buôn người là điểm nhấn thu hút khán giả trong xuyên suốt bộ phim. Đặc biệt là cảnh nhân vật Hai Phượng thực hiện các pha hành động trên boong tàu xe lửa đang chạy. Được biết, các phân cảnh này được quay trong studio phông xanh và đội ngũ Bad Clay đảm nhiệm phần 3D cũng như CGI. 

Trạng Tí Phiêu Lưu Ký (2021)

Trạng Tí Phiêu Lưu Ký là một trong những tác phẩm điện ảnh Việt Nam có sự lột xác mạnh mẽ về mặt đầu tư hình ảnh kỹ xảo. Bad Clay Studio đã thực hiện tổng cộng hơn 1000 shots kỹ xảo cho bộ phim này. 

Hơn 1000 shots kỹ xảo được sử dụng trong Trạng Tí (nguồn ảnh: Bad Clay)

Được sản xuất trong thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid và phải liên tục dời lịch chiếu, bộ phim của “đả nữ” Ngô Thanh Vân và 68 Studios cũng đã kịp ra mắt khán giả vào dịp Tết Nhâm Dần, mang đến những góc nhìn mới mẻ về câu chuyện cổ tích được khai thác theo hướng “fantasy” (kỳ ảo). 

Full VFX Breakdown Trạng Tí | Bad Clay Studio 

Trạng Tí sở hữu kinh phí đầu tư lên đến 43 tỷ đồng với hơn 1000 shots kỹ xảo hình ảnh, bao gồm 500 shots quay phông xanh. Có đến hơn 100 Artist từ Bad Clay, SPICE Fx, LuciDigital,… tham gia vào quá trình thực hiện hậu kỳ.

Mặc dù không giành chiến thắng về mặt thương mại nhưng Trạng Tí đã giúp các nhà làm phim thấy được tiềm năng vô hạn của ngành hậu kỳ, tạo tiền đề cho việc đầu tư mạnh tay vào phần VFX để tạo nên những bom tấn để đời cho ngành điện ảnh Việt Nam. Bởi nếu xét về năng lực làm kỹ xảo thì đội ngũ Artist của các studio Việt là có thừa.

Chuyện Ma Gần Nhà (2022)

Chuyện Ma Gần Nhà là tác phẩm tiếp theo trình làng trong dịp Tết Nguyên Đán có sự tham gia thực hiện kỹ xảo hình ảnh của Bad Clay Studio. Theo đó, bộ phim khai thác đề tài tâm linh, kinh dị, sở hữu nhiều phân cảnh khó khiến đội ngũ nhân sự Bad Clay vô cùng căng não.

VFX Breakdown Chuyện Ma Gần Nhà 

Để diễn tả chân thực các phân cảnh nhân vật tháo bỏ mặt nạ da người hay ma hủ tiếu có đôi mắt kỳ dị trong lòng bàn tay,… phần việc của các Artist trở nên nhọc nhằn hơn, phải mất ăn mất ngủ nhiều đêm liền để đạt được ý đồ như nhà sản xuất mong muốn. 

Nguồn ảnh: Bad Clay

Bộ phim đón nhận rất nhiều lời khen của giới phê bình lẫn khán giả về sự tiến bộ rõ rệt trong việc đầu tư phần hình ảnh lẫn hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt, mang đậm dấu ấn đặc trưng của truyện ma đô thị Việt Nam. 

Xem thêm: Bad Clay và 101 câu chuyện hậu kỳ hấp dẫn đằng sau Trạng Tí và Chuyện Ma Gần Nhà

Em Và Trịnh (2022)

Tháng 6/2022, Em và Trịnh khai thác về cuộc đời cùng những mối tình của nhạc sĩ quá cố Trịnh Công Sơn là dự án phim điện ảnh nổi bật tiếp theo có sự “nhúng tay” của đội ngũ Bad Clay. Cụ thể, các Artist tại studio này đã thực hiện tổng cộng 240 shots VFX cho phim. 

VFX Breakdown Em Và Trịnh 

Phân cảnh tái hiện tòa tháp Eiffel trong phim (nguồn ảnh: Bad Clay)

Đối với dự án này, Bad Clay đóng vai trò tái hiện lại hình ảnh tháp Eiffel, cánh đồng hoa hướng dương và không gian đô thị vào những năm 90. Rất nhiều công trình, kiến trúc khi thực hiện cảnh quay thực tế không đáp ứng được bối cảnh trong kịch bản gốc. Do đó, đội ngũ Artist tại Bad Clay đã phải “phục dựng” lại trên môi trường 3D và ghép vào các cảnh quay thực tế để khớp với nội dung câu chuyện được kể.

Thanh Sói (2022)

Dù chưa có nhiều thông tin về toàn bộ các phân cảnh VFX do Bad Clay thực hiện trong tác phẩm điện ảnh mới nhất đến từ nhà sản xuất 68 Studios nhưng đây là dự án tiếp theo đội ngũ nhân sự tại studio này vinh dự được đồng hành, tiếp nối thành công từ bộ phim Hai Phượng ra mắt trước đó. 

