Ngành hoạt hình 3D – Cơ hội nào dành cho người không giỏi vẽ tay?
Khả năng mỹ thuật – vẽ tay trước nay vẫn luôn là băn khoăn hàng đầu của những bạn trẻ yêu thích ngành Hoạt hình 3D (3D Animation). Rất nhiều người vì không giỏi vẽ tay nên còn ngần ngại, không dám theo đuổi ngành dù lửa đam mê đang ngày càng “hừng hực”. Vậy vẽ tay có phải là yếu tố bắt buộc để bước chân vào ngành 3D hay không, tất cả sẽ được giải đáp ngay sau đây!
Biết vẽ liệu có phải là yêu cầu bắt buộc của một 3D Artist?
Nhiệm vụ của các 3D Animator chính là đem lại những phút giây mãn nhãn nhất cho khán giả thông qua từng bối cảnh, nhân vật hoạt hình có hình thù, vóc dáng, cử chỉ và biểu cảm chân thật. Vậy nên quá trình phát họa nhân vật cũng là một trong những khâu quan trọng trong quy trình làm phim. Điều này gây ra một sự băn khoăn không nhỏ với cộng đồng yêu thích làm phim 3D nhưng lại không có năng khiếu vẽ. Họ cho rằng mình vẽ không đẹp nên sẽ không đủ khả năng để gia nhập ngành.
Theo đó, hành trình trở thành một 3D Artist có rất nhiều khác biệt so với một 2D Artist. Trên thực tế, bạn không cần biết vẽ để tạo ra các nhân vật hoạt hình. Hầu hết các hình ảnh và thao tác tạo chuyển động cho nhân vật đều được thực hiện trên máy tính. Vẽ chỉ là một trong những phương thức sáng tạo các nhân vật hoạt hình.
Nguồn ảnh: Headstuff
Một sản phẩm 3D Animation thành công không đơn thuần là các bức vẽ đẹp mắt mà nằm ở sự chân thật và thú vị của những chuyển động. Điều quan trọng nhất trong hoạt hình 3D là các chuyển động chứ không phải hình ảnh trên bản vẽ. Những nghệ sĩ tuyệt vời không phải lúc nào cũng là người tạo ra các bản vẽ tuyệt vời. Đây cũng là điểm khác biệt của hoạt hình 3D so với các thể loại hoạt hình truyền thống trước đây khi không bắt buộc người nghệ sĩ phải sở hữu kỹ năng vẽ xuất sắc.
Có rất nhiều 3D Artist chuyên nghiệp đã tạo dựng nên các nhân vật với những chuyển động tương tự đời thật nhờ các công cụ, máy móc hiện đại mà không cần đến việc vẽ.
Điều đầu tiên mà những Animator hàng đầu luôn tâm niệm đó là đặt niềm tin vào nhân vật do chính họ tạo ra bằng sự thuần thục với các phần mềm về 3D, trí tưởng tượng phong phú và lòng đam mê của mình. Còn việc trở thành một người vẽ xuất sắc dường như không phải là mục tiêu theo đuổi của cuộc đời họ.
Quy trình tạo nên một phân đoạn 3D Animation hoàn toàn không đòi hỏi khả năng vẽ tay của Animator (Nguồn ảnh: Information Transformation Services)
Với 3D Animation – Kỹ năng vẽ có dần bị lãng quên và đánh mất giá trị ban đầu?
Trong “thuở bình minh” của ngành công nghiệp Animation, mọi hình ảnh đều bắt nguồn từ đôi bàn tay người họa sĩ. Tuy nhiên, phần lớn các hình ảnh hiện nay được thực hiện thông qua sự giúp sức của công nghệ. Cũng vì thế mà nhiều hoài nghi được đặt ra về vai trò của kỹ năng vẽ trong lĩnh vực 3D Animation ngày nay.
Nguồn ảnh: Walt Disney Animation Studios
Chúng ta cần xem xét vấn đề này từ nhiều góc độ khác nhau, để từ đó hiểu hơn tầm quan trọng của việc vẽ trong thành công của một tác phẩm 3D Animation và sự thiếu sót kỹ năng vẽ sẽ ảnh hưởng ra sao đến một 3D Artist. Nhờ vậy, mỗi người có thể đưa ra quyết định có nên đầu tư thời gian vào việc học vẽ hay không?
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về tổng thể quy trình sản xuất hoạt hình 3D (3D Animation Production Pipeline). Tại các studio, luôn có nhiều vị trí với những yêu cầu riêng biệt như Modeling (tạo hình), Texturing (làm vật liệu), Animation (diễn hoạt), Rigging (gắn khung xương), Lighting (ánh sáng), Rendering (kết xuất), Compositing (hậu kỳ),…
Các bộ phận như Rendering, Editing và FX Animation thường không có sự liên quan với các loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên, những phân mảng còn lại trong tổng thể quy trình 3D Animation đều ít nhiều có sự liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các hình thức nghệ thuật như: hội họa, nhiếp ảnh,…
Dù vậy, hầu hết các phân mảng liên quan đến mỹ thuật kể trên đều được các Animator thực hiện thông qua phần mềm máy tính. Chính vì thế, nếu nói kỹ năng vẽ bị lãng quên thì vẫn chưa đúng, mà thực chất là do sự tiến bộ của công nghệ cho phép quy trình thực hiện 3D Animation trở nên hiện đại và dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho những ai đam mê dù cho không có năng khiếu vẽ vẫn có thể thực hiện tốt công việc của mình.
