vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >7 bước giúp bạn “phù phép” ra một storyboard hoàn chỉnh
thumb-storyboard-1

7 bước giúp bạn “phù phép” ra một storyboard hoàn chỉnh

Storyboard chưa chắc giúp bạn tạo ra một video hay, nhưng một video hoàn hảo nhất định không thể thiếu storyboard. 

Về cơ bản, storyboard (bảng phân cảnh) là một bản phác thảo giúp sắp xếp và lên kế hoạch cho từng cảnh quay của một video. Theo đó, nhiều storyboard có bố cục khá giống với các khung truyện. Mục đích chính của chúng không nhằm để hỗ trợ các Artist chứng minh thực lực của họ, mà thay vào đó, storyboard có ích hơn trong việc giúp các đạo diễn và nhà sáng tạo đảm bảo mọi thứ họ cần trước khi bắt đầu tạo ra một video.

storyboard (3)

Nguồn ảnh: Inc42

Storyboard là gì?

Một storyboard bao gồm nhiều hình ảnh thu nhỏ giúp định hình mạch chuyện xảy ra trong video. Trong đó, mỗi bức tranh chứa đựng một số chú thích để người xem hiểu được ý nghĩa của toàn bộ storyboard. 

Bạn có thể tùy ý sử dụng phần mềm hoặc vẽ tay để dựng nên một bảng phân cảnh cho riêng mình. Nếu kịch bản được xây dựng dựa trên chữ viết thì storyboard sẽ là hình ảnh đại diện cho video của bạn. 

Mặc dù bạn sẽ phải dành khá nhiều thời gian để tạo một bảng phân cảnh, nhưng lợi ích mà nó đem lại thật sự xứng đáng với công sức bỏ ra:

  • Storyboard làm đơn giản hóa việc lập kế hoạch cho video của bạn.
  • Storyboard giúp bạn sở hữu tầm nhìn rõ ràng về những gì sẽ có trong video.
  • Storyboard giúp bạn có thêm thời gian để chỉnh sửa sản phẩm cuối cùng.
  • Storyboard làm giảm khả năng mắc lỗi của bạn.
  • Storyboard tạo điều kiện cho bạn chia sẻ ý tưởng với khách hàng hoặc đồng nghiệp một cách dễ dàng hơn.

storyboard (8)

Nguồn ảnh: superpixel

Vì sao bạn cần một storyboard?

Với một chiếc máy quay, kịch bản, dàn casting và đạo cụ sẵn sàng, có lẽ bạn sẽ thắc mắc vì sao phải tốn thời gian tạo bảng phân cảnh trong khi có thể ghi hình ngay. Vậy, dưới đây là những lý do giúp bạn hiểu hơn về tầm quan trọng của một bảng phân cảnh trong suốt quá trình quay dựng.

Storyboard giúp bạn truyền đạt tầm nhìn của mình

Khi bạn muốn đề xuất ý tưởng về một cảnh quay trong video với các nhà đầu tư hoặc team của mình, một bảng phân cảnh sẽ giúp bạn hoàn thành tốt điều đó. Sở hữu những hình ảnh minh họa rõ ràng cho video sẽ giúp bạn tiết kiệm không ít thời gian và hạn chế đáng kể những lỗi sai trong quá trình quay dựng. Nói cách khác, việc cho ai đó xem storyboard sẽ thuận tiện hơn nhiều so với việc cố gắng giải thích chính xác ý tưởng của bạn cho từng cảnh quay.

Ngoài ra, các nhà đầu tư hoặc công ty sản xuất chuyên nghiệp đều muốn hợp tác với người biết bản thân họ đang làm gì. Do đó, nếu không có storyboard, bạn sẽ không thể trình bày ý tưởng của mình một cách rõ ràng.

storyboard (7)

Nguồn ảnh: Shortform

Storyboard càng chi tiết, bạn càng tiết kiệm được thời gian

Dù phần lớn các nhà sáng tạo đều biết lợi ích của việc lập bảng phân cảnh, nhưng nhiều người mới vào nghề vẫn chọn cách bỏ qua công đoạn này. Chẳng hạn, bạn đã lên kịch bản và ý tưởng cho từng cảnh quay, thế nhưng bạn có hình dung ra được cách mà chúng sẽ ăn khớp với nhau, hay phần chuyển cảnh ở mỗi phân đoạn sẽ diễn ra thế nào chưa? Đồng ý rằng, dựng storyboard chỉ là một bước phụ trước khi tạo video, tuy nhiên, bạn vẫn nên cân nhắc thực hiện nó nếu không muốn tốn rất nhiều thời gian chỉnh sửa sau này. 

