Game Designer, Game Artist và Game Developer khác nhau như thế nào?
Sản xuất ra một tựa game hoàn chỉnh chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Từ việc lên ý tưởng, đồ họa nhân vật, đồ họa môi trường, tạo hiệu ứng, ánh sáng, âm thanh, cho đến cách vận hành game, phân chia cấp độ và mở rộng bản đồ,… tất tần tật đều cần phải có một đội ngũ sản xuất chất lượng. Ở bài viết này, hãy cùng VIetnam VFX-Animation tìm hiểu các vị trí quan trọng trong quá trình sản xuất một trò chơi mà bạn cần phải biết khi muốn bước chân vào ngành.
Làm game không đơn giản như chơi game. Nếu chơi game bạn cần được thỏa mãn tính giải trí cho riêng mình, thì việc sản xuất ra một tựa game bạn còn phải làm hài lòng tối đa mọi cảm xúc của game thủ khi trải nghiệm.
Chơi game là thỏa mãn chính mình, làm game là làm hài lòng khán giả (Nguồn ảnh: RGB)
Để tạo ra một tựa game hay, thì Game Designer (Thiết kế game), Game Developer (Phát triển game) và Game Artist (Họa sĩ game) là các vị trí không thể không góp mặt. Ngay bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sâu hơn về khái niệm, kỹ năng cần có cũng như cơ hội việc làm đầy hấp dẫn của các nhân vật “đầy quyền lực” trong quá trình sản xuất ra một trò chơi mới này nhé.
1. Game Designer (Thiết kế Game)
Game Designer (Thiết kế game) được hiểu là người tạo ra các quy tắc, khái niệm và cơ chế của trò chơi điện tử. Trước khi thực hiện việc xây dựng nhân vật, bối cảnh hay các tương tác môi trường, Game Designer là người đảm nhận nhiệm vụ lên ý tưởng, sáng tạo mạch câu chuyện, phong cách, luật chơi, các chức năng, cấp bậc trong game. Nhìn chung, Game Designer là người giữ vai trò quyết định nội dung và quy luật của một trò chơi điện tử.
Trên thực tế, Game Design là lĩnh vực rất rộng, vì thế vai trò của người thiết kế game cũng rất đa dạng, trải dài từ việc tham gia vào quy trình sáng tạo, lên concept, bối cảnh trong game đến việc tạo ra các bản mô tả về trò chơi dưới góc độ nghệ thuật và kỹ thuật.
Game Designer là người nắm quyền tạo ra các quy tắc, luật lệ và cơ chế của trò chơi
Game Designer phải là người dung hòa được yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật. Điển hình, người thiết kế game cần phải cân nhắc nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý người chơi nhằm mục đích tạo ra các nội dung game phù hợp với thị hiếu người sử dụng.
Tuy nhiên, không chỉ là những sáng tạo, mơ mộng mà còn cả sự thực tế và logic. Điều này đòi hỏi Game Designer cần sở hữu nền tảng kỹ năng chuyên môn, sự hiểu biết sâu sắc về các công cụ thiết kế, cùng một trải nghiệm và kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: thiết kế đồ họa (Graphic Design), vật lý (Physics), hoạt hình 3D (3D Animation),…
Việc lên ý tưởng về môi trường, bối cảnh game đều được thực hiện bởi Game Designer
2. Game Artist (Họa sĩ Game)
Nếu Game Designer là người lên ý tưởng cho các trò chơi điện tử thì Game Artist là người thực hiện hóa các ý tưởng đó. Nói cách khác, Game Artist sẽ giữ vai trò mô hình hóa đối tượng và khiến cho những vật thể (Object) được tạo ra bởi ý tưởng của Game Designer trở thành hình dáng cụ thể.
Game Artist sẽ là người thực thi ý tưởng của Game Designer
Các yếu tố trong game như: Nhân vật, đồ vật, xe cộ, trang phục, cảnh quan, công cụ chiến đấu, kết cấu bề mặt hay bất kỳ chi tiết, sự vật nào xuất hiện trong bản phác thảo ý tưởng do Game Designer tạo ra đều sẽ được xây dựng và phát triển thành hình dạng 2D/3D bởi các Game Artist.
