6 bài tập giúp bạn nâng trình chỉnh sửa video
Nếu bạn đam mê chỉnh sửa video và mong muốn được cải thiện kỹ năng của mình thì 6 bài tập dưới đây sẽ giúp bạn nâng cao trình độ xử lý video và khiến cho các dự án của bạn ngày càng rút ngắn thời gian thực hiện hơn.
6 phương pháp dưới đây được tổng hợp bởi trang web Videomaker, nền tảng chuyên cung cấp hướng dẫn để giúp các nhà sáng tạo quay dựng và chỉnh sửa video chuyên nghiệp hơn. Dù bạn là một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm đang tìm cách tinh chỉnh kỹ thuật của mình hay là một người mới bắt đầu có mong muốn nâng cao khả năng quay dựng – chỉnh sửa video nói chung thì những bài tập sau đây đều có thể giúp bạn nâng tốc độ làm video của mình lên một tầm cao mới, từ đó giúp bạn thực hiện ngày càng nhiều dự án và tăng thu nhập cho mình hơn.
Nguồn ảnh: U.S. Chamber of Commerce
Bài tập 1: Luyện tập sử dụng phím tắt
Cách nhanh nhất để tiết kiệm thời gian chỉnh sửa video là sử dụng các phím tắt trong phần mềm mà bạn đang làm việc. Việc học các phím tắt này cho phép bạn hoàn thành tác vụ chỉ trong hai hoặc ba lần nhấp chuột, và nếu trong công đoạn chỉnh sửa, bạn càng thực hiện ít bước hơn thì càng dễ kiểm soát quá trình chỉnh sửa video của mình hơn.
Bước 1: Tìm các phím tắt trong phần mềm của bạn: Dù là Avid, Final Cut Pro, Premiere Pro hay DaVinci Resolve thì mỗi phần mềm đều có cho mình những tổ hợp phím tắt riêng. Một số chương trình thậm chí còn cho phép bạn nhập phím tắt từ những chương trình khác vào nó để sử dụng. Chẳng hạn, nếu bạn đã học cách chỉnh sửa trên Final Cut và đang chuyển sang sử dụng Premiere thì bạn hoàn toàn có thể nhập các phím tắt của Final Cut vào trong Premiere Pro để thao tác như thường.
Bước 2: Tạo bảng tổng hợp các phím tắt: Nếu không thể nhớ hết mọi thao tác, bạn có thể ghi chú lại các tổ hợp phím của phần mềm mà bạn sử dụng vào trong một file hoặc cuốn sổ, và đặt mục tiêu thành thạo một số phím tắt trong mỗi tuần bằng cách liên tục luyện tập sử dụng chúng trong quá trình chỉnh sửa video. Hoặc bạn cũng có thể đăng ký nhận bảng tổng hợp các phím tắt có trong mỗi phần mềm chỉnh sửa do Videomaker cung cấp để tiết kiệm thời gian tìm kiếm của mình.
Nguồn ảnh: My View Board
Các phím Cắt (Cut), Lưu (Save) và Cắt lọc (Trim) thường là những phím bạn sử dụng nhiều nhất trong phần mềm, vì vậy hãy dành thời gian làm quen với những phím này trước tiên. Mọi thứ đều cần bạn rèn luyện từ từ và nếu lặp lại thao tác đủ nhiều, bạn sẽ hình thành phản xạ khi sử dụng chúng và bắt đầu chỉnh sửa video một cách điêu luyện hơn.
Lưu ý: Bạn không chỉ cần biết các phím tắt thường sử dụng mà còn phải hiểu được cách hoàn tác một số hiệu ứng nhất định trong lúc chỉnh sửa. Với vô số tổ hợp phím tắt, bạn chắc chắn sẽ không ít lần nhấp vào một phần nào đó và lỡ tay xóa đi nội dung mà bạn muốn trích xuất. Do vậy, việc biết cách hoàn tác chỉnh sửa cũng quan trọng như việc áp dụng các phím chỉnh sửa. Hãy tìm hiểu kỹ hơn về điều này.
