Học Game Art & Design cần điều kiện gì? Bắt đầu từ đâu?
Để phát triển tốt trong ngành Game Art & Design, người trẻ cần hiểu rõ những vai trò mà một nhà sản xuất Game đảm nhiệm, từ đó rèn luyện các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ cho công việc của mình. Vậy đâu là điều kiện cần và đủ để theo đuổi ngành Game? Hãy cùng tìm hiểu qua cẩm nang dành cho người mới Kỳ 3 ngay sau đây.
Sản xuất ra một tựa game hoàn chỉnh cần nhiều công đoạn và đòi hỏi phải có đội ngũ sản xuất chuyên môn cao. Từ việc lên ý tưởng game, tạo ra quy luật, phát triển nhân vật hay bối cảnh game,… mọi công đoạn đều cần những Artist có các yêu cầu về kỹ năng phù hợp.
Hầu hết, các công đoạn kể trên sẽ xoay quanh 2 vị trí chính, đó là Game Artist và Game Designer. Để theo đuổi ngành, đầu tiên bạn cần phải hiểu rõ được trách nhiệm của các vị trí quan trọng này.
Vai trò và trách nhiệm của một Game Designer
Trước khi bắt đầu tìm hiểu về các điều kiện cần có để theo đuổi lĩnh vực Game Design, nhận biết được vai trò và nhiệm vụ của một Game Designer trong chuỗi quá trình sản xuất game là vô cùng quan trọng. Thông thường, một nhà thiết kế game sẽ đảm nhiệm các vai trò chính như sau:
» Nghiên cứu các đối tượng tiềm năng, bao gồm ý tưởng về nội dung, concept, xu hướng đồ họa, thể loại game được ưa chuộng,… để phát triển dự án trò chơi mới.
» Thử nghiệm với nhiều thể loại và kết hợp nhiều thể loại trong một trò chơi.
» Xác định các yêu cầu đặt ra đối với một trò chơi mới (có thể là yêu cầu của chính nhà thiết kế Game hoặc yêu cầu của đơn vị đầu tư).
» Phác thảo ý tưởng nội dung, tạo ra các quy tắc cho trò chơi.
» Phát triển phần cốt truyện, nhân vật, môi trường, lối chơi và độ khó cho trò chơi.
» Làm việc với các bộ phận phát triển Game, lập trình Game và thử nghiệm Game để hoàn thiện một trò chơi hoàn chỉnh.
» Đưa ra các ý tưởng mới, điều chỉnh hoặc cải tiến trò chơi hiện có.
Game Designer đảm nhiệm công việc tạo ra “phần hồn” cho trò chơi
Vai trò và trách nhiệm của một Game Artist
Nếu Game Designer là người đưa ra các ý tưởng thì các Game Artist là người đem đến hình hài cho chúng. Game Artist giúp hiện thực hóa các nhân vật, môi trường game từ trong trí tưởng tượng. Trong một team làm Game, các Artist sẽ nắm những vai trò sau đây:
» Lên concept, bối cảnh cho môi trường Game.
» Thiết kế các nhân vật.
» Gắn khung xương, tạo chuyển động cho nhân vật.
» Thiết lập ánh sáng cho môi trường Game.
» Tạo hiệu ứng VFX cho các cảnh trong Game.
Game Artist chịu trách nhiệm hiện thực hóa ý tưởng của Game Designer (Nguồn ảnh: Adweek)
Điều kiện cần và đủ để theo đuổi ngành Game Art & Design
> Đam mê chơi game
Chơi game là một phương thức giải trí phổ biến đối với đại bộ phận giới trẻ hiện nay trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đối với người muốn theo đuổi lĩnh vực Game Art & Design, chơi game không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn là cách để hiểu được một cách tổng quan về các thể loại trò chơi, cách xây dựng lối chơi và tìm hiểu về các yếu tố đồ họa, mỹ thuật, cốt truyện,… trong mỗi trò chơi. Niềm yêu thích đối với các trò chơi điện tử cũng là yếu tố tiên quyết giúp bạn xác định đam mê, tiếp thêm động lực để theo đuổi lĩnh vực Game Art & Design một cách nghiêm túc và lâu dài.
