Kỹ xảo & 3D trong TVC quảng cáo – Sân chơi sáng tạo đầy thách thức của team Hậu kỳ
Một kỹ xảo được gọi là “perfect” khi không ai nhận ra có kỹ xảo trong đó. Và một TVC quảng cáo truyền tải được thông điệp một cách độc đáo, gần gũi với khách hàng thông qua những hình ảnh đẹp mắt và ấn tượng luôn có sự trợ thủ đắc lực từ các nghệ sĩ 3D & VFX tài ba.
Những thành viên “cốt cán” của Bonjour Saigon Post-Production đã có buổi chia sẻ với hơn 200 bạn trẻ yêu mến lĩnh vực 3D, VFX khám phá sân chơi sáng tạo đầy thách thức của team hậu kỳ trong các TVC quảng cáo tại chương trình Workshop: Ứng dụng của hoạt hình và kỹ xảo trong quảng cáo. Chương trình nằm trong Tuần lễ Sáng tạo lớn nhất Việt Nam 2021 do Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC và HALOGRAPHY Việt Nam đồng tổ chức.
KỸ XẢO & 3D – TRỢ THỦ ĐẮC LỰC CỦA TVC QUẢNG CÁO
Với nhịp sống hối hả của thời đại, việc tạo các TVC quảng cáo không chỉ dừng lại ở mức giúp khách hàng nhận diện thương hiệu, biết đến thông tin sản phẩm mà còn mang đến nhiều khoảnh khắc ấn tượng, khắc sâu dấu ấn của khán giả về nhãn hàng qua cách truyền tải thông điệp ấn tượng.
Muốn thực hiện điều đó, những ý tưởng táo bạo tưởng chừng chỉ có trong trí tưởng tượng đều có thể thực hiện hóa nhờ sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ 3D và Kỹ xảo. Có thể nói, đây là công cụ quan trọng không thể thiếu trong quá trình sáng tạo.
Chẳng hạn, khách hàng yêu cầu TVC có chú hổ (tiger) uống bia thì chúng ta không thể đưa một chú gấu thật vào phim trường để quay bởi vì chúng quá nguy hiểm, và hơn hết, gấu không biết cầm ly bia như con người. Chính vì thế, sự hỗ trợ từ VFX và 3D/CGI giúp các nhãn hàng truyền tải thông điệp như ý muốn.
Khi chúng ta nắm rõ sức mạnh của công cụ, chúng ta có thể thỏa sức vẽ ra trí tưởng tượng của mình.
Bên cạnh đó, VFX hay 3D giúp giảm chi phí cho phần sản xuất, hạn chế những nguy hiểm trên phim trường. Nếu kịch bản có shot cháy nổ, ekip không thể tốn quá nhiều chi phí cho những đồ vật bị cháy, thuê địa điểm hay mất thời gian xin giấy phép. Hay những cảnh quay bay ngoài vũ trụ, không có trong đời thực cũng đều có thể xử lý trên máy tính.
VFX và 3D mang đến những TVC trông rất đời thực
TVC quảng cáo là nơi thể hiện ý tưởng sáng tạo nhưng cũng có nhiều thách thức. Bonjour Saigon tiết lộ: “Với TVC Lipton, team đã gặp phải trở ngại trong việc tạo ra những động vật hoang dã. Vì đây là TVC có động vật với phong cách vui nhộn và phải trông giống như thật từ hình dáng, bộ lông đến việc diễn hoạt hành động thật uyển chuyển. Bonjour đã dành thời gian nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Fur Simulation (tạo lông, tóc) để thực hiện hóa ý tưởng đó”.