Bước bổ sung: Tạo các phím tắt và tổ hợp phím của riêng bạn: Nếu bạn muốn có một trải nghiệm chỉnh sửa mang tính cá nhân hơn thì bạn có thể tùy chỉnh các phím tắt trong phần cài đặt bàn phím của phần mềm. Ở đó, bạn hãy nhập các thao tác chỉnh sửa của mình tương ứng với các phím hoặc tổ hợp phím khác nhau và lưu lại cài đặt. Sau đó, bạn đã có thể tha hồ sử dụng chúng bất kỳ lúc nào trong công đoạn chỉnh sửa video của mình.
Nguồn ảnh: Customary – Custom Stickers
Bài tập 2: Khám phá phần mềm và các công cụ của nó
Để trở thành một người chỉnh sửa video nhanh hơn không chỉ đòi hỏi bạn trau dồi thêm kỹ thuật của mình mà còn phải làm quen với các phần mềm bạn sử dụng và những công cụ có trong phần mềm đó. Cùng một tác vụ mà bạn muốn thực hiện, mỗi phần mềm chỉnh sửa đều sẽ mang đến những cách tiếp cận riêng, do đó điều quan trọng là bạn phải biết chính xác mọi thứ nằm ở đâu để chỉnh sửa video sao cho mượt mà nhất có thể.
Bước 1: Nghiên cứu bảng chọn: Hãy dành thời gian để xem qua tất cả các menu trong phần mềm chỉnh sửa của bạn vì chúng có chứa rất nhiều tính năng và tùy chọn ẩn cho phép người dùng thăng hạng đáng kể quy trình sản xuất video của mình. Bạn có thể khám phá các hiệu ứng chuyên biệt, công cụ chỉnh sửa nâng cao và thậm chí cả các cài đặt trích xuất hữu ích để giúp gia tăng tốc độ chỉnh sửa của mình.
Bước 2: Thử nghiệm các công cụ: Thay vì chỉ tìm hiểu lý thuyết, bạn hãy thử kiểm tra từng công cụ khác nhau trong phần mềm để xem chúng có thể làm được gì. Có rất nhiều hiệu ứng tiềm năng nhưng đa số người dùng lại quá lười để khám phá hết được chúng. Mặc dù có một số công cụ mà bạn chỉ thực hiện khoảng một, hai lần và sẽ không bao giờ sử dụng lại lần nữa, nhưng việc biết rõ hiệu ứng nào nằm ở đâu trong phần mềm vẫn giúp bạn tiết kiệm thời gian chỉnh sửa về lâu dài, và hơn cả thế, bạn sẽ không phải xem lại các hướng dẫn chỉnh sửa video tương tự để tìm ra hiệu ứng cụ thể mà mình muốn.
Nguồn ảnh: Premiere Pro
Bài tập 3: Tái hiện một cảnh phim
Tái hiện cảnh quay từ một bộ phim bất kỳ là cách tuyệt vời để giúp bạn thực hành chỉnh sửa video bằng nhiều kỹ thuật khác nhau. Điều này không chỉ thách thức bạn tìm ra cách làm việc hiệu quả mà còn giúp bạn từ từ nắm được nhịp độ, phong cách và cảm xúc có trong cảnh quay ban đầu.
Trước khi đi vào phương pháp này, hãy chọn cho mình một cảnh quay trong phim mà bạn muốn thử tái hiện hoặc chỉnh sửa lại mọi thứ từ đầu.
Bước 1: Phân tích cảnh quay gốc: Bắt đầu bằng cách xem cảnh quay bạn muốn tái tạo. Sau đó, chú ý đến cấu trúc, góc quay, cách chuyển cảnh và nhịp độ của toàn bộ phân cảnh đó. Cuối cùng, bạn sẽ cần ghi chú lại những yếu tố chính làm nên sự ấn tượng trong cảnh quay vừa xem.