Game Artist là người nắm giữ vẻ đẹp thẩm mỹ của các hình ảnh trong game. Vì thế để trở thành một Game Artist, bạn cần trang bị kiến thức, sự hiểu biết về thiết kế và mỹ thuật Game (Game Art & Design), diễn hoạt và mỹ thuật Game (Game Art & Animation), cùng nhiều kỹ năng và bằng cấp khác.
Game Artist là người nắm giữ trọng trách tạo ra các vẻ đẹp thẩm mỹ trong game
3. Game Developer (Phát triển Game)
Phát triển Game (Game Development) hiểu một cách đơn giản là quá trình biến những ý tưởng thành một trò chơi có thể chơi được. Quá trình này bao gồm các công việc mã hóa (coding), lập trình phần mềm (software-programming), tạo hiệu ứng âm thanh (sound effects), thiết lập kỹ thuật (engineering), kết xuất (rendering), kiểm tra (test) và một số quy trình khác đáp ứng yêu cầu về khả năng vận hành của một trò chơi.
Một nhà phát triển Game có nhiệm vụ chuyển đổi các ý tưởng, khái niệm của nhà thiết kế Game thành trò chơi thực tế, có khả năng tung ra thị trường trong tương lai. Yêu cầu chính của một nhà phát triển Game là kỹ năng coding và lập trình phải cực kỳ giỏi. Kỹ năng này giúp họ kết hợp tất cả các khái niệm, bản phác thảo, bản vẽ, bố cục và cốt truyện của nhà thiết kế Game thành hàng nghìn dòng mã hóa để tạo ra một trò chơi có thể chơi được.
Game Developer chịu trách nhiệm biến ý tưởng thành trò chơi có thể phát hành (Nguồn ảnh: Codemotion)
Các kỹ năng cần thiết khi trở thành nhà làm Game
Tùy vào từng vị trí công việc cụ thể mà sẽ có những yêu cầu và kỹ năng khác nhau. Tuy nhiên, một người theo đuổi con đường trở thành Game Designer, Game Artist hay Game Developer cần đáp ứng một số yêu cầu về kiến thức, kỹ năng sau đây.
Kỹ năng cần có của Game Designer
- Sự hiểu biết về các thể loại và xu hướng game mới
- Nắm bắt tâm lý người chơi
- Kỹ năng thiết kế game nâng cao
- Vận dụng thành thạo các Game Engine
- Kỹ năng phân tích, code, lập trình và thống kê trò chơi
- Sự hiểu biết về công nghệ thực tế ảo
- Hiểu biết cơ bản về Virtual Production (sản xuất ảo) và Motion Capture (chuyển động).
(Nguồn ảnh: RGB)
Kỹ năng cần có của Game Artist
- Diễn hoạt và mỹ thuật trong game
- Kiến thức về ánh sáng, phối cảnh, vật liệu và các hiệu ứng đặc biệt trong game
- Kỹ năng vẽ, khả năng hình dung và thiết kế những ý tưởng trừu tượng
- Sự hiểu biết về các thể loại và xu hướng trò chơi
- Kiến thức về hoạt hình 2D và 3D
- Sự hiểu biết nâng cao về ngôn ngữ hình ảnh, kết cấu, màu sắc, tỷ lệ, kích thước, nhận thức không gian,…
- Khả năng làm việc logic, có tính hệ thống.
Một Game Artist cần phải hội tụ đủ các kỹ năng để tạo ra cụ thể hình ảnh của nhân vật, môi trường
Kỹ năng cần có của Game Developer
- Lập trình trò chơi 2D và 3D trên các nền tảng khác nhau như console, PC, Mobile,…
- Am hiểu toán học trong phát triển trò chơi.
- Kiến thức về trí tuệ nhân tạo và công nghệ thực tế ảo.
- Tích hợp đồ họa, hiệu ứng âm thanh và nhân vật trong thiết kế.
- Sử dụng kiến thức về kỹ năng máy tính, ngôn ngữ lập trình, toán học cũng như các kỹ năng phân tích và logic để tạo ra một trò chơi có thể chơi được.