Storyboard cung cấp cho video của bạn một bố cục rõ ràng. Với một storyboard hoàn chỉnh, bạn có thể lập đầy đủ danh sách các cảnh quay và đánh dấu ở mỗi phân cảnh mà đoàn quay đã hoàn thiện. Điều này giúp bạn không phải quay lại hay chụp lại bất kỳ thứ gì để đối chiếu ở các cảnh quay sau. 

storyboard (12)

Nguồn ảnh: Animoto

Tương tự, vì bảng phân cảnh sẽ cho bạn thấy video đang diễn ra thế nào từ cảnh này sang cảnh tiếp theo, do đó, nó cũng giúp bạn nhìn ra những điểm mà quá trình chuyển cảnh có thể không tốt như bạn tưởng tượng. Điều này cho phép bạn thay đổi kịch bản và bảng phân cảnh sao cho video của mình hoạt động mượt hơn mà không phải lãng phí thời gian cho những cảnh quay cần chỉnh sửa sau này.

Storyboard giúp quá trình hậu kỳ diễn ra suôn sẻ hơn

Trong trường hợp bạn đang tự làm video một mình, bạn sẽ biết dự án khó mà hoàn tất nếu công đoạn quay phim còn chưa thực hiện xong. Trên thực tế, chỉnh sửa video và thêm hiệu ứng có thể tốn nhiều công sức hơn cả quá trình quay dựng. Vì vậy, với một bảng phân cảnh chỉn chu, bạn có thể dễ dàng sắp xếp từng đoạn phim theo thứ tự và hướng dẫn đã có ở giai đoạn tiền kỳ để giúp toàn bộ video diễn ra một cách tinh tế và chuyên nghiệp hơn.

storyboard (2)

Nguồn ảnh: CareerFoundry

Nếu bạn đang hoạt động theo nhóm, việc tạo storyboard sẽ càng đem lại nhiều lợi ích hơn. Giả sử, bạn là người viết kịch bản và quay video chứ không đảm nhận thực hiện hậu kỳ cho dự án. Liệu nhóm của bạn sẽ tốn bao nhiêu thời gian để chỉnh sửa lại những cảnh không đúng với mong đợi của bạn? 

Các thành viên hậu kỳ sẽ không muốn bạn liên tục theo dõi họ làm việc và nhất định bạn cũng không muốn lãng phí thời gian làm điều đó. Vì vậy, hãy cung cấp cho họ các bảng phân cảnh để chỉnh sửa thành công ngay từ lần đầu tiên, tránh gây ra các phiền phức không đáng có trong giai đoạn chỉnh sửa sau này. 

Storyboard nên bao gồm những thông tin gì?

Bạn nên rõ ràng về các chi tiết sẽ dùng đến trong một bảng phân cảnh. Theo đó, bạn chỉ cần chuẩn bị thông tin phù hợp để truyền đạt thông điệp hiệu quả mà không phải lãng phí nhiều thời gian và năng lượng của mình.

storyboard (3)

Nguồn ảnh: Medium

Một bảng phân cảnh lý tưởng sẽ có đầy đủ hình ảnh để kể câu chuyện từ đầu đến cuối một cách hợp lý. Vì vậy, bạn cần cung cấp thumbnail cho mọi cảnh quay quan trọng, sau đó tiếp tục xác định các nhân vật, bối cảnh và đạo cụ cần thiết trong mỗi hình ảnh để người xem hiểu rõ tầm nhìn của bạn hơn.

Ngoài ra, đừng quên chú ý đến vấn đề chuyển cảnh và vị trí máy quay khi phác thảo các hình ảnh. Bạn cũng cần bổ sung những ghi chú để làm rõ một số chi tiết cần thiết. Trong đó, các ý tưởng của sẽ giúp bạn duy trì mạch chuyện cho video của mình.

