vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >Production Design và cách thăng hạng lối kể chuyện bằng hình ảnh cho phim
production-design-thumb

Production Design và cách thăng hạng lối kể chuyện bằng hình ảnh cho phim

Production Design là gì và vì sao bất kỳ nhà làm phim chuyên nghiệp nào cũng cần đến đội ngũ Production Designer để chăm chút cho các tác phẩm của mình? Bài viết dưới đây sẽ đưa bạn đến với một khái niệm mới giúp nâng tầm lối kể chuyện bằng hình ảnh trong nghệ thuật làm phim. 

Khi xem một bộ phim, hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy trên màn hình đôi khi sống động đến nổi có thể đưa chúng ta đến một thế giới khác hoặc khiến chúng ta cảm thấy như đang thực sự có mặt tại bối cảnh diễn ra bộ phim. Đó là khi các Production Designer phim phát huy thành công vai trò của mình. 

Production Design là một phần thiết yếu trong quá trình làm phim, chịu trách nhiệm tạo ra giao diện về thế giới cho bộ phim, nhằm đảm bảo mang lại cảm giác chân thực, tự nhiên và đáng tin cậy. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng xem xét kỹ hơn về định nghĩa của thiết kế bối cảnh, cũng như những yếu tố tạo nên quy trình thiết kế bối cảnh tuyệt vời cho một dự án phim.

1-production-design

Nguồn ảnh: Backstage

Production Design là gì? 

Nói một cách đơn giản, Production Design, hay thiết kế bối cảnh, là nghệ thuật tạo ra môi trường trực quan nơi câu chuyện trong một tác phẩm diễn ra ngoài đời thực. 

Giải thích chi tiết hơn thì thiết kế bối cảnh đề cập đến việc tạo ra những môi trường trực quan nhằm phục vụ cho quá trình sản xuất phim, MV, quảng cáo hoặc chương trình truyền hình khi bối cảnh tự nhiên, kinh phí hay nhân lực không đủ điều kiện đáp ứng. Thiết kế bối cảnh thường được dùng thay thế cho thuật ngữ ‘định hướng nghệ thuật’ hay ‘chỉ đạo nghệ thuật’, nhưng điều này là không hoàn toàn đúng. Vì nếu chỉ đạo nghệ thuật chủ yếu chịu trách nhiệm cho các yếu tố hình ảnh phù hợp với tầm nhìn của đạo diễn thì thiết kế bối cảnh còn phụ trách với quy mô rộng hơn, có cách tiếp cận phức tạp hơn để thiết kế bối cảnh, trang phục, đạo cụ và giao diện tổng thể cho một bộ phim, MV, quảng cáo hoặc chương trình truyền hình.

Những yếu tố quan trọng trong Production Design bao gồm: 

  • Set Design
  • Đạo cụ
  • Trang phục
  • SFX và VFX

2-production-design

Nguồn ảnh: Indeed

Một số thuật ngữ thường dễ nhầm lẫn với Production Design

Như đã đề cập, thiết kế bối cảnh thường dễ bị nhầm lẫn với một số bộ phận hoặc tính chất công việc tương tự. Do đó, bạn sẽ cần phải nắm rõ định nghĩa của chúng trước khi bước vào chi tiết của quy trình thiết kế bối cảnh.

Production Designer và Set Designer

Set Designer chủ yếu làm việc với ti tỉ các thể loại bối cảnh và môi trường. Nhiệm vụ của họ là làm việc với đạo diễn và Production Designer để cho ra bối cảnh đáng tin cậy, chân thực và phù hợp với bộ phim (hoặc các loại hình nghệ thuật/giải trí khác tùy theo mục đích sản xuất của bạn).

Production Designer và Set Designer thường được dịch chung là “Nhà thiết kế bối cảnh” nhưng hai vai trò này thực tế hoàn toàn khác nhau. Nếu Production Designer chịu trách nhiệm hướng dẫn các bộ phận xử lý nghệ thuật của đoàn phim, từ bối cảnh, trang phục, ánh sáng đến khâu trang điểm thì Set Designer lại chỉ tập trung vào việc tạo ra bối cảnh hấp dẫn cho câu chuyện mà thôi. Ngoài ra, Production Designer cũng chỉ thường làm việc trên các sản phẩm phim và truyền hình, trong khi Set Designer còn có thể làm việc trong các rạp hát.

