Những điều mà không phải ai cũng biết về kỹ thuật Freeze Frame
Bạn có hay xem phim và bắt gặp những khung hình bỗng dưng đứng yên với các dòng chữ giới thiệu nhân vật? Hay ở các phân đoạn kịch tính khi khung cảnh đột nhiên “đóng băng” khiến bạn bất giác nghẹt thở theo?
Freeze frame là một thuật ngữ dùng để chỉ việc sử dụng công nghệ slow motion (chuyển động chậm) hoặc time-lapse (tua nhanh thời gian) để bắt lại một khoảnh khắc đáng ghi nhớ tại một sự kiện quan trọng nào đó.
Kỹ thuật này được ứng dụng khá nhiều trong các bộ phim và chương trình truyền hình, nhằm mục đích thể hiện một sự kiện diễn ra theo thời gian, chẳng hạn như một nhân vật đang suy nghĩ hoặc phản ứng với điều gì đó.
Phim Wolf of Wall Street (2013). Nguồn ảnh: PremiumBeat
Freeze frame là gì?
Freeze frame (tạm dịch: ‘khung hình đứng yên’ hoặc ‘đóng băng khung hình’) xảy ra khi phân cảnh trong bộ phim hoặc video đột ngột bị dừng có chủ đích, nhằm chụp lại một shot ảnh tĩnh của hành động đang diễn ra và lặp đi lặp lại khung hình đó trong một khoảng thời gian nhất định.
Thuật ngữ “freeze frame” lần đầu được sử dụng bởi các nhà làm phim vào đầu những năm 1900, nhưng mãi cho đến những năm 1920 mới dần trở nên phổ biến. Cũng như trong khoảng thời gian này, kỹ thuật freeze frame đã bắt đầu được khai phá như một hiệu ứng ấn tượng trong các bộ phim và chương trình truyền hình.
Kỹ thuật freeze frame có thể dùng để chụp những khoảnh khắc trọng điểm trong lúc ghi hình. Ví dụ: Nếu bạn đang quay một diễn viên đi dọc hành lang, bạn có thể dừng video của mình tại các điểm ngẫu nhiên và cho đóng băng lại để người xem chú ý cách anh ấy di chuyển. Sau đó, bạn có thể kết hợp tất cả những hình ảnh này thành một video bằng cách ghép chúng lại thông qua các ứng dụng hoặc phần mềm.
Nguồn ảnh: Video Editing Tips
Ngoài ra, bạn cũng có thể đóng băng khung hình để nâng cao khả năng tường thuật bộ phim hoặc để thể hiện chuỗi hành động hay khoảnh khắc nào đó đang diễn ra một cách nhanh chóng. Thông thường, chúng sẽ phát huy công dụng của mình ở phần chuyển cảnh giữa các phân đoạn hơn là một shot quay riêng lẻ.
Freeze frame trong thực tế
Khung hình đứng yên đóng vai trò dừng hành động trong một khoảng thời gian ngắn, giúp khán giả chứng kiến tường tận điều đang diễn ra trong một phân cảnh nhất định. Các khung hình này có thể được tìm thấy ở những bộ phim, chương trình truyền hình và video quảng cáo.
Đóng băng khung hình xuất hiện phổ biến nhất khi nhân vật trong một cảnh li kì vừa bị kẻ thù bắn hoặc đâm. Lúc này, người quay sẽ bắt lại khoảnh khắc đó và điều chỉnh cho khung hình đóng băng khoảng vài giây rồi lại tiếp tục với tình tiết hiện tại. Kỹ thuật này cũng được sử dụng ở những phân đoạn khi ai đó bị thương hoặc sát hại để khán giả chú ý trước khi câu chuyện tiếp tục diễn ra.
Nguồn ảnh: Studio Binder
Một vài mẹo bắt trọn khung hình đứng yên khá hay mà bạn có thể học hỏi thêm như:
- Sử dụng đèn pin điện thoại lúc chụp ảnh để khoảnh khắc dừng lại ấy nổi bật giữa phân cảnh đang diễn ra.
