7 bài học giúp Animator nâng trình kỹ năng từ Anime Animation
Là một Artist đang làm việc trong lĩnh vực Hoạt hình? Vậy thì 7 điều học được từ Anime Animation trong bài viết này sẽ giúp bạn “giác ngộ” được rất nhiều thứ để nâng tầm kỹ năng làm phim hoạt hình của mình đấy!
Anime là một phong cách hoạt hình có nguồn gốc từ Nhật Bản, đã thu hút khán giả trên toàn cầu nhờ sự pha trộn độc đáo giữa nghệ thuật và cách kể chuyện và cảm xúc. Trong đó, các Anime nổi tiếng thế giới mà chắc chắn bạn đã một lần nghe tên có thể kể đến như Spirited Away, Your Name, Demon Slayer the Movie: Mugen Train, The First Slam Dunk, Howl’s Moving Castle, v.v. hay gần đây nhất là The Boy and The Heron.
The Boy and The Heron là siêu phẩm Anime mới nhất gây được tiếng vang trong thời gian gần đây. Nguồn ảnh: The Boy and The Heron
Về mặt kỹ thuật, hoạt hình Anime là một thế giới vô cùng khác biệt với những gì mà bạn biết về hoạt hình trước đây, khác hẳn so với hoạt hình truyền thống và cũng không giống hoạt hình 3D phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, phong cách hoạt hình Anime không chỉ là một hiện tượng văn hóa, đó là một ngôn ngữ nghệ thuật nói lên cả tâm hồn và trí tưởng tượng của những họa sĩ thực hiện.
Nếu bạn là một người đang làm việc trong lĩnh vực Hoạt hình, bạn hoàn toàn có thể áp dụng các kiến thức và nguyên lý dưới đây từ Anime để làm giàu cho kỹ năng của mình, từ thiết kế nhân vật đến cách chuyển động, những mẹo này được thiết kế để giúp bạn thấm nhuần tinh hoa của Anime và truyền tải nó vào tác phẩm của riêng bạn. Thậm chí một số tư duy từ Anime cũng sẽ giúp bạn nâng trình khả năng cảm thụ mỹ thuật và nghệ thuật trong quá trình phát triển sự nghiệp với lĩnh vực này đấy!
Cùng Vietnam VFX-Animation khám phá ngay sau đây nhé!
Hiểu phong cách mỹ thuật trong Anime
Muốn “master” phong cách hoạt hình của Anime, điều đầu tiên bạn cần làm chính là hiểu rõ phong cách mỹ thuật của thể loại này. Khác với phong cách 3D được làm từ các công nghệ tiên tiến đang bao trùm Hollywood như hiện nay, Anime với xuất phát điểm là 2D Animation đến hiện tại vẫn trung thành với phong cách hoạt hình này. Điều đó cũng góp phần đưa 2D Animation trở thành phong cách biểu trưng của ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản.
Hình ảnh sống động, màu sắc tươi sáng, bắt mắt, thiết kế nhân vật ấn tượng và độc đáo đã giúp Anime mang một phong cách rất riêng, rất khác và không thể nào nhầm lẫn được. Nếu đã xem vài bộ Anime, hẳn bạn cũng nhận ra rằng các nhân vật thường có đôi mắt to, tròn và các biểu cảm cũng sẽ được thể hiện rõ ràng qua ánh mắt. Bên cạnh đó, mái tóc của các nhân vật vô cùng đa dạng và cũng sẽ được diễn hoạt để biểu cảm các sắc thái khác nhau.
