15 sự thật bất ngờ sau hậu trường Oppenheimer
Rinh về 7 chiến thắng tại mùa Oscar 2024, “Oppenheimer” vẫn chưa hạ nhiệt và liên tục được thảo luận sôi nổi không chỉ bởi nội dung đặc sắc mà còn vì những yếu tố vô cùng đặc biệt từ Đạo diễn, dàn diễn viên cho đến cách thức sản xuất.
Với thời lượng hơn 3 giờ đồng hồ, “Oppenheimer” là tác phẩm dài nhất xuyên suốt sự nghiệp lừng lẫy của vị Đạo diễn tài ba Christopher Nolan, đây cũng được xem như dự án tham vọng nhất của ông cho đến hiện nay. Bộ phim đánh dấu sự tái hợp của Nolan cùng ngôi sao Cillian Murphy xoay quanh câu chuyện tiểu sử cuộc đời của cha đẻ bom nguyên tử – Oppenheimer.
Cùng Vietnam VFX-Animation hé lộ một số sự thật thú vị phía sau hậu trường của bom tấn Oscar 2024 nhé!
Ảnh: huffingtonpost
Xem thêm: Oscar 2024: Oppenheimer đại thắng với 7 giải thưởng danh giá
1. Tái hiện vụ thử hạt nhân Trinity mà không cần sử dụng Hiệu ứng hình ảnh
Vị Đạo diễn tài ba Christopher Nolan không còn xa lạ với nhiệm vụ lột tả các khung cảnh đồ sộ và khó nhằn trên màn ảnh rộng, ông còn nổi tiếng ở khả năng chịu chi cũng như hạn chế lạm dụng Kỹ xảo hình ảnh. Với tính toán đầy tham vọng của ông dành cho “Oppenheimer”, Christopher quyết định loại bỏ CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) trong quy trình tái hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên trên thế giới mang tên Trinity. Điều này đồng nghĩa rằng phân cảnh hoành tráng của vụ nổ mà khán giả chứng kiến trong bộ phim đã thực sự diễn ra trên trường quay “Oppenheimer” – mặc dù quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với phiên bản gốc.
Giám sát Hiệu ứng hình ảnh (VFX Supervisor) Scott R.Fisher – người chịu trách nhiệm chế tạo quả bom cùng Thiết kế sản xuất Ruth De Jong giải thích rõ hơn về quá trình tạo ra vụ nổ này. Anh cho biết: “Chúng tôi không gọi đây là phiên bản thu nhỏ mà xem nó như đại cảnh thực sự. Cả đội ngũ đã cố gắng để tạo ra vụ nổ lớn nhất trong khả năng có thể thực hiện, nhưng chúng tôi đành giảm quy mô nhằm kiểm soát tốt nhiều yếu tố liên quan khác. Chẳng hạn như quay trên chiếc camera kỹ thuật số siêu cận cảnh, sắp đặt”
Để tạo ra ngọn lửa bốc cháy dữ dội, đội ngũ sản xuất đã sử dụng năng lượng khí đốt với xăng, propan, bột màu đen, pháo sáng magie, bột nhôm nhằm hòa thành một hỗn hợp hợp hình thành ánh sáng chói mắt và các vệt màu đỏ của vụ nổ hạt nhân. Scott bổ sung thêm: “Chúng tôi mong muốn người xem ghi nhớ về những tia sáng đó, vụ nổ đó. Vì thế, chúng tôi cố gắng tái tạo yếu tố này nhiều nhất có thể.”
2. Dụng ý sử dụng trích dẫn từ thần thoại Hy Lạp để mở đầu bộ phim
Bộ phim mở đầu bằng trích dẫn liên quan đến thần thoại Hy Lạp: “Prometheus đã đánh cắp ngọn lửa từ vị thần Zeus rồi ban chúng cho con người. Vì lẽ này, anh ta bị xích vào một tảng đá và chịu tra tấn vĩnh viễn. Nhưng sau đó, khi cố gắng kiểm soát lửa và giúp cho nhân loại nhận thấy mối hiểm nguy khủng khiếp mà nó mang lại thì ông phải đón nhận cơn giận dữ và sự trừng phạt từ thần Zeus”.
