vietnamvfx-animation.vn là hub truyền thông chính thức của ngành công nghiệp VFX & Animation tại Việt Nam. Chúng tôi liên tục cập nhật những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất và bổ ích về ngành VFX-Animation.

<We_can_help/>

What are you looking for?

>Tin tức chuyên môn >“Xử gọn” vấn đề âm nhạc trong game bằng cách ủy quyền cho các nghệ sĩ
thumb-cach-tao-nhac-trong-game

“Xử gọn” vấn đề âm nhạc trong game bằng cách ủy quyền cho các nghệ sĩ

Một bản nhạc được dàn dựng công phu trong trò chơi sẽ tác động mạnh mẽ đến cảm xúc và trải nghiệm của người chơi.

Thật không may, việc ủy quyền người làm nhạc cho trò chơi có thể là một trong những vấn đề nan giải đối với nhiều nhà phát triển game. Đặc biệt là khi họ chưa có kinh nghiệm giao dịch với các nhà soạn nhạc nhưng vẫn muốn truyền tải tầm nhìn và kỳ vọng của mình cho đối phương hiểu. Bài viết dưới đây sẽ đưa bạn đi sâu vào quá trình ủy quyền các nghệ sĩ làm nhạc cho trò chơi, cũng như đề xuất những “địa bàn” giúp bạn tìm được nhà soạn nhạc phù hợp với dự án của mình.

1-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: Berklee Online

Chi phí ủy quyền làm nhạc

Khi nhận yêu cầu làm nhạc cho trò chơi, hầu hết các nhà soạn nhạc đều sẽ tính phí theo phút.

Ở mức thấp nhất của thang đo, nghệ sĩ làm nhạc theo sở thích của bạn có thể tính phí từ 30 – 100 USD. Trong khi đó, các nhà soạn nhạc indie toàn thời gian sẽ lấy giá từ 200 – 400 USD. Mặt khác, giá phòng thu có thể lên tới 1.000 USD. Các nhà soạn nhạc giàu kinh nghiệm hơn có thể yêu cầu mức phí cao hơn nữa.

Khi thương lượng chi phí âm nhạc, bạn sẽ cần phải xem xét một số yếu tố, bao gồm:

  • Tỷ lệ phần trăm doanh thu.
  • Quyền sở hữu các bản nhạc: Bạn có thể thương lượng mức giá thấp hơn bằng cách bán các bản nhạc riêng lẻ và trả 100% doanh thu cho nhà soạn nhạc.
  • Ước tính sơ bộ về số lượng nhạc phim bạn cần.
  • Tổng thời lượng mà bản nhạc yêu cầu (thường là 2 phút cho mỗi bản nhạc).
  • Ngân sách của bạn cho dự án.

2-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: Adar’s Pad – Tumblr

Giới thiệu trò chơi của bạn cho nhà soạn nhạc

Sau khi tìm được nhà soạn nhạc phù hợp với dự án, bạn cần cho họ một cái nhìn tổng quan về cách hoạt động của trò chơi. Đó có thể là bất kỳ điều gì mà bạn muốn gửi gắm tầm nhìn của mình vào trong đó, chẳng hạn như cốt truyện, phương thức chơi, điểm độc nhất của trò chơi hay một concept art mà bạn tâm đắc, v.v.

Một khi đã kết nối với nhà soạn nhạc, sau đây sẽ là quy trình ủy quyền các vấn đề về âm nhạc với họ: 

Cách làm việc với nhà soạn nhạc

Khác với những gì số đông vẫn nghĩ, bạn không cần phải sở hữu kinh nghiệm hay chuyên môn để có thể nói chuyện với các nhà soạn nhạc. Trên thực tế, họ thường xuyên giao dịch với đại đa số khách hàng không có kiến thức về ngành. Do đó, họ đã quen với việc lắng nghe, thấu hiểu mong đợi từ người ủy quyền, cũng như trao đổi thông tin một cách dễ hiểu và tránh sử dụng biệt ngữ hết mức có thể. 

Tuy nhiên, dù tài ba đến đâu thì họ cũng không đọc được suy nghĩ của bạn. Vì vậy, để tránh sự nhập nhằng trong quá trình làm việc, bạn vẫn cần phải truyền đạt rõ ràng ý tưởng của mình.

3-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: drumnote Productions

1. Lập danh sách mô tả

Một trong những sai lầm phổ biến nhất khi giao phó vấn đề âm nhạc cho người khác là các mô tả còn quá sơ sài.