Các loại storyboard

1. Storyboard truyền thống

Các bảng phân cảnh truyền thống trông rất giống truyện tranh. Chúng được vẽ bằng bút chì hoặc bút mực trên giấy và minh họa từng cảnh quay có trong video hoặc bộ phim. Vài bảng phân cảnh video truyền thống rất chi tiết và được ví như một tác phẩm nghệ thuật, trong khi một số khác lại được tạo từ các bản phác thảo đơn giản với hình ảnh và nhãn dán cho từng thành phần khác nhau. 

storyboard (11)

Nguồn ảnh: UX Collective

Ngoài ra, nhiều bảng phân cảnh truyền thống không để khung cho các cảnh quay. Thay vào đó, chúng chỉ cung cấp những ý tưởng về diễn biến của video hoặc bộ phim. Cách tiếp cận này thường phù hợp với các đoạn phim đơn giản hoặc các video mà bạn không cần truyền đạt nhiều thông tin về cảnh quay cho nhóm sản xuất và hậu kỳ.

2. Storyboard dạng thumbnail

Bảng phân cảnh dạng thumbnail đôi khi có nét tương đồng với bảng phân cảnh truyền thống, vì chúng có thể được thực hiện thông qua giấy bút. Tuy nhiên, storyboard dạng thumbnail luôn có độ chi tiết cao và bao gồm mọi khía cạnh của mỗi cảnh quay có trong một bản vẽ. Với các hình ảnh thu nhỏ hoặc hình vẽ cho từng cảnh quay riêng lẻ, mức độ chi tiết này giúp quá trình quay video diễn ra vô cùng dễ dàng. 

storyboard (9)

Nguồn ảnh: The Digital Bridges

Khi đó, chỉ cần thực hiện đúng theo bảng phân cảnh, bạn sẽ có tất cả những cảnh quay mình cần. Ngoài ra, ở giai đoạn chỉnh sửa, bạn cũng đã có hướng dẫn từng bước để điều chỉnh các cảnh sao cho phù hợp. Theo đó, dù cho bạn là người thực hiện chỉnh sửa hay những người khác, một storyboard chi tiết sẽ giúp bạn nâng tầm video của mình hơn.

3. Storyboard kỹ thuật số

Bảng phân cảnh kỹ thuật số rất phù hợp cho những ai muốn tạo storyboard nhưng không giỏi vẽ. Bằng cách sử dụng các phần mềm tạo storyboard, bạn có thể cho ra nhiều bảng phân cảnh chi tiết hoặc tối giản tùy theo sở thích của mình. Cũng như, chúng cho phép bạn thiết lập từng cảnh quay trên máy tính và thêm nhãn dán, kịch bản hay các ghi chú ở mỗi khung hình. Về cơ bản, với một storyboard kỹ thuật số, bạn có thể dựng nên bảng phân cảnh dạng thumbnail mà không phải tốn công sức vẽ ra từng khung hình.

storyboard (4)

Nguồn ảnh: StudioBinder

Tuy nhiên, nếu bạn đi theo con đường này, bạn cần lưu ý rằng không phải tất cả các chương trình/phần mềm tạo storyboard đều có tính năng giống nhau. 

Một số phần mềm yêu cầu bạn tự vẽ bảng phân cảnh ở định dạng kỹ thuật số. Một số sẽ tự động biến bảng phân cảnh của bạn trở nên sinh động hơn. Những loại khác có thể chứa các thành tố được vẽ sẵn để bạn tha hồ lựa chọn và ghép chúng vào các bảng phân cảnh của mình. Thế nhưng, về tổng thể, tất cả các phần mềm đều giúp việc tạo và chia sẻ storyboard của bạn trở nên dễ dàng hơn. 

7 bước để tạo một storyboard hoàn chỉnh

Để tạo một bảng phân cảnh không đòi hỏi quá nhiều tài năng, óc thẩm mỹ hay kiến thức nâng cao về khả năng quay dựng. Những bước đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn chuyển hóa các ý tưởng của mình thành một storyboard đầy tối ưu và phục vụ tốt cho dự án.

storyboard (1)

Nguồn ảnh: Bloop Animation

1. Xác định mục tiêu 

Trước khi bắt tay vào việc, bạn cần xác định những tiêu chí mà mình muốn đạt được trong video. Với các mục tiêu rõ ràng, bạn có thể đưa ra quyết định sáng suốt, nhất là khi phối hợp theo nhóm. Sự chuẩn bị kỹ càng là điều kiện tiên quyết giúp bạn chinh phục mọi lĩnh vực. Đây cũng là điều mà bạn gần như phải thực hiện nếu muốn đi theo sự nghiệp làm phim.

