Khi VFX không còn là sân chơi của riêng Hollywood
Liên tục tạo ra nhiều “bom tấn” mới cho ngành công nghiệp điện ảnh thế giới, các nhà làm phim và chuyên gia kỹ xảo đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico, Đức, và Ấn Độ đang chứng minh thực lực của mình khi dần bỏ xa những sản phẩm gắn mác Hollywood.
Ông Sudhir Reddy – Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc của Digital Domain cho biết: “Một trong số những thay đổi lớn nhất mà tôi nhìn thấy vào khoảng bốn đến năm năm trở lại đây đó là sự dịch chuyển trong mô hình gia công hiệu ứng hình ảnh, thay vì thuê đội ngũ bên ngoài thực hiện (Outsourcing) thì giờ đa số các công ty đều hướng đến việc xây dựng cho mình một bộ máy sản xuất riêng (Insourcing). Có thể nói, Ấn Độ đang là “xưởng gia công” kỹ xảo điện ảnh lớn của thế giới khi vô số đơn hàng hấp dẫn đều đổ về nơi đây. Việc thực hiện những dự án đó và tự sản xuất sản phẩm trong nước tạo ra nguồn việc làm dồi dào để các doanh nghiệp Ấn Độ phát triển mạnh mẽ.”
Ngày nay, ứng dụng kỹ xảo vào lĩnh vực truyền thông giải trí trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc: “Từ tác phẩm nhỏ cho đến tác phẩm lớn, tất cả đều có sự nhúng tay của VFX” – VFX Supervisor Samson Sing Wun Wong nhận xét. Anh cũng cho biết thêm: “Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm làm Game (Game engine) cũng như đưa màn hình LED vào trường quay ảo (Virtual Production) đã cho phép các Studio gia công kỹ xảo tiết kiệm thời gian nhưng vẫn nâng cao năng suất lao động. Giờ đây, quy mô công ty không còn là yếu tố quyết định chất lượng công việc nữa. Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là làm cách nào để một công ty và đội ngũ nhân sự trong đó có thể tự làm quen với công nghệ và xây dựng bộ kỹ năng mới trong xu thế phát triển hiện nay của thị trường?”
Park Chan-wook – Đạo diễn nổi tiếng người Hàn Quốc đã từng nhận định: “Một nhà làm hình ảnh thực thụ phải luôn tự hỏi rằng đâu là cách tốt nhất để thể hiện chân thực cảm xúc nhân vật.” Ông chia sẻ: “Sở hữu nhiều lợi thế lớn, hiệu ứng hình ảnh trở thành công cụ quan trọng khi giúp đạo diễn thực hiện hóa những điều chỉ có trong tưởng tượng. Thế nhưng bạn cần biết tiết chế và chỉ nên sử dụng nó khi thực sự cần thiết mà thôi.” Thủ pháp hiệu ứng trong phim Park Chan-wook luôn khiến người xem bất ngờ. Trong bộ phim “Decision to Leave” (Tựa Việt: Quyết tâm chia tay), vị đạo diễn cho hay ông không muốn khán giả bỏ lỡ cảnh cuối cùng, khi hình ảnh xoáy nước xuất hiện trên đỉnh lăng mộ của nhân vật nữ chính. VFX Supervisor Lee Joen-hyoung – người cộng sự lâu năm với đạo diễn Park đã nhận xét: “Vòng xoáy nước đó là thứ mà tôi muốn đặt ở những vị trí khác nhau xuyên suốt bộ phim, vì nó thể hiện sự ràng buộc tình cảm giữa hai nhân vật chính. Khi nam chính pha cà phê, hơi nước thoát ra tạo nên một chuyển động xoáy nhỏ, và khi anh ấy rải tro cốt người mẹ đã khuất của nữ chính, vòng xoáy nước ấy cứ xoáy quanh anh trước khi biến mất, như thể đó là sự hiện diện của nữ chính.”
