vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >Tất tần tật về Animation Outsourcing – Giải pháp hàng đầu giúp các studio tối ưu năng suất

Tất tần tật về Animation Outsourcing – Giải pháp hàng đầu giúp các studio tối ưu năng suất

Việc giao phó cho dịch vụ bên ngoài thực hiện một phần dự án đã trở nên rất phổ biến trong ngành hoạt hình. Để có thể chọn được đối tác phù hợp, hãy cùng tìm hiểu về các dịch vụ gia công hoạt hình phổ biến và các bước đơn giản mà hiệu quả để chốt hạ cái tên tiềm năng cho dự án của mình. 

Outsource (thuê ngoài) chỉ việc doanh nghiệp thuê đơn vị bên ngoài để thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu, nhất là khi bản thân không có đủ nguồn lực hoặc muốn tiết kiệm chi phí sản xuất. Phương thức này đã trở nên rất phổ biến trên thị trường lao động nói chung và trong ngành hoạt hình nói riêng. Việc các doanh nghiệp hoặc studio thuê nguồn lực bên ngoài để thực hiện một hoặc nhiều phần trong dự án hoạt hình của mình gọi là Animation Outsourcing. Xuất hiện từ những năm 1960 khi các studio từ châu Á được thuê thực hiện những phim hoạt hình kinh phí thấp cho các studio Mỹ, Animation Outsourcing đã phát triển qua hơn nửa thế kỷ và ngày nay việc một sản phẩm hoạt hình được hợp tác sản xuất bởi rất nhiều studio khác nhau đã không còn là điều xa lạ. 

Có rất nhiều lý do rõ ràng để nhiều doanh nghiệp hay studio viện đến Animation Outsourcing, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được bên hợp tác phù hợp. Hiểu về tầm quan trọng của Animation Outsourcing, các dịch vụ phổ biến trên thị trường và các bước hiệu quả để tìm thấy studio hoặc freelancer đáng tin cậy tin rằng là điều cần thiết với bất cứ ai đang nghĩ đến thuê gia công hoạt hình. 

Sparx* – A Virtuos Studio là một trong những studio hàng đầu Việt Nam chuyên đảm nhiệm phần “outsource” cho các tác phẩm bom tấn trên thế giới.

Tại sao ngày càng nhiều studio cần Animation Outsourcing?

Vào năm 2021, quy mô của thị trường phim hoạt hình toàn cầu đã tăng 5% so với năm trước, lên hơn 372 tỷ USD. Được biết, thị trường toàn cầu của ngành làm phim hoạt hình dự kiến sẽ lên đến 642 tỷ USD trong năm 2023. Từ màn ảnh rộng, màn ảnh nhỏ, nền tảng trực tuyến, trò chơi điện tử đến quảng cáo thương mại, hoạt hình đang “tung hoành” trong rất nhiều địa hạt và sự phát triển của hoạt hình nói chung hẳn sẽ còn tiếp tục mạnh mẽ, song hành cùng sự phát triển của công nghệ cũng như phong cách làm việc linh hoạt đã hình thành từ trong và sau đại dịch. Với tốc độ phát triển và nhu cầu ngày càng tăng, mỗi một studio hoặc doanh nghiệp hẳn nhiên đều muốn tối ưu năng suất, thời gian, chi phí, và Animation Outsourcing là phương thức trong tầm tay. 

Sử dụng dịch vụ gia công trong lĩnh vực sáng tạo không phải là một xu hướng mới. Các hãng phim Hollywood nhiều thập kỷ trước đã bắt đầu gửi một số phần việc tiền sản xuất cho các studio nước ngoài ở Ấn Độ, Hàn Quốc hay Philippines có giá sản xuất thấp hơn nhằm tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, tỷ lệ sản xuất càng cao, các hãng phim sẽ nhận được nhiều tiền hơn cho các dự án mới. 

Hẳn nhiên, điểm quan ngại dễ thấy nhất khi nghĩ đến việc outsource là chất lượng thành phẩm không nhất quán, nhất là trong trường hợp sử dụng dịch vụ của nhiều bên khác nhau. Tuy nhiên, nhiều gã khổng lồ trong lĩnh vực giải trí như Disney, Warner Bros, Cartoon Network cũng đã và đang outsource các dự án của mình cho nhiều studio ở các quốc gia khác nhau mà vẫn cho ra mắt các sản phẩm chỉn chu, mãn nhãn. Hay đáng chú ý là ngay cả những chương trình truyền hình nổi tiếng như “The Simpsons” và “Futurama” đều viện đến Animation Outsourcing trong rất nhiều khâu. Nói cách khác, Animation Outsourcing là một kịch bản đôi bên cùng có lợi mà nếu được thực hiện đúng cách sẽ giúp các nhà sản xuất giảm chi phí và tăng tốc độ sản xuất một cách đáng kể. 