Đừng quên suy nghĩ đến khán giả mục tiêu và thông điệp mà bạn muốn truyền tải. Những khía cạnh này sẽ giúp bạn định hình được giọng điệu và ngôn ngữ sử dụng trong video. Đồng thời, câu từ của bạn cũng nên được dùng cho việc kể chuyện chứ không phải đưa khán giả mục tiêu đến từ hết thắc mắc này sang thắc mắc khác. 

Bạn cũng cần đặt khung thời gian thích hợp cho các video hướng đến khán giả mục tiêu. Ngoài ra, kênh phân phối nội dung (chẳng hạn như YouTube) cũng sẽ ảnh hưởng đến nội dung và chất lượng video của bạn. Một khi bạn đã lo liệu được hết toàn bộ những yếu tố trên, bạn đã sẵn sàng để tạo ra các storyboard tuyệt vời.

storyboard (1)

Nguồn ảnh: The Fordham Ram

2. Lên ý tưởng

Bạn nên thử chia sẻ những ý tưởng cho video với bạn bè hoặc đồng nghiệp xung quanh. Mục tiêu là để tìm ra cách kết nối tất cả các ý tưởng của mình thành một câu chuyện hấp dẫn. Hãy viết ra mọi thứ xuất hiện trong đầu và xác định những gì bạn sẽ đưa vào video. Về sau, hành động này có thể ảnh hưởng đến cách bạn tạo bảng phân cảnh của mình.

Khi viết, bạn cần cố gắng hình dung các ý tưởng sẽ có trong bảng phân cảnh. Hãy ghi nhớ trình tự sự kiện có trong câu chuyện của mình để sau đó lập dàn ý cho toàn bộ bảng phân cảnh. Ở giai đoạn này, bạn cần chỉ ra các nhân vật chính, bối cảnh, chủ đề của video, cũng như cách mà các đạo cụ và nhân vật tương tác lẫn nhau.

3. Tạo dòng thời gian cho câu chuyện 

Với mạch chuyện đã có sẵn trong đầu, bạn cần phác thảo dòng thời gian (timeline) phù hợp để dẫn dắt cốt truyện của bạn. Hãy xác định điểm bắt đầu, các phần chuyển cảnh quan trọng và điểm kết thúc của câu chuyện. Sau đó, bạn điền vào tất cả các khoảng trống trong timeline để đảm bảo tính mạch lạc của câu chuyện. Trong quá trình thực hiện, bạn cũng cần chú ý việc đơn giản hóa cốt truyện mà không làm mất đi sự cao trào hay điểm nhấn của nó.

storyboard (2)

Nguồn ảnh: iSpring Solutions

4. Bắt đầu phác thảo

Bố cục của hầu hết các storyboard đều bao gồm một loạt khung trắng. Nếu bạn không thích tự vẽ khung thì các mẫu storyboard miễn phí có ví dụ làm theo là một sự lựa chọn tuyệt vời. Theo đó, bạn có thể chọn định dạng ưa thích của mình trước khi bắt đầu vẽ. Tuy nhiên, hãy đảm bảo các khung không chiếm toàn bộ không gian vì bạn sẽ cần chỗ trống cho các ghi chú bổ sung của mình.

Tương tự một bộ hoạt hình (animation book), bạn cần phải xử lý từng cảnh một. Các storyboard không cần chi tiết cầu kỳ nào, do đó, bạn chỉ cần sử dụng phần mềm tạo storyboard hoặc vẽ các bản phác thảo đơn giản là đủ. So sánh giữa hai phương pháp, vẽ bằng tay sẽ đơn giản hơn và cho phép bạn truyền tải thông điệp của mình một cách thực tế hơn.

Nếu không vẽ đẹp, bạn hoàn toàn có thể vẽ các hình que và người que. Hãy nhớ rằng, bạn không cần đến chủ nghĩa hoàn hảo để làm việc trong giai đoạn này. 

