vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >7 kỹ năng cần thiết để trở thành một Background Artist chuyên nghiệp
thumbnail-background-artist

7 kỹ năng cần thiết để trở thành một Background Artist chuyên nghiệp

Trong ngành công nghiệp hoạt hình, Background Artist là một vai trò cần thiết để đưa quá trình kể chuyện bằng hình ảnh diễn ra thuận lợi và thành công. Để trở thành một Background Artist lão luyện, bạn sẽ cần nắm vững 7 kỹ năng thiết yếu được giải thích chi tiết bên trong bài viết này.

Khi nghĩ đến các bộ phim và chương trình hoạt hình, tâm trí ta thường chỉ hướng về những nhân vật sống động và câu chuyện hấp dẫn xoay quanh họ. Tuy nhiên, để có thể cho ra một tác phẩm hoàn thiện thì phông nền là yếu tố mà không một đội ngũ nào có thể tùy tiện bỏ qua. Vì vậy, dù không hay được khán giả nhắc đến, nhưng sự tham gia của các Background Artist vẫn đóng một vai trò rất lớn đối với sự thành công của các chương trình hoạt hình. 

1-background-artist

Nguồn ảnh: Filmmaking Lifestyle

Background Artist, hay họa sĩ vẽ phông nền, là những người đảm nhận tạo ra khung nền hỗ trợ cho câu chuyện, thiết lập trạng thái, bầu không khí, và đồng thời khiến bối cảnh hoạt hình trở nên sống động hơn. 

Trong bài viết dưới đây, bạn sẽ được dịp đi sâu vào 7 kỹ năng thiết yếu để trở thành một Background Artist chuyên nghiệp trong lĩnh vực hoạt hình, bao gồm: Am hiểu về phối cảnh và bố cục; lý thuyết màu sắc và ánh sáng; kỹ thuật và công cụ; phân tích và hiện thực hóa ý tưởng; chú ý tiểu tiết và tính nhất quán; quản lý thời gian và hiệu suất công việc; cuối cùng là làm việc nhóm và truyền tải nội dung hiệu quả. Tất cả những kỹ năng này sẽ giúp bạn xây dựng nền tảng vững chắc trong ngành nghiên cứu Background nói riêng và lĩnh vực hoạt hình đầy tính sáng tạo nói chung. Cùng tìm hiểu chi tiết từng kỹ năng dưới đây bạn nhé!

2-background-artist

Nguồn ảnh: X

1. Hiểu rõ cách trình bày phối cảnh và bố cục

Nắm vững các quy luật phối cảnh là kỹ năng quan trọng đầu tiên đối với một Background Artist. Phối cảnh trong nghệ thuật nhìn chung là khả năng tái tạo thế giới ba chiều dựa trên môi trường hoặc bề mặt không gian hai chiều, trong đó, các Artist sẽ bố trí những đối tượng có trong khung hình ở một tỷ lệ chuẩn xác, chẳng hạn càng về xa thì vật thể sẽ càng nhỏ hơn, hoặc thứ gì gần với góc nhìn nhất thì sẽ được phóng đại sao cho hợp lý,… 

Điều này đòi hỏi người vẽ phải có tư duy nhạy bén đối với không gian, kích thước, hình dạng và vị trí của các vật thể để điều chỉnh sự thay đổi dựa trên khoảng cách của chúng với người xem hoặc góc nhìn. Bất kể đó là cảnh quan thành phố chật chội, náo nhiệt hay vùng nông thôn rộng rãi, yên ắng thì việc nắm bắt các quy luật phối cảnh như phối cảnh 1 điểm tụ hay phối cảnh không gian đều cần thiết trong việc mô tả chiều sâu của các địa điểm này.

Bên cạnh đó, bố cục cũng đóng vai trò then chốt và song hành mật thiết với không gian mà phối cảnh thể hiện. Bố cục trong hoạt hình đề cập đến cách sắp xếp các yếu tố thị giác một cách phù hợp, nhằm mục đích đem lại sự cân bằng trong khung hình và khiến cho phông nền phía sau trở thành yếu tố hỗ trợ cho sự xuất hiện của các nhân vật. Đối với một Background Artist, điều này có nghĩa là họ phải nắm được cách điều hướng ánh mắt và sự tập trung của người xem, để có thể giúp họ chú ý vào những yếu tố quan trọng trong khi vẫn duy trì sự cân bằng của môi trường xung quanh.

