OPIM DIGITAL – “CHỌN PHÁT TRIỂN TẠI THỊ TRƯỜNG VIỆT VÌ NGUỒN NHÂN SỰ TÀI NĂNG”
OPIM Digital được biết đến là một trong những Studio còn khá mới mẻ tại thị trường Việt nhưng lại có bước phát triển rất nhanh khi tham gia góp mặt vào khá nhiều dự án bom tấn xứ Hàn trên Netflix như: Hellbound, Squid Game, Sweet Home, Kingdom 2,… Cùng gặp gỡ Tổng giám đốc Alvin Yun và toàn thể nhân viên đại diện công ty OPIM Digital qua bài phỏng vấn dưới đây của Phóng viên VFX-Animation để “mổ xẻ” những thông tin độc quyền về OPIM.
Xin chào anh Alvin Yun và OPIM Digital. Rất hân hạnh khi được mọi người dành thời gian tham gia thực hiện buổi phỏng vấn này.
Với mục đích tạo điều kiện cho các bạn trẻ được biết đến những đơn vị thực hiện hậu kỳ cho nhiều dự án quốc tế tại Việt Nam. Đồng thời mang đến những góc nhìn đa chiều về ngành từ các anh chị là Giám đốc/Supervisor/Artist đang làm việc tại các Studio, tôi xin phép cùng OPIM khai thác sâu hơn những câu chuyện về ngành, về dự án và về định hướng phát triển của OPIM.
Xin mời anh Alvin Yun giới thiệu đôi nét về OPIM.
Alvin Yun:
OPIM Digital là công ty chuyên thực hiện giai đoạn xử lý hậu kỳ về VFX cho Phim, TVC, MV và các chương trình truyền hình của Hàn Quốc, Trung Quốc.
OPIM Digital nhận thấy tiềm năng lớn từ nguồn nhân lực tại Việt Nam nên từ năm 2019, OPIM đã được thành lập và đi vào hoạt động chính thức tại TP.HCM. Sau đó, OPIM mở rộng thị trường tại Hàn Quốc. Chỉ sau gần 3 năm hoạt động, những dự án lớn của Hàn Quốc, Trung Quốc được công chiếu trên Netflix, SBS, MBC,… như Hellbound, Squid Game, Sweet Home, Kingdom 2, Itaewon Class, Crash Landing on You, My Holo Love, Hi Bye! Mama,… Đặc biệt, những dự án kể trên đều do nguồn nhân lực Việt Nam thực hiện.
Không chỉ tham gia thực hiện dự án, OPIM còn mong muốn tạo dựng cộng đồng người trẻ Việt đam mê kỹ xảo, ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến của Nuke vào kỹ xảo. Đều đặn hàng tháng OPIM đăng tải các video hướng dẫn thực hành.
>>> Link youtube: tại đây
Công ty đã có những thành công nhất định với nhiều phim như Sweet Home, Squid Game, Itaewon Class,… và gần đây nhất là bộ phim Hellbound. Cơ duyên nào đã đưa công ty đến với những dự án lớn như vậy?
OPIM Digital:
Hầu hết đối với các dự án lớn, các công ty CG thường hợp tác cùng nhau để làm việc. Đội ngũ chủ chốt của OPIM Digital đã từng có khoảng thời gian làm việc lâu dài trong lĩnh vực hậu kì và tham gia quay phim tại trường quay. Do đó, chúng tôi có mối quan hệ rộng rãi với những công ty VFX tại Hàn nên từ lúc thành lập, phía công ty đã nhận được sự tín nhiệm để đảm nhận nhiều dự án khác nhau.
Cũng đã có nhiều phóng viên liên hệ để phỏng vấn anh về Squid Game, tuy nhiên, tôi chưa thấy anh tiết lộ về công đoạn được xem là “khó nhằn” nhất trong quá trình xử lý VFX cho Squid Game. Anh có thể hé lộ cho độc giả VFX-Animation được không?
