Bạn cần biết những gì để trở thành một Cartoonist chuyên nghiệp?
Cartoonist là gì và tính chất công việc của một Cartoonist có gì hấp dẫn? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin về ngành nghề này và hướng dẫn bạn cách trở thành một Cartoonist chuyên nghiệp trong tương lai.
Trước khi bước vào nội dung chính, bạn cần đảm bảo chính xác cách hiểu của mình về người đảm nhận công việc này.
Bạn có đang nhầm lẫn giữa Cartoonist và Animator?
Hai khái niệm này thường bị hiểu nhầm là một, trong khi bản chất của chúng lại hoàn toàn khác nhau.
Nguồn ảnh: Newsweek
Xuất phát điểm của từ “cartoon” (hoạt họa) dùng để chỉ một loại hình minh họa 2D thường xuất hiện trong các truyện tranh dạng ngắn của tạp chí hoặc hoạ báo. Cartoonist (họa sĩ hoạt họa) sẽ là người truyền tải sự châm biếm hài hước của một câu chuyện hoặc thông điệp nào đó thông qua các bức tranh biếm họa. Các Cartoonist có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như điện ảnh, truyền hình, báo chí hoặc xuất bản, v.v.
Về sau, khi các chương trình truyền hình ngày càng trở nên phổ biến, từ “cartoon” dần được hiểu với nghĩa là phim hoạt hình nhiều hơn. Theo đó, “cartoonist” cũng bị suy nhầm thành người làm phim hoạt hình, trong khi đây lại là khái niệm của một “animator”. Cũng như những bộ phim với hàng loạt hoạt ảnh mà bạn thường thấy như The Lion King, Rapunzel hay Inside Out, v.v. đều nên được miêu tả chính xác là “animation” chứ không phải “cartoon”.
Nguồn ảnh: Scroll.in
Công việc của một Cartoonist
Tùy thuộc vào lĩnh vực công việc đã chọn, nhiệm vụ của họa sĩ hoạt họa không nhất thiết phải giống nhau. Thế nhưng nhìn chung, chúng đều xoay quanh việc tạo ra các sản phẩm minh họa và gửi kết quả cuối cùng dựa trên yêu cầu của công ty hoặc khách hàng. Cụ thể, trách nhiệm của một Cartoonist có thể liệt kê như sau:
- Lên ý tưởng cho bản vẽ
- Thiết kế và phác thảo truyện tranh và hoạt họa
- Vẽ theo yêu cầu
- Tạo các dự án cá nhân
- Gửi sản phẩm và portfolio cho các nhà xuất bản
- Giao tiếp với khách hàng
- Hợp tác với các tác giả, nhà sản xuất hoặc bộ phận khác
- Tiếp thị công việc thông qua quảng cáo hoặc các trang mạng xã hội
Nguồn ảnh: The Ithacan
Hướng dẫn trở thành một Cartoonist
Sở thích, kỹ năng hình dung và tạo hoạt họa là điều kiện cơ bản trước khi trở thành một Cartoonist. Ngoài ra, tài năng nghệ thuật, óc sáng tạo và khả năng kể chuyện hay sẽ là một số yêu cầu khác mà bạn cần có để theo đuổi địa hạt thú vị này.
1. Có nền tảng mỹ thuật
Thông qua việc học cao đẳng, đại học, lấy chứng chỉ hoặc chứng nhận liên quan đến nghệ thuật, bạn có thể khởi đầu nấc thang sự nghiệp của mình một cách thuận lợi hơn.
Mọi học sinh cấp 3 đều có thể học và lấy bằng cử nhân ngành mỹ thuật. Còn với học vị thạc sĩ, tùy trường đại học mà bạn sẽ được yêu cầu tích lũy cả bằng cử nhân và các bộ môn liên quan để đủ tiêu chí theo học.