Set Designer sẽ nghiên cứu bối cảnh từ kịch bản phim, bằng cách xem xét những gì cần được lên kế hoạch, chuẩn bị, và trực tiếp xây dựng môi trường hoàn hảo nhất để phục vụ cho cảnh quay.

3-production-design

Mô phỏng về thiết kế bối cảnh trong phim trường. Nguồn ảnh: Studio Binder

Mặt khác, Production Designer sẽ phụ trách công việc ở mức độ cao hơn. Trong quá trình làm việc với Set Designer để hoàn thiện giao diện cảnh quay thì Production Designer sẽ cân nhắc xem liệu bối cảnh này có phù hợp với thẩm mỹ tổng thể của bộ phim hay không.

Production Designer và Art Director

Art Director (Giám đốc nghệ thuật) gắn bó với Production Designer như hình với bóng. Sự khác biệt quan trọng giữa hai vai trò này nằm ở mảng hậu cần. Một Production Designer có thể có hàng trăm ý tưởng đột phá về hình thức của một bộ phim, trong khi đó công việc của Art Director là xem xét và biến chúng thành hiện thực.

4-production-design

Quy trình xây dựng bối cảnh cho phim trường. Nguồn ảnh: Studio Binder

Có một câu đùa thú vị đó là: Hãy xem Art Director như ‘phiên dịch viên’ của Production Designer. Vì Art Director sẽ lắng nghe những gì Production Designer chia sẻ, sau đó tập hợp nhân sự và vật liệu để thực hiện ý tưởng đó – Quy trình này có thể bao gồm bất kỳ điều gì từ việc giám sát xây dựng bối cảnh đến lập ngân sách cho công đoạn chế tạo đạo cụ, v.v.

Tầm quan trọng của Production Design

Tầm quan trọng của thiết kế bối cảnh nằm ở chỗ nó có thể tăng thêm chiều sâu và kết cấu cho bộ phim, thổi hồn vào câu chuyện và đưa khán giả đến một thời kỳ hoặc thế giới khác. Việc sở hữu quy trình thiết kế bối cảnh nhất quán góp phần tạo nên sự mạch lạc và logic cho bộ phim, từ đó giúp khán giả vô thức bị cuốn vào câu chuyện diễn ra và ở lại lâu hơn với tác phẩm của bạn.

Trong video phân tích dưới đây, chúng tôi sẽ giải thích về quy trình Production Design trong series The Boys (2019) và cách mà các yếu tố như tủ trang phục, đạo cụ, thiết kế bối cảnh,… đã cùng tạo ra một thế giới độc đáo trong phim như thế nào. 

Bên cạnh đó, một Production Design được thực hiện tốt sẽ làm tăng tính hiệu quả cho không chỉ cách kể chuyện của phim mà còn sự tương tác giữa các nhân vật với môi trường và đạo cụ xung quanh họ. Thông qua những điều này, bộ phim có thể giúp nhân vật truyền tải được động cơ và cảm xúc của mình một cách tự nhiên mà không cần phải nói rõ từng chi tiết cho khán giả biết.

Moodboard, tạm dịch là bảng tâm trạng, là nơi mà nhà thiết kế có thể kết hợp nhiều hình ảnh khác nhau với chung một chủ đề và concept để truyền đạt ý tưởng của mình, cũng như giúp người xem hình dung ra được mục đích cụ thể mà bản thân đang hướng đến. Dưới đây là một moodboard tiêu biểu mà các Production Designer có thể nghĩ đến khi bắt tay thực hiện một bộ phim neo-noir (phim noir hiện đại) theo chủ đề dystopian (phản địa đàng): 

5-production-design

Nguồn ảnh: Studio Binder

Lưu ý rằng, hoạt động thiết kế bối cảnh sẽ liên quan đến tất tần tật mọi yếu tố có trong một bộ phim, như là bối cảnh, màu sắc, trang phục, v.v. Về cốt lõi, thiết kế bối cảnh được thực thi nhằm cung cấp cho câu chuyện các thông tin hình ảnh cần thiết, bên cạnh những mẫu đối thoại và mô tả nhân vật.