Tuy không quan trọng, nhưng biết vẽ cũng mang lại nhiều lợi thế cho người theo đuổi ngành 3D Animation
Vẽ tay không là điều kiện cần khi gia nhập ngành 3D Animation, bạn hoàn toàn có thể trở thành một Animator giỏi dù không sở hữu khả năng vẽ tay tốt. Tuy nhiên, có thể vẽ tay cũng đem lại cho bạn nhiều lợi thế trên hành trình phát triển trong ngành công nghiệp hoạt hình 3D. Một số ưu điểm nổi bật khi một Animator có khả năng vẽ tay phải kể đến như:
>> Có được sự vững vàng về kỹ năng tạo hình và khối
Biết cách vẽ và thiết lập hình ảnh sẽ giúp một Animator tạo ra nhân vật với chuyển động chân thật hơn.
Người làm Rigging (gắn khung xương) thường xuyên sử dụng các khớp để điều khiển nhân vật. Do đó họ bắt buộc phải có sự hiểu biết về cơ chế giải phẫu (Anatomy).
Nguồn ảnh: tvc360
Một Modeling Artist (Chuyên gia tạo hình) phải thành thạo hình thái cấu tạo của cơ thể nhân vật (Anatomy). Việc này giúp họ duy trì tỷ lệ thích hợp số lượng lưới Polygon (Polygon Mesh) – một dạng lưới đa giác phức tạp tập hợp nhiều điểm đấu nối để tạo ra một mô hình 3D.
Nguồn ảnh: Artella
Người đảm nhiệm vai trò diễn hoạt nhân vật (Character Animation) phải có kiến thức vững chắc về từng cử động và biểu cảm của nhân vật. Lúc này, vẽ được xem như bước đệm để bạn trở thành một 3D Artist xuất sắc.
Tham gia vào các lớp vẽ không chỉ giúp ích cho bạn trong quá trình nghiên cứu về 3D Animation mà còn mang lại nhiều kiến thức về trọng lượng và đặc điểm của từng cử động. Điều này rất hữu ích trong giai đoạn lên ý tưởng, việc thử nghiệm các tư thế khác nhau trên trang giấy luôn nhanh hơn việc cố gắng tạo ra các nhân vật 3D trên máy tính.
>> Tăng cường sự hiểu biết về cách thức hoạt động của màu sắc và ánh sáng
Trên thực tế, các phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực 3D Animation đều được thiết lập công thức về sự hoạt động của màu sắc và ánh sáng. Tuy nhiên, để kiểm soát chúng theo ý đồ nghệ thuật của bản thân thì một 3D Artist phải tự nắm bắt và có sự hiểu biết về những nguyên lý của ánh sáng và màu sắc.
Nguồn ảnh: Angry Birds
Đó là lúc bạn cần tìm hiểu về kỹ năng vẽ, thông qua vẽ bạn sẽ có cơ hội quan sát và thực hành nhiều kiểu ánh sáng và màu sắc khác nhau mà không có sự hỗ trợ của bất kỳ phần mềm kỹ thuật nào. Điều này giúp ích rất nhiều cho công việc của một 3D Artist về sau. Hơn nữa, việc hiểu rõ về cơ chế của ánh sáng đặc biệt quan trọng trong 3D Animation, bởi lẽ, “mỗi cách đánh sáng sẽ kể một câu chuyện khác nhau”.
Sự kết hợp giữa ánh sáng và màu sắc trong 3D Animation (Nguồn ảnh: Dream Farm Studios)
Đặc biệt, đối với vị trí Texturing Artist (Chuyên gia vật liệu) và Lighting Artist (Chuyên gia ánh sáng) cần phải có sự am hiểu sâu sắc về ánh sáng, cùng một cảm nhận tốt về màu sắc. Khi đó, những hiểu biết trong hội họa và nhiếp ảnh sẽ giúp bạn có nhiều ưu thế hơn khi đảm nhiệm hai vai trò này.
Bên cạnh đó, trong ngành công nghiệp 3D Animation hiện nay, đánh sáng còn được thực hiện ở giai đoạn hậu kỳ (Compositing). Vì vậy, trang bị kiến thức về hội họa hoặc nhiếp ảnh là một điều vô cùng cần thiết.