Ví dụ, chỉ với một ghi chú là “Tạo nhạc nền cho một cảnh buồn” thì hoàn toàn không đủ chi tiết. Buồn cũng có nhiều loại, nhiều biến thể. Từ “đau buồn vì mất người thân” đến “tuyệt vọng và cô đơn”,… Theo đó, mô tả cần phải rõ ràng để tránh xảy ra trường hợp thông tin mơ hồ và có đa dạng cách hiểu.

Để truyền đạt hiệu quả những cảm xúc muốn truyền tải, bạn sẽ cần phải cung cấp một danh sách các mô tả chi tiết cho nhà soạn nhạc. Chẳng hạn như:

  • Buồn
  • Buồn vui lẫn lộn 
  • Đau đớn tâm can
  • Mất mát
  • U sầu
  • Kìm lại nước mắt
  • Đè nén cảm xúc
  • Tiến về phía trước
  • Thỏa mãn và biết ơn

4-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: British Council 

Loại mô tả liệt kê này sẽ giúp nhà soạn nhạc hiểu rõ hơn về kỳ vọng của bạn, để từ đó tạo ra một bản nhạc thực sự nắm bắt được cảm xúc mà bạn muốn truyền tải.

Thông thường, các yêu cầu nên có từ 10 đến 20 mô tả, nhưng bạn có thể thêm thắt bao nhiêu tùy thích, miễn là bạn cảm thấy chúng cần thiết để đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm của mình.

2. Tạo “Mô tả loại trừ” (Không bắt buộc nhưng hữu ích)

Mô tả loại trừ bao gồm những thứ bạn không muốn có trong nhạc phim của mình. Ví dụ, vẫn là yêu cầu về cảnh buồn như trên, nhưng nếu không muốn mang lại cảm giác trống rỗng, bạn có thể bổ sung cho người sáng tác các mô tả loại trừ như là:

  • Trống rỗng
  • Rỗng tuếch
  • Vô nghĩa

Những mô tả thế này cho phép người làm nhạc hiểu hơn về tầm nhìn của bạn dành cho sản phẩm. Bạn không cần đưa vào những mô tả loại trừ quá rõ ràng để tránh làm loãng thông tin. Chú ý, danh sách mô tả loại trừ không nên nhiều hơn danh sách mô tả chính thức của bạn.

5-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: ReverbNation Blog

3. Tìm hình ảnh tham khảo (Sử dụng AI)

Hình ảnh có thể giúp các nhà soạn nhạc thấu cảm được tâm trạng và năng lượng mà bạn đang cố gắng truyền tải. Bạn có thể tìm khoảng 1-3 hình ảnh để bày tỏ cảm xúc trong phân cảnh mà bạn đang thực hiện (thường chỉ cần 1 hình là đủ).

Dựa vào những tiến bộ gần đây của trí tuệ nhân tạo, bạn có thể “phù phép” ra vô số tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp với khả năng nắm bắt tâm trạng một cách hoàn hảo. Tất cả những gì yêu cầu là một ít kỹ năng viết “prompt” (lời nhắc). Đây cũng là điều mà mọi nhà phát triển trò chơi đều nên biết và bạn cũng không phải ngoại lệ. Để bắt đầu, bạn có thể thử cài đặt Stable Diffusion hoặc dùng các phần mềm AI Art Generator khác để tạo ra những tác phẩm độc đáo và nguyên bản cho riêng mình. 

6-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: The Peak Magazine

4. Tìm nhạc tham khảo

Càng có nhiều nhạc tham khảo, nhà soạn nhạc càng dễ xác định những yếu tố chung mà bạn muốn đưa vào bản nhạc, đồng thời thúc đẩy tiến trình sáng tác bằng cách cho phép họ pha trộn nhiều tác phẩm lại với nhau. 

Tuy nhiên, nhạc tham khảo có thể là con dao hai lưỡi vì bạn đang sử dụng những tác phẩm vốn dĩ không dành cho trò chơi của mình. Do đó, nó có thể đem lại sự không phù hợp và đôi khi dễ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà soạn nhạc khi họ phải cố ép mình để cho ra kết quả bạn muốn. Cũng như, nếu phụ thuộc quá đà, bạn có thể làm hạn chế “vùng sáng tạo” của họ, dẫn đến những xích mích không đáng có trong quá trình ủy quyền.

7-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: Berklee Online

5. Nói lên cảm nghĩ của bạn

Ngoài việc đính kèm các bản nhạc, bạn cũng cần cho nhà soạn nhạc biết những gì bạn thích và không thích ở mỗi bài. Chính vì những bài hát này không dành cho trò chơi của bạn nên ít nhiều sẽ có những điểm không phù hợp mà bạn cần chỉ ra để nhà soạn nhạc lưu ý trong quá trình sáng tác.