Ngay phân cảnh đầu tiên của “Oppenheimer”, lời trích dẫn này đặt ra sức nặng thực sự cho toàn bộ tác phẩm, cũng như cho thấy rõ tình thế tiến thoái lưỡng nan của nhân vật chính, một nhà Vật lý thiên tài đứng giữa lựa chọn chế tạo vũ khí nguyên tử giúp nước Mỹ kết thúc chiến tranh nhưng đấy cũng là nguyên nhân gây ra diệt vong cho hàng nghìn con người vô tội, hậu quả thậm chí kéo dài hàng trăm năm hay hàng thế hệ.
Thực chất, câu trích dẫn này được Đạo diễn lấy cảm hứng từ chính nguyên tác gốc “American Prometheus” của bộ đôi tác giả Kai Bird và Martin J.Sherwin. Tuy nhiên, bằng tài năng của mình thì Christopher Nolan đã khai thác sâu hơn chủ đề bộ phim, thể hiện rõ nét sự giằng xé nội tâm giữa những lựa chọn Đạo đức của một Nhà khoa học.
3. Cillian Murphy được lựa chọn mà không cần thử vai
Có thể nhiều khán giả không thực sự quan tâm đến yếu tố này nhưng “Oppenheimer” là tác phẩm thứ 6 mà Christopher hợp tác cùng Cillian – nối tiếp sau bộ 3 dự án đình đám không kém gồm “Batman”, “Inception” và “Dunkirk”. Với mức độ thân thiết cũng như hiểu rõ khả năng của nhau, Cillian Murphy được vị Đạo diễn lừng danh chọn mặt gửi vàng mà không cần trải qua bất kỳ phút giây thử vai nào.
Đạo diễn Christopher Nolan và nam diễn viên Cillian Murphy. Ảnh: huffingtonpost
Trong cuộc phỏng vấn với Radio 2, Cillian nhớ lại khoảnh khắc anh nhận cuộc gọi bất ngờ từ Nolan và phía Đạo diễn miêu tả rằng đây thực sự là một vai chính hoàn hảo dành cho mình. “Nếu may mắn nhận được một hoặc hai cuộc gọi như thế trong sự nghiệp, đó là cảm giác vô cùng tuyệt vời, cảm thấy cực kỳ hưng phấn rồi ngay lập tức một ý nghĩ chợt xuất hiện “ồ, mình có nhiều điều cần làm quá”. Cứ như thế, tôi liền bắt tay vào thực hiện công việc.” – Tâm trạng của Cillian Murphy khi biết tin bản thân sẽ đảm nhận vai chính của dự án điện ảnh quan trọng này.
Nam diễn viên cho biết thêm: “Kể từ cuộc gọi của Nolan, tôi có khoảng 6 tháng chuẩn bị và nghiên cứu kịch bản đến khi chúng tôi bắt đầu quá trình quay phim. Đây chắc chắn là một trong những kịch bản hay nhất mà bản thân từng có cơ hội đọc qua.”
4. Dàn diễn viên sinh sống cùng nhau suốt quá trình quay phim
Thời gian thực hiện “Oppenheimer” cũng là lúc mà phim trường chứng kiến gần những bộ óc khoa học vĩ đại của nước Mỹ cùng quy tụ về địa điểm chế tạo quả bom nguyên tử tại Los Alamos ở New Mexico, Nolan cũng chuyển dàn diễn viên và đội ngũ của mình đến đây để cùng nhau thảo luận, xây dựng dự án này.
Nữ chính Emily Blunt chia sẻ với tờ People rằng tình huống này chẳng khác gì đang tham gia trại hè: “Tất cả chúng tôi đều ở cùng một khách sạn giữa sa mạc New Mexico. Và lúc đấy, chỉ có chúng tôi cùng nhau mà thôi.”
