vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >Từng bước tạo hoạt ảnh hoàn hảo cho khuôn mặt hoạt hình
thumbnail-hoat-anh-nhan-vat

Từng bước tạo hoạt ảnh hoàn hảo cho khuôn mặt hoạt hình

Tạo hoạt ảnh cho khuôn mặt nhân vật cũng giống như thổi bừng sức sống vào trong nhân vật đó. Vậy các Animator cần phải lưu ý điều gì để diễn hoạt khuôn mặt sao cho thật bắt mắt và tiếp xúc gần hơn với khán giả đây?

Hoạt hình là một lĩnh vực đem lại cho bạn khả năng sáng tạo vô hạn. Dù cho bạn là một Artist “chân ướt chân ráo” vào nghề hay đã dày dạn kinh nghiệm lâu năm thì việc tạo ra được khuôn mặt với biểu cảm thu hút vẫn luôn là một kỹ năng đòi hỏi sự luyện tập miệt mài.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích và phương pháp diễn hoạt khuôn mặt hoạt hình sao cho thật chỉn chu. Cùng lưu lại để áp dụng ngay cho nhân vật của mình bạn nhé!

1-tao-hoat-anh-nhan-vat

Nguồn ảnh: cdgdbentre

Xem thêm: Animation cho Game và phim hoạt hình khác nhau như thế nào?

Bắt đầu từ điều cơ bản: Hiểu rõ cấu trúc 

Trước khi đặt bút xuống bản phác thảo, bạn cần nắm được các nguyên tắc cơ bản về cấu trúc của một khuôn mặt hoạt hình. Trong thế giới được sinh ra bởi bàn tay con người, các khuôn mặt rất đa dạng – đơn giản có, phức tạp có và thậm chí không nhất thiết phải bám sát các nguyên lý giải phẫu. 

Thế nhưng, bạn cần hiểu rằng, về bản chất, chúng vẫn được hình thành dựa trên sự kết hợp của các hình học theo một tỷ lệ nhất định, qua đó không chỉ giúp truyền tải đặc điểm của nhân vật mà còn định hình concept của tác phẩm nói chung.

2-tao-hoat-anh-nhan-vat

Nguồn ảnh: Britannica

Tỷ lệ khuôn mặt hoạt hình: Đối xứng và cân bằng

Các yếu tố cơ bản tạo nên một khuôn mặt hoạt hình bao gồm phần đầu, mắt, mũi, miệng và tai. Mặc dù thế giới hoạt hình cho phép bạn tha hồ phóng đại và cách điệu, nhưng điều quan trọng là bạn vẫn phải duy trì cảm giác cân bằng giữa các yếu tố nhằm đạt được cái nhìn tổng thể hài hòa. 

Thật vậy, các quy tắc có thể bị bẻ cong, do đó, một khuôn mặt hoạt hình với các đặc điểm phóng đại như đôi mắt to long lanh hay một chiếc mũi nhỏ nhắn có thể làm tăng mức độ quyến rũ và cá tính cho nhân vật của bạn.

3-tao-hoat-anh-nhan-vat

Nguồn ảnh: YouTube

Hiểu các đặc điểm trên khuôn mặt: Mắt, Mũi và Miệng

Đôi mắt thường được ví như cửa sổ tâm hồn của mỗi người. Kích thước, hình dạng và vị trí của mắt có thể nói lên những đặc điểm và cảm xúc khác nhau. Một khuôn mặt với đôi mắt to, tròn có thể đem đến vẻ ngây thơ và đơn thuần, trong khi đôi mắt lác, nhỏ hơn có thể dùng để miêu tả một nhân vật đa nghi hoặc xảo quyệt.

Mũi tuy là một bộ phận nhỏ trên khuôn mặt nhưng lại góp phần thể hiện đáng kể tính cách của nhân vật. Một chiếc mũi nhỏ giống như cúc áo có thể trông dễ thương và đáng yêu, trái lại, một chiếc mũi to, bầu bĩnh thường biểu thị tính cách dí dỏm và khôi hài.

