Hiệu ứng kỹ xảo 2D “make up” cho hoạt hình 3D như thế nào?
Có thể bạn đã từng rất nhiều lần bắt gặp những hiệu ứng kỹ xảo 3D phức tạp trong các cảnh phim điện ảnh, hoạt hình bom tấn. Nhưng bạn có biết rằng, hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt 2D (2D VFX) cũng là một thành phần quan trọng giúp các nhà làm phim hiện thực hóa những cảnh phim đẹp mắt và giải quyết những vấn đề khó nhằn khi tạo hiệu ứng bằng 3D?
Chắc hẳn bạn đã đọc qua nhiều bài viết về thành phần 3D VFX trong quy trình sản xuất hoạt hình trong các chuyên mục của Dreamfarm Studio. Định nghĩa của 3D VFX có một chút khác biệt trong các studio hoạt hình 3D so với lý thuyết.
Nguồn ảnh: Dream Farms Studio
Cụ thể, khi nhắc đến 3D VFX, các Artist chủ yếu muốn đề cập đến việc tạo ra các chuyển động phức tạp hoặc các yếu tố quá khó hoặc thậm chí không thể tạo ra được trong 2D, hoạt hình thủ công, ghi lại chuyển động các thành phần như tóc, lông, cơ thể cứng (rigid bodies – đối tượng không có tính linh hoạt hoặc biến dạng lớn) hoặc cơ thể mềm (soft bodies – đối tượng có tính linh hoạt cao và khả năng biến dạng).
Ngoài thành phần 3D VFX trong giai đoạn sản xuất, có một giai đoạn khác trong quy trình hoạt hình 3D liên quan đến các yếu tố mà chúng ta có thể quen thuộc hơn với tên gọi “Hiệu ứng hình ảnh”. Đây là những hiệu ứng có thể dễ dàng đạt được hơn trong 2D thay vì 3D.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhanh thành phần 2D VFX trong giai đoạn hậu kỳ (post-production) trong quy trình làm hoạt hình 3D. Nhưng trước tiên, để biết VFX được sử dụng như thế nào trong hoạt hình, bạn cần tra cứu các bài viết hướng dẫn đầy đủ về hoạt hình 2D là gì đã nhé!
2D VFX trong hoạt hình
Nguồn ảnh: ArtStation
Hiệu ứng hình ảnh 2D (2D VFX) là một phần của giai đoạn hậu kỳ và gắn chặt với các công đoạn khác của cùng giai đoạn gồm: Tổng hợp (compositing), chỉnh màu (color correction) và kết xuất (final rendering). Khối lượng xử lý có thể nhiều đến mức Compositor và 2D VFX Artist đôi khi có thể là cùng một người đảm nhiệm cho mỗi phần của dự án.
2D VFX trên thực tế là mô phỏng lại diễn biến của các sự kiện ban đầu xảy ra trong môi trường ba chiều và được biểu diễn trên một mặt phẳng. Tuy nhiên, phần lớn thời gian các Artist không cần phải tái tạo lại hình ảnh thành dạng 3D. Bởi vì đơn giản là chúng chỉ cần di chuyển trong mặt phẳng của một bề mặt (chính là màn hình).
Vì sao cần sử dụng 2D VFX trong hoạt hình 3D?
Nguồn ảnh: ArtStation
Lý do đằng sau việc mô phỏng các hiệu ứng này ở dạng 2D chủ yếu nằm ở việc tạo các hiệu ứng như vậy ở cuối dự án bằng các công cụ 2D thay vì phần mềm 3D sẽ tốn ít thời gian và công sức hơn nhiều.
Hơn nữa, 2D VFX có thể giúp ích rất nhiều trong việc sửa các bức ảnh bị lỗi. Mặc dù việc đảm bảo cho mọi thứ được chỉn chu và hình ảnh hoàn hảo nhất là nhiệm vụ của toàn bộ ê-kíp sản xuất, nhưng đôi khi sửa chữa mọi thứ thông qua 2D VFX trong khâu hậu kỳ sẽ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với việc dành hàng giờ để làm lại và kết xuất lại mọi thứ.