5. Cillian kiểm soát cân nặng một cách nghiêm khắc
Trong thời gian này, những người bạn lâu năm của Emily và Matt Damon thường tổ chức các bữa ăn tối dành cho đoàn làm phim, chỉ tiếc rằng người chồng màn ảnh của cô đã kiên quyết từ chối. Nàng Emily Blunt tiết lộ thêm thông tin với tờ People: “Khối lượng công việc mà anh ấy phải đảm nhận và gánh vác thật sự rất hoành tráng.”
Emily Blunt và Matt Damon. Ảnh: huffingtonpost
Cillian bổ sung: “Bạn biết rằng khi tham gia những vai diễn lớn thì đi cùng đó là trách nhiệm, đôi lúc tôi còn cảm thấy điều này thật quá sức.” Để thể hiện nhân vật Oppenheimer một cách hoàn hảo, ngôi sao người Ireland phải trải qua chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt nhằm siết cân nặng cho phù hợp với hình tượng Nhà khoa học thiên tài này – người mà đời sống thực vốn gắn liền cùng hình ảnh của thuốc lá, rượu và cũng chẳng ăn uống quá nhiều.”
Matt không ngần ngại che giấu trước truyền thông trong cuộc phỏng vấn trên Entertainment Tonight khi chia sẻ rằng: “Cillian đã giảm cân rất nhiều đến nỗi anh ấy chưa bao giờ ăn bữa tối.”
6. Đoạn đối thoại khó nghe trong Oppenheimer
Bên cạnh chất lượng nội dung, cách xây dựng câu chuyện hay diễn xuất của dàn diễn viên đều nhận được nhiều phản hồi tích cực và xứng đáng với các đánh giá 5 sao thì một số đoạn hội thoại trong phim lại bị khán giả phàn nàn vì khó nghe và chứa nhiều âm thanh hỗn loạn. Sau khi thưởng thức tác phẩm, xuất hiện không ít lời than phiền khắp các diễn đàn trên mạng xã hội bởi họ không thể nghe rõ lời nói của diễn viên vì có quá nhiều tạp âm xung quanh.
Giải thích cho vấn đề này, có thể dễ hiểu khi hầu hết cảnh quay của “Oppenheimer” hiếm khi diễn ra trong môi trường yên tĩnh vì Christopher Nolan làm việc hầu hết với những chiếc máy quay IMAX – yếu tố chính tạo ra rất nhiều tiếng ồn. Thông thường, Đạo diễn sẽ yêu cầu diễn viên ghi âm đoạn hội thoại và sau đó, bước xử lý ở giai đoạn hậu kỳ sẽ khiến cho âm thanh trở nên rõ ràng hơn.
Ảnh: huffingtonpost
Tuy nhiên, điều này dường như trở nên thật cấm kỵ với Nolan. Trong lần trả lời Insider, vị Đạo diễn lừng danh này đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm làm nghề: “Tôi thích sử dụng phần thể hiện của diễn viên ngay tại hiện trường thay vì lồng tiếng sau đó. Đây thực sự là lựa chọn mang tính nghệ thuật trong khi một số người lại không đồng tình, nhưng đó là quyền của họ mà.”
7. Kịch bản viết ở ngôi thứ nhất
Tiếp tục phá vỡ mọi giới hạn trong phong cách làm phim hiện đại, Nolan đưa ra quyết định viết kịch bản ở ngôi thứ nhất nhằm cho thấy rõ nét lời kể và tính cách xuất phát từ nhân vật trung tâm của bộ phim – Nhà khoa học Oppenheimer. Đây chính là góc nhìn chủ quan của nhân vật (phản ứng phân hạch), song song đó các cảnh quay đen trắng sẽ là góc nhìn mang tính khách quan hơn (phản ứng nhiệt hạch).
Matt Damon nhận xét về quyết định này của Nolan trên trang Vulture: “Tôi chưa bao giờ thấy điều này được thực hiện trước đây. Thay vì kể rằng “Oppenheimer đi ngang qua căn phòng” thì chúng sẽ trở thành “Tôi đi ngang qua căn phòng”. Có thể, đây là cách mà anh ấy tự ám thị với bản thân về cảm giác của nhân vật.”
