vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Thierry Nguyễn
speaker_info

About The Speaker

Thierry Nguyễn

Thierry Nguyễn là một trong hai nhà đồng sáng lập của Bad Clay Studio - đơn vị có uy tín trong các dự án 3D, Kỹ xảo điện ảnh tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2003 tại đại học danh giá Supinfocom của Pháp, anh đã làm việc tại Buff Compagnie Studio với vai trò Supervisor, thiết kế concept… Anh cũng từng có thời gian làm việc tại London cho một Studio chuyên về kỹ xảo điện ảnh – Double Negative. Anh từng tham gia vào nhiều dự án với đa dạng vị trí: VFX Supervisor cho các phim điện ảnh Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua, Hai Phượng, Mắt biếc, Chị chị em em, Song Song, Sweet Home, The Yin Yang Master,...; Concept Art/Sculptor cho các phim Pokemon Detective Pikachu, Thor, The Extraordinary Adventures of Adèle Blanc-Sec, Cinderella,...

Đôi nét về anh và Bad Clay Studio mà mọi người ít được biết đến qua các kênh báo chí, truyền hình? 

Mình là người Pháp gốc Việt và hiện đang là Giám đốc Bad Clay Studio được khoảng 8 năm. Mình làm ở châu Âu gần 10 năm trước khi quyết định về Việt Nam. Lúc ở châu Âu, mình nhận thấy thị trường Việt Nam chưa có công ty nào lớn về VFX nên mình quyết định quay về về Việt Nam để tìm hiểu thị trường như thế nào? 

Vào năm 2012, chỉ có khoảng 5 phim Việt Nam chiếu ở rạp, các thể loại phim cũng chưa sử dụng nhiều kỹ xảo nhưng có rất nhiều nét đặc trưng riêng và mỗi năm số lượng phim Việt cũng đang tăng lên. Đó là lý do mình thấy đã đúng thời điểm để mở công ty. 

Bằng kinh nghiệm của bản thân, mình mong muốn có thể đóng góp vào việc tăng chất lượng kỹ xảo cho nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Mỗi năm mình sẽ tiến từng bước cùng ngành. Ví dụ: phim đầu mình tham gia 10 shots VFX sau đó dần dần tăng lên. Đến bây giờ, Trạng Tí Phiêu Lưu Ký đã có gần 1000 shots VFX. 

Đối với Bad Clay Studio, khâu nào là quan trọng nhất trong quy trình làm kỹ xảo? 

Đối với Bad Clay Studio, bước đầu tiên và quan trọng nhất là việc xây dựng team và tin tưởng team có thể sản xuất, quản lý dự án tốt nhất có thể. Vì nếu không được tin tưởng thì các Artist trong công ty và freelancers không dám nhận dự án lớn như Trạng Tí Phiêu Lưu Ký. 

Trong dự án phim Trạng Tí, Bad Clay đã tham gia từ những bước đầu bàn về kịch bản. Mình phải lên kế hoạch ngay từ đầu, đọc kịch bản và hỏi đạo diễn ý tưởng của từng phân cảnh như thế nào, lên storyboard, lên file preview bằng 3D cơ bản để tạo camera và biết các phân cảnh quay như thế nào. Sau đó mình sẽ xây dựng trên phim trường thực tế.

Vai trò giữa đạo diễn với đội ngũ VFX hiện nay đã phối hợp ăn ý với nhau chưa? 

Khi làm phim với đạo diễn Việt Nam sẽ có rất nhiều câu chuyện khác nhau vì có một số đạo diễn đã rành về kỹ xảo, cũng có đạo diễn chưa biết. Chính vì vậy, mục tiêu cuối cùng Bad Clay hướng tới là giúp đạo diễn tạo ý tưởng trong đầu để lúc ra phim sẽ gần đúng với ý tưởng ban đầu. 

Ví dụ, có đạo diễn sẽ biết mình muốn làm gì với phim đó và họ cho mình nhiều reference (tài liệu tham khảo) xem trước. Có đạo diễn thì chưa biết phải bắt đầu từ đâu nên mình có những cuộc họp thêm để nói chuyện với nhau, để hiểu rõ hơn ý tưởng của đạo diễn. 

Trong các thể loại phim hành động, dã sử, cổ tích, huyền ảo anh thấy cái nào khó và thử thách nhất đối với mình? Bad Clay Studio theo đuổi phong cách nào? 

Mỗi thể loại phim Việt Nam đều có nhiều khó khăn và thử thách ở nhiều khía cạnh khác nhau. Không có thể loại này sẽ dễ hơn thể loại khác. 

