vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >Animation là gì? Phân biệt 3D Animation và Animation truyền thống

Animation là gì? Phân biệt 3D Animation và Animation truyền thống

Sự phát triển của ngành công nghiệp Hoạt hình nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của các tín đồ màn ảnh nhỏ, trở thành “món tráng miệng” hấp dẫn không thua kém các thước phim live-action đình đám. Nếu có niềm đam mê với thế giới Hoạt hình đầy sáng tạo, các khái niệm cơ bản dưới đây là kiến thức mà bạn không thể không biết đến.

Animation là gì?

Ngành công nghiệp Hoạt hình (hay còn gọi là Animation) đã tồn tại rất nhiều năm nay, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, hình thành và phát triển ra vô vàn các thể loại phổ biến để ngày càng vững mạnh trong lĩnh vực Truyền thông – Giải trí.

Đến nay, Animation không đơn thuần là những thước phim phục vụ cho các tín đồ màn ảnh nhỏ, mà còn được sử dụng rộng rãi cho các mục đích giải trí khác như MV ca nhạc có thời lượng ngắn, các hoạt động quảng cáo, thương mại,… Chính vì thế, Hoạt hình được đánh giá là một trong những ngành thuộc nhóm nghệ thuật sáng tạo đã đang và sẽ tăng trưởng vượt trội trong tương lai.

3D Animation được ứng dụng trong quảng cáo của Pepsi (Nguồn video: Red Cat Motion Studio)

Hầu hết khán giả Việt ưa chuộng xem phim Hoạt hình nhưng lại chẳng có mấy ai hiểu rõ các công đoạn để tạo ra nó. Vì vậy, nếu muốn trở thành một Animator để có thể sản xuất ra những thước phim hoạt hình sống động từ chính đôi tay của mình, thì các kiến thức nền tảng về ngành là “chìa khóa” mà bạn bắt buộc phải nắm trong lòng bàn tay.

Theo đó, Animation là một phương pháp mà các chuỗi hình ảnh tĩnh khác nhau xuất hiện liên tục tạo ảo giác chuyển động. Hiểu đơn giản, Animation là nghệ thuật tạo chuyển động bằng hình ảnh. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Animation không chỉ như thế, đây là kỹ thuật thổi hồn cho những thứ vô tri vô giác, dù chỉ là một hòn đá, bức tượng, hay ngọn cỏ ven đường.

Ngành công nghiệp Hoạt hình sẽ còn tăng trưởng vượt trội trong tương lai (Nguồn ảnh: disneyanimation.com)

Trong hoạt hình truyền thống, hình ảnh đa phần được vẽ bằng tay trên các tấm celluloid (tấm giấy bóng trong suốt dùng để vẽ hay tô màu các đối tượng trong quy trình sản xuất hoạt hình vẽ tay truyền thống), sau đó được chụp lại và trưng bày trên phim. Ngày nay, hầu hết các hình ảnh này đều do máy tính tạo ra.

Các thể loại Animation

Như đã đề cập trên, để đạt được tiềm năng thị trường lớn mạnh như hiện nay, ngành công nghiệp Hoạt hình đã phải trải qua rất nhiều “cuộc cách mạng” để sàng lọc và ngày càng đổi mới.

Khái niệm tạo chuyển động bằng hình ảnh thực chất đã được con người tìm thấy từ khoảng 5000 năm trước. Tuy nhiên, cho đến giai đoạn cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 thì ngành công nghiệp Animation mới được nhen nhóm phát triển bắt nguồn từ các kỹ thuật, công nghệ xử lý hình ảnh khá đơn sơ.

Các thể loại Animation phổ biến (Nguồn ảnh: maacindia.com) 

Trải qua chiều dài lịch sử hình thành cùng sự nỗ lực sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ, ngành công nghiệp Hoạt hình đã chứng kiến sự ra đời của nhiều thể loại Animation khác nhau, gồm:

Traditional Animation (Hoạt hình truyền thống)

Hoạt hình truyền thống hay còn được biết đến với tên gọi Hoạt hình cổ điển trên tấm celluloid. Đây là phương thức Animation chủ đạo, nguyên thủy nhất trong ngành công nghiệp hoạt hình, được cho là nền tảng của những hình thức Animation khác được phát triển về sau.

Hình ảnh của Hoạt hình truyền thống phần lớn đều do đôi tay của người họa sĩ vẽ nên (Nguồn ảnh: Elite Animation Academy)

Hình ảnh được tạo ra bằng phương thức này xuất phát từ đôi bàn tay khéo léo của các Animator. Các hình ảnh vẽ tay được thực hiện trên các tấm celluloid trong suốt. Từ đây, người người nghệ sĩ phải mất từ 12 – 24 tiếng để tạo ra các chuyển động thông qua việc nối liền các hình ảnh với nhau. Vì vậy, quá trình sản xuất một bộ phim Animation giai đoạn này diễn ra vô cùng phức tạp và tốn nhiều công sức.

Các Animator vẽ Hoạt hình truyền thống bằng tay (Nguồn ảnh: Elite Animation Academy)

Ví dụ điển hình của Hoạt hình truyền thống (Nguồn video: Tarun Lak)

Stop Motion Animations (Hoạt hình tĩnh vật)

Tương tự với Hoạt hình truyền thống, Stop Motion Animations (Hoạt hình tĩnh vật) cũng là một trong những thể loại tồn tại lâu đời nhất trong ngành công nghiệp Animation. Đây là kỹ thuật làm phim hoạt hình mà các nhân vật phải được dựng lên theo từng động tác, chụp hình và ghép thành một bộ phim hoàn chỉnh.

