vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >Tất tần tật những điều bạn cần biết về thiết kế nhân vật

Tất tần tật những điều bạn cần biết về thiết kế nhân vật

Điều gì giúp giữ chân “người qua đường” ở lại với bộ phim hay tựa game của bạn? Nếu ví nội dung như hương vị món ăn thì nhân vật chính là hình ảnh đẹp mắt khiến “thực khách” không kiềm được mà ngồi xuống thưởng thức. Vì thế, thiết kế nhân vật là bước tối quan trọng không kém gì việc xây dựng cốt truyện cho tác phẩm. Vậy bạn đã biết cách thiết kế nhân vật sao cho hiệu quả chưa?

Ở bất kỳ bộ phim hay trò chơi nào, khi giao diện của nhân vật được thiết kế tốt sẽ khiến khán giả cảm thấy mình được đầu tư vào chính câu chuyện đang diễn ra. Đây thường là những nhân vật đáng nhớ, có thể nhận diện ngay lập tức nhờ trang phục, phong thái đi đứng, cũng như những nét tính cách và thói quen đặc trưng của họ. Tựu trung lại, thiết kế nhân vật (character design) có thể bao gồm mọi thứ từ diện mạo và trang phục của nhân vật cho đến cách họ di chuyển và cảm xúc mà họ thể hiện.

Dưới đây là những gì bạn cần biết về thế giới sáng tạo của quy trình thiết kế nhân vật.

1-thiet-ke-nhan-vat

Nguồn ảnh: Planet Anime

Thiết kế nhân vật là gì?

Thiết kế nhân vật trong phim và trò chơi là một dạng concept art có liên quan đến việc xác định trực quan ngoại hình, tính cách, hành vi và thẩm mỹ của nhân vật. Nó không chỉ là một bản vẽ, mà hơn cả thế, các nhân vật đóng vai trò thiết yếu trong việc thuật lại một câu chuyện hoặc truyền tải một thông điệp nào đó. Là một Character Designer (Nhà thiết kế nhân vật), bạn có nhiệm vụ biến nhân vật trở nên sống động hơn bằng cách thêm vào các đặc tính sao cho phù hợp với câu chuyện và định hướng sáng tạo của bộ phim hoặc trò chơi.

Có thể nói, bước thiết kế nhân vật rất quan trọng bởi nó sẽ được dùng làm điểm tham chiếu trong suốt nhiều giai đoạn phát triển của dự án mà bạn tham gia.

Thế nào là thiết kế nhân vật tốt?

Một bản thiết kế nhân vật tốt bắt đầu từ tính cách của nhân vật. Điều này có thể nắm được thông qua brief hay kịch bản của người viết hoặc giám đốc sáng tạo. Và khi trở thành một nhà thiết kế nhân vật, đồng nghĩa rằng bạn sẽ chịu trách nhiệm hình dung ra ý tưởng của nhân vật dựa theo những mô tả trên.

Nhìn chung, thiết kế nhân vật tốt tập trung vào sự rõ ràng và bao gồm những điều sau đây:

  • Style/Tone: Nhân vật của bạn có phù hợp với kiểu sản xuất không? Ví dụ, nếu đó là một nhân vật Disney, bạn sẽ không vẽ chúng theo phong cách Anime chẳng hạn.
  • Trang phục: Nhân vật có ăn mặc phù hợp với đặc điểm và câu chuyện của họ không? Trang phục của họ có ăn nhập với môi trường mà họ đang sống?
  • Tư thế: Cách họ thể hiện có phù hợp với tính cách và phong thái của họ không?
  • Câu chuyện: Nhân vật đóng vai trò gì trong cốt truyện hoặc phân cảnh?
  • Hình bóng (Silhouette): Khi tất cả các chi tiết bị loại bỏ, hình bóng của nhân vật có nhanh chóng nhận diện được không? (Ví dụ tiêu biểu là bóng đen của Chuột Mickey, tuy rất đơn giản nhưng vô cùng dễ nhận biết)