Một tình tiết thông minh trong “Quyết định chia tay” cho thấy sự khởi đầu nỗi ám ảnh của Thám tử Hae Joon (nam chính) với Seo Rae (nữ chính) khi phát súng đi từ cánh tay của anh đến ảnh chụp X-quang người chồng đã chết của Seo Rae khi cô đang bị nghi ngờ là thủ phạm
VFX Supervisor Samson Sing Wun Won – cánh tay phải đắc lực của Đạo diễn Zhang Yimou – vị đạo diễn đứng sau các tác phẩm vang bóng một thời như Hero (Tựa Việt: Anh Hùng), “House of Flying Daggers” (Tựa Việt: Thập diện mai phục) đã không khỏi hứng khởi khi nói về cách anh dùng kỹ xảo điện ảnh để giúp vị đạo diễn tài hoa này thực hiện hóa những tham vọng của ông: “Bộ phim đầu tiên đánh dấu sự hợp tác giữa chúng tôi là “Shadow” – 2018 (Tựa Việt: Vô ảnh), sau đó tiếp tục đến “Under the Light” – 2020 (Tựa Việt: Vững như bàn thạch), “Cliff Walker” – 2021, “Snipers” – 2022 (Tựa Việt: Xạ thủ bắn tỉa). Trong 5 năm qua, những bộ phim do Zhang Yimou làm đạo diễn đều có kỹ xảo liền mạch, đòi hỏi nhiều phần mở rộng môi trường. Vai trò của tôi là phối hợp chặt chẽ với đạo diễn hành động, giám đốc nghệ thuật và đội ngũ quay phim để tìm ra phương pháp thiết kế hiệu ứng hình ảnh tốt nhất.”
Ý đồ hình ảnh mà đạo diễn Zhang Yimou mong muốn thực hiện trong “Shadow” là một bức tranh thủy mặc của Trung Quốc mà các nhà thực hiện hiệu ứng hình ảnh phải tái tạo lại
Bối cảnh chính mà các chuyên gia kỹ xảo điện ảnh phải tạo ra cho Cliff Walkers là tuyết
Thắng đậm tại giải Oscar 2023 khi chiến thắng hạng mục Phim quốc tế hay nhất, “All Quiet on the Western Front” (Tựa Việt: Phía Tây không có gì lạ) còn được đề cử cho hạng mục Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất. Ông Frank Petzold – VFX Supervisor của phim chia sẻ: “Những chiếc máy bay đang rượt đuổi nhau trên bầu trời là sản phẩm của kỹ xảo điện ảnh, chúng được tạo ra để minh họa rằng ngay cả khi quân sĩ đang nghỉ ngơi trong doanh trại, thì vẫn có một cuộc chiến vẫn diễn ra ngay trên bầu trời. Để khiến các loại phương tiện chiến đấu trông hoàn toàn như thật, chúng tôi đã lao đến bối cảnh, đặt máy và chụp rất nhiều ảnh, sau đó thực hiện một loạt video ngắn và xử lý các chi tiết nhỏ trong CG để các chi tiết đó trở nên chân thực nhất.”
Các hiệu ứng thực tế và kỹ thuật số được tích hợp liền mạch cho “All Quiet on the Western Front”
Từ “Birdman or The Unexpected Virtue of Ignorance” (Tựa Việt: Điểu Nhân hay đức hạnh không ngờ của sự ngu ngơ) đến “The Revenant” (Tựa Việt: Người về từ cõi chết), đạo diễn người Mexico Alejandro González Iñárritu đều sử dụng hiệu ứng hình ảnh một cách rất khéo léo. Điều này được ông đề cập kỹ hơn trong tác phẩm mới nhất của mình – “Bardo, False Chronicle of a Handful of Truths” (Tựa Việt: Bardo, ký sự giả về đôi chút sự thật): “Đây là bộ phim có sự luân chuyển giữa quá khứ, hiện tại và chủ nghĩa siêu thực, vì vậy những phân cảnh chuyển giao giữa các khoảng không gian, thời gian này phải thật tự nhiên.” Tác phẩm xoay quanh câu chuyện của Silverio – Một nhà báo và nhà làm phim tài liệu nổi tiếng người Mexico. Sau khi nhận giải thưởng quốc tế danh giá, ông trở về quê hương mà không biết rằng chuyến đi đơn giản ấy sẽ đẩy ông đến một giới hạn mới của cuộc đời. Tham gia dự án trong quá trình hậu kỳ, VFX Supervisor Olaf Wendt chia sẻ: “Có rất nhiều điều thú vị khi thực hiện kỹ xảo cho bộ phim này, ví dụ như phân đoạn mở đầu, khi Silverio và cái bóng của anh ta chạy đua trên sa mạc. Hay những cảnh liên quan đến trẻ sơ sinh, phải thành thật rằng đó là những cảnh phim thử thách tay nghề của tôi nhất trong toàn bộ tác phẩm.”
Một trong những cảnh quay hiệu ứng hình ảnh phức tạp nhất cần thực hiện trong “Bardo” là Silverio (Daniel Giménez Cacho) tương tác với hình ảnh phản chiếu trong gương của anh ấy trên sa mạc
Được công chiếu tại Mỹ vào mùa hè năm 2022, bộ phim “RRR (Rise Roar Revolt)” (Tựa Việt: Cuộc trỗi dậy) của Đạo diễn người Ấn S. Rajamouli đã ngay lập tức trở thành hiện tượng toàn cầu khi có mặt trong top 10 phim ăn khách nhất của tuần và sau đó tiếp tục giữ vững vị trí số 1 khi phát hành trên Netflix ở hơn 60 quốc gia.