Nguồn ảnh: Avid
Bước 2: Thu thập asset: Thu thập tất cả các asset (tạm dịch: nội dung) mà bạn cần có để tái tạo cảnh quay này. Đó có thể bao gồm một đoạn video thô, clip âm thanh, nhạc nền, hiệu ứng âm thanh và bất kỳ đồ họa hoặc hiệu ứng hình ảnh cần thiết nào khác. Bạn có thể tự tạo ra những nội dung này hoặc tìm đến các trang web cung cấp âm thanh và cảnh quay có sẵn để mua lại và luyện tập chỉnh sửa. Bạn cũng có thể tìm kiếm các cảnh quay thô trong bộ sưu tập video có sẵn TẠI ĐÂY.
Mẹo hay cho bạn: Hãy sắp xếp mọi thứ có tổ chức. Sau khi tải về những nội dung cần thiết cho video của mình, bạn nên dành thời gian bỏ chúng vào các thư mục để biết chính xác mọi thứ bạn cần ở đâu trong lúc chỉnh sửa. Việc phân loại và sắp xếp nội dung từ đầu sẽ hỗ trợ quá trình chỉnh sửa của bạn một cách hiệu quả hơn.
Bước 3: Bắt tay vào chỉnh sửa: Hãy bắt đầu chu trình tái tạo cảnh quay bằng cách căn chỉnh video của bạn sao cho khớp với thời gian và nhịp độ trong cảnh quay gốc, rồi sử dụng các đoạn cắt, chuyển cảnh và hiệu ứng tương tự với những gì thể hiện trong cảnh quay ban đầu. Đến bước chỉnh sửa, bạn có thể sử dụng các phím tắt đã học để đẩy nhanh tiến độ công việc của mình. Bạn càng thực hiện phương pháp này nhiều, bạn sẽ càng luyện tập được trí nhớ cơ bắp của mình về các vị trí phím trong công đoạn xử lý video.
Nguồn ảnh: Descript
Bài tập 4: Chỉnh sửa theo nhạc
Âm nhạc luôn đóng vai trò quan trọng trong khâu biên tập. Một bài hát hoàn hảo sẽ giúp gợi lên cảm xúc nhất định, tạo ra nhịp điệu phù hợp và góp phần nâng cấp câu chuyện của bạn hơn. Đó là lý do vì sao việc biết cách chỉnh sửa theo nhạc lại quan trọng đối với một Editor như vậy. Ở bài tập này, bạn chỉ cần lấy một đoạn nhạc và cắt ra một loạt các clip ngẫu nhiên sao cho khớp với nền nhạc đó. Phương pháp này có thể giúp bạn cải thiện khả năng nắm bắt nhịp độ trong quá trình chỉnh sửa của mình.
Bước 1: Chọn một bản nhạc: Chọn một bài hát mà bạn yêu thích hoặc một bài hát khiến bạn không ngừng tưởng tượng về những hình ảnh đi kèm trên nền nhạc đó. Công đoạn này sẽ cần bạn nghe đi nghe lại rất nhiều lần, do đó, nếu phải nghe hoài một bản nhạc trong lúc chỉnh sửa thì việc nghe bài mà bạn đang nghiện cũng đỡ hơn là nghe những bài hát hoàn toàn không đúng gu.
Bước 2: Cắt các clip ngẫu nhiên theo nhịp nhạc: Bạn có thể chọn nhiều video ngẫu nhiên có sẵn trên mạng hoặc tự quay bằng điện thoại trong lúc đi chơi với bạn bè. Sau khi các cảnh thô và phần nhạc của bạn cùng ăn khớp với thời lượng quay, hãy bắt đầu chỉnh sửa các đoạn clip đi theo tiếng beat của nhạc, đặc biệt nhấn mạnh vào những khoảnh khắc quan trọng trong cảnh quay và tạo các đoạn chuyển cảnh dựa theo nhịp điệu của bài hát. Nếu bạn nhận thấy mình đang nhịp chân theo nhạc thì những lần nhịp đó chính là cách để bạn canh được thời gian chỉnh clip sao cho phù hợp với nó.