Dưới đây là một số ví dụ hướng dẫn cách điều chỉnh quy trình thiết kế nhân vật sao cho chân thực nhất có thể:

  • Nếu bạn đang tạo một trò chơi mà nhân vật phải leo lên những vách núi dựng đứng thì bạn không thể thiết kế họ di chuyển bằng gậy chống hay đi giày cao gót được.
  • Nếu đặc điểm tính cách của nhân vật chính là thiếu tự tin thì nhân vật của bạn sẽ có tư thế ủ rũ và hơi hướng nội một chút.
  • Nếu trò chơi diễn ra bên ngoài vũ trụ, bạn sẽ cần xem xét trang phục phù hợp với bối cảnh như mũ bảo hiểm, bình dưỡng khí và bộ đồ phi hành gia.

Một nhân vật được thể hiện tốt sẽ không chỉ thực tế hay sống động mà còn nằm ở sự độc đáo chỉ có ở riêng họ, cho dù đó là một phần tính cách, chuyển động hay ngoại hình, v.v…

3 ví dụ về thiết kế nhân vật tốt

Dưới đây là ba ví dụ về cách thể hiện thiết kế các nhân vật tốt mà bạn có thể đã thấy trong phim và trò chơi:

Grogu

Grogu là một nhân vật nổi tiếng trong vũ trụ Star Wars và cũng đồng thời là minh chứng cho việc thiết kế nhân vật tốt. Những đặc điểm giống với trẻ con cùng cách xây dựng chuyển động chậm chạp, vụng về đã khiến người hâm mộ càng muốn cưng chiều và yêu thương sinh vật này. Ngoài ra, vì Grogu mang đặc điểm giống một nhân vật được yêu thích khác trong Star Wars là Master Yoda, nên chúng ta càng cộng hưởng với anh ấy tốt hơn so với bất kỳ người ngoài hành tinh nào mà nhà thiết kế nhân vật định sáng tạo để thay thế cho vai diễn của anh ấy.

2-thiet-ke-nhan-vat

Nguồn ảnh: Popverse

Pikachu

Pikachu của Pokémon là một nhân vật mang tính biểu tượng được nhiều thế hệ yêu thích. Một phần trong thiết kế nhân vật thông minh của Pikachu là màu sắc (màu vàng) phù hợp với kỹ năng của nó (phóng tia sét), giúp khán giả nhận diện nhân vật dễ dàng hơn. Đồng thời, sự dễ thương được thể hiện qua giọng nói và nét mặt cũng khiến cho Pikachu chiếm trọn trái tim của người hâm mộ.

3-thiet-ke-nhan-vat

Nguồn ảnh: nocookie

GlaDOS (Portal)

Nếu bạn từng chơi Portal, bạn sẽ quen thuộc với cô người máy GlaDOS và các biện pháp cực đoan của cô ta nhằm giữ bạn lại bên trong khu nghiên cứu. Xét về phương diện thẩm mỹ, người chơi bị thu hút bởi thiết kế cơ học đen trắng và một “con mắt” được điểm sáng đơn giản của GlaDOS. Điều này giúp cho thiết kế nhân vật trở nên đáng nhớ và gợi nhiều liên tưởng trong lòng người chơi.

4-thiet-ke-nhan-vat

Nguồn ảnh: Fair Dealing Fair Dealing

Xem thêm: Top 7 nhân vật CGI mang tính biểu tượng trong nền điện ảnh thế giới

Các bước thiết kế nhân vật hiệu quả

Sau khi nhận được brief từ khách hàng thì đây là quy trình lên ý tưởng và thiết kế nhân vật của bạn:

Bước 1: Nghiên cứu

Hãy trở thành một chuyên gia trong thế giới của các nhân vật bạn đang tạo và nghiên cứu thật kỹ trước khi đặt bút xuống. 

Ví dụ: Ở bộ phim hoạt hình nổi tiếng The Lion King (1994), nhóm gồm các Character Designer và nhà làm phim hoạt hình đã nghiên cứu về các loài động vật ở xavan châu Phi để hiểu rõ hơn về diện mạo, chuyển động cũng như phong thái của chúng, nhằm đảm bảo các nhân vật mang tính biểu tượng mà họ thiết kế có hình dáng chân thực nhất có thể.