Cảnh rượt đuổi trong Thanh Sói trên phim trường và có sự can thiệp của VFX

Một trong những “big shot” do Bad Clay thực hiện là màn rượt, thi triển võ thuật nghẹt thở của nhân vật Bi (Đồng Ánh Quỳnh) và Thanh (Tóc Tiên) trên xe mô tô. Sự kết hợp giữa cảnh quay thực tế và kỹ yếu tố kỹ xảo được thực hiện bởi bàn tay tài hoa của Artist Bad Clay đã tạo nên những thước phim hành động “cực nghệ”, đúng chất phim hành động của 68 Studios. 

Một số hình ảnh trong phim Thanh Sói 

Liên tiếp nhiều tựa phim Việt tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả nhờ vào sự cải tiến về mặt chất lượng hình ảnh bên cạnh các yếu tố về nội dung hay diễn xuất của diễn viên. Bad Clay cùng các studio khác đang ngày càng cho thấy được sức mạnh cùng tiềm năng đảm đương thực hiện những ý tưởng khó nhằn nhất từ nhà sản xuất phim, biến ý tưởng độc đáo trở thành những thước phim mãn nhãn, đã mắt phục vụ cho khán giả nước nhà và vươn tầm quốc tế. 

Với những gì mà Bad Clay đã và đang nỗ lực cống hiến cho điện ảnh nước nhà, có lẽ trong một vài năm tới, khán giả Việt sẽ phổng mũi tự hào với những tác phẩm điện ảnh hàng Việt Nam nhưng chất lượng “không phải dạng vừa đâu.” 

Bad Clay tạo điều kiện cho các Artist trẻ Việt Nam khẳng định năng lực, xây dựng sự nghiệp vững chắc trong lĩnh vực VFX

Song song với quá trình làm nghề, Bad Clay Studio còn là môi trường học tập, phát triển kỹ năng và thăng hạng sự nghiệp cho các thế hệ trẻ Việt Nam. Từ những ngày đầu thành lập với số lượng nhân sự khiêm tốn, gặp khó khăn trong việc tuyển người trong nước vì Việt Nam chưa có nơi nào dạy ngành VFX, Bad Clay đã tạo điều kiện cho các bạn trẻ có kiến thức nền tảng về mỹ thuật, thiết kế tham gia vào công ty và từng bước đào tạo, nâng cấp kỹ năng thông qua các dự án thực tế. 

Các Artist Bad Clay tại sự kiện chia sẻ kiến thức, kỹ năng nghề cho các bạn trẻ (nguồn ảnh: MAAC Vietnam)

Cho đến nay, sau 10 năm hoạt động, thị trường có thêm các trường đào tạo chuyên môn về lĩnh vực hậu kỳ, hoạt hình 3D, nguồn nhân sự chuyên nghiệp dần được bổ sung. Tuy nhiên, Bad Clay vẫn luôn tạo điều kiện để các sinh viên, học viên tham gia làm việc tại công ty với nhiều vai trò khác nhau ngay cả khi chưa tốt nghiệp. 

Trong vòng hai năm kể từ 2020 trở về sau, nhiều lứa học viên tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực TP.HCM đã chính thức có cơ hội trở thành Artist tại Bad Clay, được trực tiếp tham gia vào các dự án lớn trong nước lẫn quốc tế và ghi danh tên mình trên phần “credit”. Trong đó, các học viên đến từ Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC là nhóm tài năng trẻ chiếm số lượng khá đông đảo. 

Nhiều gương mặt học viên tiêu biểu như Đinh Hoàng Long, Lương Gia Huy, Phạm Lê Anh Phát, Nguyễn Thành Đạt hiện đang đảm nhiệm các vị trí chuyên môn như 3D Modeller, VFX Artist, Lighting – LookDev, Compositing Artist,… được giao trọng trách thực hiện nhiều dự án lớn từ nguồn nước ngoài lẫn trong nước.

Các học viêu biểu tại MAAC hiện đang là Artist tại Bad Clay

Bên cạnh đó, vào tháng 8/2022, Bad Clay bắt tay cùng cuộc thi Vietnam VFX Challenge – sân chơi sáng tạo kỹ xảo dành cho các thế hệ trẻ Việt Nam trên toàn quốc. Sân chơi đầy mới mẻ và thú vị này đã giúp cho hàng trăm bạn trẻ trên khắp mọi miền tổ quốc thi triển tài năng, khám phá chính mình. Trải qua hơn hai tháng tổ chức, cuộc thi đã giúp ngành công nghiệp hậu kỳ phát hiện thêm nhiều tài năng mới, gieo mầm cho những tài năng trẻ tìm thấy đam mê đích thực cho chính bản thân mình. 

Bad Clay đồng hành cùng hàng trăm bạn trẻ trong cuộc thi Vietnam VFX Challenge

Trưởng thành từ các dự án thực tế là cách mà môi trường làm việc tại Bad Clay đào tạo các thế hệ trẻ mong muốn theo đuổi con đường trở thành Artist chuyên nghiệp trong lĩnh vực hậu kỳ và gặt hái thành công bằng chính năng lực của mình. Có thể nói, sự thành công qua các dự án Bad Clay đã thực hiện đều mang thêm một phần sứ mệnh dìu dắt và tạo điều kiện để các tài năng trẻ Việt bung tỏa tài năng. 