Thành công của The Simpsons có phần góp công lớn của các studio gia công hoạt hình khác nhau. (Nguồn ảnh: Disney+).

Những dịch vụ gia công hoạt hình phổ biến

Tuỳ thuộc vào việc bạn đang ở công đoạn nào trong quy trình sản xuất và hình thức mà dự án yêu cầu, bạn sẽ cần đến những dịch vụ khác nhau. Có hãng phim chỉ outsource những phần như background hay vật thể, có hãng lại thích hoàn thành phần tiền sản xuất, chẳng hạn như viết kịch bản và phân cảnh, sau đó gửi các tệp và dữ liệu đến các studio thuê ngoài để sản xuất và hậu kỳ. Nhìn chung, các dịch vụ trên thị trường cũng tương ứng với các giai đoạn trong quy trình sản xuất hoạt hình cơ bản. 

  • Gia công hoạt hình 3D

Hoạt hình 3D thường được xem là đem đến cảm giác chân thật nhất nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các kỹ thuật tạo chiều sâu cho chủ thể và mô phỏng chuyển động trong tự nhiên. Các nhân vật trong hoạt hình 3D đều rất sống động và việc di chuyển, chỉnh sửa một cảnh nhất định cũng thuận tiện hơn vì vật thể có thể được di chuyển dễ dàng. Đây có lẽ cũng là địa hạt với số lượng studio và freelancer ở nhiều cấp độ đông đảo nhất. Nếu đã có trong tay một kịch bản tiềm năng, việc tìm được các studio tay nghề cao để góp phần hiện thực hoá nó sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện sản phẩm. 

  • Gia công hoạt hình 2D

Hoạt hình 2D vẫn là một phương tiện đa năng có thể phát triển trong mọi loại hình giải trí và thương mại hiện nay, từ chương trình truyền hình, trò chơi điện tử indie, đến các trang web và ứng dụng dành cho thiết bị di động. Hoạt hình 2D vẫn luôn tồn tại và vẫn còn nhiều hoạ sĩ, nhà thiết kế, nhà sản xuất miệt mài với nó.

  • Thiết kế môi trường và vật thể trong game

Thị trường game đã phát triển thần tốc trong khoảng một thập kỷ gần đây, từ những game online và cầm tay cơ bản tiến đến thời đại của game tương tác hay nhập vai với phần đồ hoạ ấn tượng đến từng chi tiết. Nhằm đáp ứng nhu cầu bùng nổ của cộng đồng, các công ty sản xuất game đang cần làm việc hết công suất để tạo ra những game với hình ảnh chất lượng nhất, vì thế lực lượng nhân sự nhận gia công các chi tiết trong game cũng theo đà tăng lên. Với đà phát triển hiện tại, thị trường lao động ngành game sẽ còn chào đón thêm nhiều nhà thiết kế và họa sỹ tay nghề cao trong tương lai gần. 

  • Thiết kế nhân vật

Với mỗi thương hiệu, việc tạo ra một linh vật hay nhân vật biểu tượng vừa bắt mắt, vừa ý nghĩa và có thể sử dụng trong nhiều chiến dịch dài hạn thường sẽ giúp ích không nhỏ trong công cuộc marketing. Không ít studio nhận thiết kế những hình tượng như vậy, từ câu chuyện nhân vật, ngoại hình dễ mến, thiết lập tính cách đến cách giúp nhân vật ấy tỏa sáng trong các chiến dịch marketing, tất cả đều được cân nhắc để tạo nên một sản phẩm hoàn thiện nhất. 

  • Hoạt hình quảng cáo

Ngoài các dự án phim ảnh, hoạt hình quảng cáo nói chung cũng là địa hạt đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ bởi ưu điểm bắt mắt và dễ tiếp cận. Rất nhiều studio chuyên nghiệp đều có dịch vụ cung cấp những video mang câu chuyện và thông điệp thương hiệu, kết hợp với phần hình ảnh cuốn hút để tạo nên các sản phẩm quảng bá hiệu quả. 

Quá trình tìm đúng đối tác để gửi gắm “đứa con tinh thần”

Hiện nay, lực lượng hùng hậu gồm các studio và freelancer trên khắp thế giới luôn sẵn sàng để cung cấp dịch vụ cho các bên cần đến Animation Outsourcing. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến việc outsource, bạn cần ít nhất có ý tưởng và tốt nhất là cả kịch bản. Bạn sẽ rất khó đạt được mục đích mong muốn hoặc tiến triển suôn sẻ nếu chỉ đơn giản tìm đến một studio hay freelancer nào đó khi mình thậm chí còn chưa biết gì. Sau khi sở hữu kịch bản hoặc ít nhất là ý tưởng sơ bộ, để tìm được đối tượng hợp tác phù hợp giữa cả “rừng hoa”, bạn có thể cân nhắc 5 bước đơn giản mà hiệu quả sau đây để nắm bắt được gần như toàn diện những điểm nổi bật của từng studio, từ đó xác định lựa chọn tiềm năng nhất. 