Bằng cấp chính thức về một bộ môn nghệ thuật có thể giúp bạn hoạt động trong các lĩnh vực như thiết kế, minh họa, tạo hoạt hình và vẽ tranh biếm họa. Đồng thời, nó cũng hướng dẫn bạn cách sử dụng công nghệ để nâng cao kỹ năng tay nghề.
Nguồn ảnh: Regent University
Bạn có thể tìm thấy cơ hội việc làm trong các lĩnh vực như thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện, hoạt hình và minh họa kỹ thuật số. Các họa sĩ hoạt họa có thể không nhất thiết phải được đào tạo chính quy để hành nghề. Tuy nhiên, sở hữu một bằng cử nhân mỹ thuật sẽ đem lại khá nhiều lợi ích nếu bạn muốn thể hiện công việc một cách chuyên nghiệp hơn.
Bằng cấp cũng có thể trang bị cho bạn những kỹ năng kỹ thuật và kiến thức liên quan đến ngành. Nếu bạn muốn trở thành một Cartoonist “lành nghề”, hãy cân nhắc theo đuổi các bằng cấp sau:
- Cử nhân Khoa học (BSc) về Thiết kế Game và Hoạt hình.
- Cử nhân Khoa học về Hoạt hình.
- Cử nhân Khoa học về Hoạt hình và VFX.
- Cử nhân Mỹ thuật (BFA) về Hoạt hình, Đồ họa và Thiết kế Web.
- Cử nhân Nghệ thuật (BA) về Hoạt hình và Thiết kế đồ họa.
- Cử nhân Nghệ thuật về Làm phim và Hoạt hình Kỹ thuật số.
- Cử nhân Thiết kế (BDes) về Hoạt hình.
- Thạc sĩ Khoa học (MSc) về Thiết kế Game và Hoạt hình.
- Thạc sĩ Khoa học về Hoạt hình và VFX.
- Thạc sĩ Khoa học về Hoạt hình.
- Thạc sĩ Mỹ thuật (MFA) về Hoạt hình, Đồ họa và Thiết kế Web.
- Thạc sĩ Nghệ thuật (MA) về Hoạt hình và Thiết kế đồ họa.
- Thạc sĩ Nghệ thuật về Làm phim và Hoạt hình Kỹ thuật số.
- Thạc sĩ Thiết kế (MDes) về Hoạt hình).
Nguồn ảnh: LinkedIn
Tham gia khóa học cấp bằng hoặc chứng chỉ
Chứng chỉ (diploma) là các khóa học dạy kỹ năng và quy trình làm việc cụ thể liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp. Các khóa học chứng chỉ (diploma course) có thể kéo dài từ 06 tháng đến 02 năm. Một số chứng chỉ nâng cao có thể yêu cầu bằng cử nhân hoặc thạc sĩ trong các lĩnh vực liên quan. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, bạn có thể tham gia các khóa học chứng chỉ để nâng cao kỹ năng tay nghề và tăng khả năng được tuyển dụng.
Bên cạnh đó, nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể chọn các khóa học cấp giấy chứng nhận (certificate course) có tính chuyên môn cao và kéo dài từ 02 tuần đến 03 tháng.
Các khóa học cấp chứng nhận và chứng chỉ thường là các khóa học chuyên ngành. Chúng có thể tạo môi trường cho bạn ứng dụng thực tế các khái niệm đã học trong ngành mà bạn chọn. Nếu quan tâm đến việc lấy chứng chỉ hoặc chứng nhận, bạn có thể xem xét các khóa học sau:
- Chứng chỉ về Hoạt hình 2D và 3D
- Chứng chỉ về Làm phim và Hoạt hình Truyền thông
- Chứng chỉ về 3D Modeling và Hoạt hình
- Chứng chỉ về Hoạt hình và Kỹ xảo Điện ảnh
- Chứng chỉ về Hoạt họa và Hoạt hình
- Chứng nhận về VFX
- Chứng nhận về Hoạt hình 2D
- Chứng nhận về Hoạt hình 3D
- Chứng nhận về Thiết kế đồ họa
- Chứng nhận về Đồ họa máy tính
Nguồn ảnh: Buckinghamshire New University
Tự học
Trên thực tế, không phải ai cũng có đủ khả năng và điều kiện kinh tế để được trải nghiệm các lớp học nghệ thuật. Do đó, bạn hoàn toàn có thể đăng ký tham gia những khóa học miễn phí hoặc buổi workshop của các đơn vị, trường học có đào tạo chuyên ngành mà bạn quan tâm.
