
8 bí quyết giúp bạn xây dựng Portfolio hiệu quả trong lĩnh vực Hoạt hình
Portfolio đóng vai trò thể hiện các kỹ năng, thế mạnh cùng kinh nghiệm của người làm việc trong một hoặc một vài vị trí cụ thể trong ngành Hoạt hình 3D. Bên dưới là 8 mẹo hay giúp bạn có thể nhanh chóng xây dựng cho mình một Portfolio hiệu quả, nâng cao cơ hội trúng tuyển vào các studio mà bạn yêu thích.
Thông thường, Portfolio thể hiện những mặt tốt nhất của bạn chứ không phải toàn bộ mọi thứ về bạn. Tuy nhiên, Portfolio lại cực kỳ quan trọng và gần như quyết định xem bạn có phù hợp với các yêu cầu tuyển dụng, lời mời hợp tác dự án nào đó hay không.
Nếu Portfolio của bạn đủ ấn tượng và độc đáo, ngay cả khi không có kinh nghiệm chuyên môn trước đó, nó sẽ giúp bạn nổi bật trong biển ứng viên khác. Và nếu bạn mới làm quen với nghề, đó có thể là tấm vé để bạn có được công việc đầu tiên trong lĩnh vực hoạt hình.
Vì thế, việc đầu tư cho việc xây dựng một Portfolio là điều vô cùng cần thiết đối với bất cứ ai đã, đang và sẽ có ý định làm việc trong ngành này.
Dưới đây là 8 bí quyết xây dựng Portfolio hiệu quả để chinh phục nhà tuyển dụng trong lĩnh vực Hoạt hình:
1. Giới thiệu bản thân
Hãy đảm bảo phần giới thiệu bản thân trong Portfolio được thể hiện một cách trực tiếp và nên xuất hiện ngay ở phần đầu để các nhà tuyển dụng hoặc khách hàng có thể dễ dàng nắm bắt thông tin tổng quan về bạn. Những thông tin này cần ngắn gọn và đi vào trọng tâm.
Một mẹo dành cho phần giới thiệu thông tin ban đầu trong Portfolio là bạn nên thêm phần thông tin liên hệ như số điện thoại, email, website,… để nhà tuyển dụng có thể nhanh chóng và thuận tiện kết nối với bạn.
2. Đính kèm những dự án tốt nhất
Portfolio không phải là nơi để bạn trình diễn tất cả những dự án, công việc và kinh nghiệm mà mình đã làm. Portfolio chỉ nên “show” ra những gì mà bạn cho là tốt nhất và tự tin về nó nhất. Đây cũng là cách để bạn tạo ấn tượng tốt với các khách hàng hoặc nhà tuyển dụng khi tìm thấy hồ sơ của bạn.
Các dự án thể hiện trong Portfolio có thể là dự án cá nhân hoặc dự án mà bạn tham gia cùng một đội nhóm hoặc làm cho công ty. Đừng quên thêm một vài thông tin ngắn đính kèm về vai trò của bạn trong các dự án đó nhé!
3. Mô tả về quá trình thực hiện
Ngoài trình bày một cách thật đẹp mắt những dự mà bạn đã thực hiện để tạo ấn tượng ban đầu, các nhà tuyển dụng cũng sẽ quan tâm xem bạn đã tạo ra các nhân vật, môi trường 3D đó như thế nào hay đâu là ý tưởng để bạn tạo nên sản phẩm đó,… Bằng cách cung cấp một vài hình ảnh breakdown về quá trình thực hiện dự án sẽ giúp các nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về quá trình làm việc trên các dự án của bạn.
4. Ưu tiên chất lượng thay vì số lượng
Số lượng dự án thực hiện không quan trọng bằng việc bạn đã làm chúng tốt như thế nào. Đó cũng chính là điều mà các nhà tuyển dụng quan tâm nhất. Vì thế, hãy cân nhắc thật kỹ và lựa chọn các dự án tốt nhất để trình diễn trong Portfolio của mình bạn nhé!
Nếu như bạn cảm thấy quá khó trong việc chọn ra đâu là sản phẩm chất lượng trong số loạt dự án mà bạn đã làm trước đó, vậy thì hãy thử tham vấn ý kiến của các đồng nghiệp, các bậc tiền bối hoặc đưa cho các Artist có kinh nghiệm xem qua.
5. Tập trung vào những thứ khiến bạn khác biệt
Tạo Portfolio không có khuôn mẫu, vì thế bạn có thể tùy ý sáng tạo theo cách riêng của mình. Hiện nay có rất nhiều mẫu Portfolio được thiết kế sẵn để bạn lựa chọn. Tuy nhiên, hãy dừng lại và suy nghĩ một chút. Nếu như bạn là một nhà tuyển dụng, bạn sẽ dễ ấn tượng và bị thu hút bởi kiểu Portfolio như thế nào? Chắc chắn là một Portfolio độc đáo, khác biệt.
Tùy theo ý đồ và phong cách của bản thân, bạn có thể trình bày, sắp xếp các dự án của mình theo nhiều cách khác nhau, miễn là chúng thu hút và tạo được ấn tượng tốt với các nhà tuyển dụng.
6. Ngắn gọn là điều cần thiết
Hãy cố gắng trình bày và diễn giải mọi thứ theo một cách ngắn gọn nhất. Tập trung vào các thông tin cần thiết, hình ảnh bắt mắt và đảm bảo sự dễ hiểu để bất kỳ một người nào dù không phải trong ngành cũng có thể hiểu được bạn đang muốn kể một câu chuyện như thế nào.
Nếu bạn không biết bao nhiêu mới là đủ, bao nhiêu thông tin là cần thiết, vậy hãy suy nghĩ xem nếu như bạn có 30 giây để thuyết phục nhà tuyển dụng, bạn sẽ muốn cho họ thấy những thông tin gì? Và nếu như bạn là một người mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, hãy để phần giới thiệu của mình giới hạn trong vòng 01 phút. Còn nếu bạn có nhiều thứ muốn quảng bá hơn, hãy để phần trình bày kéo dài trong khoảng 02 phút.
7. Đảm bảo Portfolio phù hợp với vai trò của bạn
Một trong những yếu tố giúp Portfolio của bạn trông chuyên nghiệp hơn chính là trình bày mọi thứ một cách có hệ thống và liên quan đến mục tiêu, hướng đi hoặc vai trò mà bạn đang hướng đến. Nếu bạn là một nghệ sĩ đa năng, hãy tạo ra một danh mục riêng cho mảng hoạt hình mà bạn đang tìm kiếm khách hàng hoặc đối tác để họ có thể dễ dàng xem xét, đánh giá mức độ phù hợp của bạn với vị trí mà họ đang tìm kiếm.
8. Đừng quên quản lý Portfolio trực tuyến
Dù bạn đang trình bày Portfolio của mình ở bất kỳ định dạng nào, hãy tìm cho mình một nền tảng trực tuyến tốt để lưu trữ, mở rộng tầm ảnh hưởng và PR thêm cho mình. Đối với lĩnh vực nghệ thuật cần trình diễn nhiều về phần hình ảnh, video thì các nền tảng miễn phí được Artist sử dụng phổ biến hiện nay là ArtStation, Behance, Vimeo. Nơi đây cho phép bạn tạo ra các không gian trình diễn sản phẩm của mình và chia sẻ chúng đến với cộng đồng lớn. Bên cạnh đó, đừng quên cập nhật các dự án mới của mình trên các nền tảng trực tuyến này nhé!