1. Tìm kiếm trên Google để biết những studio nổi bật 

Đầu tiên, hãy nhập tên của dịch vụ bạn đang tìm kiếm, nhìn vào danh sách tất cả các trang web trên trang đầu tiên, duyệt danh mục dịch vụ và sản phẩm của họ để xem liệu tác phẩm của họ có phù hợp với phong cách mong muốn của bạn hay không. Nếu muốn làm việc với một studio nhất định nào đó ở Nhật hay Canada chẳng hạn, bạn có thể thêm chi tiết vào từ khóa tìm kiếm của mình. 

Một số studio có thể không sử dụng các kỹ thuật tối ưu hóa tìm kiếm và do đó không được hiển thị trên trang đầu tiên. Thông thường, sẽ thuận lợi hơn nếu hợp tác với một studio có khả năng marketing bản thân họ tốt. Bạn có thể kiểm tra thêm nội dung trên trang chủ của studio này như phong cách viết bài marketing chẳng hạn, vì một studio phù hợp với bạn tốt nhất cần mang đến cảm giác ưng ý cả về phong cách sản phẩm lẫn phong cách marketing.

Xem thông tin về các studio Việt Nam: TẠI ĐÂY

2. Tìm các nền tảng khác để đọc đánh giá từ các khách hàng trước đây

Theo sau tìm kiếm Google, bước tiếp theo là kiểm tra đánh giá của các khách hàng trước đây trên các trang review, một số trang còn có quy trình cụ thể để xem xét và xác minh các studio. Bạn có thể kiểm tra tất cả các thông tin cơ bản của một studio hoạt hình như loại hoạt hình, phạm vi giá, phong cách, dịch vụ và portfolio. Với phần review, những bình luận hàng đầu, bình luận gần nhất và bình luận đánh giá thấp nhất có thể giúp bạn nhanh chóng có được cái nhìn tổng quát về ưu và khuyết điểm của từng lựa chọn, cũng như cân đo đong đếm xem tổng hòa các yếu tố thì đâu là lựa chọn phù hợp nhất. 

3. Dùng các nền tảng freelance để nắm sơ bộ khoảng phí cho mỗi loại dịch vụ

Mặc dù trang chủ và các trang review lớn là cách hợp lý và chuyên nghiệp để quyết định chọn studio phù hợp cho việc outsource, bạn luôn có thể kiểm tra các web freelance để có cơ may phát hiện những tài năng bất ngờ, cũng như nắm bắt và so sánh khoảng giá dịch vụ giữa các bên. Nếu ngay từ đầu đã xác định dự án cần outsource có quy mô tương đối nhỏ, bạn hoàn toàn có thể áp dụng bước này đầu tiên để tìm kiếm đối tác tiềm năng. 

4. Kiểm tra các nền tảng mạng xã hội để đánh giá về marketing và quan hệ công chúng 

Ngoài trang chủ và các trang tuyển dụng, nhiều studio hoạt động khá năng nổ trên các nền tảng mạng xã hội. Vì thế, kiểm tra mạng xã hội của studio sẽ giúp bạn hiểu cách họ hoạt động trên các phương tiện truyền thông, các mối quan hệ công chúng, sáng tạo nội dung, hay chiến dịch quảng cáo như thế nào. Những điều này đều có thể trở thành điểm cộng hoặc điểm trừ tuỳ thuộc vào tiêu chuẩn studio lý tưởng cho dự án của bạn. 

5. Tìm đọc các bài báo và phỏng vấn nổi bật để hiểu về tầm nhìn và phong cách của mỗi studio 

Nếu đã có hứng thú nhất định với một số lựa chọn tiềm năng, bạn có thể đi đến quyết định cuối cùng bằng cách tìm đọc những bài báo hay phỏng vấn của studio đó trên các tạp chí hoạt hình. Nếu có thể kiên nhẫn đọc một số bài báo chuyên sâu hay các bài phỏng vấn nhà thiết kế, giám đốc của studio, bạn sẽ càng nắm bắt rõ hơn phong cách và tầm nhìn của từng studio, từ đó quyết định xem liệu hai bên có là những mảnh ghép phù hợp của nhau hay không. 

Xem các bài phỏng vấn cùng các chuyên gia trong ngành: TẠI ĐÂY

Nguồn tham khảo: dreamfarmstudios

Thuy Le

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề:

Tầm quan trọng của yếu tố kể chuyện trong phim hoạt hình thương mại

Có bao nhiêu loại hoạt hình quảng cáo và làm sao để doanh nghiệp tìm đúng “chân ái” cho mình?

3D Animation: Yếu tố quan trọng trong xu hướng Marketing ngày nay