Trên thực tế, xây dựng kịch bản từ góc nhìn thứ nhất không chỉ gây khó khăn cho Đạo diễn mà còn ngay cả với diễn viên khi lần đầu tiên đọc qua. Nhưng có lẽ, các phản hồi tích cực cũng như như số liệu khả quan của bộ phim đã minh chứng cho nước đi táo bạo này là hoàn toàn phù hợp.
8. Kodak sản xuất loại phim dành riêng cho “Oppenheimer”
Bộ phim được quay bằng định dạng phim IMAX 70mm, nhưng từ trước đến nay cuộn phim IMAX trắng đen chưa hề tồn tại. Để thể hiện đặc trưng hai dòng thời gian riêng biệt của “Oppenheimer” bao gồm những phân đoạn màu sắc bình thường (Fission) và màu sắc trắng đen (Fusion), Đạo diễn và đội ngũ quay phim đã tìm đến hãng sản xuất Kodak nhằm đặt hàng cuộn phim riêng biệt dành cho quá trình thực hiện bộ phim.
Chia sẻ với Variety về vấn đề này, quay phim Hoyte van Hoytema cho biết: “Kodak đã thực hiện các cuộc thử nghiệm và trải qua nhiều lần thất bại cũng như điều chỉnh lại tấm áp suất trong phòng thí nghiệm. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi Christopher ngồi ở rạp và xem lại kết quả thử nghiệm phân cảnh phim đen trắng đầu tiên, điều này thật tuyệt vời. Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì tương tự như thế này.”
9. Cillian không có kiến thức vật lý nhưng bạn diễn khác thì ngược lại
Ngôi sao của loạt phim “Inception” từng thừa nhận rằng anh “không có đủ năng lực để hiểu những kiến thức về vật vật lý lượng tử”. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không xảy ra đối với Benny Safdie – nam diễn viên thủ vai Edward Teller. Trước khi bước chân vào con đường diễn xuất chuyên nghiệp thì Benny là một Nhà khoa học tiềm năng và được đào tạo về ngành Vật lý hạt nhân tại trường trung học.
“Tôi đang làm việc cùng một Nhà Vật lý tại Đại học Columbia. Tôi đang nghiên cứu kiến thức về các loại tia trong vũ trụ, đây là niềm đam mê to lớn của tôi.” – Tiết lộ của Benny trên tờ Vulture.
Benny Safdie. Ảnh: huffingtonpost
10. Xuất hiện diễn viên từng thủ vai trong dự án lấy cảm hứng từ Oppenheimer
Christopher Denham – người đóng vai Klaus Fuchs từng xuất hiện trong “Manhattan” vào năm 2014, một tác phẩm cũng lấy nguồn cảm hứng từ việc phát triển vũ khí nguyên tử. Vai diễn mà Christopher thể hiện trong bộ phim đó là Jim Meeks, tuy chỉ là nhân vật hư cấu nhưng lại sở hữu nhiều điểm tương đồng với bản ngã của Oppenheimer.
11. Không có bất kỳ phân cảnh nào bị xóa bỏ hoặc ngắt giữa chừng của Đạo diễn
Tình yêu mà Christopher Nolan dành cho máy quay IMAX và định dạng phim 70mm khiến quá trình sản xuất trở nên vô cùng tốn kém, vì thế vị Đạo diễn tài năng này luôn cố gắng đảm bảo từng giây từng phút trong phim của mình đều phải sẵn sàng trước khi bắt đầu hô khẩu lệnh Action. Nam chính Cillian chia sẻ với Collider: “Không có cảnh nào bị cắt bỏ trong phim của Christopher Nolan, đây cũng là lý do tại sao hầu hết phim của anh ấy không có DVD bổ sung bởi vì ngay từ giai đoạn kịch bản thì nó đã là một bộ phim. Anh ấy hiểu rõ chính xác điều gì sẽ xảy ra và không mất thời gian loay hoay tìm cách thay đổi câu chuyện.”