- Đảm bảo trò chơi hoạt động bình thường và khắc phục sự cố để sửa các lỗi (nếu có).
- Làm việc với các nhà thiết kế Game để xem xét các kế hoạch, bố cục thiết kế trò chơi theo đúng lộ trình.
- Thêm các dòng mã code mới để cải thiện hoặc thêm tính năng mới cho những trò chơi hiện thời.
Các kỹ năng của một nhà phát triển Game cần phải hiểu rõ các thuật toán, code,…
Cơ hội việc làm siêu hấp dẫn của các nhà làm Game
Từ xưa đến nay, Game luôn được biết đến là một trong những loại hình giải trí hàng đầu, dù ở bất kỳ thời đại nào cũng sẽ có tốc độ tăng trưởng vượt trội. Minh chứng rõ nhất là ngày càng nhiều có các thể loại game hay ra đời, đáp ứng tối đa nhu cầu của cộng đồng game thủ.
Chính vì vậy, cơ hội việc làm của thế hệ trẻ muốn lấn sân vào ngành công nghiệp Game cũng cực kỳ rộng mở. Dưới đây là một số vị trí quan trọng trong một Studio Game mà các nhà làm Game có thể tham gia:
Game Developer
- Lập trình viên Game (Game Programmer)
- Nhà phát triển hệ thống (System Developer)
- Nhà phát triển ứng dụng (Application Developer)
- Kỹ sư phần mềm (Software Engineer)
- Kỹ sư đảm bảo chất lượng (Quality Assurance Engineer)
- Lập trình viên cấp cao (Junior Programmer).
Game Designer
- Người xây dựng module, thực hiện các demo tính năng, code cho game (Scripting Designer)
- Người thiết kế, xây dựng lối chơi trong game (Gameplay Designer)
- Người thiết kế hệ thống trò chơi (System Designer)
- Người thiết kế các màn chơi (Level Designer)
Game Artist
- Nghệ sĩ thiết kế nhân vật (Character Designer)
- Nghệ sĩ thiết kế môi trường (Environmental Designer)
- Nghệ sĩ vẽ các mô hình 3D (3D Modeller)
- Họa sĩ diễn hoạt (Animator).
- Nghệ sĩ gắn khung xương nhân vật (Rigger)
- Nghệ sĩ làm ánh sáng (Lighting Artist)
- Nghệ sĩ làm hiệu ứng trong game (VFX Artist)
Cơ hội việc làm trong ngành công nghiệp Game đang “mở cửa chào đón” các tài năng trẻ
Ba bộ phận không thể thiếu khi sản xuất ra một trò chơi là Game Designer, Game Artist và Game Developer có thể mang lại cho thế hệ trẻ vô vàn cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Vì là ngành công nghiệp tăng trưởng từng ngày, nên đây sẽ là “vùng đất vàng” để các tín đồ mê Games có thể tự tin thực hiện đam mê lớn nhất cuộc đời mình.
Tạm kết
Như vậy, bài viết này đã tổng hợp và chia sẻ đến bạn tất tần tật thông tin về các vị trí không thể thiếu trong quá trình làm Games. Có thể thấy rằng, tuy là những bộ phận độc lập, thế nhưng Game Designer, Game Artist và Game Developer lại có mối quan hệ rất bền chặt, cần phải phối hợp ăn ý với nhau mới có thể sản xuất ra một tựa game hoàn thiện, chỉn chu.
Hy vọng các thông tin trên sẽ đem lại cho bạn nhiều kiến thức bổ ích. Nếu mong muốn trở thành một nhà làm game chuyên nghiệp, đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo trong “Cẩm nang Game Art & Design dành cho người mới” được cập nhật hàng tuần tại Vietnam VFX-Animation nhé!
Tổng hợp cẩm nang Game Art & Design dành cho người mới các kỳ (cập nhật liên tục):
» Kỳ 2: Games NFT Việt Nam vươn tầm thế giới – Nhân lực là bài toán quan trọng hàng đầu
» Kỳ 3: Học Game Art & Design cần điều kiện gì? Bắt đầu từ đâu?
» Kỳ 4: Quy trình sản xuất Game và những vị trí quan trọng trong mảng Game Art