3-background-artist 4-background-artist

Nguồn ảnh: Premium Courses Online, Moore for State Rep

Việc sắp xếp bố cục tốt sẽ đưa khung hình lên một tầm cao mới, góp phần phát triển khả năng kể chuyện của tác phẩm bằng cách đóng khung các nhân vật vào trong những môi trường phản ánh trạng thái của câu chuyện khi đó. Việc nắm vững những quy luật cần thiết cho phép các Background Artist tạo ra vô số bối cảnh không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn hỗ trợ đắc lực cho quá trình kể chuyện của một bộ phim hoạt hình.

2. Am hiểu lý thuyết màu sắc và nguyên lý ánh sáng 

Kỹ năng quan trọng thứ hai đối với một Background Artist là hiểu biết sâu sắc về lý thuyết màu sắc và nguyên lý ánh sáng.

Lý thuyết màu sắc rất quan trọng trong việc thiết lập tâm trạng nhân vật hoặc trạng thái khung cảnh. Khi nắm vững kiến thức về cách các màu sắc tương tác với nhau và cảm xúc mà chúng gợi ra cho người xem, các Artist có thể tùy ý biến đổi khung cảnh bằng cách sử dụng những gam màu phù hợp để chúng không chỉ hấp dẫn về mặt hình ảnh mà còn tạo ra sự cộng hưởng về mặt cảm xúc.

Ví dụ, tông màu ấm có thể được dùng để truyền tải sự thoải mái và năng lượng tích cực, trong khi tông màu lạnh lại mang đến cảm giác bình tĩnh, u sầu, hoặc có chút gì đó bí ẩn hơn.

Mặt khác, ánh sáng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập thời gian trong ngày, thời tiết, và bầu không khí của một khung cảnh nào đó.

5-background-artist

Nguồn ảnh: The Verge

Ánh sáng có thể làm nổi bật các yếu tố quan trọng, tạo chiều sâu và tăng tính chân thực cho môi trường trong khung hình. Một Background Artist sẽ cần phải hiểu được cách ánh sáng tương tác với những bề mặt và vật thể khác nhau, khả năng ảnh hưởng của nó đối với màu sắc, cũng như cách nó tạo ra độ tương phản và bóng tối trong mọi chiều không gian, để từ đó điều chỉnh sự sống động và chiều sâu cho khung cảnh một cách hợp lý hơn.

Việc kết hợp hiệu quả quy tắc phối màu và ánh sáng cho phép các Background Artist tạo ra những khung cảnh gợi hình, gợi tả, gợi cảm xúc cao, từ đó làm tăng khả năng kể chuyện cho bộ phim hoạt hình.

3. Nắm vững các kỹ thuật và công cụ hành nghề 

Trong lĩnh vực hoạt hình, một Background Artist sẽ đòi hỏi tính linh hoạt cao cùng với khả năng thành thạo hội họa và công cụ kỹ thuật số để có thể phát triển tối đa trong chuyên ngành của họ. Theo đó, sự linh hoạt cho phép họ tạo ra các phông nền độc đáo, đa dạng, phù hợp với phong cách và nhân vật của từng dự án. Mặt khác, các kỹ thuật vẽ truyền thống như phác thảo bằng bút chì, vẽ màu nước và vẽ mực, sẽ cung cấp cho họ bộ kỹ năng nền tảng cần thiết trong giai đoạn lên ý tưởng ban đầu hoặc trong các dự án yêu cầu tính thẩm mỹ cổ điển hơn.

6-background-artist

Nguồn ảnh: Lupine Art Studio

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các phần mềm như Adobe Photoshop, Illustrator, SketchUp, hay bất kỳ ứng dụng hoạt hình chuyên dụng nào khác đều đã trở thành một phần không thể thiếu đối với những người trong ngành. Do đó, việc làm chủ các công cụ và phần mềm kỹ thuật số là kỹ năng cần thiết đối với mọi Artist chứ không riêng gì những họa sĩ vẽ background. 

Những công cụ này hỗ trợ người vẽ tạo ra tất cả các loại phông nền từ đơn giản đến chi tiết. Chúng cho phép các Background Artist thử nghiệm nhiều loại kết cấu, lớp và hiệu ứng kỹ thuật khác nhau để khám phá những giao diện lý tưởng và phù hợp nhất đối với yêu cầu đặt ra của một dự án hoạt hình.

4. Phân tích và hiện thực hóa concept art – storyboard

Một bộ kỹ năng quan trọng khác đối với các Background Artist là khả năng truyền đạt ý tưởng, xây dựng storyboard và concept art cho các dự án.

Các Background Artist sẽ lấy ý tưởng và bản phác thảo từ Storyboard Artist hoặc đạo diễn để biến chúng thành những bối cảnh hoàn chỉnh cho bộ phim. Điều này không đơn thuần là nhân bản concept mà nó còn yêu cầu người vẽ biết cách tạo chiều sâu, kết cấu và chi tiết cho mỗi khung cảnh, để từ đó biến chúng trở nên sống động và thực tế hơn.