Ý nghĩa của Production Design trong lịch sử ngành công nghiệp phim ảnh

Ngành Production Design có thể đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên của nền công nghiệp điện ảnh, nhưng mãi đến Thời kỳ hoàng kim của Hollywood vào những năm 1920 – 1930 thì Production Design mới bắt đầu đảm nhận một vị trí rõ ràng và quan trọng hơn trong quy trình làm phim.

Sự phát triển của Production Design: Từ sân khấu đến màn ảnh

Ban đầu, việc chỉ đạo nghệ thuật cho phim ảnh chịu tác động nặng nề bởi các quy ước về thiết kế bối cảnh sân khấu, với mỗi bối cảnh được thiết kế để có thể nhìn từ một góc cụ thể và chỉ xuất hiện trên camera trong thời hạn đã được thiết lập cho cảnh quay.

Không một ai thực sự nắm rõ phương thức mà các bối cảnh hoạt động trong thế giới thực hoặc cách mà các nhân vật sẽ tương tác với môi trường xung quanh như thế nào.

6-production-design

Montgomery Clift và John Wayne trên phim trường Red River (1948). Nguồn ảnh: Studio Binder

Với sự phát triển của ngày càng nhiều phương pháp làm phim tiên tiến đi kèm cùng mong muốn mang lại trải nghiệm xem phim sống động hơn, các nhà sản xuất dần có thêm nhiều yêu cầu phức tạp và đa dạng cho bối cảnh trên phim trường. Từ việc điều chỉnh thông thường trên sân khấu phát triển thành các kỹ thuật làm phim chuyên nghiệp, những người phụ trách thiết kế bối cảnh lúc này đã có cơ hội chứng minh tầm quan trọng của mình trong quy trình sản xuất phim.

Ảnh hưởng của những tiến bộ công nghệ đối với Production Design

Với sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật, hiệu ứng hình ảnh cũng như CGI đã trở nên tinh xảo và chân thực đến mức khó lòng phân biệt thật giả, từ đó góp phần tạo ra bước ngoặt mới trong lĩnh vực thiết kế bối cảnh. Đồng thời, nhờ sự phát triển của các công cụ mới cùng phương pháp xây dựng bối cảnh và đạo cụ hiện đại, chúng ta bắt đầu chứng kiến nhiều thiết kế được đầu tư hơn, phù hợp với tham vọng làm nên câu chuyện lý tưởng của bộ phim.

7-production-design 8-production-design

Production Design trong phim của Marvel Studios. Nguồn ảnh: Flickering Myth

Năm 1993, lĩnh vực Production Design lần đầu được trao giải Oscar ở hạng mục Best Art Direction. Một năm sau đó, các giải Oscar đã được chia ra thành  Academy Awards for Production Design and Scenography để ghi nhận sự đóng góp ở mọi khía cạnh không thể thiếu trong phim trường. Hiện tại, các giải đã được gộp chung lại thành Best Production Design. 

Các yếu tố của Production Design

Trong thiết kế bối cảnh, Production Designer là người đứng đầu bộ phận nghệ thuật trên phim trường, chịu trách nhiệm tạo ra sự độc đáo về mặt trực quan cho bộ phim. Thông qua việc sử dụng bối cảnh, đạo cụ, trang phục và nhiều yếu tố khác, họ sẽ hợp tác chặt chẽ với đạo diễn và nhà quay phim để chuyển hóa các ý tưởng có trong kịch bản ra ngoài đời thực.

Hãy cùng khám phá một số yếu tố trọng điểm mà Production Designer cần phải cân nhắc và cách họ phối hợp mọi thứ với nhau để cho ra một thế giới sống động trên màn hình.

9-production-design

Nguồn ảnh: NFI

Set Design: Tạo môi trường vật lý hoàn hảo

Một trong những yếu tố quan trọng nhất của Set Design là thiết kế bối cảnh, cụ thể là thiết kế và xây dựng môi trường vật lý cho phim. Nhà thiết kế phải tạo ra một môi trường đủ vững chắc và đáng tin cậy, nhằm hỗ trợ câu chuyện và mạch cảm xúc của phim được diễn ra tự nhiên.