5-thiet-ke-nhan-vat

6-thiet-ke-nhan-vat

Nguồn ảnh: Art of Animation

Bước 2: Thu thập hình ảnh tham khảo

Đây cũng là một phần trong nghiên cứu của bạn. Việc thu thập các hình ảnh tham khảo để lấy cảm hứng là điều thiết yếu, ngay cả khi nhân vật của bạn hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng. 

Ví dụ: Nếu bạn đang thiết kế một nhân vật sống trong rừng, hãy thu thập hình ảnh về rừng nhiệt đới và động vật để giúp thiết lập tông màu phù hợp. Hoặc, giả sử nhân vật của bạn là một người đam mê xe thể thao thì việc thu thập hình ảnh các xe đua và đường đua là rất cần thiết. Bạn có thể tìm thấy yếu tố như màu sắc, hoa văn, họa tiết từ những hình ảnh tham khảo, để rồi đưa chúng vào các thiết kế nhân vật của bạn và cho ra sản phẩm cuối cùng hoàn hảo nhất.

Bước 3: Nhận biết đối tượng mục tiêu của bạn

Mỗi người đều nhìn nhận thế giới thông qua lăng kính độc đáo của riêng họ. Vì vậy, việc biết được đối tượng của mình đang nhìn qua lăng kính nào sẽ giúp bạn thiết kế nhân vật phù hợp với họ hơn. Do đó, khi thiết kế nhân vật, đối tượng mục tiêu của bạn thường sẽ được đưa vào trong brief chung của dự án để mọi người có được cái nhìn tổng quan về việc ai sẽ là người chơi/xem sản phẩm mà mình tạo ra, từ đó giúp cho dự án đạt được kết quả chất lượng hơn.

Bước 4: Xác định các đặc điểm ‘vô hình’ của nhân vật

Cần xây dựng tính cách và câu chuyện background cho nhân vật dựa trên thông tin thiết kế ở brief. Chẳng hạn như, nhân vật của bạn đã đánh nhau ở quán bar vào năm ngoái và bây giờ có một vết sẹo lớn trên mặt. Vậy, việc của bạn đó là phát triển các đặc điểm của nhân vật ở mức độ sâu hơn, cả về thể lý lẫn tình cảm. Các nhân vật được khai thác sâu lúc nào cũng mang lại cảm giác đáng tin hơn và không thể xóa nhòa.

Ngoài ra, hãy đi sâu vào lý lịch và nguồn cội của nhân vật. Nếu nhân vật của bạn lớn lên ở miền Tây hoang dã, bạn có thể đưa vào các đặc tính chung của những người sống trong thời đại đó, như mũ cao bồi và quần bò v.v… Nếu nhân vật của bạn có tổ tiên là người Bắc Âu, bạn có thể xây dựng tính thẩm mỹ cho họ bằng các đặc điểm giống với người Bắc Âu như mái tóc và màu mắt nhạt, nhưng đồng thời cẩn thận để không rơi vào tình trạng rập khuôn, hay còn gọi là stereotypes.

Mặt khác, một vài khía cạnh cũng cần đưa vào bản thiết kế nhân vật của bạn bao gồm:

  • Ít nhất một đặc điểm tích cực hoặc bù đắp cho nhân vật.
  • Một điểm khuyết cơ bản nào đó của nhân vật.
  • Động lực cho nhân vật của bạn.

Bước 5: Lên ý tưởng

Khi bạn có đủ thông tin về nhân vật, hãy bắt đầu thực hiện một số bản phác thảo sơ bộ về concept. Tập trung vào các lĩnh vực chính liên quan đến đặc điểm thể chất như tư thế hoặc các thuộc tính độc đáo mà nhân vật sẽ có.

Bước 6: Chọn bảng màu (color palette)

Bản thiết kế nhân vật của bạn sẽ bao gồm một màu chính và một bảng màu hỗ trợ. Đối với hầu hết nhân vật, bảng màu càng đơn giản càng tốt (như ví dụ Pikachu nêu trên).