Ví dụ: đối với thể loại phim drama cũng có thể sử dụng kỹ xảo vào những phân cảnh rất đỗi thường ngày và khó để người xem nhận thấy được đó là kỹ xảo. Điều này khá khó vì mình phải làm CGI siêu thực, người xem không để ý. Cụ thể, trong phim Mắt Biếc, lúc quay không phải mùa sim nên mình phải tạo lại rừng sim bằng CGI và phải làm sao cho thật tự nhiên. Tuy nhiên, cũng pha thêm chút ảo để những cảnh quay trông thơ mộng, đẹp hơn so với thực tế. 

Những thể loại khác như hành động, dã sử cũng có khó khăn về việc tái hiện khung cảnh xưa. Chẳng hạn, mình nhận dự án làm phim về 100 năm trước, đa số cảnh trong phim không thể quay được vì thời gian đã thay đổi rất nhiều. Chính vì vậy, mình phải làm lại bằng CGI. Một điều khó nữa là sẽ không có reference để làm lại tương tự mà phải tưởng tượng và làm sao cho giống như lúc đó nhất. Bad Clay khá nổi tiếng về kỹ xảo chân thực, làm những phân cảnh ít người để ý. Tính đến nay đã có hơn 30 phim Việt có sự tham gia của Bad Clay như Mắt Biếc, Người bất tử, Hai Phượng, Chị chị em em, Song Song,…  

Thể loại hiện tại mình thấy khó nhất là kiểu Fantasy. Vì thể loại này cần phải làm CGI/3D/VFX từ A – Z. Trong phim Trạng Tí, phân cảnh cuối trong phim phải quay hoàn toàn trong phông xanh. 

Những thách thức Bad Clay gặp phải khi làm phim Trạng Tí Phiêu Lưu Ký là gì? 

Đối với Trạng Tí, đây là lần đầu tiên mình nhận kịch bản thể loại Fantasy ở Việt Nam. Phim này phải có hơn 1000 shots VFX và như đã chia sẻ thì phân cảnh cuối phim quay hoàn toàn trong phông xanh với hơn 20 phút full CGI, chỉ có diễn viên là người thật. 

Khó khăn với phim Trạng Tí là số lượng shot VFX rất nhiều. Mình phải tạo nhiều asset bằng 3D như nhân vật các vị thần và cả môi trường đều hoàn toàn bằng CGI. Tổng thời gian thực hiện phim kéo dài hơn 1 năm. 

Một phần khó không kém chính là phần Pre-Production. Chúng ta phải thực sự rất kỹ trong khâu này vì nó sẽ ảnh hưởng đến lúc mình quay phim trên phim trường thực tế. Nếu xảy ra sai sót sẽ bị đội chi phí. Sau khi quay xong mình phải chuẩn bị kỹ càng các source quay để bắt đầu khâu xử lý hậu kỳ. Một câu mình hay nghe lúc làm phim đó là “fix it in post”, nghĩa là mình sẽ sửa sau khi quay xong. Nhưng phương pháp này sẽ gây khó cho chính mình và tiêu tốn chi phí cao hơn. Chính vì thế, Bad Clay chọn phương án chuẩn bị tốt nhất và đầy đủ nhất để không gặp trường hợp “fix it in post”.

Đặc biệt với Trạng Tí có hai phân cảnh lớn trong phim rất nặng, không có thật và không có ở Việt Nam. Thực chất thì phân cảnh đó cũng có ở Việt Nam nhưng không thể quay thực tế được mà phải tạo lại bằng CGI. Vì đối tượng chính của phim là trẻ em nên sau khi tạo ra phân cảnh đó xong, Bad Clay phải làm cho nó đẹp hơn thực và pha chút ảo vào. Có thể đối với nhiều người khi xem cảm nhận không có thực lắm nhưng định hướng của mình là làm cho cảnh ra chất fantasy. 

Trong hai phân cảnh mình chia sẻ có 3 nhân vật đặc biệt xuất hiện. Một ông thần ác, một ông thần thiện và một ông thần hổ. Đây là 3 nhân vật mình thấy rất thú vị vì mình làm các nhân vật vừa giống thực vừa dễ thương, vừa kiểu hơi đáng sợ một xíu để lúc đầu phim người xem sẽ không biết nhân vật này là người tốt hay người xấu.

Anh đánh giá thị trường VFX Việt Nam hiện nay như thế nào?

Vào năm 2013, lúc vừa thành lập Bad Clay Studio mình thấy chỉ có một công ty lớn nhất về VFX ở Việt Nam là CYCLO. Thời điểm hiện tại đã xuất hiện thêm rất nhiều công ty VFX. Điều này chứng tỏ ngành công nghiệp VFX ở Việt Nam đang phát triển ngày càng lớn mạnh. 