 

 

 

 

Một phân cảnh của phương thức Hoạt hình tĩnh vật (Nguồn ảnh: Học viện MAAC Kolkata)

Tuy nhiên, bản chất của Stop Motion Animations là một khái niệm bao quát, gồm nhiều phân nhánh khác nhau như: Clay Motion (sử dụng đất sét), Cut Out (sử dụng hình ảnh cắt dán),… 

Hoạt hình tĩnh vật được ứng dụng trong MV Nắng thủy tinh – OST phim Em và Trịnh (Nguồn video: Galaxy Studio)

Computer Animation

Khác với hai thể loại trên, Computer Animation (Hoạt hình máy tính) là thuật ngữ chung để chỉ công nghệ hiện đại, mô phỏng di chuyển các nhân vật, bối cảnh hoạt hình trên màn hình máy tính. Hiện nay, Hoạt hình máy tính được chia thành 2 thể loại riêng biệt, đó là 2D và 3D.

2D Animation (Hoạt hình 2D)

Phương thức hoạt hình 2D xuất hiện cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật digital, các hình ảnh chuyển động được tạo ra bằng phương thức này đạt đến sự linh hoạt và hiệu quả nhờ việc sử dụng máy tính trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, về bản chất, hoạt hình 2D không có quá nhiều khác biệt so với hoạt hình truyền thống.

Spirited Away – Một sản phẩm của 2D Animation (Nguồn ảnh: Spirited Away)

Nhiều thập kỷ trở lại đây, người hâm mộ điện ảnh trên thế giới đã được chứng kiến vô số những tác phẩm hoạt hình 2D xuất sắc, “làm mưa làm gió” khắp các phòng vé. Đó là các tác phẩm thể loại anime của Nhật Bản: My Neighbor Totoro, Spirited Away,… các series hoạt hình 2D nổi tiếng như: Samurai Jack, Rick and Morty,… hay phim hoạt hình điện ảnh The Lion King (1994),…

The Walk – phim ngắn 2D Animation đạt nửa triệu view trên youtube (Nguồn video: Jade)

Trailer đoạn phim hoạt hình 2D The Lion King (1994) (Nguồn Video: Movieclips Classic Trailers)

3D Animation (Hoạt hình 3D)

3D Animation (Hoạt hình 3D) là kỹ thuật vẽ và tạo hình ảnh chuyển động trong không gian ba chiều được thực hiện thông qua việc render (kết xuất) từ mô hình 3D trên máy tính. Phương thức hoạt hình 3D đặc biệt phổ biến trong khoảng hai thập kỷ gần đây cùng với sự phát triển của công nghệ CGI.

Yoshiaki Nishimura – nhà sản xuất của studio hoạt hình Ghibli (Nhật Bản) đã phát biểu: “Nếu như hoạt hình 2D là sự phát triển của hội họa, thì hoạt hình 3D là sự phát triển của điêu khắc (mô hình 3D). Do vậy, những gì mà chúng có thể truyền tải cũng hoàn toàn khác nhau”.

Có thể thấy, nhân vật được tạo ra từ 3D Animation vô cùng đẹp mắt, mượt mà và có một chiều sâu nhất định, mang đến cho người xem cảm giác chân thật, sống động và gần gũi nhất.

Sự khác biệt giữa 2D Animation và 3D Animation (Nguồn ảnh: 3D ACE)

Sự thành công vào năm 1995 của bộ phim Toy Story được xem là khởi nguồn mang 3D Animation trở nên thân thuộc hơn với phần đông khán giả. Sau này, ngày càng có nhiều tác phẩm hoạt hình 3D xuất sắc đã được trình làng và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ người xem như: Frozen 2, Up, Minions,…

(Nguồn ảnh: Sergio Pablos)

Trailer Frozen 2 – Phim hoạt hình 3D đoạt giải Oscar của Walt Disney (Nguồn video: Walt Disney Animation Studios)

Minions 2015 – bộ phim hoạt hình 3D được các tín đồ màn ảnh nhỏ yêu thích không chỉ bởi nội dung hấp dẫn mà còn nhờ vào diễn hoạt của các nhân vật hoạt hình 3D sống động, chân thật (Nguồn video: Movieclips Trailers) 

Tạm kết

Không chỉ làm say mê trẻ em, thế giới Hoạt hình ngày nay là “thú vui” được ưa chuộng bởi tất cả mọi lứa tuổi. Nếu bạn có đam mê và luôn khao khát chinh phục ngành công nghiệp Hoạt hình, chắc chắn rằng những kiến thức trong bài viết này sẽ là nền tảng cực kỳ hữu ích dành cho bạn.

Đến đây cũng đã khép lại kỳ đầu tiên của cẩm nang 3D Animation dành cho người mới. Đừng quên, chúng ta còn “có hẹn” ở các kỳ tiếp theo, được cập nhật hàng tuần tại Vietnam VFX-Animation nhé!

Tổng hợp cẩm nang 3D Animation dành cho người mới các kỳ (cập nhật liên tục):

> Kỳ 2: 3D Animation Việt Nam “thăng hạng” ở mọi lĩnh vực trong ngành công nghiệp Truyền thông – Giải trí

> Kỳ 3: Ngành Hoạt hình 3D – Cơ hội nào dành cho người không giỏi vẽ tay?

> Kỳ 4: Quy trình sản xuất và những vị trí quan trọng trong team 3D Animation