vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >6 loại hoạt hình có thể bạn đã biết
thumb-hoat-hinh

6 loại hoạt hình có thể bạn đã biết

Theo đà phát triển của thời đại, hoạt hình không chỉ xuất hiện trong các bộ phim mà ngày càng được nâng tầm và ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. 

Với khả năng hiện thực hóa những điều không tưởng và mang lại hình ảnh đẹp mắt cho người xem, hoạt hình từ lâu không chỉ cố định ở địa hạt phim ảnh mà còn lấn sân sang các trò chơi và lĩnh vực thương mại. Cùng điểm qua 6 loại hoạt hình phổ biến tại bài viết dưới đây bạn nhé. 

hoat-hinh (2)

Nguồn ảnh: Affordable Schools

Traditional Animation

Traditional Animation, hay Cel Animation, là dạng hoạt hình vẽ tay truyền thống, khởi đầu cho kỷ nguyên sản xuất hoạt hình với những tác phẩm kinh điển như Snow White and the Seven Dwarfs và Sleeping Beauty. Theo phương pháp này, mỗi chi tiết hoạt hình sẽ được tạo ra từng hoạt ảnh riêng biệt trên những tấm vật liệu trong suốt được gọi là ‘celluloid’ (hay cel). 

Ví dụ: Phần cảnh tĩnh sẽ được đặt dưới cùng để làm lớp nền, còn các nhân vật và đối tượng chuyển động sẽ được vẽ trên những tấm cel trong suốt nằm trên lớp nền đó. Bằng cách này, các Artist có thể tạo ra một chuỗi hoạt ảnh liên tiếp mà không cần cảnh nền hay các nhân vật và đạo cụ khác di chuyển cùng lúc.

Do quy trình sản xuất tương đối phức tạp và tốn thời gian, theo đó, phong cách hoạt hình này ngày càng hiếm được sử dụng trong thời đại ngày nay.

2D Animation

Traditional Animation thực chất là một phần của 2D Animation. Đây là nghệ thuật kết hợp các chuỗi hình ảnh với nhau để tạo chuyển động trong không gian hai chiều. Một giây hoạt hình tương đương với 24 ảnh (hoặc khung hình), nhưng hầu hết các hoạt hình 2D thường chỉ tạo hoạt ảnh cho khung hình thứ hai (tức bỏ qua các khung hình đầu ở mỗi cảnh và giữ lại 12 khung hình sau). Nhờ đó, cách này giúp bộ phim vẫn tạo ra ảo giác chuyển động mà không phải làm hoạt ảnh cho tất cả 24 khung hình.

Các Animator cũng có thể tạo nhân vật bằng cách sử dụng digital rigging để hình thành “bộ xương” cho nhân vật và khiến chúng hoạt động nhờ phần mềm máy tính. Bằng phương pháp này, họ sẽ không phải vẽ đi vẽ lại nhân vật cho mỗi khung hình, từ đó giúp tiết kiệm khối lượng thời gian đáng kể cho quá trình sản xuất.

hoat-hinh (5)

Nguồn ảnh: The New York Times

Trước đây, phong cách hoạt hình 2D được vẽ bằng tay, tốn rất nhiều công sức và cần đến 24 khung hình để tạo nên hoạt ảnh hoàn chỉnh cho mỗi giây. Ngày nay, quy trình trở nên dễ thở hơn nhờ có các công cụ kỹ thuật số. Chẳng hạn, khi sử dụng Toon Boom Harmony, các Animator có thể giảm bớt số lượng khung hình cần thiết từ 24 thành 12 khung hình/mỗi giây và phần mềm sẽ tự động lấp đầy các khoảng trống.

3D Animation

3D Animation là phong cách hoạt hình đưa các nhân vật, phương tiện, đạo cụ và toàn cảnh trở nên sống động trong không gian ba chiều. Dạng hoạt hình này mang tính máy móc và kỹ thuật hơn hoạt hình 2D, trong đó yêu cầu đầu vào từ nhiều bộ phận khác để cho ra mô hình 3D và bộ rig nhân vật đầy phức tạp.