- Không di chuyển quá nhiều hoặc quá nhanh để tránh việc khó bắt được hành động khi đang chụp.
Freeze frame được sử dụng từ khi nào?
Hiệu ứng đóng băng khung hình lần đầu áp dụng vào bộ phim Champagne (1928) của đạo diễn Alfred Hitchcock. Kể từ đó, kỹ thuật này đã được sử dụng trong nhiều chương trình truyền hình và phim ảnh từ rất sớm như series Wonder Woman (1976 – 1979), The Mary Tyler Moore Show (1970), It’s A Wonderful Life (1946) và The 400 Blows (1959), v.v.
Nguồn ảnh: IMDb
Một ví dụ tiêu biểu khác là phân cảnh mở đầu trong phim Snatch (2000) với các khung hình đứng yên được cách điệu tinh tế để giới thiệu dàn nhân vật.
Cụ thể, đội ngũ sản xuất không chỉ ngưng đọng khung hình mà còn tận dụng nó để lồng ghép tên nhân vật vào đó. Bằng cách kết hợp những yếu tố này lại, bộ phim đã sở hữu một tông màu và tính thẩm mỹ nhất định, đồng thời vẫn truyền tải thông tin đầy đủ đến với người xem.
Dưới đây là các bộ phim nổi tiếng đã sử dụng kỹ thuật freeze frame một cách độc đáo:
Đóng băng khung hình cũng có mặt trong lịch sử của các vở kịch và nhà hát, thường được chứng kiến khi các diễn viên trên sân khấu giữ nguyên tư thế của họ để nhấn mạnh hoặc làm nổi bật phần quan trọng của một cảnh hay cốt truyện. Tương tự như các khung hình đứng yên trên phim và TV, kỹ thuật này được tiến hành một cách có chủ đích và chiến lược rõ ràng. Trong video dưới đây, bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của freeze frame đối với chương trình sân khấu và điện ảnh.
Kỹ thuật này thông thường được dùng ở các bộ phim hoặc vở kịch kinh dị. Thế nhưng, nó cũng phát huy khả năng ở những tác phẩm tư liệu và drama để tăng thêm chiều sâu và tạo độ gay cấn.
Freeze frame đã phát triển thế nào?
Nhờ công nghệ, kỹ thuật đóng băng khung hình đã và đang phát triển vượt bậc theo thời gian. Hiện nay, nhiều máy quay có chế độ chuyển động siêu chậm để có thể ghi lại các khoảnh khắc đúng lúc ở tốc độ khung hình cao (24×36). Điều này cho phép bạn xem mọi thứ di chuyển với tốc độ chậm hơn nhiều so với trước đây. Ngoài ra, freeze frame cũng thường hữu ích trong các sự kiện thể thao hoặc buổi hòa nhạc, nơi có nhiều hoạt động được chú ý và dễ dàng bắt khoảnh khắc hơn.
Bên cạnh việc sử dụng máy quay tân tiến, bạn cũng có thể ngưng đọng khung hình thông qua các phần mềm máy tính như Adobe After Effects hoặc Final Cut Pro X. Các chương trình này cho phép bạn thao tác với cảnh quay của mình theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như thêm hiệu ứng làm mờ, thay đổi bảng màu, thêm lớp phủ văn bản, v.v.
Nguồn ảnh: Dendi Priandika
Nếu freeze frame cổ điển có thể gợi ra cảm giác retro, hoài cổ thì freeze frame hiện đại sẽ không có bất kỳ giới hạn nào về phong cách. Với những tiến bộ trong công nghệ chỉnh sửa, bạn có thể thử sáng tạo nhiều hơn chỉ là tạm dừng và gián đoạn bộ phim.
Đoạn trailer dưới đây của Suicide Squad (2016) là một ví dụ điển hình về cách bạn có thể thêm thắt các chi tiết để tăng tính thẩm mỹ cho freeze frame của mình. Trong đoạn giới thiệu nhân vật, các hiệu ứng hoạt hình cách điệu được chèn vào khung hình không chỉ giúp cung cấp thông tin liên quan đến nhân vật mà còn thiết lập tông màu thích hợp cho bộ phim.