Đối với sự sáng tạo và người sử dụng công cụ sáng tạo luôn có sự hợp tác chặt chẽ với nhau. Khi làm trong lĩnh vực này, người sử dụng công cụ sáng tạo nên rèn luyện cho mình thói quen tìm kiếm thông tin và cập nhật công cụ mới liên tục nhằm phục vụ mục đích tạo ra sản phẩm thật nhất so với nguyên bản ngoài đời thực. Mặc dù vậy, công cụ trên máy tính chỉ hỗ trợ phần nào trong quá trình tạo ra sản phẩm. Sự sáng tạo được phát huy tối đa mục đích khi người sử dụng công cụ sáng tạo cũng dành thời gian để rèn luyện thêm bằng tay. Anh Quentin Persyn chia sẻ tip cá nhân: “Thay vì dùng máy tính, bạn có thể sử dụng bút chì, giấy, màu vẽ,… để phác thảo ý tưởng, rèn luyện trí sáng tạo mỗi ngày. Dần dần ý tưởng của bạn sẽ trở nên sắc bén”.
Vậy sẽ ra sao nếu một sản phẩm sử dụng quá nhiều Kỹ xảo & 3D trong đó? Làm thế nào để cân bằng?
Giải đáp thắc mắc này, Bonjour Saigon cho biết: Khi điều gì bị lạm dụng quá nhiều sẽ trở nên không còn đẹp mắt và chất lượng. Để sản phẩm trở nên hài hòa, cân bằng yếu tố kỹ thuật và nội dung, Bonjour sẽ cùng mọi người xem xét kịch bản, đóng góp ý kiến và đưa ra định hướng. Một kịch bản chưa tốt không thể chỉ dựa vào VFX & 3D để truyền tải thông điệp đến khán giả. Và một kịch bản tốt nhưng không có sự hỗ trợ của VFX & 3D cũng rất khó để thực hiện hóa. Chính vì thế, sự kết hợp giữa một kịch bản hay cùng với chất lượng hình ảnh tốt sẽ mang lại hiệu quả cao.
QUY TRÌNH SẢN XUẤT TVC TIÊU CHUẨN VÀ NHỮNG YÊU CẦU CẦN – ĐỦ TỪ CÁC ARTIST
Đối với các 3D/VFX Artist, việc hiểu rõ quy trình sản xuất chung là điều rất quan trọng và cần thiết. Khi nắm chắc quy trình, Artist biết mình đang ở giai đoạn nào, cần làm những công việc gì và sắp xếp thời gian ra sao.
Giai đoạn 1: Client (Briefing)
Client (Khách hàng) sẽ đưa ra định hướng mà họ mong muốn và liên lạc đến Agency.
Giai đoạn 2: Agency (Sáng tạo)
– Agency là đơn vị cầu nối giữa các Client với Production. Họ có quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo.
– Kịch bản/Storyboard là bản thảo thể hiện thông điệp từ Client đến người tiêu dùng.
– Agency sẽ trình bày cho Client phương thức thể hiện thông điệp như thế nào và tiếp nhận ý kiến phản hồi để cho ra đời kịch bản hoàn thiện nhất có thể.
Giai đoạn 3: Production House (Giai đoạn sản xuất)
– Đây là giai đoạn có nhiều công việc nhất, cần phải chuẩn bị và thực hiện song song trong một khoảng thời gian hạn định.
– Từ việc lên ngân sách, lịch trình, tìm đơn vị thiết kế, phục trang, đạo cụ, địa điểm quay… đến quay phim cực kỳ quan trọng, đòi hỏi người làm sản xuất phải rất tỉ mỉ, cẩn thận. Ngày quay phim luôn có liên đới đến tất cả các đơn vị cùng tham gia dự án, chính vì thế, mọi việc trong giai đoạn này cần thực hiện nhanh và chuẩn xác.
Giai đoạn 4: Post-Production (Hậu kỳ)
– Giai đoạn này đơn vị đảm nhiệm làm hậu kỳ sẽ được nhận những thước phim (source gốc) từ Production House.
– Các công việc bao gồm:
- Biến hóa source gốc từ 10-12 tiếng thành 30 giây đến 1 phút đẹp nhất, ấn tượng nhất.
- Chỉnh màu để tạo cảm xúc cho người xem.