Hoạt hình 3D cho phép bạn thao tác với mô hình 3D đã rig vào một cảnh kỹ thuật số. Theo đó, bạn có thể tối ưu hóa quy trình tạo hoạt ảnh bằng cách đặt khung hình chính cho những hành động chính và cho phép phần mềm hoạt hình, chẳng hạn như Maya, điền vào các khung hình ở giữa.

hoat-hinh (1)

Nguồn ảnh: Disney

Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa hoạt hình 2D và 3D là với hoạt hình 2D, bạn chỉ cần tạo ra một mặt của nhân vật (mặt đối diện máy ảnh) là đủ. Tuy nhiên, trong hoạt hình 3D, bộ rig nhân vật cần được thiết kế sao cho người xem có thể thấy được từ mọi góc độ. Tiêu biểu, ở thế giới 3D trong các trò chơi như Grand Theft Auto, nhân vật của bạn có thể di chuyển 360 độ xung quanh một asset và nhìn thấy mọi khía cạnh của asset đó.

Ngày trước, Pixar đã cách mạng hóa ngành công nghiệp hoạt hình với bom tấn Toy Story – bộ phim hoạt hình 3D truyền hình đầu tiên trong lịch sử. Các bối cảnh và asset được tạo dưới dạng 3D trước đây chỉ được dùng trong các hoạt hình ngắn như quảng cáo, điển hình là quảng cáo M&M 3D đầu tiên từ những năm 1990. Thế nhưng, Toy Story đã mở ra thế giới cho những bộ phim hoạt hình thực tế, nơi ánh sáng, chuyển động và cảm xúc của nhân vật trở nên sống động hơn bao giờ.

Ngày nay, các bộ phim hoạt hình 3D được sản xuất bằng cách tích hợp những yếu tố 3D vào các cảnh live-action, cũng như kết hợp phong cách Motion Capture vào trong đồ họa 3D và kỹ thuật virtual production.

hoat-hinh (3)

Nguồn ảnh: Xataka

Xem thêm: Phân biệt 3D Animation và Animation truyền thống

Motion Capture

Motion Capture, hay chụp hình chuyển động, giúp các Artist nâng cao tính chân thực của hoạt hình 3D. Phương pháp này được sử dụng trong các bộ phim như Avatar hay Lord of the Rings và các trò chơi điện tử như LA Noire hay Grand Theft Auto, v.v. Cụ thể, các diễn viên sẽ mặc những bộ đồ bó sát có chứa cảm biến đặc biệt để diễn một phân cảnh, và phần mềm dựng Motion Capture sẽ đưa các chuyển động sang chương trình máy tính và hình thành phiên bản kỹ thuật số. 

Một vài phần mềm còn có khả năng bắt nét mặt diễn viên, từ đó giúp thể hiện cảm xúc, sắc thái cho nhân vật một cách dễ dàng và chính xác hơn.

Các Animator đều đóng vai trò then chốt trong quy trình tạo ra hoạt hình Motion Capture. Họ cần nhập dữ liệu đã ghi (vào phần mềm như Blender, Maya, 3Ds Max hoặc MotionBuilder), dọn dẹp và tinh chỉnh mọi thứ để đảm bảo dữ liệu phù hợp với nhân vật của mình.

Motion Graphics

Motion Graphics được dùng để tạo hiệu ứng động cho các logo văn bản và hình minh họa cơ bản. Mọi người thường thấy loại hoạt hình này ở các logo chuyển động, đoạn mở đầu và kết thúc của một bộ phim hoặc phần credits trên các chương trình truyền hình,… Chúng có thể được thực hiện dưới dạng đồ họa 2D hoặc 3D.

Tương tự hoạt hình 2D và 3D, Motion Graphics cũng được tạo bằng cách thiết kế các khung hình và sử dụng diễn hoạt tween để mô phỏng chuyển động mượt mà giữa các khung hình với nhau.

hoat-hinh (7)

Nguồn ảnh: Netflix

Stop Motion 

Stop Motion (hoạt hình tĩnh vật) là một loạt các hình ảnh tĩnh được quay liên tục để mô phỏng một hành động nào đó. Phương pháp này được dùng trong những bộ phim như Nightmare Before Christmas của Tim Burton, Rudolph the Red-Nosed Reindeer của Burl Ives, hay gần đây nhất là Pinocchio của Guillermo Del Toro với chiến thắng thuyết phục tại hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất của lễ trao giải Oscar 2023. 

Bạn có thể theo đuổi phong cách hoạt hình này với các diễn viên ngoài đời thực, các mô hình đất sét hoặc thậm chí là đồ chơi và các đạo cụ khác. Với trí tưởng tượng của mình, bạn có thể sáng tạo không ngừng với phong cách hoạt hình độc đáo này.

hoat-hinh (6)

Nguồn ảnh: Maybe

Xem thêm: Khám phá công thức xây dựng hình ảnh qua 5 phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất của Oscar 2023

Nguồn: cgspectrum

Tâm Cửu