7-background-artist

Nguồn ảnh: Hannahhan

Bên cạnh đó, việc bóc tách storyboard còn đòi hỏi những hiểu biết sâu sắc về cách kể chuyện nói chung và kể chuyện bằng hình ảnh nói riêng. Người vẽ nền phải phân biệt được các yếu tố chính của một khung cảnh và cách chúng tham gia vào câu chuyện như thế nào sao cho hợp lý. Tựu trung lại, đây là một công việc đòi hỏi khả năng nhìn được tổng thể của bức tranh nhiều hơn là chú ý vào chi tiết có sẵn. Cũng như, các Storyboard Artist sẽ cần phải tưởng tượng ra được cách mỗi phông nền, nhân vật và những yếu tố khác nhau trong từng khung cảnh khi lên hình sẽ trông như thế nào, nhằm tránh việc sau khi hoàn tất toàn bộ tác phẩm thì mới thấy chúng không phù hợp và ăn nhập với nhau.

Việc hiện thực hóa những khái niệm này đòi hỏi óc sáng tạo và trí tưởng tượng cao. Do đó, Background Artist phải là những người có khả năng thêm thắt và tạo các lớp chi tiết mà ban đầu có thể không được liệt kê hay phác thảo rõ ràng trong storyboard.

Điều này có thể bao gồm việc thiết kế các kiến trúc ngoại nội thất phức tạp, cảnh quan cây cối hoặc môi trường đô thị, làng quê,… Tuy nhiên, các Artist cũng cần phải đảm bảo các yếu tố này phù hợp với phong cách và tông màu tổng thể của bộ phim.

5. Chú ý tiểu tiết và tính nhất quán

Một trong những phẩm chất mà bất kỳ Background Artist nào cũng sở hữu là sự tỉ mẩn, chú ý đến tiểu tiết và cam kết tính nhất quán cho từng phân đoạn phim.

8-background-artist

Nguồn ảnh: Pinterest

Kỹ năng này không chỉ là về khả năng vẽ các chi tiết phức tạp mà nó còn liên quan đến việc đảm bảo mọi yếu tố trong nền đều góp phần tạo nên một thế giới liền mạch và sống động.

Chú ý tiểu tiết cũng là một kỹ năng thiết yếu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tạo phông nền. Với kỹ năng này, các họa sĩ sẽ cần tập trung sáng tạo và biết cách phối hợp các chi tiết nhỏ để làm ra bức tranh toàn vẹn cho khung cảnh (từ họa tiết trên tường cho đến cách tán lá di chuyển trong gió). Những chi tiết này nhìn chung có vẻ nhỏ nhặt nhưng khi cộng hưởng với nhau, chúng có thể tạo ra trải nghiệm xem phim phong phú và hấp dẫn hơn rất nhiều.

Tính nhất quán cũng quan trọng không kém, đặc biệt là trong các dự án bao gồm nhiều tập và phân cảnh. Các họa sĩ vẽ nền sẽ cần đảm bảo phong cách, bảng màu và tính thẩm mỹ tổng thể đều phải đồng nhất với nhau trong suốt quá trình bộ phim diễn ra.

Sự nhất quán này giúp duy trì cảm giác thật cho thế giới giả tưởng và đưa khán giả vô thức lọt vào vũ trụ bên trong bộ phim. Để làm được điều này đòi hỏi các Background Artist phải có con mắt nhìn xa trông rộng, tỉ mẩn với từng bức vẽ và có cách tiếp cận phù hợp để đảm bảo mỗi bối cảnh tuy có nét độc đáo riêng nhưng vẫn giữ được sự liền mạch với câu chuyện ban đầu.

9-background-artist 10-background-artist

Nguồn ảnh: Reddit, Anime News

6. Quản lý thời gian và làm việc hiệu quả 

Quản lý thời gian tốt đồng nghĩa với biết cách lập kế hoạch và ưu tiên các nhiệm vụ một cách khôn ngoan. Một Background Artist thường làm việc cùng lúc với nhiều dự án hoặc phân cảnh khác nhau. Điều này đòi hỏi họ phải biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc để có thể hoàn thành mọi thứ trước thời hạn được giao.

Ngoài ra, các họa sĩ cũng phải học cách tối ưu hóa quy trình làm việc để có thể đảm bảo hiệu suất mà không làm ảnh hưởng quá nhiều đến thời gian nghỉ ngơi hay chất lượng của tác phẩm.