- Online/VFX & CGI/3D được làm song song để tiết kiệm thời gian. Đây là công đoạn mà các 3D/VFX Artist tham gia đảm nhiệm chính.
- Kiểm tra kỹ càng trước khi công chiếu.
Để trở thành một 3D/VFX Artist chuyên nghiệp, Bonjour Saigon chia sẻ 3 điều kiện CẦN – ĐỦ:
- Về kiến thức, việc liên tục trau dồi và cập nhật những phần mềm chuyên dụng sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc, giúp bạn dễ dàng phát triển ở những cấp bậc cao hơn.
- Về kỹ năng, rèn luyện tư duy thẩm mỹ, kỹ năng giao tiếp hay luyện tập thói quen quan sát, đào sâu nghiên cứu hỗ trợ bạn nâng cao hiệu suất công việc. Bạn có nhiều khả năng được tuyển dụng dựa trên hiệu suất tổng thể hơn là kỹ năng thuần túy.
- Điều cuối cùng, đó là thái độ. Khi bạn có tinh thần đồng đội, biết tôn trọng lẫn nhau, sự kết nối và giao tiếp diễn ra suôn sẻ hơn rất nhiều. Thái độ hòa nhã, năng động và luôn giữ cho mình được sự tò khám phá những điều mới càng giúp bạn tiến nhanh hơn trong ngành.
- Quan trọng hơn hết, trước khi đạt được 3 điều kiện trên, mỗi nhân tố đều xuất phát từ niềm đam mê.
MỐI QUAN HỆ “THĂNG TRẦM” GIỮA CLIENT – AGENCY – POST-PRODUCTION VÀ NHỮNG CÔNG NGHỆ MỚI CỦA TVC
Để tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh luôn có sự tham gia của một tập thể với nhiều vị trí và vai trò khác nhau. Theo như chia sẻ từ Bonjour Saigon: Trong quá trình làm việc, “Community” (Giao tiếp) giữa các bên là yếu tố vô cùng quan trọng, cần phân định rõ ràng vai trò giữa Client – Agency – Post-Production. Đối với Bonjour, bản reference (hình ảnh gợi ý) đóng góp ý nghĩa rất lớn, thể hiện được tầm nhìn và mong muốn của khách hàng với Đạo diễn. Bản reference càng chi tiết sẽ càng tốt. Hãy khéo léo lồng ghép VFX & 3D vào ý tưởng của bạn vì nếu bạn phụ thuộc vào quá nhiều VFX & 3D sẽ gây ra việc phản tác dụng.
Anh Quentin Persyn cũng chia sẻ thêm rằng: Những vấn đề thường gặp nhất là không đủ thời gian hoặc ngân sách. Có nhiều Client không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới họ chưa hiểu rõ về kỹ xảo nên thường mang những dự án đang còn dang dở gửi cho Agency và Post-Production làm tiếp với rất nhiều vấn đề. Về phía Agency, phải dung hòa được mong muốn của Client và ngân sách đang có để tìm đơn vị Post-Production thực hiện. Về phía Post-Production, với ngân sách và thời gian cho phép, team phải bàn kế hoạch thực hiện hiệu quả. Đồng thời, linh hoạt trong việc đàm phán với các bên để đạt kết quả như mong muốn.
Chị Quỳnh Lai là Producer với nhiều năm kinh nghiệm thẳng thắn thừa nhận: Client – Agency – Post-Production phải hỗ trợ lẫn nhau trong việc. Bước đầu cần sự trao đổi trực tiếp, tóm tắt yêu cầu thật chi tiết để hiểu rõ các bên nên làm gì trong khoảng thời gian hạn định, năng suất lao động của team có thể đáp ứng mong muốn đó không. Ngoài ra, Agency là cầu nối phối hợp chặt chẽ với Post-Production trong mọi hoàn cảnh. Nếu khách hàng “lật” brief vào phút chót, bản thân Producer cần bình tĩnh, thuyết phục team lắng nghe và tìm phương án giải quyết. Đặt deadline mà không hiểu vấn đề thì sẽ không đạt được kết quả mong muốn. Chính vì thế, mình phải đàm phán lại với Client và giải thích rõ lý do.
