vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >Có bao nhiêu loại hoạt hình quảng cáo và làm sao để doanh nghiệp tìm đúng “chân ái” cho mình?

Có bao nhiêu loại hoạt hình quảng cáo và làm sao để doanh nghiệp tìm đúng “chân ái” cho mình?

Hoạt hình đã và đang trở thành một giải pháp được ưa chuộng trong ngành Marketing nhờ ưu điểm hình ảnh bắt mắt và tính dễ tiếp cận khi công nghệ ngày càng phát triển. Mỗi hình thức hoạt hình quảng cáo lại có những đặc điểm riêng mà thương hiệu cần nắm bắt để đảm bảo chọn đúng “chân ái” cho chiến dịch của mình. 

Song hành cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hoạt hình đã không còn chỉ “tung hoành” trong địa hạt phim ảnh mà trở thành một công cụ Marketing hiệu quả, dễ tiếp cận, giúp gia giảm thời gian và chi phí cho thương hiệu so với các video người đóng. Trong thời đại của máy tính, có rất nhiều cách để áp dụng hoạt hình vào Marketing, và gần như bất kỳ công ty hoặc thương hiệu nào muốn tận dụng thế mạnh độc đáo của loại hình này đều có thể tìm được hình thức và đối tác phù hợp. 

Có nhiều phong cách và kỹ thuật khác nhau để sản xuất một sản phẩm hoạt hình quảng cáo, mỗi kiểu dẫn đến các kết quả khác nhau. Nếu không thể chọn được mục tiêu của mình thì việc áp dụng hoạt hình vào chiến dịch hoặc chiến lược tiếp thị sẽ trở nên bất khả thi. Vì thế, hiểu rõ các hình thức hoạt hình quảng cáo phổ biến là điều cần thiết để quyết định đúng phương thức phù hợp cho mình. 

Vì sao quảng cáo bằng hoạt hình là giải pháp được ưa chuộng hiện nay?

Con người dễ bị thu hút bởi dữ liệu trực quan hơn những nội dung bằng văn bản buồn tẻ, nên chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng, hiện nay các thương hiệu nổi bật trong hầu khắp lĩnh vực đều thu hút khách hàng tiềm năng bằng những hình ảnh lung linh và video sống động. Quảng cáo hoạt hình đã và đang ngày càng được ưa chuộng nhờ sở hữu nhiều ưu điểm phù hợp với thời đại công nghệ mới. 

– Sự linh hoạt trong sản xuất: Với hoạt hình, gần như mọi thứ đều có thể thực hiện nhờ máy tính và tại gia. Vì thế, ngoại cảnh, diễn viên hay đối tác ở nước ngoài đều không phải vấn đề đáng ngại. Các ý tưởng kịch bản cho một video hoạt hình cũng có phần rộng mở hơn vì khán giả sẽ dễ chấp nhận những chi tiết phóng đại, ngây ngô, hay sặc sỡ hơn bình thường nếu đó là hoạt ảnh chứ không phải người thật. Thêm vào đó, việc có thể chỉnh sửa và cập nhật sản phẩm dễ hơn so với video người đóng cũng là ưu điểm không thể bỏ qua của video hoạt hình. 

– Dễ để lại ấn tượng dài lâu: Nếu có thể tạo ra một nhân vật hoạt hình dễ thương, bắt mắt, phù hợp với kịch bản và thương hiệu, thì nhân vật ấy có thể trở thành linh vật của các chiến dịch quảng cáo, thành nhân vật chính của các video mở rộng, đồng thời cũng không có ngày “đáo hạn hợp đồng”. Hay chỉ đơn giản là một video hoạt hình riêng biệt, bắt mắt và có cốt truyện dễ đồng cảm là đã đủ để ghi dấu ấn lâu dài trong lòng khán giả. 