Thuộc thể loại hành động viễn tưởng, “RRR (Rise Roar Revolt)” kể về hai nam nhân vật chính có chung lòng yêu nước nhưng lại khác nhau về tư tưởng. Tuy nhiên, cả hai đã gạt bỏ mọi bất đồng để cùng nhau giải cứu một bé gái người Anh tại Delhi. RRR có mọi chất liệu phổ biến nhất của một bộ phim Ấn: Những màn ca vũ cuồng nhiệt, những màn slow-motion; nó vừa đẫm chất anh hùng ca vừa đầy kịch tính, kích thích lòng tự hào dân tộc của người Ấn qua câu chuyện hai vị anh hùng dân tộc xả thân chống lại chủ nghĩa thực dân Anh. Và đạo diễn S. S Rajamouli vượt qua khỏi biên giới kể chuyện thông thường qua những màn dàn dựng hoành tráng cả về bối cảnh lẫn hiệu ứng kỹ xảo khiến ngay cả những bộ phim bom tấn của Hollywood còn phải… dè chừng, dù kinh phí sản xuất của phim chỉ bằng 1/3 so với bom tấn của Mỹ. VFX Supervisor Srinivas Mohan cho biết: “Tiêu chuẩn của chúng tôi khi xây dựng kỹ xảo cho bộ phim này là càng chi tiết càng tốt. Bên cạnh những phân đoạn được hỗ trợ bởi hiệu ứng, chúng tôi còn dựng các mô hình minh họa để tăng thêm hiệu quả về mặt hình ảnh.
Những hình ảnh kỹ xảo mãn nhãn trong “bom tấn” RRR (Rise Roar Revolt)
Đạo diễn người Úc George Miller lại có những tiêu chuẩn khắt khe về mặt kỹ xảo dành cho bộ phim “Three Thousand Years of Longing” (Tựa Việt: Ba ngàn năm khao khát). Đây là một bộ phim chính kịch lãng mạn giả tưởng, kể về Alithea Binnie – nữ học giả người Anh thỉnh thoảng mắc phải những ảo giác kỳ quái về ma quỷ. Trong một lần đi đến Istanbul, Alithea mua một chiếc lọ cổ và vô tình giải phóng thần đèn Djinn. Ông đề nghị bạn cho Alithea ba điều ước, câu chuyện về hai con người này cũng từ đây mà bắt đầu.
Kỹ xảo đóng vai trò lớn trong việc tạo hình nhân vật Djinn (Idris Elba) trong “Three Thousand Years of Longing”
Khi quyết định hợp tác với VFX Producer Jason Bath và VFX Supervisor Paul Butterworth, đạo diễn Miller hy vọng họ có thể biến thần đèn Djinn trở nên sống động nhất. VFX Producer Jason Bath nói: “Các hiệu ứng mô phỏng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân vật Djinn, vì ở mỗi giai đoạn nhân vật này lại có một cách phát triển diện mạo riêng. Xuyên suốt bộ phim, Djinn được hiện lên đầy tinh tế bằng thủ thuật 2D. Cảnh Djinn lần đầu xuất hiện trước mặt Alithea, ông ta quá khổ và bị dồn vào một góc phòng được thực hiện bằng cách sử dụng bối cảnh thu nhỏ 1/5 và điều khiển chuyển động riêng biệt trên bối cảnh có kích thước đầy đủ.” Đặc biệt, đôi chân của thần đèn được làm kỹ lưỡng đến mức cả ekip đã đầu tư cả một hệ thống lông và vảy dành riêng cho nó, điều này sẽ cho phép họ kiểm soát cho tiết ở chế độ cận cảnh 4K khi kết xuất.
Djinn (Idris Elba) được tăng kích thước một cách tinh tế xuyên suốt bộ phim bằng cả thủ thuật 2D
“Brahmāstra: Part One – Shiva” (Tựa Việt: Câu chuyện về Shiva) của đạo diễn Ayan Mukerji có tổng cộng 4.200 cảnh kỹ xảo. VFX Supervisor Jaykar Arudra tiết lộ: “Thiết kế toàn bộ cảnh quay và đảm bảo chính xác về ánh sáng là nhiệm vụ quan trọng nhất trên trường quay. Những màn hình LED được đưa vào trong trường quay ảo để hỗ trợ quá trình xây dựng hiệu ứng về sau. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của chúng tôi là phải tạo ra một dải ngân hà với vô vàn hạt màu li ti. Cứ thế, các lớp hiệu ứng lần lượt được đưa vào và dần dần trở nên hoàn thiện.”