Đây là mẫu khung mà bạn có thể sử dụng cho storyboard của mình:

storyboard (6)

Nguồn ảnh: movavi

5. Đính kèm ghi chú bổ sung

Sau khi hoàn thành bước vẽ, bạn cần mô tả ngắn gọn những gì đang diễn ra trong mỗi khung hình với một số ghi chú đơn giản bên dưới. Bạn cũng có thể thêm các hướng dẫn mà bạn cho là hữu ích đối với quy trình sản xuất của mình, và đừng quên để lại ghi chú về các chi tiết như góc quay, văn bản trên màn hình và hiệu ứng đặc biệt của từng phần. 

Khi tạo storyboard, bạn không nên quá bài xích với mọi thay đổi có giá trị cho câu chuyện của mình. Hãy luôn cởi mở với những ý tưởng mới, miễn là chúng không làm thay đổi hoàn toàn cốt truyện gốc.

6. Tham khảo ý kiến 

Bạn có thể nhờ đồng nghiệp phân tích và góp ý bảng phân cảnh hoàn chỉnh. Theo đó, bạn sẽ biết được storyboard có dễ hiểu hay không và mang lại hiệu quả công việc thế nào. Nhờ vào đó, bạn cũng sẽ tìm ra những sơ sót còn tồn đọng và yếu tố mà bạn có thể cải thiện trong storyboard của mình.

Công đoạn kiểm tra sẽ trở nên quan trọng hơn khi bạn nhìn câu chuyện của mình dưới một góc độ khác. Các phản hồi đúng sẽ giúp bạn tìm ra mọi lỗi sai trước khi bước vào giai đoạn sản xuất.

storyboard (4)

Nguồn ảnh: Ladders

7. Điều chỉnh storyboard

Sau khi đánh giá phản hồi nhận được, bạn cần thực hiện những thay đổi phù hợp nếu cần thiết. Bạn không nên làm theo mọi ý tưởng mà người khác góp ý cho bạn. Thay vào đó, hãy chọn lọc những gì cần đưa vào storyboard và để nó trình bày ý tưởng của bạn một cách tốt nhất trong quá trình sản xuất.

Các phần mềm tạo storyboard tốt nhất

  • Lựa chọn tốt nhất khi làm việc nhóm: Miro

Đây là công cụ phù hợp cho quá trình làm storyboard, biểu đồ và các dạng minh họa trực quan khác theo nhóm.

  • Công cụ tạo storyboard miễn phí tốt nhất: Storyboarder

Phần mềm miễn phí này rất dễ sử dụng, có thể giúp bạn vẽ storyboard truyền thống và dạng thumbnail.

  • Chương trình tạo storyboard với giá cả phải chăng: Plot

Với giá cả hợp lý, chương trình này cho phép bạn thêm người chỉnh sửa và nhiều bảng phân cảnh khác.

  • Trình tạo storyboard trực tuyến nhạy bén nhất: StudioBinder

Một công cụ tuyệt vời để tạo bảng phân cảnh kỹ thuật số trực tuyến mà không cần tải xuống bất kỳ phần mềm nào.

  • Công cụ tạo storyboard trực tuyến tốt nhất: Milanote

Đây là công cụ tạo storyboard với nhiều tính năng nổi trội, cho phép bạn nhập kịch bản và lập kế hoạch quay phim.

storyboard (5)

Nguồn ảnh: Milanote

Lời kết

Bằng storyboard, bạn có thể trao đổi ý tưởng với khách hàng tiềm năng hoặc đưa các thành viên trong nhóm đi theo kế hoạch của bạn một cách dễ dàng. Chính bởi khả năng cung cấp bức tranh tổng thể cho một video, storyboard sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bạn giải quyết những mâu thuẫn có thể xảy ra trong quá trình “brainstorm”. Cũng như, nếu mọi người đều góp sức vào giai đoạn tạo storyboard, đây sẽ là một quyết định tuyệt vời.

Với những thông tin đã cung cấp trên, bạn có thể biến quá trình tạo video trở nên dễ dàng hơn trong tương lai. Một storyboard sẽ cung cấp hình ảnh rõ ràng cho video của bạn và đồng thời giúp bạn đi đúng hướng trong quá trình sản xuất. Vì thế, hãy dành thời gian thực hành và bạn sẽ đạt được kết quả mong đợi trong dự án tiếp theo. 

Nguồn: movavi

Tâm Cửu