Đồng thời, YouTube cũng là một trong những kho tàng hướng dẫn miễn phí, cho phép bạn tiếp cận với nguồn kiến thức vô tận, thoải mái chia sẻ quan điểm của mình và trò chuyện cùng các “giáo viên”.
Cần lưu ý rằng, bằng cấp vốn chỉ là điểm cộng cho resume chứ không phải là nhân tố chứng minh trình độ và sự uy tín của bạn với các studio. Vì các ngành liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật hay kỹ xảo vẫn còn khá mới và thiếu hụt nhân sự, do vậy mà kỹ năng, tư duy và sự ham học hỏi, khám phá sẽ là yếu tố được đặt lên trên cả bằng cấp và các chứng chỉ thông thường.
Hiện nay, không thiếu những Artist dù không sở hữu bằng cấp nghệ thuật “hầm hố” nhưng vẫn để lại tên tuổi của mình trong nhiều dự án điện ảnh và trò chơi. Đơn cử như Preston Mutanga – một Digital Artist 14 tuổi gần đây đã được các nhà sản xuất bộ phim hoạt hình SpiderMan: Across the Spider-Verse săn đón, hoàn toàn nhờ vào trình độ và khả năng tự học của mình.
Nguồn ảnh: Politico
2. Xây dựng portfolio
Portfolio là phần giới thiệu các tác phẩm của một Artist, đồng thời bao gồm những thành tựu quan trọng nhất trong sự nghiệp và công việc của họ. Một portfolio có thể chứa các đánh giá, lời công nhận, chứng thực và phản hồi từ các chuyên gia, nhà phê bình nghệ thuật, giáo viên, đồng nghiệp và nhà tuyển dụng, v.v. Với một Cartoonist, portfolio sẽ bao gồm các hoạt họa mà bạn đã vẽ khi đang theo học cử nhân, các văn bằng hoặc chứng chỉ của mình.
Đối với một người làm trong lĩnh vực sáng tạo, portfolio của họ cũng quan trọng không kém gì một bản CV. Bạn có thể tạo web page hoặc làm trên một website nào đó, thêm công việc và thành tích đã chọn, rồi thiết kế một chiếc portfolio cho riêng mình. Nếu bạn không có bằng cấp chính thức liên quan đến nghệ thuật thì portfolio vẫn có thể khiến nhà tuyển dụng quan tâm và chú ý đến tiềm năng nghệ thuật của bạn hơn.
Nguồn ảnh: Canva
3. Tìm hiểu nhiều phong cách hoạt họa khác nhau
Mỗi họa sĩ hoạt họa đều sở hữu phong cách vẽ và dựng hình độc đáo. Bạn có thể sử dụng nhiều cách tiếp cận, kỹ thuật và phong cách khác nhau để làm nổi bật portfolio và mở rộng nội dung công việc của mình.
Có khoảng 25 phong cách hoạt họa phổ biến, tiêu biểu như truyền thống, hiện đại, tối giản và anime. Bằng cách sử dụng công nghệ và các kiểu minh họa kỹ thuật số, bạn có thể tạo ra nhiều phong cách độc đáo và thậm chí được cấp bản quyền cho chúng thông qua các nền tảng trực tuyến. Do đó, hãy nghiên cứu thêm đa dạng các phong cách để tăng xác suất nhận việc của mình.