Nguồn ảnh: Spy X Family
So với các họa sĩ hoạt hình khác, các họa sĩ Anime thường có góc nhìn khác biệt về tỉ lệ và phối cảnh để nâng cao hiệu ứng thị giác cho người xem. Vì thế, bạn cần hiểu được những điều này khi tìm hiểu về hoạt hình Anime, không phải để chúng ta bắt chước mà để hiểu được rằng vì sao các họa sĩ lại vẽ như vậy. Ví dụ, biểu cảm khuôn mặt thường được cường điệu hóa trong anime không chỉ là sự lựa chọn về phong cách, mà chúng còn là công cụ kể chuyện và là cách mà họa sĩ truyền tải tính cách nhân vật thông qua những sắc thái đó. Hiểu được điều này và áp dụng một cách đúng đắn vào các thiết kế nhân vật của mình, đảm bảo rằng tác phẩm của bạn sẽ mang tính chân thực và ấn tượng hơn trong mắt người xem.
Thiết kế nhân vật cũng là linh hồn của câu chuyện
Các nhân vật trong Anime không chỉ là một “element” của bộ phim, đó còn là linh hồn và là trái tim của toàn bộ câu chuyện. Đó là lí do vì sao nắm vững các nguyên lý thiết kế nhân vật là điều vô cùng quan trọng đối với một Artist. Bạn có thể bắt đầu việc này bằng cách tìm hiểu về những gì cơ bản nhất về thiết kế nhân vật Anime như mắt, tóc và các biểu cảm gương mặt. Sau đó, bạn mới có thể đi vào những nguyên lý chuyên sâu hơn.
Nguồn ảnh: Ranker.com
Hãy suy nghĩ về việc tạo ra các nhân vật có chiều sâu. Bạn cần biết rằng mỗi nhân vật nên có một tính cách riêng và điều đó được thể hiện qua ngoại hình của họ. Bạn có thể thử nghiệm thiết kế các hình tượng nhân vật kinh điển, đó có thể là nhân vật anh hùng hay người bạn đồng hành sôi nổi đi cùng anh hùng đó. Hãy chú ý đến các chi tiết như quần áo và phụ kiện, bởi vì những chi tiết này có thể tiết lộ nhiều điều về xuất thân và vai trò của nhân vật trong câu chuyện. Hãy nhớ rằng ngay cả những chi tiết nhỏ nhất cũng nói lên rất nhiều điều về nhân vật của bạn.
Tôn vinh sự cường điệu
Anime vốn rất nổi tiếng với việc cường điệu hóa biểu cảm lẫn hành động của một nhân vật khi đứng trước một tình huống cụ thể nào đó. Sự cường điệu này không chỉ được thể hiện ở các yếu tố hình ảnh mà còn mở rộng sang cách kể chuyện của tác giả. Khi thực hiện các cảnh này, hãy tập trung vào cách bạn có thể khuếch đại cảm xúc hoặc hành động của nhân vật để khiến phân cảnh có tác động mạnh hơn với người xem. Ví dụ, một cái gật đầu đơn giản trong Anime có thể được mô tả bằng một cái nghiêng đầu “lố”, hoặc sự ngạc nhiên của nhân vật có thể được thể hiện bằng nét mặt cường điệu.
Nguồn ảnh: CBR
Nguồn ảnh: CBR
Sự cường điệu này cũng được thể hiện rõ trong việc họa sĩ thực hiện các cảnh hành động. Trong Anime, các hành động như chạy hoặc nhảy sẽ mang lại cho bạn cảm giác rằng họ đang chạy rất nhanh hoặc nhảy rất cao. Để có thể hiểu rõ cách mà các họa sĩ Anime thực hiện điều này, bạn hãy nghiên cứu nhiều cảnh Anime khác nhau trong các bộ phim khác nhau, bởi vì mỗi cảnh sẽ được diễn hoạt khác nhau nhằm phục vụ cho một mục tiêu truyền tải cụ thể. Khi đã hiểu rõ, bạn mới có thể áp dụng việc cường điệu một cách hiệu quả, phù hợp mà không bị “lố” cho công việc của mình.
Nguồn ảnh: GIPHY
Chuyển động đặc trưng trong Anime
Đặc trưng tiếp theo của Anime cần được bàn tới đó chính là phần chuyển động mạnh mẽ nhưng rất trôi chảy. Các phân cảnh này bao gồm một chuỗi hành động phức tạp và các cử động trong biểu cảm của nhân vật. Khi tìm hiểu quá trình này, bạn cần tập trung vào nhịp điệu và sự trôi chảy của từng chuyển động, dù cho đó là chuyển động của nhân vật, hay chuyển động của một cái lá hay một cành cây nào đó.