Công việc của nhóm xử lý hậu kỳ trong xưởng phim hoạt hình là lấy một dự án đã được thông qua bởi nhóm sản xuất, sau đó tạo ra một dự án với chất lượng tốt hơn ở giai đoạn hậu kỳ bằng cách thêm hiệu ứng hình ảnh 2D và chỉnh sửa màu sắc.
Một số ví dụ về 2D VFX được sử dụng trong hoạt hình 3D
Nguồn ảnh: ArtStation
2D VFX được sử dụng để tạo nhiều loại hiệu ứng hình ảnh khác nhau. Sau đây là một số ví dụ về hiệu ứng 2D có thể được áp dụng cho hoạt hình 3D trong hậu kỳ:
– Tia lửa (Spark): Hiệu ứng tia lửa được thiết kế cho những tia lửa bùng lên đột ngột, chẳng hạn như khi viên đạn chạm vào một bề mặt kim loại.
– Bụi Pixie (Pixie Dust): Hay còn được gọi là bụi ma thuật, thường được sử dụng để tạo hiệu ứng biến hóa phép thuật, gắn liền với các nhân vật thần tiên hoặc phương tiện phép thuật không xác định ở trong một thế giới giả tưởng.
– Bụi (Dust): Bụi là một trong những yếu tố có thể làm tăng đáng kể bầu không khí của cảnh. Đây là một 2D VFX bắt buộc phải có đối với bất kỳ nghệ sĩ xử lý hậu kỳ nào.
– Khói (Smoke) Khói 2D thường được làm nhanh và dễ áp dụng vào cảnh kết xuất 3D. Tạo hiệu ứng tương tự như vậy trong môi trường 3D thường tốn nhiều thời gian và chi phí hơn.
– Hiện tượng lóe sáng (Lens flare): Hiện tượng lóa ống kính là một hiện tượng quang học xảy ra bên trong hệ thống thấu kính của máy ảnh. Đây là một hiệu ứng dễ tạo và có thể làm cho các hoạt ảnh 3D hoặc 2D trở nên thú vị hơn nhiều.
– Mưa/Tuyết (Rain/Snow): Hiệu ứng mưa/tuyết 2D đủ chân thực để làm hiệu ứng cho nhiều cảnh trong hoạt hình 3D mà không gặp nhiều khó khăn khi tạo.
– Thay thế nền (Background replacement): Là những hình ảnh tổng hợp liền mạch để có thể xóa hoặc thêm bất kỳ nền nào vào trong một cảnh có sẵn.
– Hiệu ứng rung Camera (Camera shake): Hiệu ứng rung máy ảnh có thể làm cho cảnh quay ổn định trông như ở chế độ cầm tay. Điều này có thể dễ dàng được thực hiện trong phần hậu kỳ.
– Rotoscoping: Rotoscoping là hành động truy tìm một đối tượng trong phim hoặc video để có thể thêm hoặc bớt đối tượng đó.
– Lửa/nước (Fire/Water): Lửa và nước là một trong những yếu tố VFX khó mô phỏng ở chế độ 3D. Nhưng rất may là phần lớn thời gian chúng có thể được tạo ra ở dạng 2D mà không gặp nhiều khó khăn.
Video dưới đây là một ví dụ về 2D VFX được sử dụng cho một phân cảnh 3D với chi tiết hiệu ứng lửa, tia lửa, khói, đổi nền và hiệu ứng mưa:
Kết luận
Công nghệ máy tính đã mang đến cho thế giới hoạt hình cơ hội hoạt động linh hoạt ở cả định dạng 2D và 3D. Chúng ta đều biết rằng đồ họa máy tính 2D có những hạn chế riêng nhưng phải công nhận rằng nó cũng rất hữu ích trong việc tạo các loại hiệu ứng hình ảnh khác nhau trong các studio sản xuất phim hoạt hình, đặc biệt là trong giai đoạn xử lý hậu kỳ của quy trình làm hoạt hình 3D.
So với tạo hiệu ứng kỹ xảo trong môi trường 3D, kỹ xảo 2D tương đối kinh tế hơn, đơn giản hơn và nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, một số chức năng phổ biến như: hiệu chỉnh màu sắc, điều chỉnh độ tương phản và tổng hợp dưới dạng 2D,… những hiệu ứng này có thể đạt được dễ dàng hơn khi thực hiện bằng 2D thay vì 3D.
*Nguồn bài viết: Dream Farms Studio
Phận Phạm