Nguồn ảnh: Study Finds
Bước 3: Xem lại và kiểm tra: Quay lại từ đầu video để kiểm tra các chỉnh sửa và tinh chỉnh lại chúng. Sau đó xem nhịp độ của nhạc có khớp với cảnh quay của bạn hay không (và ngược lại).
Bài tập 5: Luyện tập xây dựng storyboard
Storyboard, hay bảng phân cảnh, được xem như một bản phác thảo cho video của bạn trước khi quay. Đó có thể là một bức vẽ hoặc một loạt ảnh có khả năng truyền tải trình tự và thứ tự của phân cảnh trong sản phẩm cuối cùng của bạn. Việc sở hữu một bảng phân cảnh rõ ràng, dễ hiểu sẽ cho phép bạn biết chính xác những cảnh quay nào bạn cần và rút ngắn thời gian tìm kiếm cảnh quay phù hợp trong quá trình chỉnh sửa.
Bước 1: Tạo storyboard cho nội dung bạn muốn thể hiện: Hãy bắt đầu bằng việc lập kế hoạch cho video của bạn và hình dung từng phân cảnh thông qua một chiếc storyboard. Bạn có thể phác thảo các bản vẽ hoặc sử dụng hình ảnh thật để trực quan hóa những điều bạn hình dung trong đầu. Storyboard không cần phải hoàn hảo. Về cơ bản, nó chỉ là công cụ để thông báo những cảnh quay nào sẽ diễn ra theo một thứ tự cụ thể. Do đó, bạn có thể tha hồ vẽ các hình người que miễn là bạn hiểu được nội dung bức vẽ của mình.
Nguồn ảnh: Animoto
Bước 2: Đi theo storyboard trong quá trình chỉnh sửa: Khi chỉnh sửa, bạn hãy sử dụng bảng phân cảnh của mình như một bản đồ định hướng. Điều này giúp bạn tập trung và duy trì mạch truyện theo kế hoạch đã vạch ra. Bên cạnh đó, việc thực hiện theo trình tự cảnh quay trong bảng phân cảnh cũng giúp bạn đưa ra quyết định chỉnh sửa nhanh hơn và hiệu quả hơn. Một khi đã có cho mình tầm nhìn rõ ràng về kết quả cuối cùng, bạn sẽ hạn chế các lỗi sai và vấn đề không đáng có, từ đó mang đến cho bạn quá trình chỉnh sửa mượt mà và tinh gọn hơn.
Bước 3: Chỉnh sửa và kiểm tra: Nếu bạn có thể viết và hình dung câu chuyện của mình ra giấy trước khi đưa nó vào timeline, điều này sẽ giúp ích cho công đoạn chỉnh sửa video hơn rất nhiều. Cũng như, nếu có điều gì bất trắc xảy ra, bạn cũng có thể sắp xếp lại thứ tự phân cảnh trong storyboard sao cho phù hợp với câu chuyện trước khi bắt tay vào chỉnh sửa.
Bài tập 6: Luyện tập chỉnh sửa
Tương tự như tập thể dục, việc luyện tập chỉnh sửa video hàng ngày sẽ giúp bạn phát triển kỹ năng của mình theo thời gian. Bằng cách áp dụng những kỹ thuật đã nghiên cứu trước đây, bạn có thể thực hành chúng với các bài tập theo những bước sau để cải thiện đáng kể tốc độ, khả năng đưa ra quyết định và kỹ thuật chỉnh sửa video của bạn.