Thích chơi game là lợi thế để phát triển tốt khi làm game (Nguồn ảnh: unity)
> Yêu thích sự sáng tạo
Game Designer là người quyết định việc tạo ra các gameplay, bao gồm toàn bộ cốt truyện, cách chơi và các level của một trò chơi. Còn với các Game Artist, họ sẽ phải đảm nhiệm toàn bộ phần mỹ thuật trong Game. Do vậy, sự sáng tạo ở lĩnh vực của mình là kỹ năng vô cùng quan trọng mà một người muốn theo đuổi lĩnh vực Game Art & Design đều cần phải có.
Game Art & Design là ngành chịu trách nhiệm việc đem lại sự thỏa mãn cho người chơi, vì vậy sự sáng tạo cao là yếu tố không thể thiếu với một nhà làm Game (Nguồn ảnh: MIT Innovation Initiative)
> Luôn trau dồi nền tảng mỹ thuật
Đối với người làm công việc mang tính sáng tạo cao như Game Designer thì việc học hỏi và trau dồi nền tảng mỹ thuật về game là vô cùng quan trọng. Anh Nguyễn Minh Nhật – Art Director tại SPARX* – A Virtuos Studio cho biết: “Nền tảng mỹ thuật là yếu tố cực kỳ quan trọng để giúp bạn làm việc trong lĩnh vực Game Design. Tuy nhiên, các bạn không nên nhầm lẫn giữa nền tảng mỹ thuật và kỹ năng vẽ tay. Đối với lĩnh vực Game Design, có thể bạn vẽ tay không đẹp nhưng khả năng cảm thụ và tư duy về mặt hình ảnh là bắt buộc phải có nếu muốn làm tốt trong lĩnh vực này.”
Anh Nguyễn Minh Nhật cho biết người trẻ cần phải thường xuyên trau dồi khả năng cảm thụ mỹ thuật nếu mong muốn phát triển lâu dài trong ngành Game
Xây dựng kỹ năng cảm thụ mỹ thuật là một quá trình dài, đòi hỏi sự quan sát, học hỏi và tích lũy trong nhiều năm. Đối với những người chưa có khái niệm về nền tảng mỹ thuật vẫn có thể rèn luyện bằng cách tham gia vào các chương trình đào tạo Game Design chuyên sâu.
> Ngoại ngữ
Một trong những yếu tố cần có để theo đuổi lĩnh vực Game Art & Design chuyên nghiệp chính là tiếng Anh. Hiện nay, đa phần các tài liệu, tutorial hướng dẫn hay công cụ phần mềm dùng trong lĩnh vực Game Art & Design đều sử dụng ngôn ngữ Tiếng Anh. Rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành cũng rất khó để dịch sang tiếng Việt. Vì vậy, đầu tư kỹ năng sử dụng tiếng Anh từ sớm sẽ giúp bạn có nhiều lợi thế để gia nhập lĩnh vực Game Design.
(Nguồn ảnh: UXness)
> Kỹ năng tự học
Ngành công nghiệp game nói chung mở ra rất nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp nhưng đồng thời tỷ lệ đào thải cũng vô cùng lớn. Dấn thân vào lĩnh vực Game Art & Design đòi hỏi bạn phải phát triển bản thân mỗi ngày để thích ứng với sự thay đổi mới về mặt xu hướng, công nghệ, phần mềm kể cả khi đã là một Artist chuyên nghiệp.
Nếu không có khả năng tự học, dù là một người giỏi đến đâu, bạn cũng sẽ nhanh chóng trở nên bị tụt hậu trong ngành. Ngược lại, nếu khả năng tự học cao, nhạy bén với sự thay đổi mới, bạn sẽ nhanh chóng thăng hoa trong lĩnh vực Game Art & Design.