– Ưu điểm thời gian và chi phí với nhiều lựa chọn: Tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, hiện đã có nhiều studio, đa dạng quy mô và có tay nghề kỹ thuật vững, vì thế sẽ không quá khó khăn để chọn đối tác. Các dự án nhỏ và ngắn hạn với hoạt hình không quá phức tạp còn có thể được xử lý bởi lực lượng freelancer hùng hậu mà vẫn có được thành phẩm ưng ý. 

SATO – Catsa 3D Mascot Animation do Planion Animation sản xuất.

5 loại hoạt hình quảng cáo phổ biến nhất

Việc ra quyết định dùng video hoạt hình để quảng cáo chỉ mới là bước khởi đầu. Mỗi hình thức hoạt hình quảng cáo có ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với các loại nội dung, chiến dịch, thương hiệu khác nhau. Nắm rõ đặc trưng riêng của từng loại là điều cần thiết để chốt hạ phương án tốt nhất cho kế hoạch của bạn. 

  • Hoạt hình 2D

Sau hơn trăm năm phát triển, hoạt hình 2D vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong lòng khán giả và là một hình thức hữu dụng trong ngành công nghiệp quảng cáo. Để sản xuất một video hoạt hình quảng cáo định dạng 2D thường yêu cầu các công đoạn cơ bản như lên ý tưởng, viết kịch bản, sản xuất đồ hoạ, và hậu kỳ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật kể chuyện và hình ảnh 2D sắc nét đã cho ra đời không ít video thương mại chất lượng. 

Ưu điểm của hoạt hình 2D là giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức so với 3D hay live-action. Nhìn chung, các video hoạt hình 2D thương mại dễ thực hiện hơn 3D, thời gian tiêu tốn trong khoảng 6-8 tuần hoặc ngắn hơn tùy theo quy mô của dự án. Hoặc nếu video bạn muốn sản xuất thuộc dạng đơn giản, đã có sẵn một số công cụ và template mà người không chuyên cũng sử dụng được. Các video dạng này cũng dễ dàng cho việc chỉnh sửa và cập nhật, hoặc chuyển đổi sang các dạng đồ hoạ tĩnh, rất thuận lợi nếu muốn tái sử dụng để làm poster hay infographic. 

  • Hoạt hình 3D

Lợi thế rõ ràng của hoạt hình 3D so với 2D là hình ảnh 3 chiều tạo cảm giác chân thật và kích thích tương tác hơn. Với đội ngũ studio chuyên nghiệp trên khắp thế giới và các phần mềm thiết kế riêng cho kỹ thuật 3D phát triển nhanh chóng, không ngạc nhiên khi hình thức này được nhiều thương hiệu lựa chọn nếu muốn có những video đạt chất lượng cao về mặt hình ảnh. 

Tuy nhiên, hoạt hình 3D cho mục đích thương mại thường là chỉ là ưu tiên của các thương hiệu lớn thay vì những doanh nghiệp nhỏ, công ty khởi nghiệp hay những dự án ngắn ngày, vì chi phí để sản xuất ra một video hoạt hình 3D thường cao hơn đáng kể so với 2D, chưa kể nếu muốn có những thay đổi sau khi hậu kỳ thì cần nhiều thời gian hơn để thực hiện. 

  • Motion Graphics (Đồ họa chuyển động)

Đôi khi các thương hiệu không cần nhân vật hay cả câu chuyện để truyền tải thông điệp mà chỉ muốn sử dụng đồ họa và văn bản một cách sáng tạo để làm nổi bật các biểu tượng, phần giải thích và tiêu đề. Trong trường hợp này, Motion Graphics là một lựa chọn hoàn hảo. Các kỹ năng cần thiết để hoàn thành một sản phẩm Motion Graphics có phần đơn giản hơn các thể loại hoạt hình khác do không yêu cầu kiến thức về cơ học hay biểu cảm nhân vật, thời gian hoàn thành cũng ngắn hơn, phù hợp cho các chiến dịch quảng bá ngắn hạn hay kế hoạch sít sao. 