Nguồn ảnh: Demon Slayer
Khi làm việc trong lĩnh vực hoạt hình Anime, chuyển động không chỉ là đi từ điểm A đến điểm B, mà chuyển động còn là cách để họa sĩ diễn tả nhân vật và câu chuyện. Ví dụ như cách di chuyển của nhân vật có thể phản ánh tính cách của họ. Một nhân vật tự tin có thể có những động tác táo bạo, dứt khoát, trong khi chuyển động của nhân vật nhút nhát có thể dè chừng và do dự hơn.
Nguồn ảnh: Hunter x Hunter
Khi thực hiện các cảnh hành động theo phong cách hoạt hình Anime, chẳng hạn như đánh nhau hoặc rượt đuổi, bạn hãy chú ý đến nhịp độ và tác động của hành động đó. Các cảnh hành động trong anime thường có cường độ và tốc độ cao, nhưng đôi khi chúng cũng có những khoảnh khắc chuyển động chậm để tạo hiệu ứng hoặc nhấn mạnh điều gì đó. Vì thế, học cách cân bằng các yếu tố này cũng sẽ giúp bạn “master” các phân cảnh hành động trong công việc của mình.
Nghệ thuật màu sắc và background
Trong Anime, màu sắc không chỉ là sự lựa chọn mang tính thẩm mỹ, các họa sĩ còn xem đó là một công cụ kể chuyện. Màu sắc trong hoạt hình Anime thường được sử dụng để thiết lập tông màu chủ đạo của bộ phim và truyền tải cảm xúc theo ý nghĩa của tông màu đó. Việc chọn bảng màu phù hợp có thể nâng tầm các phân cảnh của bạn, làm cho các cảnh trở nên sống động và cảm xúc hơn. Vì thế, khi xem Anime, hãy chú ý đến các màu sắc được sử dụng trong các bối cảnh và thời điểm khác nhau trong ngày, cũng như cách chúng ảnh hưởng đến tone & mood của cảnh quay.
Nguồn ảnh: Suzume No Tojimari
Bên cạnh đó, background trong Anime cũng quan trọng không kém. Nó tạo tiền đề cho các cảnh hành động và góp phần xây dựng thế giới trong phim. Cho dù đó là cảnh quan thành phố nhộn nhịp hay vùng quê thanh bình, bối cảnh trong Anime thường rất giàu chi tiết và màu sắc. Sau khi tham khảo nghệ thuật tạo bối cảnh trong Anime, bước tiếp theo mà bạn cần làm chính là đầu tư thời gian vào việc tạo bối cảnh bổ sung cho câu chuyện và các nhân vật của bạn, bởi vì chắc chắn điều này sẽ giúp khán giả đắm chìm trong câu chuyện mà bạn tạo nên.
Nguồn ảnh: Howl’s Moving Castle
Kết hợp kỹ thuật truyền thống và công nghệ mới
Anime có khoảng thời gian dài kể từ khi được hình thành và phát triển cho đến ngày nay. Vì thế, hoạt hình Anime ngày là một tác phẩm có sự pha trộn giữa kỹ thuật vẽ tay truyền thống với công nghệ kỹ thuật số. Là một nhà làm phim hoạt hình, việc nắm bắt cả hai điều này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho bạn. Các kỹ năng truyền thống như vẽ tay, rất cần thiết để bạn hiểu các nguyên tắc cơ bản của hoạt hình và từ đó có thể phát triển phong cách cá nhân. Mặt khác, các công cụ kỹ thuật số mang lại hiệu quả, có thể nâng cao hiệu quả công việc của bạn, đồng thời giúp tối ưu về mặt thời gian và chi phí.