Alvin Yun:
Đối với Squid Game, chúng tôi chỉ tham gia vào phân đoạn Prep là remove và Roto một số phân cảnh. Tuy nhiên nếu nhìn về khía cạnh làm hậu kỳ, việc thay đổi phông nền sang màu đen là một trong những phân đoạn khó khăn. Bởi vì vốn dĩ bản quay là tone màu sáng nên khi thay đổi sang tone màu tối sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc lấy lại các chi tiết cho nhân vật như tóc chẳng hạn.
Tôi xin chia sẻ thêm với các bạn nhiệm vụ Prep và Compositing do OPIM đảm nhận cụ thể là gì.
Prep trong VFX là công việc “dọn sạch” những chi tiết không cần thiết trong một cảnh quay, có thể là vết bẩn, tên nhãn hàng, cột điện, cây cối, đồ vật,… Đối với công việc Prep, yêu cầu các Artist phải rất kỹ tính, kiên nhẫn, nhạy bén trong việc quan sát và sử dụng thành thạo các công cụ phần mềm.
Compositing được xem là giai đoạn cuối trong quy trình VFX. Quá trình “compositing” là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau để làm cho vật thể, bối cảnh hoặc đám đông tập trung vào cùng một khung cảnh, mà điều này sẽ khó hoặc không thể thực hiện được trong thực tế. Các Compositor sẽ dùng những source quay, hình ảnh, hiệu ứng (cháy nổ, khói lửa,…),… ghép vào những cảnh quay trên phông nền xanh để tạo nên một cảnh quay hoàn chỉnh. Compositor là những người có sự am hiểu về nhiếp ảnh, góc máy, ánh sáng,… và sử dụng thành thạo phần mềm để biến hóa sản phẩm trông chân thực nhất.
Yến Nhi và Trung Kiên là hai trong số nhiều bạn trẻ 9x – 10x thuộc đội ngũ Artist chủ chốt của OPIM Digital. (Nguồn ảnh: MAAC Vietnam)
Vậy kỹ năng nào quan trọng nhất để trở thành một VFX Artist?
OPIM Digital:
Trước hết, so với việc xem xét về kỹ năng thì bản thân bạn có thực sự thích công việc VFX không là điều vô cùng quan trọng. Dù có kĩ năng và thực lực tốt đến đâu nhưng nếu chỉ làm để nhận lương thì không thể làm lâu dài được. Bởi vì đây là công việc cần sự tập trung và yêu thích với nghề. Tiếp theo, việc thông thạo phần mềm Nuke cũng là một kỹ năng cần có của Artist.
Những dự án phim nào mang đến nhiều thử thách cũng như sự ấn tượng nhất từ ngày thành lập công ty? OPIM có thể chia sẻ thêm về những dự án này?
Alvin Yun:
Trước khi có được dự án ấn tượng nhất, chúng tôi cũng đã từng trải qua nhiều thử thách và khó khăn trong giai đoạn khởi đầu.
Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng sẽ làm những công việc đơn giản như “roto”. Nhưng tôi nhận ra, thật khó để cạnh tranh với các công ty đã tồn tại trước đó ở Ấn Độ và tôi quyết định công ty sẽ đánh mạnh vào mảng “compositing” hay còn gọi là tổng hợp.
Giai đoạn đầu thành lập công ty, việc tìm kiếm Artist khá khó khăn vì đây là ngành nghề còn mới tại Việt Nam. Vì thế, chúng tôi quyết định lựa chọn những nhân viên có hứng thú và niềm yêu thích VFX. Chúng tôi dành 3 tháng để đào tạo cho nhân viên những kiến thức cơ bản cũng như việc sử dụng phần mềm Nuke. Hơn 60% trong số nhân viên đã tuyển dụng nghỉ việc trong vòng giai đoạn Intern (Thực tập) và 40% nhân viên còn lại tiếp tục đồng hành với công ty cho đến thời điểm hiện tại. Chúng tôi cảm thấy biết ơn họ rất nhiều vì đã gắn bó và đồng hành cùng công ty.