  • Whiteboard Animation (Hoạt ảnh trên bảng trắng)

Whiteboard Animation gồm những hình hoạ được vẽ bằng đường đen trên nền trắng, minh họa các khái niệm hoặc ý tưởng muốn truyền đạt. Dạng video này khá được ưa chuộng nhờ tính hiệu quả của chúng, vì đồ họa động và hoạt ảnh thực hiện rất tốt việc truyền tải các thông điệp phức tạp trong khi vẫn giữ được sự tương tác của khán giả, quá trình thực hiện lại đơn giản hơn hoạt hình 2D hay 3D rất nhiều. Sử dụng phong cách sắp xếp hợp lý, kết hợp với thông điệp súc tích rõ ràng sẽ giúp tạo nên một sản phẩm Whiteboard Animation đơn giản, đúng trọng tâm và mang sức truyền tải cao.

  • Infographic (Đồ hoạ thông tin)

Nếu bạn có rất nhiều thông tin dạng thông số kỹ thuật hay thành phần và muốn có sản phẩm giới thiệu trong thời gian ngắn, các infographic dạng hoạt ảnh là giải pháp hữu hiệu, vừa sinh động hơn ảnh tĩnh, lại vừa đủ đơn giản để không tiêu tốn nhiều thời gian. Các chủ đề phức tạp và mô tả cần hình ảnh minh họa và đồ thị cũng là những địa hạt mà infographic tỏa sáng.

Loại hoạt hình quảng cáo nào phù hợp với doanh nghiệp của bạn? 

Quảng cáo bằng hoạt hình hẳn nhiên không đơn giản chỉ là ném hình ảnh, lời thoại, âm thanh và hiệu ứng vào một chỗ. Quá trình hoàn thành một video quảng cáo tin rằng sẽ khiến không ít người đau đầu. Quy trình 5 bước đề xuất dưới đây hy vọng có thể cung cấp một hướng dẫn ngắn gọn và hữu ích giúp bạn đỡ nhọc nhằn trong công cuộc quyết định loại hoạt hình quảng cáo phù hợp. 

1. Hiểu rõ đối tượng khán giả: Đối tượng của sản phẩm quảng cáo này là độ tuổi nào, khách hàng cũ hay khách hàng tiềm năng, hay thuộc nhóm cộng đồng nào, hiểu rõ đặc điểm đối tượng mục tiêu là điều tối quan trọng giúp bạn có suy nghĩ khái quát về ý tưởng và từ đó cũng nghĩ đến loại hình truyền tải thích hợp. 

2. Quan tâm đến hành trình trải nghiệm của khách hàng: Ngay từ giai đoạn chuẩn bị, ta đã phải nghĩ đến liệu khách hàng xem xong video này sẽ có những phản ứng kỳ vọng nào, phong cách nào sẽ phù hợp với loại sản phẩm đang được quảng cáo, để từ đó quyết định hình thức video giúp đánh vào cảm xúc, sự đồng cảm, sự dễ liên tưởng của khán giả. 

3. Chọn hình thức quảng cáo phù hợp: Sau khi lên ý tưởng, chốt kịch bản đảm bảo dựa trên mục tiêu của dự án, có thể dựa vào những ưu và nhược điểm của từng loại hoạt hình quảng cáo để quyết định hình thức phù hợp nhất. 

4. Chọn studio sản xuất: Tuỳ vào quy mô, độ phức tạp, hình thức quảng cáo, thời gian kế hoạch và nguồn kinh phí để lựa chọn đối tác sản xuất phù hợp. 

5. Bắt đầu quảng bá video

Nguồn: Dream Farm Studios

Thuy Le

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề:

Tầm quan trọng của yếu tố kể chuyện trong phim hoạt hình thương mại

Tất tần tật về Animation Outsourcing – Giải pháp hàng đầu giúp các studio tối ưu năng suất

3D Animation: Yếu tố quan trọng trong xu hướng Marketing ngày nay