Làm việc hiệu quả cũng đến từ cách mà các họa sĩ thành thạo công cụ hành nghề của mình. Một Artist càng am hiểu phần mềm và kỹ thuật của họ thì càng có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi concept art một cách hoàn thiện và hiệu quả hơn.

Một cách khác cũng giúp làm tăng tốc độ làm việc là sử dụng các asset hoặc template có thể tái sử dụng cho những phân đoạn lặp lại, chung chung hoặc không có yêu cầu đặc biệt.

11-background-artist 12-background-artist

Nguồn ảnh: DeviantArt, Tumblr

Trong lĩnh vực hoạt hình, thời gian thường rất khan hiếm và cũng có giá trị như khả năng sáng tạo của một người, do đó, việc quản lý nó một cách hiệu quả không chỉ là sự lựa chọn mà còn là điều cần thiết để giúp các Artist vượt qua những tình huống trớ trêu như cháy sạch năng lượng hoặc nước tới chân mới nhảy. 

Nhìn chung, quản lý thời gian và hiệu suất công việc là bộ kỹ năng giúp các Background Artist có thể vừa hoàn thành dự án của mình vừa có thêm thời gian để trau dồi kỹ năng hoặc nhận thêm các “job” khác để tăng thu nhập cho chính mình.

7. Làm việc nhóm và giao tiếp hiệu quả

Kỹ năng cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đối với một Background Artist đó là làm việc nhóm và giao tiếp hiệu quả.

Một bộ phim hoạt hình là kết quả cho sự nỗ lực của cả một đội ngũ thực hiện, và các họa sĩ vẽ nền là một trong những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc biến dự án trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Họ không thể làm việc một cách độc lập khi phông nền luôn có quan hệ mật thiết với những yếu tố khác. Do đó, các Background Artist phải hợp tác chặt chẽ với đạo diễn, Animator, Storyboard Artist và những thành viên còn trong nhóm để đảm bảo tầm nhìn của họ phù hợp với dự án tổng thể.

13-background-artist

Nguồn ảnh: Yahoo Finance

Ngoài giao tiếp nội bộ trong nhóm, các Background Artist có thể sẽ cần liên lạc với bên thứ ba, chẳng hạn như khách hàng hoặc đối tác của họ. Vì vậy, khả năng trình bày công việc của các Artist phải ở một mức độ đủ chuyên nghiệp để có thể phản hồi, giải đáp, tương tác với người khác một cách có chuyên môn, mang tính xây dựng và giúp họ hiểu được dụng ý đằng sau mỗi artwork mà mình tạo ra là gì.

Sự nghiệp của một Background Artist cần có thêm yếu tố nào?

Để bắt tay vào sự nghiệp xây dựng phông nền, bạn cần phải có lòng đam mê với những gì bạn làm và hiểu rằng công việc của bạn cũng quan trọng và thú vị như bao ngành nghề sáng tạo khác. Đã có không ít những họa sĩ vẽ nền theo đuổi ngành được một thời gian ngắn vì họ cảm thấy phông nền chỉ là một vai phụ bị lãng quên, và luôn phải tìm cách để làm nổi bật câu chuyện và các nhân vật khác. 

Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ không nên có đối với các Background Artist. Vì như bài viết đã đề cập phía trên, không một tác phẩm nào là không cần đến sự tham gia của các phông nền, cũng như phông nền không chỉ bao gồm những họa tiết lặp đi lặp lại mà nó còn là về sự am hiểu cách xây dựng kiến trúc, cảnh quan và bầu không khí của một tác phẩm. Bạn sẽ thấy nhân vật yêu thích của mình có thể không xuất hiện trong một, hai tập, hay thậm chí là chỉ ẩn hiện vài phút trong cả một mùa phim, nhưng các phông nền thì khác, chúng không thể không có mặt dù chỉ là một phút. 

14-background-artist

Nguồn ảnh: Wired Italia

Do đó, thật không ngoa khi nói Background Artist là một nghề vừa thú vị vừa thử thách. Nó đòi hỏi sự kết hợp độc đáo giữa tài năng nghệ thuật, kỹ năng sáng tạo và tinh thần hợp tác của đội ngũ làm phim.

Bên cạnh 7 kỹ năng thiết yếu để trở thành một Background Artist như trên, bạn cũng sẽ cần phải luyện tập nhiều để có cho mình một Portfolio phong phú và từ đó thử sức bản thân ở các chương trình huấn luyện trainee hoặc các studio chuyên về VFX, hoạt hình và game để được tiếp xúc với những dự án thực tế. Chúc các bạn thành công!

Nguồn: Business of Animation

Tâm Cửu