Tương tự, với vô số biểu cảm và cách chuyển động, miệng có khả năng truyền tải cảm xúc vô cùng phong phú. Một nụ cười tươi tự nhiên hay một cái nhếch mép nhỏ, mím chặt sẽ nói lên nhiều điều về tâm trạng và tính cách nhân vật của bạn.

4-tao-hoat-anh-nhan-vat

Nguồn ảnh: Reallusion

Biến khuôn mặt nhân vật trở nên sống động hơn

Đã gọi là hoạt ảnh thì mỗi một chuyển động và biểu cảm trên khuôn mặt không thể bị phác họa như một thực thể tĩnh. Điều này nghĩa là bạn sẽ cần phải hiểu cách khắc họa nhiều loại cảm xúc khác nhau để từ đó khiến cho thần thái trên khuôn mặt nhân vật được thể hiện chính xác và chân thật nhất có thể. 

“Bơm” chiều sâu cho biểu cảm khuôn mặt nhân vật

Từ hạnh phúc đến buồn bã, ngạc nhiên đến tức giận, nhân vật hoạt hình của bạn cũng cần nhiều cử chỉ nét mặt để biểu thị hỉ nộ ái ố. 

Trong hoạt hình, một số biểu cảm rất dễ khắc họa. Chẳng hạn, chỉ một đường cong đi lên hoặc đi xuống đã có thể nói lên nhân vật bạn đang vui hay buồn. 

Chân mày nhướng lên thường biểu thị sự ngạc nhiên và khi nhíu lại thì thể hiện cảm xúc tức giận hoặc lo lắng,… Do đó, bạn sẽ cần khá nhiều thời gian và sự tinh tế để quan sát người thật và biểu cảm của họ, để rồi áp dụng những kiến thức đó sang khuôn mặt nhân vật của bạn.

5-tao-hoat-anh-nhan-vat

Nguồn ảnh: Pinterest

Diễn hoạt khuôn mặt nhân vật

Sau khi đặt nền móng vững chắc với cấu trúc và cách diễn đạt biểu cảm nhân vật, giờ là lúc bạn thổi sức sống vào khuôn mặt của họ bằng phương pháp diễn hoạt. Diễn hoạt, hay tạo hoạt ảnh, là nghệ thuật xây dựng ảo giác về chuyển động. Để thành thạo nó, bạn cần phải hiểu một số những kỹ thuật chuyên sâu.

Xem thêm: 9 bài học được đúc kết từ các Animator chuyên nghiệp

Chuyển tiếp trơn tru trên từng khung hình 

Sự chuyển tiếp mượt mà giữa các biểu cảm và hành động khác nhau là điều kiện tiên quyết làm nên một bộ phim hoạt hình đáng xem. Quá trình này thường được gọi là ‘tweening’, có liên quan đến việc tạo các khung hình (frame) trung gian giữa hai hình ảnh để tạo ảo giác về sự chuyển động hoặc biến đổi của nhân vật. Đây là điều mà bạn cần phải lưu ý nếu muốn thăng hạng chất lượng hoạt hình của mình hơn. 

6-tao-hoat-anh-nhan-vat

Nguồn ảnh: Top Movies

Rigging và Posing: Thêm phản ứng cho khuôn mặt nhân vật

Sau khi đã tự tin với các bản vẽ tĩnh, bạn sẽ cần thêm một chút “phép thuật” để khuôn mặt nhân vật tăng tính sống động và phản ứng tự nhiên hơn. 

Nôm na, rigging là tác vụ liên quan đến việc gán một cấu trúc khung xương cho khuôn mặt nhân vật, từ đó giúp bạn dễ dàng điều khiển biểu cảm và chuyển động trên khuôn mặt của họ. Khi rigging phù hợp, khuôn mặt hoạt hình sẽ phản ứng một cách chân thực và gần gũi với người xem. Tương tự, tạo kiểu (posing) cho khuôn mặt nhân vật cũng là một cách giúp truyền tải cảm xúc và nâng cao tính tác động tổng thể của hoạt ảnh hơn. 