Nguồn ảnh: PC Mag
Bước 1: Dành thời gian để luyện tập chỉnh sửa: Dù là 25 phút hay một tiếng đồng hồ thì bạn cũng cần phân bổ thời gian cụ thể cho các bài tập của mình. Hãy lên lịch cho việc luyện tập và tuân thủ theo thời gian biểu mà bạn đặt ra, điều này sẽ giúp bạn hình thành thói quen rèn luyện ngay cả khi không có hứng hoặc thiếu động lực làm việc.
Bước 2: Thực hành chỉnh sửa cảnh quay thô hàng ngày: Nhiều người trong chúng ta thường quay phim trên điện thoại, vậy tại sao không sử dụng những cảnh quay đó để tạo một bộ phim hoặc thước phim ngắn? Việc thực hành này sẽ giúp bạn nâng cấp đáng kể kỹ năng kể chuyện bằng hình ảnh của mình.
Bước 3: Đặt mục tiêu rút ngắn thời gian chỉnh sửa mỗi ngày hoặc mỗi tuần: Hãy thử thách bản thân để xem bạn có thể đạt được những gì trong các khung thời gian khác nhau, chẳng hạn như 10 phút, nửa tiếng, một giờ hoặc năm giờ,… Điều này sẽ giúp bạn nhìn lại đâu là vấn đề thường ngốn nhiều thời gian của mình nhất trong quá trình chỉnh sửa video.
Bước 4: Tạo ra các trailer giới thiệu phim bằng cách sử dụng cảnh quay có sẵn: Bạn có thể quay trước những cảnh quay thô, sau đó nối chúng lại với nhau và “tút tát” từng bước để tạo ra một đoạn trailer chuyên biệt cho bộ phim của riêng bạn.
Nguồn ảnh: Kapwing
Bạn cần thời gian để mài giũa và tăng tốc độ từ từ
Để chỉnh sửa video nhanh hơn cần rất nhiều thời gian, kiên nhẫn và sự sẵn sàng tiếp thu những kiến thức mới trong quá trình học tập. Công đoạn chỉnh sửa video bắt đầu bằng việc khám phá các phần mềm chỉnh sửa và nỗ lực hết mình để thành thạo những tính năng có trong phần mềm đó. Một khi đã quen tay, bạn có thể kiểm soát phần mềm của mình một cách chặt chẽ và nâng cao độ nhạy trong thao tác chỉnh sửa, đồng thời biết cách tinh chỉnh kỹ thuật của mình sao cho linh hoạt hơn.
Tóm lại
Để nâng trình chỉnh sửa video, hãy học cách sử dụng phím tắt để thực hiện các tác vụ thông qua vài lần nhấn phím và loại bỏ công đoạn nhấp chuột hoặc điều hướng menu gây tốn thời gian. Phương pháp này cho phép bạn tập trung vào khía cạnh sáng tạo của việc chỉnh sửa nhiều hơn là các kỹ thuật chuyên môn của mình.
Thành thạo phần mềm cũng giúp gia tăng tốc độ và năng suất của bạn trong quá trình chỉnh sửa. Với cùng một tác vụ, các phần mềm khác nhau sẽ cho ra những phương thức thực hiện khác nhau, vì vậy, việc biết vị trí của các tính năng quan trọng là rất cần thiết để chỉnh sửa video thêm hiệu quả.
Nguồn ảnh: Ultraviolet Films
Cuối cùng, các công cụ như âm nhạc và bản phân cảnh sẽ mang đến cho bạn phong cách xử lý video độc đáo hơn và từ đó giúp bạn nâng cao trải nghiệm chỉnh sửa tổng thể của mình. Cũng như, thông qua việc thử nghiệm và luyện tập thường xuyên, bạn sẽ ngày càng chứng minh mình là một Video Editor có kiến thức chuyên môn và lành nghề hơn so với các đối thủ có mặt trên thị trường.
Nguồn: Videomaker
Tâm Cửu