12. Cảnh nóng đầu tiên mà Nolan chỉ đạo
Người hâm mộ sẽ đôi chút ngạc nhiên khi biết rằng “Oppenheimer” là tác phẩm đầu tiên mà Nolan chỉ đạo có sự xuất hiện của cảnh quay mang tính thân mật. Mặc dù từng cầm trịch 11 dự án điện ảnh trước đây nhưng lần trở lại mới nhất này thì vị Đạo diễn nổi tiếng mới có cơ hội thực hiện cảnh quay như thế. Cụ thể, nam chính Oppenheimer có ảnh ân ái cùng Nhà nữ khoa học nổi tiếng và Jean Tatlock – thành viên của Đảng cộng sản, đồng thời là nhân vật để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời Oppenheimer.
Ảnh: huffingtonpost
Biện minh cho những khoảnh khắc thân mật trên phim, Nolan chia sẻ với Insider rằng chúng “rất cần thiết” để giúp người xem có cái nhìn toàn cảnh về cuộc đời của Oppenheimer. “Mối quan hệ mãnh liệt giữa anh ấy và Jean Tatlock là một trong các yếu tố quan trọng nhất xuyên suốt cuộc đời Nhà khoa học này. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém nằm ở việc Jean vốn là người Cộng sản và nỗi ám ảnh của anh về cô đã gây ra hậu quả to lớn cho cuộc sống về sau, ảnh hưởng đến số phận cuối cùng của anh.”
“Bên cạnh đó, lưu ý rằng cần phải hiểu mối quan hệ của hai người và thực sự nhìn thấy các yếu tố bên trong, hiểu điều gì đã khiến sợi dây liên kết này trở nên quan trọng để không cảm thấy xấu hổ hay rụt rè khi ám chỉ về nó […]”
13. Cảnh khỏa thân của Florence Pugh không đồng nhất ở mọi nơi trên thế giới
Các phân cảnh thân mật giữa Oppenheimer với người tình của anh đã khiến tác phẩm bị gán nhãn R nhưng khi xem phim người hâm mộ sẽ phát hiện một số phân cảnh được bổ sung khá lạ lẫm. Tại các quốc gia Trung Đông cũng như một số nước như Ấn Độ, Pakistan và UAE thì phân cảnh thân mật này buộc phải có sự tác động của công nghệ CGI để che đi những yếu tố nhạy cảm.
14. Nolan đã nghĩ về Oppenheimer từ khi còn là thiếu niên
Đạo diễn lớn lên tại Anh vào những năm 1980 khi Nhà khoa học này “là một phần của văn hóa đại chúng mà chúng ta không được biết nhiều về ông ấy”. Nolan bày tỏ thêm với Bulletin: “Lần đầu tiên tôi gặp Oppenheimer trong mối quan hệ đó, anh ấy đã được nhắc đến trong bài hát của Sting về người Nga ra mắt thời điểm đấy và có đề cập đến thứ “đồ chơi chết người” của chính anh ấy. Đó là đỉnh cao của CND (Chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân), mối đe dọa chiến tranh khi tôi 12-13-14 tuổi và là nỗi sợ hãi lớn nhất hầu hầu hết tất cả chúng tôi đều có.”
15. Từng là nguồn tư liệu tham khảo cho “Tenet”
Trong một cuộc phỏng vấn, Nolan có dịp hồi tưởng lại sự việc khi các Nhà khoa học tại Los Alamos được thông báo về khả năng bom nguyên tử có thể hủy diệt thế giới. Ông giải thích thêm: “Điều đấy gây ấn tượng cho tôi như kiểu tình huống kịch tính nhất với năng lực chấm dứt sự sống trên Trái Đất. Đây là điều mà chưa ai trong lịch sử thế giới từng phải đối mặt.
Đặc biệt, tôi cũng từng nhắc đến yếu tố này trong bộ phim gần đây nhất của mình mang tên “Tenet” […] Bạn có thể cho kem đánh răng trở lại ngược vào ống hay không? Sự nguy hiểm của kiến thức một khi được tiết lộ và biết đến bạn sẽ chẳng thể nào quay ngược lại thời gian và giấu chúng đi.”
Nguồn tham khảo: huffingtonpost
Diệu Ngô