Và dự án để lại ấn tượng sâu sắc với OPIM có lẽ là phim Crash Landing on You (Hạ cánh nơi anh). Với bộ phim này, chúng tôi đảm nhiệm khối lượng công việc khá lớn, thời gian thực hiện cũng khá gấp rút do phải tuân theo tiến độ chiếu mỗi tuần của nhà đài. Tuy nhiên, các thành viên OPIM đã rất nỗ lực và cố gắng để dự án hoàn thành một cách tốt nhất có thể, đúng với thời hạn.
Hạ cánh nơi anh là một trong những phim truyền hình Hàn Quốc để lại khá nhiều ấn tượng với khán giả châu Á. Có giai đoạn tại Việt Nam, đi đâu cũng có người nhắc đến phim, nhắc đến những câu thoại đáng suy ngẫm về tình yêu và đặc biệt là những hình ảnh của phim rất chân thật. Đây là sự thành công của kỹ xảo khi khiến khán giả nhận ra đó không phải là kỹ xảo. Chúc mừng OPIM.
Vì sao mục tiêu thị trường của công ty là Hàn Quốc và Trung Quốc? Điều gì khiến OPIM cảm thấy thị trường này tiềm năng?
OPIM Digital:
Thị trường mục tiêu của chúng tôi là Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện tại công ty đang hoạt động tại thị trường Việt Nam nên chúng tôi đang cân nhắc về việc tham gia vào phim truyền hình hoặc điện ảnh Việt Nam trong tương lai.
Lý do chúng tôi tập trung vào thị trường Hàn Quốc là bởi vì nội dung của phim Hàn độc đáo và chiếm lĩnh thị trường Châu Á trong vài năm trở lại đây và các tác phẩm của nhiều công ty OTT* ở nước ngoài đầu tư sản xuất tại Hàn Quốc vì thế hàn quốc trở thành thị trường có nhiều cơ hội và tiềm năng.
*OTT (Over-The-Top): là thuật ngữ chỉ các ứng dụng và các nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet và không một nhà cung cấp hoặc bất kỳ cơ quan nào có thể can thiệp vào. (Theo Wikipedia)
Trong thị trường VFX sôi động, nhiều tiềm năng nhưng cũng cực kỳ cạnh tranh. Làm thế nào để công ty đánh giá đúng thị hiếu trong ngành cũng như cập nhật xu hướng và công nghệ VFX mới nhất?
OPIM Digital:
Công nghệ VFX được tiên phong bởi các công ty VFX toàn cầu và những nhà sản xuất phần mềm đồ họa. Bởi vì công ty chúng tôi vẫn đang là một công ty nhỏ, còn đang phải cố gắng để hoạt động một cách tích cực, hiệu quả, tối ưu hóa. Ý nghĩa của cái tên OPIM chính là OPtimization (Tối ưu hóa) và sIMplification (Đơn giản hóa). Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu nhiều về cách để có thể cho ra mắt những sản phẩm VFX chất lượng cao cùng với những cách thức để tạo ra các sản phẩm một cách hiệu quả hơn. Thông qua việc đó, công ty chúng tôi có thể duy trì được ngành dịch vụ VFX cùng với sự phân hóa ngành này.
Yếu tố và giá trị làm nên khác biệt, cũng như thế mạnh của công ty trên thị trường hiện nay là gì?
OPIM Digital:
Với việc mở rộng thị trường OTT ra toàn thế giới như việc chế tác những bộ phim drama hàng tuần, hoặc những show theo season thì những công việc VFX càng ngày càng nhiều và thật sự cần thiết. Tôi nghĩ rằng điểm mạnh của công ty chúng tôi chính là có thể sắp xếp được số lượng lớn công việc theo khoảng thời gian ngắn và theo kịp tiến trình. Đồng thời, thích ứng nhanh khi có những thứ cần thay đổi, cũng như đội ngũ quản lý biết tiếng Hàn để có thể giao tiếp với khách hàng một cách thuận lợi.
Với nhà sản xuất là người Hàn, còn đội ngũ nhân sự lại là người Việt. Lợi thế và khó khăn của các Artist Việt Nam khi làm việc với công ty và với nhà sản xuất Hàn Quốc là gì?