7-tao-hoat-anh-nhan-vat

Nguồn ảnh: 80 Level

Thêm màu sắc, vùng sáng và đổ bóng cho khuôn mặt

Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho khuôn mặt nhân vật trở nên sinh động hơn. Sự kết hợp màu sắc khác nhau có thể gợi lên những phản ứng và cảm xúc đa dạng của khán giả. Màu ấm thường biểu thị cho hạnh phúc, năng lượng hoặc sự nhiệt tình, trong khi màu lạnh lại khiến người ta liên tưởng đến một chút bình tĩnh, buồn bã hoặc bí ẩn.

Các vùng bóng đổ và vùng sáng cũng mang lại cho khuôn mặt nhân vật một giao diện ba chiều hơn – tức làm tăng thêm chiều sâu và tính chân thực cho nhân vật. Vị trí của các yếu tố này có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách người xem nhìn nhận nhân vật của bạn. Chẳng hạn, nếu đổ bóng dưới chân mày, nhân vật có thể mang nét nghiêm túc hoặc trầm ngâm, trong khi những điểm sáng trên mắt thường phản ánh sự sống động hoặc vui vẻ.

8-tao-hoat-anh-nhan-vat

Nguồn ảnh: DevianArt

Diễn xuất bằng giọng nói: Tạo điều kiện cho nhân vật “cất lời”

Diễn xuất bằng giọng nói thực sự có thể thổi hồn cho một nhân vật hoạt hình. Trong đó, những yếu tố như âm điệu, cao độ và chất giọng phù hợp có khả năng hoàn thiện đặc điểm và tính cách của nhân vật, để từ đó khiến họ trở nên gần gũi và chạm đến cảm xúc của khán giả một cách tự nhiên. 

Ví dụ, giọng nói the thé với nhịp độ nhanh thường phù hợp với tính cách hiếu động, hoạt bát; trong khi giọng trầm và chậm có xu hướng phù hợp với tính cách điềm tĩnh, khôn ngoan.

9-tao-hoat-anh-nhan-vat

Nguồn ảnh: Disney News

Duy trì cảm hứng và mở rộng tầm nhìn của bạn

Khi đã chọn con đường trở thành một Animator, bạn sẽ luôn phải trên tinh thần “học, học nữa, học mãi” và chủ động lấy cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau. Bằng cách theo dõi đa dạng các phong cách hoạt hình, tìm hiểu nền văn hóa hoạt hình của mỗi quốc gia và không ngừng mài giũa tay nghề, bạn sẽ phát hiện, thế giới hoạt hình vô cùng rộng lớn và luôn phát triển vượt bậc theo dòng thời gian. Điều đó nghĩa là bạn sẽ luôn tìm được những điều mới mẻ để trau dồi, từ đó bứt phá giới hạn sáng tạo của bản thân và sẵn sàng đảm nhận bất kỳ dự án nào bạn muốn. 

Xem thêm: Hoạt hình cách điệu đã “tấn công” ngành công nghiệp hoạt hình như thế nào?

10-tao-hoat-anh-nhan-vat

Nguồn ảnh: Midlibrary

Lời kết

Diễn hoạt khuôn mặt hoạt hình hoàn hảo chỉ mới là bước khởi đầu cho hành trình thú vị trong thế giới hoạt hình. Với mỗi một nét vẽ, khung hình và biểu cảm, bạn đang từng bước thổi bừng sức sống vào các nhân vật và chia sẻ một phần linh hồn sáng tạo của mình vào đó.

Xem thêm: Tất tần tật những điều bạn cần biết về thiết kế nhân vật

Tuy nhiên, có một lưu ý mà không phải ai cũng biết, rằng sự nghiệp làm phim hoạt hình không chỉ đòi hỏi mỗi kỹ năng nghệ thuật. Bên cạnh đó, bạn sẽ cần ít nhiều những hiểu biết về phương diện kinh doanh và tiếp thị để đảm bảo tài năng của mình không bị bỏ quên hoặc phớt lờ bạn nhé.

Nguồn: Business of Animation

Tâm Cửu