6. Nêu rõ thể loại, tiết tấu, thời lượng và nhạc cụ mà bạn muốn

Việc thể hiện rõ những điều này trong yêu cầu ủy quyền của bạn là vô cùng cần thiết. Bạn muốn nhạc của mình thuộc thể loại gì, nhịp độ ra sao, độ dài thế nào, có chỗ nào cần lặp hay không, v.v. Tất cả những điều này đều là thông tin cơ bản trong âm nhạc. Do đó, hãy nêu rõ mong muốn của mình cho các nhà soạn nhạc để họ nắm được khung sườn tổng thể cho bài hát.

8-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: Flypaper – Soundfly

Nhìn chung, thông tin sẽ được trình bày thế này: 

  • Thể loại: Jazz
  • Tiết tấu: Chậm-Trung bình
  • Nhạc cụ: Piano, các bộ gõ
  • Độ dài: Tầm 2 phút
  • Vòng lặp: Có

7. Làm rõ kết cấu/độ phức tạp của bản nhạc

Kết cấu hay độ phức tạp có thể được mường tượng như một quang phổ kéo dài từ đơn giản đến phức tạp.

Ở mức đơn giản, nhạc chỉ được chơi với một giai điệu duy nhất. Ngược lại, ở mức phức tạp, bạn có thể yêu cầu bản nhạc có nhiều giai điệu chơi cùng lúc trên nhiều nhạc đệm khác nhau.

Bạn sẽ có hai sự lựa chọn: Hoặc để cho các nhà soạn nhạc “tự biên tự diễn”, hoặc sử dụng thang điểm từ 0-10 để họ biết mức độ phức tạp trong bản nhạc mà bạn muốn. 

Thông thường, kết cấu đơn giản sẽ phù hợp với những bản nhạc buồn hoặc trung tính. Trong khi đó, kết cấu có độ phức tạp cao sẽ phù hợp cho những cảnh khiến người ta bồn chồn, lo lắng hoặc để tạo những bản nhạc mang âm hưởng vui vẻ. 

9-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: iZotope

8. Quyết định tầm quan trọng của nhạc ở mỗi phân cảnh

Khi làm nhạc cho các phân cảnh, bạn muốn có một “spotlight” nổi bật hay chỉ đơn thuần là nền nhạc tinh tế?

Đáp án đó là tùy thuộc vào tính chất của phân cảnh đó thế nào. Nếu nhân vật đang nói, bạn nên giữ cho âm nhạc ở mức thấp nhất để người chơi có thể tập trung vào cuộc đối thoại. 

Ngoài ra, việc xem xét mức độ kịch tính mà bạn muốn có trong bản nhạc cũng rất quan trọng. Nếu nhà soạn nhạc nhiệt tình và tỏ ý tiếp thu thì bạn cứ thoải mái góp ý mong muốn của mình với họ, chẳng hạn như “Chỗ này có hơi kịch tính quá rồi”. Như thế, họ sẽ biết bản thân phải làm gì tiếp theo.

10-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: Sweetwater

9. Yêu cầu các buổi xét duyệt

Nếu bạn và nhà soạn nhạc vẫn chưa đồng nhất quan điểm thì đừng ngại đề xuất các buổi xét duyệt, cũng như rõ ràng về những gì bạn thích và không thích trong bản nhạc của mình. Hơn nữa, để tiết kiệm thời gian đôi bên thì dù có thế nào đi nữa, bạn cũng phải rành mạch về những yêu cầu đưa ra.

Ví dụ: Nhân những buổi kiểm duyệt, bạn có thể xem liệu sản phẩm có giống như những gì mình nghĩ không, hoặc xác nhận lại điểm mà mình còn mù mờ như ý tưởng và concept,… Dù lý do là gì đi nữa thì hãy cứ thẳng thắn với họ rằng sản phẩm đang đi sai hướng và cần được tinh chỉnh lại.

11-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: Starlight PR

Trong trường hợp bạn không thích mọi thứ họ làm và chỉ muốn bắt đầu lại từ đầu, hãy nói với họ. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian của cả hai. Và nếu là một nhà soạn nhạc giỏi, họ sẽ hiểu và cố gắng hết sức để cho ra kết quả phù hợp với mong muốn của bạn. 

10. Không biết phải hỏi

Tham khảo ý kiến của các nhà soạn nhạc sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc xác định định hướng âm nhạc của bạn. Đồng thời, để tăng hiệu quả công việc, bạn cũng nên chia sẻ những hiểu biết và yêu cầu của mình với họ. Các nhà soạn nhạc có thể dựa vào đó để giúp bạn làm rõ tầm nhìn của mình.