Một điều quan trọng không kém đó là sự đầu tư và đổi mới công nghệ. Các công cụ phát triển rất nhanh chóng, để chạy theo xu hướng hiện tại, luôn có canh bạc giữa thời gian cần thiết và chất lượng mong muốn. Nếu các bạn có tìm hiểu về phần hậu kỳ phim The Lord of Rings, Harry Potter, The Mandalorian,… họ quay nhân vật ngoài đời thực trên các phông nền xanh lá hoặc xanh dương. Khi bắt đầu phần hậu kỳ, sử dụng kỹ thuật Matte Painting/3D để hoàn thiện tác phẩm. Hiện tại, có một kỹ thuật mới thay phông nền xanh bằng màn hình LED Unreal Engine (thời gian thực) để render 3D. Việc sử dụng những màn hình led thay cho phông xanh sẽ giúp phần ánh sáng hắt lên người diễn viên thực tế hơn, tạo cảm xúc chân thực cho diễn viên, đồng thời hỗ trợ đạo diễn dễ dẫn dắt hơn. Phần render 3D của màn hình led này thường được chuẩn bị trước bởi team hậu kỳ. Vì lẽ đó, chúng có thể chuyển thành giai đoạn tiền kỳ giúp tiết kiệm thời gian làm việc rất nhiều.
HỎI NHANH ĐÁP CHUẨN VỀ NGÀNH – NHỮNG GÓC NHÌN TỪ “NGƯỜI TRONG CUỘC”
1. Sự khác nhau giữa làm việc với ekip Việt Nam và ekip nước ngoài là gì?
Quỳnh Lai – Producer:
Thứ nhất, khoảng cách ngôn ngữ. Ở Bonjour Saigon, đa số các bạn đều nói được tiếng Anh. Tuy nhiên, có một số khách hàng không nói được tiếng Anh mà họ sẽ nói tiếng Dubai, Pháp, Trung Quốc,… Để hiểu rõ yêu cầu công việc, mình cần đặt nhiều câu hỏi hơn để thu thập ý kiến, nguyện vọng từ khách hàng.
Thứ hai, khoảng cách địa lý. Đôi khi khách hàng ở Pháp đang là 3h chiều, thì tại Việt Nam là 8h tối. Nhiều hôm đang ăn tối thì nhận email khách hàng phải quay lại công ty để làm tiếp. Tuy vậy, khi làm với ekip nước ngoài sẽ có nhiều cách đưa ra hướng giải quyết công việc mà mình có thể học hỏi, áp dụng hỗ trợ cho ekip Việt Nam.
2. Anh/Chị nghĩ sao về việc team Production cho rằng “có thể xử lý hậu kỳ mà” (fix-in-post) và cần làm gì để giảm bớt khối lượng công việc cho team Post-Production?
Quỳnh Lai – Producer:
Công việc của team Post-Production (Hậu kỳ) là chỉnh sửa để làm đẹp tác phẩm. Thế nhưng, không phải phần nào cũng chỉnh sửa được vì chúng tiêu tốn thời gian, ngân sách khá nhiều nếu như lỗi đó hoàn toàn có thể thực hiện ở khâu sản xuất. Thông thường, để giảm tải khối lượng công việc và quá trình thực hiện diễn ra suôn sẻ hơn, Supervisor của Bonjour Saigon sẽ đến buổi shooting để giám sát và đưa ra những hướng giải quyết phù hợp.
3. Em nên biết nhiều style (phong cách), nhiều thể loại khác nhau như realistic, cartoon, poly,… hay nên ưu tiên học và làm chuyên sâu về một style nhất định?
Varoon Idalkar – Lead Animator:
Khi mới bắt đầu theo đuổi ngành, mọi người nên trải nghiệm các style khác nhau. Nếu hiện tại chưa ứng dụng đến thì chắc chắn trong tương lai sẽ có lúc bạn cần dùng. Vì vậy, trải nghiệm hầu hết các style khác nhau giúp ích cho bạn rất nhiều. Bạn còn biết được phù hợp với style nào nhất để đầu tư nâng cao chuyên môn.