Mỗi năm sẽ có rất nhiều phim được sản xuất. Chắc chắn rằng không thể một hay hai công ty sẽ làm được hết nên công việc sẽ được phân chia thành nhiều phần nhỏ cho nhiều công ty cùng tham gia. Khi mình còn làm ở châu Âu, mình thấy cách họ hợp tác với nhau để làm việc đã mang lại kết quả rất tốt và hiệu quả. Ví dụ, một phim Hollywood sẽ có hơn 1000 shot VFX. Thông thường, mỗi công ty chỉ có nhận 300 shot và họ chia một bộ phim cho 3 công ty cùng thực hiện. Ở Việt Nam, chúng ta chưa quen với cách làm này nên lúc gia nhập vào thị trường này mình rất muốn kết hợp với nhiều công ty VFX cùng tham gia.  Nếu các công ty vẫn làm riêng lẻ, chúng ta sẽ không thể tạo được cộng đồng lớn mạnh mà cứ yếu dần theo thời gian. Nếu chúng ta hợp tác chặt chẽ và ăn ý với nhau thì ngành công nghiệp VFX ở Việt Nam chắc chắn sẽ mạnh hơn, chất lượng hơn và có thể nhận nhiều dự án phim quốc tế. 

Anh có đôi lời gửi đến các bạn trẻ Việt Nam – nguồn nhân lực tiềm năng của ngành? 

Mỗi năm số lượng phim sử dụng VFX ngày càng tăng cao nên các công ty sẽ cần phải tìm kiếm VFX Artist rất nhiều. Bản thân Bad Clay Studio cũng sẽ rất cần đến các bạn học viên đang học 3D và VFX dám dấn thân vào ngành để lan tỏa đến nhiều người biết đến ngành học vốn rất tiềm năng này. 

Nếu các bạn trẻ đang phải lựa chọn giữa nghề kế toán, giáo viên, bác sĩ,… (gia đình định hướng) và nghề VFX (bản thân mong muốn theo đuổi) thì gia đình các bạn sẽ không phải lo lắng ngành VFX không có tương lai nữa. 

Hiện tại, phim VFX ở Việt Nam còn ít, mình tận dụng những dự án ở nước ngoài để cọ xát. Không chỉ trong phim truyền hình, phim điện ảnh mà VFX còn có trong video game, TVC, MV,… nên sẽ có rất nhiều dự án để tham gia. Ngành VFX vốn rất rộng lớn và vô cùng thú vị vì mình liên tục được làm nhiều dự án với nhiều thể loại khác nhau. 

Được biết Bad Clay Studio có mối quan hệ khá chặt chẽ với Học viện Kỹ xảo điện ảnh và Hoạt hình MAAC. Cơ duyên nào anh biết đến MAAC và Bad Clay có những dự định nào hợp tác cùng MAAC trong thời gian sắp tới?  

Năm 2012, lúc mình vừa về Việt Nam thì có rất ít trường dạy về VFX. Bản thân mình cũng mong muốn giúp các trường học phát triển mạnh hơn về ngành VFX thông qua nhiều hình thức như tổ chức Masterclass (Lớp học nâng cao) hay các buổi Conference (Hội nghị). 

Mình có chủ động liên hệ với rất nhiều trường, đặc biệt MAAC là ngôi trường luôn sẵn sàng đồng hành và tham gia tổ chức những chương trình mình đề xuất. Cách đây 2 năm mình tổ chức Masterclass về Animation với một người bạn tên là Samy Fecih. Nhân cơ hội Samy Fecih từ nước ngoài sang Việt Nam du lịch, mình rủ bạn tổ chức Master class cho các bạn học viên. 

Ở tương lai, mình mong muốn sau khi dịch covid ổn định sẽ mời thêm nhiều người bạn ở nước ngoài về tham gia các lớp học, hội nghị chuyên ngành. Trong 10 năm làm việc tại châu Âu, mình quen rất nhiều người tài giỏi, đồng nghiệp làm chung hiện giờ có bạn đang làm VFX Supervisor của Marvel, The Lion King, hay các phim hoạt hình của Pháp. Họ có thể chia sẻ nhiều điều thú vị về nghề, cách làm việc hiệu quả. Khi có dịp mình sẽ tiếp tục đến MAAC để chia sẻ những Case Study chuyên sâu với các bạn học viên. 

Cám ơn những chia sẻ chi tiết và đầy nhiệt huyết của anh Thierry Nguyễn. Chúng anh và Bad Clay Studio sẽ ngày càng lớn mạnh.  

 

MỘT SỐ BÀI PHỎNG VẤN KHÁC:
  • Bài phỏng vấn chị Đặng Thị Mỹ Phượng: tại đây
  • Bài phỏng vấn anh Nguyễn Minh Nhật: tại đây