Có thể thấy, kỹ thuật đóng băng khung hình vừa là cách tiếp cận nhiều phong cách đa dạng vừa giúp nhấn mạnh những điểm nổi bật có trong đoạn video.
Nguồn ảnh: Suicide Squad (2016)
Tất nhiên, miễn là bạn biết cách áp dụng đúng lúc đúng chỗ và phù hợp với câu chuyện của mình thì kỹ thuật này có thể được sáng tạo ở cả phong cách cổ điển và hiện đại. Theo đó, freeze frame sẽ giúp cho ngôn ngữ hình ảnh và kỹ năng chỉnh sửa hậu kỳ của bạn lên một tầm cao mới.
Freeze frame có thể được dùng trong các trường hợp nào?
Một vài trường hợp mà bạn có thể áp dụng hiệu ứng freeze frame vào trong tác phẩm của mình, chẳng hạn như:
- Đặt ở phần kết video để gây ấn tượng với khán giả hoặc khiến họ tò mò đoán xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
- Đóng băng khung hình rồi thêm tiêu đề cho khung, sau đó bạn tiếp tục cho chạy video.
- Tạm dừng một khung hình và thực hiện thuyết minh để giải thích chi tiết về khung hình đó. Bạn có thể kéo dài thời lượng khung hình bằng với thời lượng tường thuật của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung các đồ họa hoặc văn bản để trang trí hoặc giải thích chi tiết hơn.
- Để kéo dài thời lượng cảnh quay nhằm “chắp vá” những lỗ hỏng trong quá trình chỉnh sửa, bạn có thể đóng băng một khung hình và tăng thời lượng cho nó bằng cách kéo dài ra vài giây hoặc nhân bản khung hình đó thành nhiều khung hình nữa. Ví dụ: nếu bạn cần tạo ra một video dài 2 phút nhưng bạn chỉ có 1 phút 58 giây, bạn có thể lấy một trong các clip để đóng băng khung hình và kéo dài thời gian của clip đó thêm 2 giây nữa. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi chỉnh sửa bằng kỹ thuật này. Nếu không, khán giả của bạn sẽ thấy rõ khung hình đóng băng và bị khó chịu vì điều đó. Do vậy, hãy kết hợp nó với những kỹ thuật khác để khiến cho khung hình trông tự nhiên hơn.
Nguồn ảnh: Video Maker
Tạm kết – Những điều bạn cần ghi nhớ về freeze frame
Freeze frame tựu chung lại là một kiểu bắt trọn khoảnh khắc được sử dụng trong quá trình quay phim hoặc làm phim tài liệu để minh họa cho một tình huống hoặc cảm xúc nào đó.
Ý tưởng đằng sau điều này là nếu bạn di chuyển máy ảnh quá nhanh, hình ảnh sẽ bị giật hoặc gặp một số trục trặc nhất định, trái lại, nếu bạn di chuyển máy ảnh đủ chậm, kết quả mang lại có thể trông giống như bị đóng băng theo thời gian. Đây là lý do tại sao các khung hình đóng băng thường được sử dụng trong quá trình làm phim tài liệu khi không có đoạn âm thanh hoặc lời thoại, để khán giả có thể nghe thấy phần thuyết minh mà không bị phân tâm.
Có nhiều loại khung hình đứng yên khác nhau thay đổi tùy thuộc vào nội dung bạn mong muốn hiển thị. Đôi khi, bạn có thể chỉ sử dụng một loại, nhưng có những lúc, bạn phải sử dụng nhiều loại trong cùng một thời điểm để cho ra hiệu ứng hình ảnh sao cho mượt mà nhất.
Cuối cùng, đừng quên rằng mục đích chính của mỗi loại freeze frame là giúp thu hút sự chú ý của người xem vào những khoảnh khắc cụ thể để họ được kết nối với nội dung truyền tải một cách chặt chẽ hơn.
Nguồn: Film Lifestyle, Studio Binder, Video Maker
Tâm Cửu