Nâng cao trình độ từng ngày để thích nghi với ngành công nghiệp hiện đại ngày một thay đổi (Nguồn ảnh: Gameiino)
Ngoài kỹ năng giỏi, Artist trẻ cần làm gì để có thể gia nhập các công ty Game hàng đầu Việt Nam?
Theo chị Đỗ Lê Như Quỳnh – Senior Recruiter tại SPARX* – A Virtuos Studio, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải có sự yêu thích và niềm đam mê, chỉ như vậy thì các bạn mới có thể hoàn thành tốt trách nhiệm của bản thân đối với công việc mà mình đảm nhận. Bên cạnh việc sở hữu nền tảng vững chắc, tay nghề cứng, bạn cần sở hữu tư duy logic, tiếp xúc với nhiều phần mềm chuyên ngành trước đó và hình dung được ý tưởng của bản thân trước khi bắt tay vào việc.
Ngoài ra, muốn biết bản thân giỏi hay không, bạn cần tìm hiểu xem thị trường đang cần gì, công ty đang tuyển nhân sự thế nào và làm sao thể hiện kỹ năng bản thân đang có sẽ phù hợp với công ty.
Trong quá trình tuyển dụng, yếu tố kỹ năng và giải thưởng mà các bạn đạt được lúc học tập là lợi thế nổi bật. Tuy nhiên, yếu tố quyết định đến sự lựa chọn của nhà tuyển dụng còn tùy thuộc vào mức độ phù hợp của các bạn với vị trí mà họ họ cần.
Trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử tại Việt Nam, làm mỹ thuật, đồ họa cho Game luôn là lĩnh vực đem đến tiềm năng phát triển rất lớn dành cho các bạn trẻ có đam mê với nghề. Tuy nhiên, bên cạnh những “hoa hồng” của nghề, ngành Games vẫn còn rất nhiều thử thách buộc các Artist phải luôn tự mình rèn luyện, trau dồi, cập nhật xu hướng cũng như luôn đặt mình vào sự kỷ luật để có thể làm ra những sản phẩm tốt nhất. Chỉ khi bạn thật sự kiên trì, nỗ lực và luôn vững vàng cùng đam mê, thành công sẽ không bao giờ bỏ bạn lại phía sau.
Luôn kiên trì và nỗ lực để chinh phục mọi thử thách của ngành chính là chìa khóa để các Artist trẻ chạm tay đến thành công (Nguồn ảnh: Invision Game Community)
Tóm lại, để có thể trở thành một Game Artist giỏi, ngoài sự đam mê bạn cần phải luôn nỗ lực, chấp nhận mọi thử thách và không ngừng học hỏi, rèn luyện bản thân để ngày càng nắm vững kiến thức chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm hỗ trợ cho công việc.
Lời kết
Làm thế nào để bắt đầu với lĩnh vực Game Design? Hãy bắt đầu từ những bước đi đầu tiên bằng cách nuôi dưỡng niềm đam mê của bản thân thông qua việc trải nghiệm thật nhiều, xác định thế mạnh của bản thân và tìm kiếm một lộ trình học tập phù hợp để từng bước chinh phục mục tiêu của chính bạn.
Và các thông tin này cũng đã khép lại Kỳ 3 của cẩm nang Game Art & Design dành cho người mới. Hãy tiếp tục theo dõi chặng đường tiếp theo, được cập nhật hàng tuần tại website để có thể tiếp thu được nhiều kiến thức quan trọng trong ngành bạn nhé!
Tổng hợp cẩm nang Game Art & Design dành cho người mới các kỳ:
» Kỳ 1: Game Designer, Game Artist và Game Developer khác nhau như thế nào?
» Kỳ 2: Games NFT Việt Nam vươn tầm thế giới – Nhân lực là bài toán quan trọng hàng đầu
» Kỳ 4: Quy trình sản xuất Game và những vị trí quan trọng trong mảng Game Art