OPIM Digital:
Thời gian đầu việc vất vả nhất có lẽ là vấn đề về giao tiếp. Dù đã tuyển những quản lý thông dịch tiếng Hàn, tuy nhiên, vẫn phải học lại những từ ngữ chuyên ngành về VFX. Vì thế, để có thể giúp cho đội ngũ quản lý hiểu được những yêu cầu đặc biệt chỉ được sử dụng ở Hàn Quốc cũng tốn rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, dần dần theo thời gian, đội ngũ quản lý của công ty đã tích góp được nhiều kinh nghiệm hơn và điểm yếu này đã trở thành điểm mạnh. Hiện tại, đội ngũ quản lý của công ty đang nắm chính những dự án khác nhau và trò chuyện trực tiếp với khách hàng Hàn Quốc. Còn với các Artist Việt, khi tuyển dụng chúng tôi đặt trọng tâm niềm đam mê, sự ham học hỏi cùng với đức tính cần mẫn, siêng năng nên chúng tôi không quá lo lắng hay gặp khó khăn gì.
Tôi may mắn được gặp và trò chuyện với OPIM vào khoảng cuối năm 2020, khi ấy OPIM được hơn 1 năm. Đến hiện tại, OPIM đã có bước phát triển rất nhanh chóng, được người trong ngành biết đến nhiều hơn. Vậy với cuộc đua trong thị trường VFX ngày càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết ở thị trường Châu Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng, OPIM Digital sẽ định vị mình như thế nào trong thời gian sắp tới?
OPIM Digital:
Chúng tôi dự định sẽ phát triển mạnh mẽ hơn về mảng Compositing mà đội ngũ đang thực hiện. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn để hợp tác với nhiều studio sản xuất ở Việt Nam.
Đại diện OPIM Digital đến thăm Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC – đơn vị đào tạo ngành Kỹ xảo điện ảnh tọa lạc tạ TP.HCM.
Có những khó khăn và thuận lợi nào giữa thị trường Việt Nam và nước ngoài? Và công ty nhận định gì về tiềm năng phát triển VFX của thị trường Việt Nam trong tương lai gần?
OPIM Digital:
Ưu điểm của thị trường Việt Nam là nguồn nhân lực dồi dào, có kiến thức phong phú. So với các nước Đông Nam Á, cơ sở hạ tầng và an ninh tại đây cũng là một ưu điểm không thể bỏ qua. Vì dữ liệu gốc từ Netflix khá nặng nên trong quá trình truyền tải dữ liệu có một chút khó khăn. Tuy nhiên, đội ngũ OPIM không ngừng tìm kiếm phương thức mới để nâng cao hiệu quả làm việc mỗi ngày. Thật khó để nói chính xác được tình hình, tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ là trở thị trường phim ảnh phát triển trong tương lai bởi thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng tại đây.
Rất cảm ơn anh Alvin Yun và OPIM Digital đã tham gia buổi phỏng vấn và chia sẻ với chúng tôi những điều này. Trên cương vị là người đồng hành với cộng đồng kết nối các bạn trẻ cùng những Studio trong ngành, tôi hy vọng rằng OPIM sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tìm kiếm được nhiều nhân sự chất lượng cho mình.
Rất mong rằng một dịp gần nhất chúng ta sẽ được gặp nhau trong một buổi hội thảo trực tuyến để được trò chuyện nhiều hơn nữa.
———–
Series Studio Tour
Series Studio Tour là chuỗi bài phỏng vấn với các anh/chị là Giám đốc/Supervisor/Artist đang làm việc tại các Studio trong ngành VFX – Animation – Game. Thông qua những góc nhìn từ người làm nghề thực tế, các bạn trẻ sẽ có thêm nguồn tiếp nhận thông tin về ngành khách quan và hữu ích.
Chương trình được thực hiện bởi đội ngũ Ban biên tập trang cộng đồng VFX-Animation và các Studio. Nội dung bài viết thuộc quyền sở hữu của VFX-Animation.com và Studio tham gia.