4. Xu hướng tạo các bảng quảng cáo ngoài trời (OOH – Out of home) không còn quá xa lạ, nhưng bảng quảng cáo 3D lại khá mới mẻ ở Việt Nam. Vậy việc ứng dụng 3D và VFX vào hình thức quảng cáo này có giống với TVC dạng digital không?
Varoon Idalkar – Lead Animator:
Bảng quảng cáo ngoài trời (OOH) và TVC dạng Digital trên màn hình phẳng có sự khác nhau về bề mặt trình chiếu. Đối với quảng cáo 3D ngoài trời, các Artist cần quan sát kỹ những mặt phẳng, đường cong, các góc cạnh của nơi đặt quảng cáo để tạo ra tác phẩm tương ứng với bề mặt trình chiếu đó.
Quentin Persyn – CG Supervisor:
Về kỹ thuật tạo ra các mẫu quảng cáo này thì hầu như không có sự khác biệt. Với bề mặt trình chiếu khác nhau thì cách diễn hoạt và render phụ thuộc về góc nhìn của các bề mặt đó. Ví dụ các bạn xem mẫu quảng cáo 3D nhân vật mascot nhảy ra khỏi màn hình, cách diễn hoạt hành động của nhân vật này vẫn giống với bản digital, chỉ khác về việc render sao cho phù hợp với góc nhìn.
Hai mẫu quảng cáo của Lazada trên nền tảng digital và đặt ngoài trời
5. Các anh tự học 3D hay được học bài bản ở trường? Theo các anh với chuyên ngành 3D, nếu so sánh giữa tự học và học ở trường thì phần nào có lợi hơn? Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang tìm kiếm một nơi học tập về 3D, VFX?
Quentin Persyn – CG Supervisor:
Theo kinh nghiệm bản thân với hơn 5 năm đầu tư theo học 3D Animation tại trường học, trong quãng thời gian đó, anh được học cách làm sao để tự học. Điều này rất quan trọng vì khi các bạn đi làm thực tế lúc nào cũng phải tìm hiểu, tò mò những kiến thức mới và bản thân tự trau dồi và nâng cao. Một trong những điều có lợi nhất dành cho các bạn theo học tại trường học chính quy là có hệ thống chương trình đào tạo bài bản và cộng đồng những bạn học cùng đam mê với nghề. Dù là đang học hay đã ra trường, mạng lưới cộng đồng này vẫn có thể giúp bạn kết nối với các bậc tiền bối đi trước, tạo sân chơi phát triển cá nhân rất tốt.
Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi học tập về 3D hay VFX thì Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC cũng là một trong những lựa chọn tốt giúp bạn phát triển nhanh hơn trong ngành.
6. Là người mới tìm hiểu ngành, em nên học phần mềm nào trước giữa rất nhiều phần mềm như Blender, Cinema 4d, Maya, After Effects,…?
Quentin Persyn – CG Supervisor:
Nếu mới bắt đầu, bạn có thể thử sức với Blender vì đây là phần mềm miễn phí, có tích hợp nhiều plugin. Tuy nhiên, khi làm việc thực tế thì Maya và C4D được sử dụng khá nhiều. Maya có mặt trong quy trình làm việc của hầu hết các Studio hiện nay, C4D lại có nhiều tính năng hỗ trợ bạn đa nhiệm trong nhiều dự án. Về phần mềm After Effects được xem là một trong những phần mềm căn bản nhất mà bất cứ ai học 2D/3D cũng đều phải biết. Nổi bật nhất hiện nay là phần mềm Unreal Engine hoàn toàn miễn phí với những tính năng render thời gian thực theo camera ảo. Để học Unreal Engine, bạn cần đầu tư thêm máy tính có cấu hình đủ mạnh để phát huy tối đa công cụ này.