Nguồn ảnh: ABC News
4. Sở hữu các kỹ năng kỹ thuật liên quan
Các Cartoonist có thể vẽ thiết kế của họ bằng tay hoặc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để tạo nhân vật, phông nền và nhiều yếu tố khác. Việc sử dụng công nghệ trong lĩnh vực này đang ngày càng gia tăng. Một họa sĩ hoạt họa có thể tự làm quen với các công cụ và kỹ thuật liên quan để không chỉ phát triển kết quả đầu ra mà còn giúp tăng năng suất và giá trị cho bộ CV của mình. Nếu bạn muốn trở thành một họa sĩ hoạt họa chuyên nghiệp, hãy cân nhắc việc thành thạo những công cụ sau:
- Photoshop
- Illustrator
- After Effects
- InDesign
- Procreate
Nguồn ảnh: WLOS
5. Phát triển kỹ năng mềm
Tuy tài năng nghệ thuật là yếu tố quyết định việc trở thành một họa sĩ hoạt họa, nhưng bạn vẫn cần trang bị thêm những kỹ năng mềm phù hợp để chạm đến thành công trong lĩnh vực này.
Kết hợp tài năng nghệ thuật, kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm, một Cartoonist có thể hoàn thành công việc một cách vẹn toàn và trơn tru, từ đó cải thiện năng suất làm việc và dễ dàng đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp của mình. Dưới đây là một số kỹ năng mềm cần thiết mà bạn có thể tham khảo như:
- Khả năng sáng tạo: Một doanh nghiệp có thể yêu cầu một họa sĩ hoạt họa làm theo nhiều thể loại và phong cách khác nhau. Theo đó, khả năng sáng tạo sẽ giúp họ tạo ra vô số dự án chất lượng, dù cho lĩnh vực đó là gì.
Nguồn ảnh: Ginbits
- Kỹ năng giao tiếp bằng văn bản: Các họa sĩ có thể viết chú thích, đối thoại và tiêu đề cho hoạt họa của họ. Việc kết hợp các chú thích hấp dẫn cùng sự hài hước, dí dỏm và châm biếm sẽ là điều cốt yếu mà các họa sĩ cần làm trong tác phẩm của mình.
- Kỹ năng giao tiếp cảm xúc: Họa sĩ hoạt họa giao tiếp với khán giả thông qua các sản phẩm. Do đó, việc phát triển khả năng truyền đạt cảm xúc một cách hiệu quả sẽ giúp họ gắn kết với khán giả tốt hơn.
- Kỹ năng tổ chức: Các họa sĩ có thể làm việc một mình hoặc theo nhóm, họ cũng có thể cùng lúc thực hiện nhiều dự án trong thời hạn nghiêm ngặt. Vì vậy, duy trì sự ngăn nắp sẽ giúp họ cải thiện năng suất của mình hơn.
- Kỹ năng tự tạo động lực: Thử nghiệm những ý tưởng mới có thể giúp các họa sĩ hoạt họa duy trì động lực trong công việc của mình.
6. Thường xuyên luyện tập các kỹ thuật cơ bản
Một buổi luyện tập 30 phút mỗi ngày sẽ hỗ trợ bạn trong việc cải thiện khả năng vẽ. Để luyện tập, bạn có thể bắt đầu tạo một nhân vật bằng cách sử dụng những tài liệu tham khảo trực quan hoặc vẽ nhân vật dựa theo trí nhớ của mình. Sau đó, hãy tiếp tục xây dựng và ứng biến dựa trên bản thảo nhân vật đã có. Cuối cùng, bạn sẽ cần xem nhiều video và hướng dẫn từ các chuyên gia để trau dồi thêm nghiệp vụ cho mình.