>> Nâng cao kiến thức về bố cục hình ảnh
Nếu mong muốn đảm nhiệm các vị trí công việc ở giai đoạn tiền sản xuất như: Character Designer, Storyboarding Artist,… bạn cần liên tục đưa những hình dung và suy nghĩ của bản thân lên trang giấy hoặc máy tính thông qua các bản vẽ kỹ thuật số. Lúc này, kỹ năng vẽ và sự am hiểu về bố cục hình ảnh sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Khi đảm nhiệm vị trí của người viết kịch bản phân cảnh (Storyboard Artist), bạn sẽ thực hiện các bảng vẽ chứa đựng những câu chuyện, để từ đó có được hình dung tổng quát về nội dung truyền tải trong từng khung hình.
Ví dụ về một Storyboard (Nguồn ảnh: Lara’s Oak)
Nếu là một nhà thiết kế nhân vật (Character Designer), bạn sẽ đảm nhiệm các công việc như thiết kế nhân vật, đạo cụ, bố cục.
Khi phụ trách công việc của một Concept Artist, bạn sẽ tiến hành vẽ minh họa ý tưởng (Concept Art) về tính cách, hình dáng và tâm trạng của nhân vật.
Một Concept Art trong bộ phim hoạt hình 3D The Dragon Spell (Nguồn ảnh: Evgenia Medvedieva)
Những kinh nghiệm có được từ việc vẽ sẽ cho bạn rất nhiều lợi thế để ứng dụng vào các vị trí chuyên môn. Bạn luôn có cơ hội thực hành và tìm hiểu về các vị trí tốt nhất để quan sát một đối tượng. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ phát triển được khả năng sắp đặt đối tượng trong khung hình và tận dụng không gian trống một cách hiệu quả nhất.
>> Duy trì nguồn cảm hứng và phát triển trí tưởng tượng
Bản chất của 3D Animation và vẽ đều liên quan đến nghệ thuật và sáng tạo, cả hai đều có thể hỗ trợ lẫn nhau. Việc hiểu rõ các quy tắc màu sắc, ánh sáng, hình ảnh, bố cục và chuyển động khi vẽ giúp cho các 3D Artist có thêm nguồn chất liệu phong phú trong quá trình sáng tạo nhân vật 3D.
Nguồn ảnh: beep_roadrunner
Hơn nữa, việc học vẽ sẽ mang đến cho các 3D Artist góc nhìn, công cụ hoàn toàn khác biệt, tăng cường trải nghiệm mới mẻ, tránh sự nhàm chán và duy trì nguồn cảm hứng trong quá trình làm việc.
Nhìn chung, năng khiếu hội họa mang lại nhiều lợi thế cho một người khi theo đuổi 3D Animation, tuy nhiên bạn cần hiểu rằng đó không phải là điều quan trọng nhất.
Theo lời chia sẻ của anh Giáp Võ (Giám đốc Đào tạo tại Học viện MAAC) trong chương trình Livestream “Tư vấn ngành học: KỸ XẢO ĐIỆN ẢNH – HOẠT HÌNH 3D – THIẾT KẾ GAMES” do báo Thanh Niên kết hợp cùng Học viện Kỹ xảo Điện ảnh và Hoạt hình MAAC Việt Nam tổ chức vào ngày 28/4/2021, việc vẽ tay đẹp hay không đó chẳng phải là điều quan trọng, hơn hết là cảm nhận về cái đẹp, mỹ thuật và sự yêu thích dành cho công việc, mọi thứ đều có thể tiến bộ nhờ vào quá trình luyện tập.
Bên cạnh đó, anh Giáp Võ cũng khẳng định: “Việc vẽ và thẩm mỹ thuộc về cảm nhận riêng biệt của mỗi người, sẽ không có một thước đo nào để đo lường. Đừng vì điều đó mà nao núng khi bước chân vào ngành”.
Anh Võ Huy Giáp – Giám đốc đào tạo Học viện MAAC
Tạm kết
Từ những thông tin trên, hy vọng rằng bạn đã có thể giải quyết được những lầm tưởng của mình, cũng như có nhiều động lực hơn trong hành trình theo đuổi đam mê. Ở ngành Hoạt hình 3D, bạn sẽ có nhiều cách, nhiều công cụ để thể hiện khả năng và bạn cần hiểu một cách lạc quan rằng: Chính sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú cùng kỹ năng thuần thục mới là những nhân tố chính đưa bạn đến gần với thành công.
Như vậy, các thông tin trên cũng đã kết thúc Kỳ 3 của cẩm nang 3D Animation dành cho người mới. Nội dung siêu hấp dẫn ở các kỳ tiếp theo vẫn sẽ được cập nhật hàng tuần tại website, theo dõi thường xuyên để không phải bỏ lỡ những kiến thức bổ ích bạn nhé!
Tổng hợp cẩm nang 3D Animation dành cho người mới các kỳ (cập nhật liên tục):
> Kỳ 1: Animation là gì? Phân biệt 3D Animation và Animation truyền thống
> Kỳ 4: Quy trình sản xuất và những vị trí quan trọng trong team 3D Animation