Để đạt được điều này thì giao tiếp tốt thật sự rất quan trọng. Nếu bạn không chắc phải bắt đầu từ đâu thì hãy thảo luận trước với họ bằng những gì bạn có trong đầu. Chẳng hạn bạn muốn có thể loại gì, kết cấu ra sao, nhịp điệu thế nào, v.v.

Sau khi đã hình dung rõ hơn về những gì mình muốn, lúc này bạn có thể cân nhắc tìm kiếm nhạc tham khảo để hỗ trợ tiến trình sáng tác âm nhạc của mình.

12-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: Sonicbids Blog

Cách để bạn tìm được nhà soạn nhạc cho trò chơi của mình

1. Liên hệ trực tiếp với các nhà soạn nhạc trò chơi

Một trong những cách được ưa chuộng nhất là liên hệ trực tiếp với các nhà soạn nhạc. Bạn có thể dò hỏi mạng lưới cộng đồng xung quanh hoặc kiếm những tựa game indie có kiểu âm nhạc mà bạn thích, sau đó tìm cách liên hệ với người phụ trách phần nhạc cho tựa game này. 

Lợi ích của phương pháp này là bạn có thể chủ động hợp tác cùng bất kỳ nhà soạn nhạc nào mà mình muốn. Hoặc nếu có ai đó giới thiệu họ với bạn thì cũng là dấu hiệu tốt để bạn có thể cân nhắc hợp tác.

13-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: LinkedIn

2. Mạng xã hội

Bạn sẽ tìm thấy nhiều nhà soạn nhạc trên các nhóm Discord và Facebook có liên quan đến phát triển game hoặc âm nhạc. Chỉ cần “cắm cọc” ở các “địa bàn” này thì bạn sớm hay muộn cũng sẽ tìm được người có phong cách âm nhạc mà bạn yêu thích.

Ngoài ra, bạn cũng có thể kêu gọi tìm kiếm trên Twitter với các hashtag như #gamecomposer để tạo chủ đề. Chỉ cần lưu ý một điều duy nhất đó là bạn sẽ nhận được rất nhiều ứng viên, thậm chí vài tháng hay vài năm sau khi bạn đã đăng bài viết đó. Do vậy, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người không thích phương pháp này, vì họ sẽ có quá nhiều ứng viên để sàng lọc.

3. Reddit

Bạn có thể tìm thấy nhiều nghệ sĩ trên các diễn đàn nói chuyện (subreddit) như: 

r/gameDevClassifieds

r/MusicClassifieds

r/forhire

Lợi ích khi sử dụng Reddit là bạn có thể dễ dàng tìm thấy người có cùng đam mê với dự án của bạn, hay đam mê về âm nhạc trò chơi và nhìn chung sẽ đề xuất với bạn mức giá phải chăng nếu có cơ hội làm việc cùng.

14-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: phindie

4. Nền tảng Freelance

Các nền tảng freelance có nhiều kiểu nhà soạn nhạc và không phải ai cũng chuyên về nhạc cho trò chơi. Tuy nhiên, chất lượng âm nhạc của họ thực sự tốt và rất đáng để thử. Sau đây là các trang web mà bạn có thể tìm thấy họ, bao gồm:

  • Fiverr (có cả nhà soạn nhạc theo sở thích chi phí thấp và nhà soạn nhạc chuyên nghiệp hàng đầu)
  • Upwork
  • Voices.com
  • PeoplePerHour
  • Skeb (nếu bạn muốn tìm một nhà soạn nhạc người Nhật Bản)

5. Diễn đàn Game Engine

Mặc dù những diễn đàn thế này không còn phổ biến như trước đây, nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy những gì bạn cần ở một số nơi như:

  • Diễn đàn Unity (Unity Forums)
  • Diễn đàn Unreal Engine (Unreal Engine Forums)
  • Diễn đàn RPGMaker (RPGMaker Forums)
  • Diễn đàn Lemma Soft (Lemma Soft Forums)
  • Diễn đàn Godot (Godot Forums)

15-cach-tao-nhac-trong-game

Nguồn ảnh: Xsolla

Lời kết

Mỗi nhà soạn nhạc đều mang một màu sắc và phong cách riêng, do đó mức độ phù hợp với mỗi người hay mỗi dự án sẽ có sự chênh lệch đáng kể. Tuy nhiên, dù bạn hợp tác cùng ai đi nữa thì việc thực hiện theo các bước trên là điều rất cần thiết. Vì nó sẽ không chỉ hỗ trợ bạn trong việc nâng cao hiệu quả chất lượng công việc, mà còn giúp tiết kiệm thời gian hợp tác của đôi bên.

Nguồn: informa

Tâm Cửu