Nguồn ảnh: Sam Does Arts
7. Xác định chuyên ngành mà bạn muốn theo đuổi
Có nhiều loại hoạt họa và nghề nghiệp liên quan đến họa sĩ hoạt họa. Vì các Cartoonist có thể tạo sản phẩm theo nhiều phong cách khác nhau, do đó, bạn cần xác định loại hoạt họa mà mình muốn thực hiện. Bạn có thể tạo các hoạt họa chính trị, truyện tranh truyền thống, truyện tranh mạng hay các webtoon,… Một số vai trò công việc phổ biến cho các Cartoonist bao gồm:
- Biên tập viên truyện tranh (Editorial Cartoonist)
- Họa sĩ truyện tranh kỹ thuật số (Digital Cartoonist)
- Họa sĩ đi nét (Inker)
- Họa sĩ phác thảo (Penciller)
- Họa sĩ tô màu (Colourist)
- Tác giả truyện tranh (Comic Writer)
- Nhà biên kịch truyện tranh (Comic Scriptwriter)
- Họa sĩ minh họa truyện tranh (Comic Illustrator)
- Họa sĩ diễn họa (Animator)
- Họa sĩ vẽ bối cảnh (Background Artist)
Nguồn ảnh: The Times of Israel
Khi đã xác định được loại công việc muốn thực hiện, bạn có thể tập trung hơn vào lĩnh vực cụ thể đó và khám phá các cơ hội việc làm phù hợp với mình. Điều này có thể giúp bạn làm việc với nhiều định dạng hoạt họa cụ thể, bao gồm:
- Booklet
- Truyện tranh (Comic book)
- Truyện tranh ngắn hài hước (Comic strip)
- Hoạt họa đồ họa (Graphic cartoon)
- Hoạt họa biên tập (Editorial cartoon)
- Sách hướng dẫn (Manual)
- Storyboard
- Hàng hóa (Merchandise)
- Quảng cáo (Advertisement)
- Áo phông
- Thiệp mừng
- Bao bì trò chơi điện tử
8. Trở thành thực tập sinh
Việc tích lũy kinh nghiệm chuyên môn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hành trình phát triển sự nghiệp của một Artist. Công việc thực tập có thể cho bạn cơ hội làm việc với các Cartoonist chuyên nghiệp.
Nguồn ảnh: The Balance
Bạn có thể tìm kiếm cơ hội thực tập có lương hoặc không lương ở các tổ chức tuyển dụng họa sĩ hoạt họa, cũng như nắm bắt cơ hội làm việc toàn thời gian ở đó sau khi đã tích lũy một số kinh nghiệm ở cấp độ đầu vào.
Nếu bạn muốn làm việc với tư cách là một Freelancer hoặc một họa sĩ họa họa bán thời gian, cơ hội thực tập cũng sẽ giúp bạn hiểu được các yêu cầu cần thiết trong lĩnh vực này. Bạn có thể tìm kiếm cơ hội thực tập trong các tổ chức tuyển dụng họa sĩ hoạt họa dưới đây:
- Tòa soạn
- Nhà xuất bản
- Nhà sản xuất phim và truyền hình
- Công ty quảng cáo
- Công ty truyền thông
- Viện nghệ thuật
9. Ứng tuyển vào các vị trí còn trống
Một khi đã phát triển các kỹ năng cần thiết và thu thập bằng cấp liên quan, bạn có thể bắt đầu nộp đơn cho các vị trí tuyển dụng. Bạn có thể liên hệ với phòng nhân sự của các đơn vị tìm kiếm việc làm hoặc nghiên cứu các trang web tuyển dụng để có thêm nhiều cơ hội công việc gần đây.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị một danh sách ngắn các công ty có tuyển họa sĩ hoạt họa và thường xuyên kiểm tra các trang web đó để tìm kiếm vị trí còn trống cho mình.
Nguồn ảnh: MPR News
Lời kết
Hãy dành thật nhiều thời gian để tìm tòi và học hỏi, từ đó giúp bạn không chỉ nâng cao tay nghề hội họa mà còn cải thiện năng suất làm việc và đem đến nhiều tác phẩm tuyệt vời hơn. Đây không chắc sẽ là một công việc dễ dàng, nhưng nếu bạn có thời gian, sự bền bỉ và tâm huyết mài giũa nghiệp vụ của mình một cách thường xuyên, bạn nhất định sẽ trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp trong tương lai.
Nguồn: Indeed
Tâm Cửu