Bước 7: Bắt đầu vẽ

Sau khi bản nháp được duyệt, hãy bắt đầu tạo các bản thảo chi tiết hơn về nhân vật của bạn theo phong cách mà bạn muốn chúng xuất hiện trong sản phẩm cuối cùng. Bạn sẽ cần vẽ chúng từ nhiều góc độ và thường bao gồm các đạo cụ và trang phục có liên quan.

7-thiet-ke-nhan-vat

Nguồn ảnh: ArtStation

Cách thiết kế nhân vật được sử dụng trong phim và trò chơi

Trong phim hoặc trò chơi, các mô tả và khớp nối của nhân vật được tạo bởi Character Designer sẽ được đưa vào giai đoạn 3D modeling trước rồi kế tiếp là giai đoạn animation. Ở giai đoạn diễn hoạt 2D, thiết kế nhân vật sẽ được sử dụng để tạo ra các hoạt ảnh. Cuối cùng, Storyboard Artist sẽ tham khảo thiết kế nhân vật và thể hiện chúng lên câu chuyện chung.

Thiết kế nhân vật trong 3D modeling

Các 3D Modeler (tạm dịch: người dựng mô hình 3D) sẽ phát triển, điêu khắc và thêm chi tiết cho các nhân vật 3D dựa trên brief và tác phẩm do Character Designer tạo ra. Vì thiết kế nhân vật thường được thực hiện dưới dạng tranh kỹ thuật số 2D nên các 3D Modeler sẽ biết cách đưa bản thiết kế đi xa hơn nữa bằng cách bổ sung chi tiết, đặc điểm, tính chân thực và cảm xúc vào bên trong bản phác thảo đó.

Dựa vào giao diện và chức năng mà 3D Modeler xây dựng cho nhân vật, đội ngũ làm phim hoặc nhà sản xuất game sẽ bắt đầu tạo hoạt ảnh để từ đó hình thành nên cách chuyển động sao cho phù hợp với chúng.

Thiết kế nhân vật trong phim hoạt hình

Nhà làm phim hoạt hình sẽ điều khiển các nhân vật di chuyển và tương tác với môi trường 2D, 3D hoặc live-action theo những gì được trình bày trong kịch bản và bảng phân cảnh. Vì thiết kế nhân vật là dạng tĩnh nên các nhà làm phim hoạt hình sẽ thổi thêm sự sống vào các nhân vật bằng cách tạo ra các chuyển động, cử chỉ và biểu cảm cho chúng.

Tạm kết

Theo khoa học, khi tiếp xúc với hình ảnh trực quan, bộ não luôn ghi nhớ được nhiều hơn so với câu từ chữ viết. Vì vậy, nếu muốn tác phẩm của mình cắm rễ sâu trong lòng người hâm mộ, bạn cần đặt tầm quan trọng của việc thiết kế nhân vật ngang hàng với cách bạn xây dựng nội dung cho tác phẩm đó. 

Ngoài ra, nếu bạn là người trong nghề hoặc đang tìm hiểu về thiết kế nhân vật, bạn sẽ cảm nhận một chút rạo rực trong lòng khi vô tình nghe được những câu như “Hồi đó có bộ phim tôi xem nữ chính vẽ rất đẹp, nam chính thì tóc dài v.v.” hay “Lúc nhỏ có tựa game tôi chơi mà nhân vật trong đó được thiết kế rất sống động theo phong cách thần thoại Bắc Âu…” chẳng hạn. Những lời nói đó thường là những lời nhận xét chân thật nhất vì ít bị ảnh hưởng bởi “màn lọc” khắt khe của mạng xã hội. Vì vậy, nếu mong muốn “đứa con tinh thần” của mình giữ trên môi khán giả theo năm tháng, hãy dành thời gian đầu tư hình ảnh nhân vật bắt đầu từ ngay hôm nay.

Nguồn tham khảo: cgspectrum

Tâm Cửu