Sức mạnh năng lượng vũ trụ trong “Brahmāstra: Part One – Shiva”
Ý tưởng nghệ thuật về các sức mạnh vũ trụ trong “Brahm ā stra: Part One – Shiva” phải được cải tiến hơn nữa sau khi các lớp hiệu ứng bắt đầu được thêm vào
“Wolfgang Mozart’s” (Tựa Việt: Cây sáo thần) cũng là một tác phẩm đầy tham vọng trong việc sử dụng kỹ xảo điện ảnh của đạo diễn người Đức Florian Sigl. VFX Supervisor Max Ries – Người trực tiếp quản lý phần hậu kỳ hình ảnh của tác phẩm này cho hay: “Làm sao để kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố âm nhạc và hiệu ứng hình ảnh là một điều không hề dễ dàng, nhưng với tư cách là đối tác sáng tạo, chúng tôi có thế cung cấp những giải pháp riêng biệt trong mỗi giai đoạn của dự án. Mô phỏng trang phục của nữ hoàng bóng đêm là phần mất nhiều thời gian nhất. Chúng tôi đã phải mở rộng chiếc váy bằng 5 đến 10 dải ruy băng vải làm bằng CG. Vì chưa bao giờ làm bất kỳ điều gì giống như thế trước đây nên chúng tôi đã mất một thời gian dài để thiết lập đúng cách.”
VFX Supervisor Max Ries nói tiếp: “Chúng tôi đã dành một năm để phát triển giao diện cho con rắn khổng lồ. Sau khi trải nghiệm nhiều phiên bản, chúng tôi quyết định tạo ra một loài có nhiều nét tương đồng với thực tế nhất. Việc giải phẫu hàm và răng của nó được lấy cảm hứng từ các sinh vật lớn khác như cá mập, cá sấu. Chuyển động của con rắn khổng lồ cũng là thử thách lớn. Chúng tôi phải xem rất nhiều tài liệu để nghiên cứu hành vi, tập tính sinh hoạt của loài bò sát nhằm thể hiện được sự nguy hiểm của con rắn trong bộ phim.
Đội ngũ chuyên gia đã dành một năm để phát triển giao diện cho con rắn khổng lồ trong “Wolfgang Mozart’s”
Tiêu tốn 200 triệu USD và thu về về 931 triệu USD, bộ phim “The Battle at Lake Changjin” (Tựa Việt: Trận chiến Hồ Trường Tân) đã trở thành tác phẩm Trung Quốc ăn khách nhất năm 2021 và vượt qua dàn bom tấn Hollywood đình đám. Bộ phim điện ảnh này thuộc thể loại chiến tranh – lịch sử – chính kịch do bộ ba do bộ ba đạo diễn Chen Kaige, Tsui Hark và Dante Lam hợp tác sản xuất, với phần kỹ xảo do VFX Supervisor Dennis Yeung phụ trách. Yeung cho biết: “Có rất nhiều chi tiết phải được tính toán kỹ lưỡng trước khi quay, chẳng hạn như phương tiện chiến đấu hay quần áo của binh lính vì nó liên quan đến lịch sử. Quả thật, nếu không có sự hỗ trợ của VFX, chúng ta sẽ không thể nào tạo ra một bộ phim lịch sử hoành tráng được. 100 binh sĩ mặc đồng phục hành quân, một vài chiếc xe tăng và xe jeep, 20 chiếc lều… cả một doanh trại với quy mô đầu tư khủng vẫn cần đến sự nhúng tay của kỹ xảo hình ảnh để thấy được sự khốc liệt của chiến tranh.”
Mặc dù có nhiều bản dựng, phương tiện và 100 tính năng bổ sung, các cảnh quay trên bãi biển trong “The Battle at Lake Changjin” đã phải được chuyên gia VFX mở rộng để có được phạm vi cần thiết
Một trong những phân cảnh mà các chuyên gia kỹ xảo chịu trách nhiệm trong “The Battle at Lake Changjin” là vụ đánh bom một đoàn tàu tiếp tế
“Có thể cân bằng được yếu tố hiện thực và hư cấu là điều không hề dễ, nhưng chúng tôi đã làm được. Thật biết ơn vì cuối cùng mọi thứ đều thành công tốt đẹp. – Philipp Wolf – Giám đốc phát triển của bộ phim nhận xét.
Giang Hoàng