Ngoài ra, bối cảnh cần phải xác định rõ địa điểm và thời đại của bộ phim, như là cổ đại, trung đại, hiện đại,… để người xem hiểu được tâm trạng và không khí của toàn thể câu chuyện. Video này phân tích vai trò quan trọng của Production Design trong việc thiết lập sự chuyển biến nội tâm của hai nhân vật chính trong tác phẩm Marriage Story (2019) của đạo diễn Noah Baumbach.

Không gian và sự tách biệt trong Marriage Story được bố trí bởi nhà Production Designer Jade Healy

Đạo cụ: Lựa chọn và sắp xếp các đối tượng phù hợp

Đạo cụ là tất cả những đồ vật bao quanh các nhân vật trong phim, đóng vai trò không thể thiếu trong câu chuyện đến mức cần được đưa vào để mang lại sự hoàn thiện cho một phân cảnh. Production Designer sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn đạo cụ phù hợp, có liên quan đến câu chuyện, thời gian và đặc điểm của các nhân vật trong phim.

Vị trí của đạo cụ và cách diễn viên tương tác với chúng cũng có thể nói lên nhiều điều về nhân vật, tính cách và thậm chí tiết lộ quá khứ hoặc động cơ phía sau của họ.

Trang phục: Giúp diễn viên ăn mặc phù hợp

Một phần công việc của Production Designer là đảm bảo trang phục cho các nhân vật đều phải chân thực, chỉn chu và phù hợp với thế giới của câu chuyện. Trang phục có thể nói lên nhiều điều về một nhân vật, bao gồm xuất xứ, địa vị xã hội, tính cách và nghề nghiệp của họ.

Ở hình minh họa dưới đây, bạn có thể thấy cách mà nhà thiết kế trang phục nổi tiếng Mark Bridges nghiên cứu tỉ mỉ trang phục cho diễn viên trong bộ phim There Will Be Blood (2007) của nhà sản xuất Paul Thomas Anderson, thông qua các bản phác thảo được giới thiệu trên trang web cá nhân của anh ấy.

10-production-design

Bảng phác thảo trang phục nhân vật trong There Will Be Blood của Mark Bridges. Nguồn ảnh: Studio Binder

Hiệu ứng đặc biệt (SFX) và hiệu ứng hình ảnh (VFX): Nâng cao chất lượng hình ảnh

Các hiệu ứng đặc biệt thường được sử dụng để nâng tầm câu chuyện và tăng hiệu quả thẩm mỹ cho Production Design. Chúng được tạo ra với sự trợ giúp của phần mềm làm kỹ xảo và CGI, bằng cách bổ sung các chi tiết và đạt đến sự chân thực mà bình thường không thể nào đáp ứng được.

Đối với những bộ phim như Inception (2010) của Christopher Nolan, VFX là một phần không thể vắng mặt trong thiết kế bối cảnh và quá trình xây dựng câu chuyện. Studio Binder đã tái tạo một cảnh trong bộ phim để cho thấy nhiều yếu tố VFX khác nhau có thể được áp dụng cùng lúc để tạo ra một phân đoạn trong phim.

Thiết kế bối cảnh là một khía cạnh thiết yếu của quá trình làm phim, vượt xa việc tạo ra một bối cảnh hấp dẫn về mặt hình ảnh. Nó có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, tinh thần và bầu không khí của tổng thể bộ phim, đồng thời tăng sức hút trong cách kể chuyện của tác phẩm. 

Một Production Designer lành nghề sẽ làm việc với đạo diễn, nhà quay phim, nhà thiết kế trang phục và các thành viên chủ chốt khác trong đoàn làm phim để tạo ra một thế giới nhất quán và thu hút người xem. Bằng cách hiểu được tầm quan trọng của thiết kế bối cảnh, các nhà làm phim có thể nâng cao tay nghề của họ và tạo ra những tác phẩm khó quên trong lòng khán giả.

Nguồn: Studio Binder

Tâm Cửu