Nguồn ảnh: GIPHY
Ngoài ra, bạn có thể thử nghiệm với các phần mềm và công cụ phổ biến trong ngành làm phim hoạt hình Anime như Adobe After Effects, Toon Boom và Clip Studio Paint. Mỗi công cụ sẽ cung cấp các tính năng độc đáo có thể giúp biến trí tưởng tượng của bạn thành hiện thực. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mục tiêu chính trong việc thử nghiệm các công cụ mới là tìm ra sự cân bằng phù hợp với công việc và cho phép bạn thể hiện gu thẩm mỹ và nghệ thuật của mình một cách hiệu quả.
Học hỏi từ các tiền bối
Để nắm vững phong cách làm phim hoạt hình Anime, chỉ tham khảo từ phim, trải nghiệm các công cụ hay học lý thuyết là chưa đủ, bạn cần học thêm từ chính các chuyên gia xuất sắc trong ngành. Đây là những người đã làm cho ngành công nghiệp Anime của Nhật Bản tỏa sáng rực rỡ trên bản đồ hoạt hình thế giới. Trong đó, có các bộ phim sở hữu doanh thu hàng trăm triệu đô là hay như Spirited Away từng đoạt giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Oscar năm 2002.
Hayao Miyazaki – Cha đẻ của các siêu phẩm Anime. Nguồn ảnh: redsvn
Spirited Away – Bộ Anime từng đoạt giải thưởng Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Oscar.
Nếu có thời gian, bạn hãy nghiên cứu tác phẩm của các nhà sáng tạo và hãng phim hoạt hình nổi tiếng như Hayao Miyazaki và Studio Ghibli, nơi ra đời của các bộ Anime đi vào lòng công chúng. Hãy chú ý đến cách họ xây dựng câu chuyện, phát triển nhân vật và sử dụng kỹ thuật hoạt hình để biến trí tưởng tượng thành hiện thực. Hãy chú ý đến sự tinh tế trong tác phẩm của họ, cách họ xử lý ánh sáng và bóng tối, tính trôi chảy trong các phân cảnh hành động và chiều sâu cảm xúc trong thiết kế nhân vật. Cuối cùng, đừng chỉ xem phim hoạt hình của họ, hãy phân tích nó. Bạn có thể chia nhỏ các cảnh để hiểu cách chúng được xây dựng, từ giai đoạn kịch bản phân cảnh đến hoạt ảnh cuối cùng. Cũng đừng quên tìm kiếm các cuộc phỏng vấn và phim tài liệu hậu trường để hiểu rõ hơn về quá trình sáng tạo của các nhà làm phim hoạt hình xuất sắc này.
Quan trọng hơn cả, việc học hỏi từ những bậc thầy này có thể mang lại nhiều nguồn cảm hứng, giúp bạn thêm yêu công việc mà mình đang làm hàng ngày.
Tạm kết
Nắm vững phong cách hoạt hình Anime là một hành trình học hỏi và rèn luyện không ngừng của một nhà làm phim hoạt hình. Đó là việc hiểu những yếu tố độc đáo khiến Anime trở nên đặc biệt và cách sử dụng chúng để kể câu chuyện của riêng bạn. Bằng việc áp dụng 7 bài học trên, từ nắm vững thẩm mỹ đến học hỏi từ các bậc thầy Anime, bạn có thể phát triển nền tảng vững chắc về hoạt hình nói chung.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng chìa khóa quan trọng nhất đề dẫn đến thành công vẫn là liên tục trau dồi và thử nghiệm những điều mới. Không chỉ ở mảng hoạt hình Anime, bạn còn có thể học thêm rất nhiều điều ở những thể loại hoạt hình khác. Chúc bạn luôn tìm được nguồn cảm hứng và để theo đuổi đam mê tới cùng!
Xem thêm:
- 10 bộ anime nâng tầm lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật (Phần 1)
- 10 bộ anime nâng tầm lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật (Phần 2)
Nguồn tham khảo: Business of Animation
Hiếu Lam