Tâm huyết và tầm nhìn của Bad Clay trong việc phát triển ngành công nghiệp hậu kỳ Việt Nam qua sự thành lập AIOI Studio và cầu nối giữa các studio

Không chỉ mong muốn xây dựng một studio chuyên làm kỹ xảo lớn mạnh tại Việt Nam, bằng niềm tin yêu cùng khát khao phát triển ngành công nghiệp truyền thông, giải trí nước nhà lên những nấc thang cao cấp hơn, Bad Clay đã và đang từng bước mở rộng sự hợp tác ra thị trường quốc tế. Gần đây nhất có thể kể đến như sự kiện kết nối ngành giữa ba nước Pháp – Thái – Việt được tổ chức vào tháng 11/2022 và lễ ra mắt thành lập AIOI Studios hướng về dòng phim lịch sử Việt Nam. 

Bad Clay phối hợp cùng Vietnam VFX-Animation tổ chức buổi giao lưu với studio Thái Lan và Pháp

Một trong những sự kiện đáng chú ý trong năm 2022 do Bad Clay, AIOI Studios phối hợp cùng Vietnam VFX-Animation tổ chức chính là buổi giao lưu chia sẻ về sự phát triển thị trường ngành VFX, hoạt hình giữa hai studio Visual Effects Vendors Association (Pháp) và Thai Animation and Computer Graphics Associate (Thái Lan) với chủ đề “Building a strong VFX & Animation Industry in Vietnam – France – Thailand”. 

Lần đầu tiên Vietnam VFX-Animation phối hợp cùng Bad Clay tổ chức sự kiện giao lưu quốc tế giữa ba nước Pháp – Thái – Việt

Buổi giao lưu thu hút sự quan tâm và tham dự của gần 50 Artist và đại diện studio tại Việt Nam, mở ra cơ hội cho Artist, studio Việt kết nối gần hơn với các studio quốc tế, gia tăng cơ hội mở rộng thị trường ngành công nghiệp VFX, Animation ngày càng lớn mạnh. 

Xem thêm: Thăng hạng ngành VFX & Animation Việt Nam qua buổi giao lưu với Pháp và Thái Lan

Ra mắt hãng phim AIOI Studios hợp nhất từ Bad Clay Studio, Anh Tễu Studio, Cocoa Vision và Noble

Trong nhiều năm trở lại đây, dòng phim lịch sử Việt Nam vẫn còn bị bỏ ngỏ, chưa được đầu tư mạnh bởi đây là một trong những đề tài khó khai thác, cần nguồn kinh phí lớn để có thể đi được đường dài và đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ trong nghiên cứu thông tin. 

Sự ra mắt hãng phim AIOI Studios vào giữa tháng 12/2022, xác định trọng tâm chinh phục dòng phim hoạt hình lịch sử Việt với những dự án dài hơi là một tin vui dành cho ngành điện ảnh nước nhà. Cùng với các studio dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ xảo, công nghệ đồ họa, Bad Clay cũng sẽ trở thành một phần của AIOI, mang đến những giá trị mới cho mảng phim hoạt hình trong tương lai.

Ảnh chụp lễ ra mắt AIOI Studios (nguồn ảnh: AIOI)

Thierry Nguyễn – Co-Founder Bad Clay Studio từng chia sẻ rằng: “Hiện tại, Bad Clay chủ yếu làm dịch vụ (VFX cho phim). Tuy nhiên, Bad Clay cũng bắt đầu tự sản xuất các dự án hoạt hình từ webcomic, webtoon. Vì vậy, chúng tôi mong muốn trong tương lai sẽ có không gian, môi trường rộng mở hơn để các bạn trẻ phát triển kỹ năng, công việc của mình.” 

Đối với các tài năng trẻ yêu thích lĩnh vực hoạt hình 3D, AIOI studio rất có thể sẽ trở thành môi trường làm việc sáng tạo triển vọng và đáng mơ ước trong tương lai. 

Xem thêm: Sự kiện ra mắt hãng phim AIOI và dự án phim lịch sử Việt 

Tạm kết

Bad Clay là một trong những studio hiếm hoi dành nhiều tâm huyết, công sức cùng sự nỗ lực không ngừng để cống hiến cho ngành truyền thông, giải trí nói chung và ngành công nghiệp hậu kỳ Việt Nam nói riêng. Hành trình vượt khó, kiến tạo và phát triển suốt 10 năm qua của Bad Clay dành cho điện ảnh nước nhà là niềm tự hào và biết ơn vô cùng lớn lao. Trong tương lai, hành trình đó sẽ vẫn còn tiếp tục với những kế hoạch dài hạn cùng tầm nhìn lớn hơn. Chúc cho đội ngũ Bad Clay sẽ tiếp tục giữ vững phong độ cùng sự nhiệt huyết trên những chặng đường tiếp theo!

Tổng hợp
Phận Phạm